KNTC là quyền của công dân và đã được quy định cụ thể trong nhiều văn bản pháp luật. Khoản 1 Điều 30 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân”. Như vậy, KNTC là quyền của công dân

Theo Điều 61 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, công dân có quyền tố cáo về người ứng cử, KNTC, kiến nghị về những sai sót trong việc lập danh sách những người ứng cử.

Tuy nhiên, Khoản 2 Điều 61 cũng nêu rõ: “Trong thời hạn 10 ngày trước ngày bầu cử, Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban bầu cử, Ban bầu cử ngừng việc xem xét, giải quyết mọi KNTC, kiến nghị về người ứng cử và việc lập danh sách những người ứng cử.

Trong trường hợp những KNTC đã rõ ràng, có đủ cơ sở kết luận người ứng cử không đáp ứng đủ tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND thì Hội đồng bầu cử quốc gia (đối với bầu cử đại biểu Quốc hội) hoặc Ủy ban bầu cử ở cấp tương ứng (đối với bầu cử đại biểu HĐND) quyết định xóa tên người đó trong danh sách chính thức những người ứng cử trước ngày bầu cử và thông báo cho cử tri biết”. Đồng thời, Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban bầu cử ở tỉnh, Ủy ban bầu cử ở huyện, Ủy ban bầu cử ở xã chuyển toàn bộ hồ sơ về KNTC chưa được giải quyết đến Ủy ban thường vụ Quốc hội (đối với bầu cử đại biểu Quốc hội) hoặc Thường trực HĐND khóa mới ở cấp tương ứng (đối với bầu cử đại biểu HĐND) để tiếp tục xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.

Có thể thấy, hệ thống pháp luật của nước ta đã quy định đầy đủ, rõ ràng, cụ thể về quyền KNTC của công dân nói chung và quyền KNTC trong công tác bầu cử nói riêng. Việc giải quyết các KNTC trong bầu cử nhằm bảo đảm cho các bước, các công đoạn trong quá trình tổ chức bầu cử được tiến hành đúng quy định của pháp luật. Qua đó, cho thấy, các quy định về quyền KNTC của công dân đã góp phần động viên cử tri tham gia “giám sát” hoạt động bầu cử. Qua đó, giúp các cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền kịp thời phát hiện, xử lý kịp thời những sai sót, vi phạm trong hoạt động bầu cử

Để chuẩn bị tốt cho “Ngày hội toàn dân”, ngay từ đầu tháng 01/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-TTg về tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn việc kê khai tài sản đối với người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp theo chỉ đạo của Hội đồng bầu cử quốc gia và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Mặt khác, chủ trì hoặc phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tập trung giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các KNTC của công dân trước, trong và sau bầu cử.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 09/3/2021, TTCP đã ban hành Kế hoạch số 383/KH-TTCP về việc phối hợp tổ chức tiếp công dân đảm bảo an ninh, trật tự phục vụ bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Kế hoạch nhằm nâng cao hiệu quả và đảm bảo quyền KNTC của công dân, đồng thời đảm bảo mối quan hệ phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan Trung ương và địa phương trong công tác tiếp công dân và giải quyết KNTC. Đặc biệt, kịp thời xử lý các tình huống đối với các đoàn công dân KNTC đông người, phức tạp, bức xúc, kéo dài tại Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh thời gian trước, trong và sau ngày bầu cử.

Căn cứ vào Kế hoạch số 383/KH-TTCP của Thanh tra Chính phủ, các Bộ, ban, ngành và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng kế hoạch cụ thể để tổ chức thực hiện. Thực tế cho thấy, ngay sau khi Kế hoạch của Thanh tra Chính phủ được ban hành, các Bộ, ban, ngành và UBND các tỉnh thành, phố trực thuộc Trung ương đều đã ban hành Kế hoạch của cơ quan, đơn vị mình và triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt.

Kết luận tại Hội nghị toàn quốc công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra ngày 18/5/2021, một trong những nhiệm vụ được Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia đề nghị các cơ quan, tổ chức hữu quan, các tỉnh, thành phố tập trung thực hiện là: Kịp thời xem xét, giải quyết khiếu nại về kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND, chuyển các hồ sơ KNTC, kiến nghị liên quan đến công tác bầu cử mà chưa được giải quyết đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Thường trực HĐND các cấp để tiếp tục xem xét, yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, Ban Chấp hành Trung ương vừa ban hành Chỉ thị của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Trong đó, yêu cầu các cấp uỷ, các tổ chức đảng lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ việc xây dựng các phương án bảo đảm an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội; giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các KNTC của công dân; ngăn chặn mọi hành vi lợi dụng dân chủ, vi phạm pháp luật về bầu cử.

Như vậy, công tác giải quyết KNTC phục vụ công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo sát sao, kịp thời; các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương triển khai thực hiện một cách đồng bộ, quyết liệt.

Đánh giá đánh giá về công tác giải quyết KNTC liên quan tới bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, đại diện lãnh đạo Ban Tiếp công dân Trung ương cho biết: Qua theo dõi tại Trụ sở Ban Tiếp công dân Trung ương, cũng như trong phạm vi cả nước, tình hình KNTC của công dân giảm rõ rệt về số vụ việc, số lượt công dân, số đoàn đông người. Đáng chú ý, trong nhiệm kỳ 2016-2021, kể cả về các KNTC liên quan đến nhân sự của Đại hội Đảng các cấp và nhân sự ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp cũng giảm rõ rệt. Có thể nói, đây là dấu hiệu tích cực cho thấy công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC cũng như công tác quản lý nhà nước trên mọi lĩnh vực đã, đang đạt kết quả khả quan, góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân với cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp.

Hơn nữa, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, nhiều vụ việc đã được giải quyết ngay từ khi mới phát sinh nên số lượt người trực tiếp đến cơ quan hành chính Nhà nước và gửi đơn, thư KNTC, kiến nghị, phản ánh giảm dần. Các đơn thư KNTC của công dân có liên quan đến công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu HĐND đã được các cơ quan chức năng tiếp nhận, xử lý kịp thời, góp phần tạo thêm lòng tin giữa cử tri với các đại biểu ứng cử.

Như vậy, công tác giải quyết KNTC từ đầu năm đến nay, nhất là các đơn thư KNTC có liên quan đến công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu HĐND, có đóng góp quan trọng cho thành công của cuộc bầu cử ngày 23/5/2021 đang cận kề; tạo điều kiện thuận lợi nhất để Nhân dân thực hiện đầy đủ quyền làm chủ của mình trong việc lựa chọn, giới thiệu, bầu người có đủ đức, đủ tài, xứng đáng đại diện cho Nhân dân cả nước tại Quốc hội khoá XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026./.

Minh Nguyệt