Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công (PAPI) do Trung tâm Nghiên cứu Phát triển - Hỗ trợ Cộng đồng (CECODES), Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam và Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học thuộc Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (RTA) phối hợp thực hiện được thí điểm lần đầu tiên vào năm 2009.

Năm 2010 thực hiện trên 30 tỉnh, thành và đến năm 2011, PAPI được mở rộng và triển khai trên tất cả 63 tỉnh, thành trên cả nước. Từ năm 2018, Chỉ số PAPI được thiết kế để thu thập phản ánh và ý kiến của người dân về mức độ hiệu quả quản trị và hành chính công của chính quyền, cụ thể trên 08 trục nội dung: (1) Sự tham gia của người dân ở cơ sở; (2) Công khai, minh bạch trong ra quyết định; (3) Trách nhiệm giải trình với người dân; (4) Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; (5) Thủ tục hành chính công; (6) Cung ứng dịch vụ công; (7) Quản trị môi trường; và (8) Quản trị điện tử. Trong đó, trục nội dung về “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công "tập trung đo lường cảm nhận và trải nghiệm của người dân về hiệu quả phòng, chống tham nhũng của các cấp chính quyền, mức độ chịu đựng tham nhũng của người dân cũng như sự quyết tâm giảm thiểu tham nhũng của chính quyền và người dân. Bốn nội dung thành phần cấu thành chỉ số này gồm: (i) Kiểm soát tham nhũng trong chính quyền địa phương; (ii) Kiểm soát tham nhũng trong cung ứng dịch vụ công; (iii) Công bằng trong tuyển dụng nhân lực vào khu vực công; (iv) Quyết tâm chống tham nhũng của chính quyền địa phương.

Thực trạng hiệu quả kiểm soát tham nhũng trong khu vực công ở Việt Nam hiện nay

Thông qua kết quả khảo sát PAPI từ năm 2011 - 2022, có thể đưa ra một số đánh giá về hiệu quả kiểm soát tham nhũng trong khu vực công ở Việt Nam hiện nay như sau:

Thứ nhất, về tổng điểm trục nội dung “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công”. Từ khi triển khai khảo sát trên cả nước, cả giai đoạn 2011-2022, tổng điểm về kiểm soát tham nhũng trong khu vực mặc dù có sự biến động nhưng nhìn chung cả giai đoạn có sự tăng điểm vượt trội, tăng từ 5.76 điểm lên 6.69 điểm, tăng 0.93 điểm. Điều này cho thấy, hiệu quả kiểm soát tham nhũng trong khu vực công ngày càng được cải thiện và phản ánh đúng thực trạng phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay. Đặc biệt, từ năm 2018 đến nay, điểm tổng ở trục nội dung này luôn ở mức xấp xỉ 7.0 điểm và đứng thứ 3/8 trục nội dung thành phần của PAPI.

Bảng 1. Điểm tổng “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công”

Năm

2011

2012

2013

2014

2015

2016

2017

2018

2019

2020

2021

2022

Tổng điểm

5.76

5.90

6.15

6.11

5.75

5.69

6.09

6.57

6.82

6.96

6.84

6.69

(Nguồn: Báo cáo Chỉ số PAPI 2016, 2019, 2022, https://papi.org.vn/)

Thứ hai, về nội dung thành phần “Kiểm soát tham nhũng trong chính quyền địa phương”. Nội dung thành phần này đo lường hiệu quả trên kiểm soát tham nhũng của chính quyền địa phương các cấp với điểm số tối thiểu là 0.25 và tối đa là 2.5, dựa trên 04 nội dung chính bao gồm: (i) Tỉ lệ người trả lời cho biết cán bộ chính quyền không dùng tiền công quỹ vào mục đích riêng; (ii) Tỉ lệ người trả lời cho biết người dân không phải chi thêm tiền để được nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; (iii) Tỉ lệ người xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã phải chung chi cho người làm thủ tục; (iv) Tỉ lệ người trả lời cho biết người dân không phải chi thêm tiền để nhận được giấy phép xây dựng. Mặc dù đây không phải là nội dung có điểm cao nhất trong 04 nội dung thành phần nhưng điểm số nội dung này luôn giữ ở mức trung bình trở lên và có sự cải thiện qua các năm. Giai đoạn 2011 - 2022, nội dung thành phần này tăng 0.24 điểm, từ 1.40 lên 1.64 điểm. Trong đó, năm cao nhất tăng lên đến 1.73 điểm (2019 và 2020) thuộc nhóm trung bình cao (Hình 1).

 

Hình 1. Nội dung “Kiểm soát tham nhũng trong chính quyền địa phương”

(Nguồn: Báo cáo Chỉ số PAPI 2016, 2019, 2022, https://papi.org.vn/)

Thứ ba, về nội dung thành phần “Kiểm soát tham nhũng trong cung ứng dịch vụ công”. Nội dung thành phần này thực hiện đo lường hiệu quả trên kiểm soát tham nhũng trong cung ứng dịch vụ công ở 02 lĩnh vực thiết yếu là giáo dục và y tế với điểm số tối thiểu là 0.25 và tối đa là 2.5, dựa trên 03 nội dung chính: (i) Tỉ lệ người trả lời cho biết người dân không phải chi thêm tiền để được quan tâm hơn khi đi khám chữa bệnh ở bệnh viện tuyến huyện/quận; (ii) Tỉ lệ người sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh đã phải chung chi để bản thân hoặc người thân được chăm sóc tốt hơn; (ii) Tỉ lệ người trả lời cho biết phụ huynh học sinh tiểu học không phải chi thêm tiền để con em được quan tâm hơn. Đây là nội dung thành phần có điểm cao nhất trong 04 nội dung thành phần và cũng là nội dung có xu hướng tăng điểm ổn định nhất. Cụ thể giai đoạn 2011 - 2022, nội dung này tăng từ 1.76 tăng lên 2.00 điểm, tăng 0.24 điểm, năm cao nhất (2020) đạt 2.06 điểm thuộc nhóm điểm cao nhất (Hình 2).

 

Hình 2. Nội dung “Kiểm soát tham nhũng trong cung ứng dịch vụ công”

(Nguồn: Báo cáo Chỉ số PAPI 2016, 2019, 2022, https://papi.org.vn/)

Thứ tư, về nội dung thành phần “Công bằng trong tuyển dụng vào khu vực công”. Tương tự 02 nội dung trên, nội dung thành phần này cũng được đo lường với thang điểm từ 0.25-2.5 điểm, với 02 nội dung chính: (i) Tỉ lệ người trả lời không phải đưa tiền “lót tay” để được việc làm trong cơ quan nhà nước; (ii) Mối quan hệ cá nhân với người có chức quyền là không quan trọng khi xin vào làm trong cơ quan nhà nước. Dựa trên kết quả tại Hình 3 có thể thấy, đây là nội dung thành phần luôn có điểm số thấp nhất trong 04 nội dung. Mặc dù từ năm 2011 đến nay, điểm số nội dung này cũng có sự cải thiện, tăng từ 0.94 lên 1.15, tăng 0.21 điểm. Tuy nhiên, điểm số tất cả các năm luôn thấp hơn mức trung bình, kể cả năm cao nhất (2020) cũng chỉ đạt 1.22 điểm.

 

Hình 3. Nội dung “Công bằng trong tuyển dụng vào khu vực công”

(Nguồn: Báo cáo Chỉ số PAPI 2016, 2019, 2022, https://papi.org.vn/)

Thứ năm, về nội dung thành phần 4 “Quyết tâm chống tham nhũng của chính quyền địa phương”. Cũng với thang điểm từ 0.25-2.5 điểm, nội dung thành phần này đo lường quyết tâm chống tham nhũng của chính quyền địa phương các cấp trên 04 trục nội dung sau: (i) Tỉ lệ người dân cho biết không bị vòi vĩnh đòi hối lộ trong 12 tháng vừa qua; (ii) Tỉ lệ người dân cho biết chính quyền tỉnh/ thành phố đã xử lý nghiêm túc vụ việc tham nhũng ở địa phương; (iii) Mức tiền đòi hối lộ người dân bắt đầu tố cáo; (iv) Người bị vòi vĩnh đã tố cáo hành vi đòi hối lộ. Qua kết quả khảo sát cho thấy (Hình 4), quyết tâm chống tham nhũng của chính quyền địa phương qua các năm có sự cải thiện rõ rệt. Cả giai đoạn 2011 - 2022, điểm số nội dung này tăng từ 1.66 lên 1.90 điểm, tăng 0.24 điểm. Theo đó, từ năm 2018 đến nay điểm số nội dung thành phần này luôn đạt ở mức trung bình cao, với điểm số xoay quanh mức 1.90 điểm.

 

Hình 4. Nội dung “Quyết tâm chống tham nhũng của chính quyền địa phương”

(Nguồn: Báo cáo Chỉ số PAPI 2016, 2019, 2022, https://papi.org.vn/)

Một số giải pháp nâng cao hiệu quả kiểm soát tham nhũng trong khu vực công ở Việt Nam hiện nay

Thứ nhất, tiếp tục tăng cường công tác kiểm soát tham nhũng của chính quyền địa phương các cấp. Trong đó, trọng tâm là công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra tình trạng giải quyết thủ tục hành chính ở địa phương, tập trung vào các thủ tục liên quan đến giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép xây dựng và các loại giấy phép liên quan đến hoạt động trực tiếp sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Thứ hai, hoàn thiện chính sách, pháp luật về tuyển dụng công chức, viên chức theo hướng công khai, minh bạch, công bằng và cạnh tranh bình đẳng. Đồng thời, sớm hoàn thiện và ban hành Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài trong khu vực công. Bên cạnh đó, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần thường xuyên thanh tra, kiểm tra hoạt động tuyển dụng công chức, viên chức.

Thứ ba, cải thiện chất lượng cung ứng dịch vụ công, nâng cao tinh thần trách nhiệm, phục vụ nhân dân ở các cơ quan hành chính nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập như: bộ phận một cửa, bệnh viện, trường học,… đáp ứng ngày càng tốt hơn sự hài lòng của người dân đối với việc cung ứng dịch vụ công của Nhà nước.

Thứ tư, phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của cấp tỉnh trong kiểm soát tham nhũng trong khu vực công. Đồng thời, gắn vai trò, trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong việc cải thiện, nâng cao chỉ số quyết tâm chống tham nhũng của địa phương. Xử lý nghiêm và công khai kết quả xử lý đối với các cán bộ nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp

Thứ năm, đẩy mạnh công khai, minh bạch gắn với nâng cao trách nhiệm giải trình trong hoạt động của các cơ quan nhà nước. Theo đó, tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả công tác công bố, công khai thông tin theo Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 và các quy định pháp luật liên quan. Đồng thời, cần nâng cao trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cao và xử lý, giải đáp ý kiến, kiến nghị của người dân theo Luật Khiếu nại năm 2011, Luật Tố cáo năm 2018, Luật Tiếp công dân năm 2013./.​