Ban Tiếp công dân TƯ tiếp đoàn đông người Bình Dương. Ảnh: Thái Hải
Ban Tiếp công dân TƯ cùng các cơ quan tiếp công dân tại Trụ sở Tiếp công dân đã nỗ lực tiếp công dân, vận động, thuyết phục công dân trở về địa phương. Trong đó nổi bật là các đoàn đông người, lưu trú tại Trụ Sở lâu dài như đoàn Long An, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh…
Điển hình là vụ ông Bùi Chí Dũng trú tại 215/37 Huỳnh Văn Bánh, phường 12, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh cùng một số công dân đại diện cho 103 doanh nghiệp sản xuất gạch theo công nghệ Hoffiman trên địa bàn tỉnh Bình Dương liên tục đến Trụ sở Tiếp công dân TƯ để kiến nghị một số nội dung liên quan đến việc chấm dứt hoạch động sản xuất gạch theo công nghệ Hofiman. Các công dân kiến nghị đề nghị UBND tỉnh tổ chức đối thoại với các doanh nghiệp, đồng thời đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất gạch theo công nghệ Hoffiman trên địa bàn tiếp tục kéo dài thời gian hoạt động theo chủ trương của Chính phủ đến năm 2018 - 2020.
Theo các công dân, từ năm 2002, các doanh nghiệp sản xuất gạch đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, giấy phép xây dựng, quyết định ưu đãi đầu tư và có kê khai nộp thuế. Đến năm 2009, các doanh nghiệp dần chuyển đổi mô hình từ đun đốt gạch thủ công sang đun đốt gạch theo công nghệ lò Hoffiman. Trong quá trình thực hiện chuyển đổi, các doanh nghiệp đã bị xử phạt vi phạm hành chính do xây dựng không phép. Tuy nhiên, các lò Hoffiman trên vẫn tồn tại và tiếp tục hoạt động cho đến nay, các doanh nghiệp thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế với nhà nước và tích cực tham gia, đóng góp xây dưng các công trình phúc lợi, giải quyết hàng vạn lao động.Việc UBND tỉnh Bình Dương cưỡng chế, phá dỡ, chấm dứt hoạt động của các lò gạch Hoffman làm ảnh hưởng rất lớn về kinh tế cho doanh nghiệp cũng như đời sống của các công nhân sản xuất gạch trên địa bàn tỉnh.
Liên quan đến vụ việc này có nhiều văn bản chỉ đạo của các cơ quan TƯ. Ngày 20/10/2014, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải có văn bản 8268 chỉ đạo Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Bình Dương kiểm tra, xem xét và giải quyết đề nghị của công dân. Ngày 9/1/2015, Bộ Xây dựng ra thông báo các sở ngành địa phương kiên quyết và nghiêm túc thực hiện lộ trình chấm dứt hoạt động các lò gạch Hofiman.
Ngày 24/8/2015, Ban Tiếp công dân TƯ đề xuất lãnh đạo Thanh tra Chính phủ giao Cục III thành lập tổ công tác để kiểm tra, rà soát nội dung vụ việc. Ngày 28/9, ông Dũng cùng 50 công dân tiếp tục đến Trụ sở Tiếp công dân TƯ để KN với thái độ bức xúc và gay gắt. Tiếp đó ngày 2/10, Thanh tra Chính phủ có văn bản đề nghị UBND tỉnh Bình Dương quan tâm, chỉ đạo, giải quyết dứt điểm kiến nghị của các doanh nghiệp.
Ban Tiếp công dân TƯ và các cơ quan tham gia tiếp công dân tại Trụ sở đã nhiều lần tổ chức tiếp, vận động, giải thích, đề nghị công dân trở về địa phương để được xem xét, giải quyết và có văn bản gửi tỉnh Bình Dương. Ban Tiếp công dân TƯ cũng đề xuất lãnh đạo TTCP đề nghị Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương khẩn trương có biện pháp tổ chức đối thoại, vận động và sớm đưa công dân trở về địa phương để giải quyết dứt điểm vụ việc; Giao TTCP thành lập Đoàn thanh tra liên ngành thanh tra trách nhiệm của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương trong công tác quản lý đất đai, tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết KN, TC. Gần đây nhất, ngày 19/10, Ban Dân nguyện Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng có văn bản đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương chỉ đạo các cơ quan xem xét, giải quyết đơn của công dân.
Ngày 20/10, Ban Tiếp công dân TƯ cũng đã tiếp Trần Lực và một số công dân tại quận 9, TP Hồ Chí Minh TC Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh vi phạm pháp luật trong việc giải quyết KN liên quan đến những sai phạm của chính quyền địa phương trong việc thực hiện dự án Khu công nghệ cao tại quận 9.
Trước đó, ngày 17/9/2015, Văn phòng Chính phủ có văn bản đề nghị UBND TP báo cáo kết quả giải quyết KN của ông Ngữ, đồng thời có văn bản chuyển nội dung đơn của 41 công dân đến UBND TP Hồ Chí Minh để xem xét, xử lý theo quy định. Tuy nhiên, chính quyền địa phương chưa xem xét các nội dung đơn của công dân do Văn phòng Chính phủ chuyển đến, nên công dân đến Văn phòng Chính phủ với thái độ bức xúc.
Sau buổi tiếp công dân ngày 20/10, Ban Tiếp công dân TƯ kiến nghị Phó Thủ tướng chỉ đạo Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh phối hợp với TTCP cùng với các cơ quan tham gia tiếp dân tại Trụ sở Tiếp công dân của TƯ tổ chức tiếp, đối thoại với công dân về nội dung liên quan đến từng nội dung trong kết luận thanh tra, quá trình thu hồi đất khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh và quá trình giải quyết KN, TC của công dân, nhằm giải quyết dứt điểm các KN, TC của công dân.
Đối với vụ việc tại huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An, ngày 20/10 Tổ công tác của tỉnh do Chánh Thanh tra Phan Hữu Hạnh làm Tổ trưởng cùng với lãnh đạo Ban Tiếp công dân TƯ đã có buổi tiếp xúc và làm việc với các hộ dân. Sau buổi tiếp, toàn bộ công dân đã lên xe trở về địa phương ngay trong tối 20/10.
Ngày 9/10, Tổ công tác của UBND tỉnh Bình Dương do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Hùng Dũng làm Trưởng đoàn đã tới Trụ sở Tiếp công dân TƯ tại Hà Nội. Tổ thống nhất với lãnh đạo Trụ sở tiếp các công dân tại Trụ sở. Tuy nhiên, chiều cùng ngày, Tổ công tác tỉnh Bình Dương ra sân bay để trở về địa phương và không thực hiện việc tiếp công dân tại Trụ sở.
Hiện, các công dân trên tiếp tục lưu trú tại Trụ sở và có thái độ bức xúc, dễ kích động do Tổ công tác tới Trụ sở nhưng không tiếp xúc và gặp gỡ các công dân có mặt tại Trụ sở. ST