Đưa, nhận, môi giới hối lộ bị phạt từ 20-30 triệu đồng

Theo quy định tại Mục 2 Nghị định 117/2020/NĐ-CP về hành vi vi phạm hành chính về KBCB, thì việc bán thuốc cho người bệnh dưới mọi hình thức, trừ trường hợp được bán thuốc y học cổ truyền theo quy định của pháp luật; đưa, nhận, môi giới hối lộ trong KBCB bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.

Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: KBCB khi chưa được cấp chứng chỉ hành nghề; KBCB khi đang trong thời gian bị thu hồi chứng chỉ hành nghề hoặc bị đình chỉ hành nghề; KBCB vượt quá phạm vi hoạt động chuyên môn được ghi trong chứng chỉ hành nghề (trừ trường hợp cấp cứu và trường hợp thực hiện thêm các kỹ thuật chuyên môn đã được cho phép theo quy định của pháp luật); thuê, mượn chứng chỉ hành nghề KBCB để hành nghề; cho người khác thuê, mượn chứng chỉ hành nghề KBCB; không kịp thời sơ cứu, cấp cứu, điều trị cho người bệnh; từ chối KBCB cho người bệnh, trừ trường hợp được quyền từ chối KBCB theo quy định của pháp luật.

Trong hoạt động KBCB, phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Cung cấp dịch vụ KBCB mà không có giấy phép hoạt động KBCB hoặc đang trong thời gian bị đình chỉ hoạt động hoặc tại địa điểm không được ghi trong giấy phép hoạt động KBCB; cung cấp dịch vụ KBCB vượt quá phạm vi chuyên môn được ghi trong giấy phép hoạt động, trừ trường hợp cấp cứu; áp dụng kỹ thuật, phương pháp mới trong KBCB mà chưa được phép của Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc Giám đốc Sở Y tế; không bảo đảm một trong các điều kiện sau khi đã được cấp giấy phép hoạt động KBCB đối với hình thức tổ chức là bệnh viện có quy mô trên 500 giường bệnh; cung cấp dịch vụ thẩm mỹ tại cơ sở dịch vụ thẩm mỹ khi chưa có văn bản thông báo đáp ứng đủ điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ gửi về cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; điều trị nội trú tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không được phép điều trị nội trú, trừ trường hợp được lưu người bệnh ngoại trú để theo dõi theo quy định của pháp luật.

 Đưa, nhận, môi giới hối lộ có thể bị phạt từ 20.000.000 - 30.000.000 đồng. (Ảnh: Minh Nguyệt)

Bên cạnh đó, về KBCB, Nghị định còn quy định vi phạm về: Chuyên môn trong KBCB; sử dụng thuốc trong cơ sở KBCB có điều trị nội trú và trong thời gian lưu người bệnh ngoại trú để theo dõi; sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm; điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo; hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác; xác định lại giới tính; khám sức khỏe…

Thẩm quyền xử phạt của Thanh tra

Theo quy định tại Điều 104, Thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành đang thi hành công vụ có quyền phạt cảnh cáo. Đồng thời, phạt tiền đến 300.000 đồng đối với vi phạm hành chính về dân số; đến 500.000 đồng đối với vi phạm hành chính về y tế dự phòng và phòng, chống HIV/AIDS, bảo hiểm y tế (BHYT), KBCB, dược, mỹ phẩm và trang thiết bị y tế; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt nêu trên; áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm c và đ Khoản 1 Điều 28 của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Bên cạnh đó, Điều 104 còn quy định thẩm quyền của Chánh Thanh tra cấp Sở, Chi Cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình thuộc Sở Y tế, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành cấp sở và Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành của cơ quan nhà nước có thẩm quyền được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành (gọi chung là Chánh Thanh tra cấp Sở và tương đương); Chánh Thanh tra cấp Bộ, Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Cục trưởng Cục Quản lý dược, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và các chức danh tương đương được Chính phủ giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành (gọi chung là Chánh Thanh tra cấp Bộ và tương đương); Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành cấp Bộ.

Theo đó, Chánh Thanh tra cấp Sở và tương đương; Chánh Thanh tra cấp Bộ và tương đương; Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành cấp Bộ đều có thẩm quyền phạt cảnh cáo; áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm c, d, đ, e, g, h và i Khoản 1 Điều 28 của Luật Xử lý vi phạm hành chính và Khoản 3 Điều 3 Nghị định này.

Tuy nhiên, mức phạt tiền của mỗi cấp có sự khác nhau. Trong đó, đối với vi phạm hành chính về dân số, Chánh Thanh tra cấp Sở và tương đương có quyền phạt tiền đến 15.000.000 đồng; Chánh Thanh tra cấp Bộ và tương đương có quyền phạt tiền đến 30.000.000 đồng; Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành cấp Bộ có quyền phạt tiền đến 21.000.000 đồng.

Đối với vi phạm hành chính về y tế dự phòng và phòng, chống HIV/AIDS, Chánh Thanh tra cấp Sở và tương đương có quyền phạt tiền đến 25.000.000 đồng; Chánh Thanh tra cấp Bộ và tương đương có quyền phạt tiền đến 50.000.000 đồng; Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành cấp Bộ có quyền phạt tiền đến 35.000.000 đồng.

Đối với vi phạm hành chính về bảo hiểm y tế, Chánh Thanh tra cấp Sở và tương đương có quyền phạt tiền đến 37.500.000 đồng; Chánh Thanh tra cấp Bộ và tương đương có quyền phạt tiền đến 75.000.000 đồng; Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành cấp Bộ có quyền phạt tiền đến 52.500.000 đồng.

Đối với vi phạm hành chính về KBCB, dược, mỹ phẩm và trang thiết bị y tế, Chánh Thanh tra cấp Sở và tương đương có quyền phạt tiền đến 50.000.000 đồng; Chánh Thanh tra cấp Bộ và tương đương có quyền phạt tiền đến 100.000.000 đồng; Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành cấp Bộ có quyền phạt tiền đến 70.000.000 đồng.

Ngoài ra, Chánh Thanh tra cấp Sở và tương đương; Chánh Thanh tra cấp Bộ và tương đương; Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành cấp Bộ đều có thẩm quyền tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt được quy định nêu trên./.