Cụ thể, toàn ngành Thanh tra của tỉnh đã triển khai 253 cuộc thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực hành chính và chuyên ngành đối với 1.398 tổ chức, cá nhân. Qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện 313 tổ chức, cá nhân có sai phạm; tổng sai phạm về kinh tế là 27.616,8 triệu đồng. Đã kiến nghị xử lý và thu hồi về ngân sách nhà nước 7.876,3 triệu đồng; giảm trừ giá trị quyết toán 243 triệu đồng; xử phạt vi phạm hành chính nộp ngân sách nhà nước 2.380,1 triệu đồng, kiến nghị khác 19.497,5 triệu đồng.
Các sai phạm chủ yếu trong các lĩnh vực: Xây dựng cơ bản, kinh doanh xăng dâu, thương mại, các mặt hàng thực phẩm, an toàn thực phẩm, chăn nuôi thú y... |
Thực hiện Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh công tác thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp, Thanh tra tỉnh Hà Nam thường xuyên theo dõi, rà soát, xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp. Các sở, ban, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đã đề xuất thanh tra, kiểm tra đối với 2.087 đơn vị doanh nghiệp. Trong đó có 485 doanh nghiệp trùng lắp, chồng chéo (trùng lắp, chồng chéo giữa các đơn vị trên địa bàn tỉnh là 472 doanh nghiệp; trùng lắp, chồng chéo với các bộ, ngành trung ương là 13 doanh nghiệp). Sau khi xử lý, số doanh nghiệp thực tế được thanh tra, kiểm tra là 1.813 đơn vị doanh nghiệp; 14 doanh nghiệp xin hoãn thanh, kiểm tra do dịch bệnh Covid-19.
Trong 9 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã triển khai 39 cuộc thanh tra hành chính, trong đó có 30 cuộc theo kế hoạch và 9 cuộc đột xuất tại 178 đơn vị. Qua thanh tra đã phát hiện sai phạm về kinh tế với số tiền 25.236,7 triệu đồng (đã thu hồi về ngân sách nhà nước 5.496,2 triệu đồng, giảm trừ giá trị quyết toán 243 triệu đồng, kiến nghị khác 19.497,5 triệu đồng).
Đối với Thanh tra tỉnh, đã thực hiện 23 cuộc thanh tra hành chính (theo kế hoạch 16 cuộc và đột xuất 07 cuộc) tại 130 đơn vị trên các lĩnh vực quản lý tài chính và đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý đất đai; đã kết thúc thanh tra trực tiếp 16 cuộc và ban hành 80 kết luận thanh tra. Qua thanh tra đã phát hiện sai phạm về kinh tế với số tiền 25.196,2 triệu đồng. Từ đó đã kiến nghị thu hồi 5.469,2 triệu đồng, giảm trừ giá trị quyết toán 229,7 triệu đồng và kiến nghị khác 19.497,5 triệu đồng.
Bên cạnh đó, toàn tỉnh cũng đã tổ chức được 214 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đối với 1.220 lượt cá nhân, tổ chức. Qua đó phát hiện 241 cá nhân, tổ chức có sai phạm, và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trên các lĩnh vực 215 trường hợp với số tiền xử phạt vi phạm là 2.380,1 triệu đồng, đã thu nộp ngân sách nhà nước là 2.380,1 triệu đồng.
Đối với công tác giám sát, xử lý sau thanh tra, toàn tỉnh Hà Nam trong 9 tháng vừa qua đã đôn đốc thực hiện 97 kết luận thanh tra và kiến nghị xử lý hành chính; thu hồi về ngân sách 2.355,56 triệu đồng; xử lý khác 1.142,9 triệu đồng; và xử lý hành chính 04 tổ chức, 03 cá nhân. Qua đôn đốc thực hiện kết luận sau thanh tra, các sai phạm cơ bản đã được xử lý.
Ngoài ra, UBND tỉnh luôn quan tâm, chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát, xây dựng báo cáo, chuẩn bị hồ sơ, tài liệu phục vụ Đoàn rà soát của Ban Thường vụ Tỉnh ủy rà soát các cuộc thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành và việc thực hiện kiến nghị của Kiểm toán nhà nước trên địa bàn tỉnh từ năm 2019 - 2021.
Bên cạnh đó, công tác xây dựng lực lượng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác thanh tra luôn được quan tâm thực hiện. Toàn ngành Thanh tra của tỉnh Hà Nam có 141 người; trong đó có 01 Thanh tra viên cao cấp; 30 Thanh tra viên chính; 80 Thanh tra viên; 30 cán bộ, công chức trong biên chế chưa vào ngạch thanh tra và lao động hợp đồng. Thanh tra tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên rà soát, cử cán bộ tham gia các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ: 05 cán bộ học lớp bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra viên, 02 cán bộ học lớp bồi dưỡng nghiệp vụ Thanh tra viên chính theo hình thức trực tuyến.
Nhìn chung, công tác thanh tra toàn tỉnh Hà Nam được chỉ đạo triển khai theo đúng kế hoạch, đảm bảo nội dung, yêu cầu, tổ chức thực hiện các cuộc thanh tra phù hợp với tình hình thực tế; kết luận, kiến nghị xử lý khách quan, chính xác, kịp thời, khả thi. Hoạt động thanh tra chuyên ngành được tiến hành trên các lĩnh vực. Công tác xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra đã phát huy hiệu quả trong công tác chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp. Công tác theo dõi, đôn đốc việc thực hiện xử lý sau thanh tra được tăng cường, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả các kết luận thanh tra, những sai phạm cơ bản đã được xử lý, đặc biệt là sai phạm về kinh tế. Bân cạnh đó, công tác tổ chức, xây dựng lực lượng ngày càng được quan tâm, hoàn thiện. Các tổ chức Thanh tra và công chức trong ngành luôn giữ vững bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động, tích cực nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ trong thực thi công vụ.
Trong những tháng cuối năm, UBND tỉnh Hà Nam vẫn đặt công tác thanh tra là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, sẽ tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm Luật Thanh tra năm 2010, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, Chỉ thị số 08/CT-UBND ngày 30/7/2018 của UBND tỉnh về nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra và xử lý sau thanh tra. Tập trung lực lượng, hoàn thành các cuộc thanh tra, kiểm tra theo Kế hoạch năm 2022 đã được phê duyệt và thực hiện các cuộc thanh tra đột xuất theo chỉ đạo của các cơ quan Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các vụ việc tiêu cực do nhân dân và công luận phát hiện. Thường xuyên rà soát, xử lý chồng chéo, trùng lặp trong kế hoạch thanh tra, kiểm tra của các cơ quan, đơn vị, địa phương theo đúng Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp.
Đồng thời, khảo sát, xây dựng kế hoạch thanh tra năm 2023 theo chỉ đạo của Thanh tra Chính phủ. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra theo quy định của pháp luật, kiểm tra tính chính xác, hợp pháp của kết luận thanh tra và quyết định xử lý sau thanh tra theo quy định của Luật Thanh tra năm 2010. Thường xuyên theo dõi, kiêm tra, đôn đôc việc thực hiện các kêt luận thanh tra, quyết định, kiến nghị xử lý sau thanh tra có hiệu lực pháp luật. Ngoài ra, tổ chức thực hiện hiệu quả việc sử dụng phần mềm quản lý hoạt động thanh tra, kiểm tra trên toàn tỉnh.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra theo quy định của pháp luật. Nâng cao hiệu quả công tác theo dõi, kểm tra, đôn đốc việc thực hiện các kết luận thanh tra, quyết định, kiến nghị xử lý sau thanh tra có hiệu lực pháp luật. Tiến hành thanh tra lại khi cần thiết, kiểm tra tính chính xác, hợp pháp của kết luận thanh tra và quyết định xử lý sau thanh tra theo quy định của Luật Thanh tra năm 2010./.