Kiểm soát tài sản, thu nhập là một trong những biện pháp quan trọng góp phần thực hiện công tác quản lý cán bộ, phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý tham nhũng. Vừa qua, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập năm 2022 và tổ chức bốc thăm lựa chọn ngẫu nhiên 30 người đang công tác tại một số bộ, cơ quan, doanh nghiệp nhà nước ở Trung ương để tiến hành xác minh về tài sản, thu nhập, nhiều địa phương trong cả nước cũng đã triển khai kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập năm 2022. Để làm rõ hơn một số nội dung liên quan đến các quy định về xác minh tài sản, thu nhập, phóng viên Tạp chí Thanh tra đã có bài phỏng vấn ông Hoàng Thái Dương, Cục trưởng Cục Phòng, chống tham nhũng (PCTN), Thanh tra Chính phủ.
|
Ông Hoàng Thái Dương, Cục trưởng Cục PCTN, TTCP (ngồi thứ 2 từ phải qua) cùng Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông ký biên bản bốc thăm phần liên quan tới Bộ KH&ĐT |
PV: Thưa Cục trưởng, ông có thể nói rõ hơn về trình tự xác minh tài sản, thu nhập đối với người có nghĩa vụ kê khai thông qua việc lựa chọn ngẫu nhiên theo quy định của Nghị định 130/2020/NĐ-CP?
Ông Hoàng Thái Dương: Luật PCTN năm 2018 quy định nhiều căn cứ để tiến hành xác minh tài sản, thu nhập đối với người có nghĩa vụ kê khai như xác minh khi có dấu hiệu rõ ràng về việc kê khai không trung thực; có tố cáo về việc kê khai không trung thực và đủ điều kiện thụ lý theo quy định của Luật Tố cáo; có yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền… Nhưng đặc biệt lần đầu tiên Luật PCTN quy định việc xác minh tài sản, thu nhập theo kế hoạch hằng năm đối với người có nghĩa vụ kê khai được lựa chọn ngẫu nhiên.
Trình tự, thủ tục xác minh tài sản, thu nhập đã được quy định trong Luật PCTN năm 2018 và cụ thể hóa tại Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 20/10/2020 của Chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị (Nghị định 130). Về mặt nghiệp vụ, có thể khái quát trình tự tiến hành một cuộc xác minh tài sản, thu nhập bao gồm 3 giai đoạn: Chuẩn bị xác minh, tiến hành xác minh và kết thúc việc xác minh. Đối với việc xác minh thông qua việc lựa chọn ngẫu nhiên người được xác minh thì có một số thủ tục đặc thù, chủ yếu liên quan đến giai đoạn chuẩn bị xác minh.
Trong giai đoạn chuẩn bị xác minh theo kế hoạch hằng năm đối với người kê khai được lựa chọn ngẫu nhiên, việc đầu tiên là các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập phải căn cứ định hướng xác minh do Thanh tra Chính phủ hướng dẫn để ban hành kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập. Định hướng xác minh được xây dựng theo quy trình chặt chẽ với sự phối hợp của các cơ quan có thẩm quyền và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây là căn cứ để các cơ quan kiểm soát tài sản xác định trong kế hoạch hằng năm sẽ tiến hành xác minh tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nào, khâu nào trong phạm vi kiểm soát của mình, thời điểm tiến hành, việc sắp xếp bố trí nhân lực và các nguồn lực cần thiết khác để bảo đảm hoàn thành mục tiêu kế hoạch, đáp ứng các yêu cầu đề ra.
Bước tiếp theo là phải khẩn trương tổ chức lựa chọn ngẫu nhiên người được xác minh. Nghị định 130 quy định chậm nhất là 10 ngày sau khi ban hành kế hoạch xác minh thì cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập phải tổ chức lựa chọn ngẫu nhiên người được xác minh bằng cách sử dụng phần mềm máy tính hoặc bốc thăm. Tùy theo điều kiện thực tế của mỗi cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập mà có thể áp dụng hình thức lựa chọn cho phù hợp nhưng phải thực hiện trên nguyên tắc công khai, minh bạch, bảo đảm tính ngẫu nhiên, công bằng trong việc lựa chọn người được xác minh. Nghị định 130 cũng đã quy định các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập khi tổ chức lựa chọn ngẫu nhiên người được xác minh phải mời đại diện Ủy ban Kiểm tra (UBKT) và Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) cùng cấp dự, chứng kiến. Thực tế thực hiện tại Thanh tra Chính phủ vừa qua đã mời đại diện UBKT Trung ương, Ủy ban Trung ương MTTQ VN, đồng thời còn mời đại diện các cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý người được xác minh dự và chứng kiến việc bốc thăm lựa chọn người được xác minh. Tiếp đó, cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập phảỉ thực hiện các bước cần thiết khác để tiến hành xác minh như thu thập các thông tin, tài liệu cần thiết để chuẩn bị cho việc xác minh, ban hành quyết định xác minh và thành lập Tổ xác minh. Đặc biệt, để việc tiến hành xác minh bảo đảm chặt chẽ, khách quan, kịp thời thì người đứng đầu cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập cần phải chỉ đạo Tổ trưởng Tổ xác minh xây dựng kế hoạch xác minh chi tiết đối với người được xác minh và trình Thủ trưởng cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập phê duyệt.
Trong giai đoạn tiến hành xác minh, kết thúc việc xác minh thì trình tự, thủ tục xác minh thông qua việc lựa chọn ngẫu nhiên người được xác minh cơ bản tương tự như các trường hợp xác minh khác. Căn cứ kế hoạch xác minh được phê duyệt, Tổ xác minh yêu cầu người được xác minh báo cáo, giải trình, cam kết về sự trung thực trong kê khai tài sản, thu nhập; tiến hành các nghiệp vụ kiểm tra, xác minh và báo cáo kết quả xác minh. Bước cuối cùng, người đứng đầu cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập ban hành kết luận xác minh và tổ chức việc công khai kết luận xác minh theo quy định.
PV: Có ý kiến cho rằng, việc bốc thăm lựa chọn ngẫu nhiên người được xác minh mang tính chất “may, rủi”, nên có thể dẫn đến việc bỏ lọt người kê khai tài sản, thu nhập thiếu trung thực. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
Ông Hoàng Thái Dương: Theo quy định của Luật PCTN năm 2018 thì số lượng người kê khai tài sản, thu nhập mỗi năm đã giảm đi nhiều so với quy định tại Luật PCTN năm 2005 tuy nhiên vẫn còn khá lớn. Trong thời gian từ 01/10/2021 đến 30/9/2022, trên phạm vi cả nước đã có tổng cộng 542.337 người kê khai tài sản, thu nhập.
Trong điều kiện hiện nay thì các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập không thể có đủ nguồn lực về thời gian, con người để xác minh toàn bộ số lượng lớn những người kê khai tài sản, thu nhập mỗi năm nên pháp luật đã quy định cơ chế xác minh ngẫu nhiên như vậy. Xác minh ngẫu nhiên không phải là “may, rủi” mà mang tính khách quan, khoa học, bảo đảm bất kỳ cán bộ nào trong số những người phải kê khai tài sản, thu nhập hằng năm đều có thể được xác minh nếu được lựa chọn một cách ngẫu nhiên. Vì vậy mà những người có nghĩa vụ kê khai sẽ nhận thức được rằng mình rất có thể là đối tượng được kiểm tra, xác minh bất cứ khi nào và từ đó có ý thức tự giác, chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập.
Hơn nữa, việc lựa chọn ngẫu nhiên không phải là cơ chế duy nhất để xác minh tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Theo quy định của Luật PCTN năm 2018, các cơ quan kiểm soát tài sản có thể tiến hành xác minh khi phát hiện dấu hiệu về việc kê khai tài sản, thu nhập không trung thực; khi người kê khai tài sản bị tố cáo về việc kê khai không trung thực hoặc theo yêu cầu, đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền… Với các cơ chế xác minh như vậy thì chắc chắn sẽ kịp thời phát hiện, xử lý được những người cố ý vi phạm, hạn chế được những trường hợp kê khai không trung thực, thúc đẩy tính tự giác của người kê khai.
PV: Vậy làm thế nào để đảm bảo tính trung thực trong các bản kê khai tài sản, thu nhập nếu chỉ trông đợi vào sự tự giác của người được kê khai, thưa ông?
Ông Hoàng Thái Dương: Trước đây, Luật PCTN năm 2005 chỉ quy định chế định về minh bạch tài sản, thu nhập còn việc kiểm soát tài sản, thu nhập tuy đã bước đầu được đề cập nhưng chưa được cụ thể hóa. Do đó, công tác quản lý chủ yếu tập trung vào kiểm soát việc kê khai, công khai tài sản thu nhập trên cơ sở sự tự giác của người kê khai mà rất ít tổ chức các hoạt động kiểm tra, xác minh. Nếu cán bộ, công chức không tự giác kê khai tài sản của mình thì cơ quan, tổ chức, đơn vị, đồng nghiệp cũng khó mà biết được. Ví dụ như một công chức trong bản kê khai tài sản, thu nhập thể hiện không có tiền gửi tiết kiệm thì cơ quan, đơn vị thường cũng chỉ ghi nhận, để đó, khi có sự việc liên quan thì mới xem xét.
Đến nay, theo quy định của Luật PCTN năm 2018 thì việc kiểm soát tài sản, thu nhập đã có sự thay đổi căn bản. Công tác kiểm soát tập trung trực tiếp vào tài sản, thu nhập của người kê khai. Hoạt động kiểm tra, xác minh sẽ được tổ chức thường xuyên. Thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập cũng được quy định rất cụ thể, bảo đảm cho việc tiến hành các hoạt động kiểm tra, xác minh được hiệu quả. Nếu công chức không tự giác kê khai tài sản sẽ rất dễ bị phát hiện, xử lý. Trong ví dụ nêu trên, nếu như công chức kê khai không có tiền gửi tiết kiệm thì cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập có thể chủ động yêu cầu, đề nghị cơ quan quản lý nhà nước về ngân hàng hoặc trực tiếp yêu cầu các tổ chức tín dụng cung cấp thông tin về tiền gửi của công chức, vợ hoặc chồng, con chưa thành niên của công chức tại thời điểm kê khai để so sánh, đối chiếu với bản kê khai, từ đó phát hiện việc kê khai không trung thực, nếu có. Vì vậy mà Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập hoàn toàn không phụ thuộc vào sự tự giác của người kê khai tài sản, thu nhập. Tuy nhiên, việc kê khai trung thực và sự tự giác của người kê khai sẽ là một trong những căn cứ quan trọng để nhận xét, đánh giá, kết luận khi tiến hành xác minh cũng như phục vụ cho việc xem xét, xử lý khi có vi phạm.
PV: Theo ông, để đảm bảo hiệu quả của công tác phòng, chống tham nhũng thông qua việc kiểm soát tài sản, thu nhập thì công tác hoàn thiện pháp luật về kiểm soát tài sản, thu nhập tới đây cần phải tập trung giải quyết những vấn đề gì?
Ông Hoàng Thái Dương: Luật PCTN năm 2018 và các cơ chế chính trị, pháp lý hiện nay đã cơ bản bảo đảm cho việc tổ chức thực hiện công tác kiểm soát tài sản, thu nhập đối với cán bộ, đảng viên, người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. Các quy định về kê khai, công khai tài sản thu nhập được kế thừa phát triển từ Luật PCTN năm 2005 và được thực hiện khá thuận lợi. Tuy vậy, qua thực tiễn thực hiện thời gian qua, tôi thấy vẫn còn 03 vấn đề nổi lên đòi hỏi các cơ quan liên quan cần tập trung, nghiên cứu để tiếp tục hoàn thiện cơ chế pháp lý về kiểm soát tài sản, thu nhập, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng.
Một là, về quy trình nghiệp vụ xác minh tài sản, thu nhập: Xác minh tài sản, thu nhập là công tác mới được triển khai rộng rãi. Luật PCTN và Nghị định của Chính phủ đã có nhiều quy định chi tiết nhưng đi vào thực tiễn thực hiện vẫn còn không ít vướng mắc. Bên cạnh đó, có nhiều cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức nay mới được giao thẩm quyền, trách nhiệm về kiểm soát tài sản, thu nhập, chưa có kinh nghiệm thực tiễn, còn nhiều lúng túng. Nếu các quy định, hướng dẫn, nhất là về nghiệp vụ không rõ ràng, cụ thể thì sẽ rất khó khăn khi tổ chức thực hiện. Do đó cần phải khẩn trương nghiên cứu, tổng hợp, đánh giá thực tiễn công tác xác minh tài sản, thu nhập thời gian qua để sớm cụ thể hóa, chi tiết hóa các quy định, hướng dẫn về trình tự, thủ tục, quy trình nghiệp vụ tiến hành hoạt động kiểm tra, xác minh về tài sản, thu nhập theo hướng “cầm tay, chỉ việc” để tạo thuận lợi cho hoạt động xác minh.
Hai là, về cơ chế quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập: Để vận hành được Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập đáp ứng mục tiêu đề ra thì rất cần phải xây dựng, hoàn thiện các quy định cụ thể về quản lý, khai thác, bảo vệ Cơ sở dữ liệu quốc gia cũng như các quy định có liên quan về tổ chức bộ máy, biên chế để thực hiện việc quản lý, vận hành. Đặc biệt là để đạt được mục tiêu thực hiện việc kê khai, quản lý tài sản, thu nhập trực tiếp trên Hệ thống cơ sở dữ liệu, kết nối với các hệ thống cơ sở dữ liệu khác về thuế, ngân hàng, quản lý đất đai, đăng ký tài sản… thì còn phải rà soát, bổ sung, sửa đổi Luật PCTN và một số văn bản pháp luật có liên quan.
Ba là, về việc xử lý tài sản bất minh: Theo quy định hiện nay, nếu qua công tác kiểm soát tài sản, thu nhập phát hiện người kê khai che dấu tài sản hoặc không thể giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc của tài sản tăng thêm thì cơ quan có thẩm quyền chỉ xử lý được đối với người kê khai mà chưa có biện pháp cụ thể để xử lý đối với những tài sản bất minh của người đó. Hành vi tham nhũng xảy ra ở nước ta trong thời gian qua chủ yếu là vụ lợi về vật chất. Nếu pháp luật có cơ chế để xử lý đối với tài sản bất minh, tác động trực tiếp đến động cơ của hành vi tham nhũng thì chắc chắn công tác kiểm soát tài sản sẽ góp phần hơn nữa trong việc nâng cao hiệu quả công tác PCTN. Do đó cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất để cơ quan có thẩm quyền sớm quy định biện pháp xử lý đối với tài sản, thu nhập trong trường hợp người kê khai tài sản không trung thực và có sự bất minh về nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm.
PV: Trân trọng cảm ơn ông./.