Tạo lập cơ chế phối hợp đồng bộ, thống nhất trong thanh tra

Đối tượng của Đề án hướng tới là các chủ thể có thẩm quyền giám sát, kiểm tra, thanh tra; các chủ thể có trách nhiệm thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định từ hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Đồng thời, Đề án sẽ tập trung vào hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra thuộc phạm vi thẩm quyền của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các cấp và doanh nghiệp nhà nước (DNNN), trong thời gian 5 năm từ 2021-2025.

Theo Đề án, mục tiêu cụ thể nhằm phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm, phạm vi, nội dung giám sát, kiểm tra, thanh tra đối với DNNN.

Phương thức giám sát, kiểm tra, thanh tra đối với đối tượng DNNN cũng sẽ được đổi mới. Cùng với đó, “tạo lập cơ chế phối hợp đồng bộ, thống nhất, bảo đảm không trùng lặp, chồng chéo trong giám sát, kiểm tra, thanh tra đối với DNNN. Bảo đảm 100% các cuộc thanh tra theo kế hoạch của các cơ quan có chức năng thanh tra không bị trùng lặp về phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian thanh tra”, Đề án xác định rõ mục tiêu.

Việc kiện toàn tổ chức và nâng cao ý thức trách nhiệm, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tính chuyên nghiệp của các chủ thể có thẩm quyền trong hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra DNNN cũng được thực hiện. Bảo đảm 100% công chức trực tiếp giám sát đối tượng trên được đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về quản trị doanh nghiệp, chính sách pháp luật có liên quan.

Một mục tiêu quan trọng khác cũng được Đề án nhấn mạnh đó là tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình và kịp thời phát hiện xử lý hành vi vi phạm pháp luật của các chủ thể có thẩm quyền trong kiểm tra, giám sát, kiểm tra, thanh tra DNNN. Trong đó, 100% báo cáo giám sát, kết luận kiểm tra, kết luận thanh tra được công khai trừ những nội dung thuộc bí mật Nhà nước.

Thêm nữa, các kết luận, kiến nghị, quyết định từ hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra đối với DNNN sẽ được nâng cao tính chính xác, khách quan, kịp thời, khả thi. Bảo đảm mọi kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý từ hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra được thực hiện nghiêm túc.

Trách nhiệm thanh tra được nâng lên, hoạt động ngày càng minh bạch

Để thực hiện những mục tiêu cụ thể trên, Đề án đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ, trong đó tại nhóm giải pháp về hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật sẽ hoàn thiện quy định về thẩm quyền, trách nhiệm giám sát, kiểm tra, thanh tra đối với DNNN theo hướng phân định rõ thẩm quyền. Cùng với đó hoàn thiện quy định về phạm vi, nội dung, phương thức giám sát, kiểm tra, thanh tra đối với đối tượng này.

Đáng chú ý, trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền trong giám sát, kiểm tra, thanh tra DNNN sẽ được tăng cường.

Cụ thể, trong xây dựng kế hoạch kiểm tra, thanh tra, cơ quan đại diện chủ sở hữu giám sát chặt chẽ, thường xuyên kiểm tra hoạt động của doanh nghiệp thuộc thẩm quyền quản lý, đặc biết là giám sát, kiểm tra giai đoạn chuẩn bị phê duyệt, thực hiện dự án đầu tư có nguồn vốn của nhà nước; định kỳ đánh giá việc thực hiện các dự án đầu tư này của doanh nghiệp và chịu trách nhiệm liên đới nếu thực hiện không đầy đủ trách nhiệm theo chức năng, nhiệm vụ được giao khi xảy ra vi phạm pháp luật, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.

Kế hoạch kiểm tra, thanh tra hàng năm của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải xác định rõ doanh nghiệp là đối tượng thanh tra, kiểm tra và phạm vi, nội dung thanh tra, kiểm tra. Trước 1/10 hàng năm, cơ quan đại diện chủ sở hữu chủ động cung cấp thông tin, tài liệu về phạm vi, nội dung cần kiểm tra, thanh tra đối với DNNN thuộc thẩm quyền quản lý cho các cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra để xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra.

Trước khi ban hành kế hoạch thanh tra, kiểm tra đối với DNNN do Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và các bộ, ngành là đại diện chủ sở hữu có trách nhiệm gửi dự thảo kế hoạch kiểm tra, thanh tra về Thanh tra Chính phủ để rà soát, xử lý chồng chéo, trùng lặp và kiểm tra sự thống nhất với định hướng chương trình thanh tra. Trường hợp xử lý chồng chéo, trùng lặp về đối tượng, phạm vi, nội dung, thời gian kiểm tra, thanh tra, Tổng Thanh tra Chính phủ quyết định cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp kiểm tra, thanh tra và kịp thời thông báo cho cơ quan chủ trì xây dựng dự thảo kế hoạch và cơ quan phối hợp trước khi phê duyệt kế hoạch. Thanh tra Chính phủ yêu cầu cơ quan xây dựng dự thảo kế hoạch điều chỉnh kế hoạch thanh tra cho phù hợp với định hướng chương trình thanh tra.

Tương tự, cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra đối với DNNN do UBND tỉnh là đại diện chủ sở hữu có trách nhiệm gửi dự thảo kế hoạch kiểm tra, thanh tra về Thanh tra Chính phủ để rà soát xử lý chồng chéo, trùng lặp và thống nhất. Trường hợp phát hiện có sự chồng chéo về phạm vi, đối tượng, thời gian thanh tra giữa các cơ quan có thẩm quyền ở địa phương và trung ương, Chánh Thanh tra tỉnh chủ trì, phối hợp với Chánh Thanh tra Bộ quản lý ngành để xử lý. Trường hợp có sự không thống nhất, Chánh Thanh tra tỉnh có trách nhiệm báo cáo Thanh tra Chính phủ xử lý.

Trong khi đó, Chánh Thanh tra bộ quản lý ngành có trách nhiệm chủ trì xử lý chồng chéo về phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ pháp luật và chấp hành các quyết định của chủ sở hữu DNNN thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ, phối hợp với Chánh Thanh tra tỉnh giải quyết việc chồng chéo về thanh tra, kiểm tra trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương...

Cùng với nhóm giải pháp về tăng cường trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền trong giám sát, kiểm tra, thanh tra DNNN, Đề án cũng đề ra các giải pháp quan trọng khác về thực hiện minh bạch, trách nhiệm giải trình; kiện toàn tổ chức, nâng cao đạo đức công vụ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và phát huy vai trò của xã hội trong hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra DNNN. Tổng hòa các giải pháp nhằm hướng đến hiện thực hóa không chỉ các mục tiêu cụ thể trên mà rộng hơn, còn hướng tới nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả giám sát, kiểm tra, thanh tra nhằm phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật, tiêu cực, tham nhũng lãng phí trong DNNN; bảo đảm việc quản lý, sử dụng có hiệu quả vốn, tài sản của nhà nước tại doanh nghiệp, góp phần nâng cao vai trò của DNNN trong phát triển kinh tế - xã hội.