Skip Ribbon Commands
Skip to main content

“Đã quản lý Nhà nước thì phải có thanh tra”

Diễn đàn thanh tra  
“Đã quản lý Nhà nước thì phải có thanh tra”

(Dẫn nguồn: Báo điện tử Thanh tra) – “Đã quản lý Nhà nước thì phải có thanh tra. Tổng cục, cục có chức năng quản lý Nhà nước thì phải có thanh tra. Tôi ủng hộ”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh và cũng đồng tình, không bỏ thanh tra cấp huyện.

“Đã quản lý Nhà nước thì phải có thanh tra. Tổng cục, cục có chức năng quản lý Nhà nước thì phải có thanh tra. Tôi ủng hộ”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu

Chiều ngày 26/5, Quốc hội thảo luận tại tổ Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi). Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là bỏ hay không thanh tra cấp huyện; tổ chức các cơ quan thanh tra thế nào?

Không bỏ mà cần duy trì, nâng cao năng lực cho thanh tra huyện

“Tôi đã từng có thời kỳ làm thanh tra, có ít nhiều kinh nghiệm về lĩnh vực này”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại tổ.

Bày tỏ quan điểm ủng hộ quy định cơ quan thanh tra theo cấp hành chính như hiện nay gồm: Thanh tra Chính phủ, thanh tra tỉnh, thanh tra huyện như hiện nay, theo Chủ tịch nước, chúng ta đang phân cấp, giao quyền rất lớn cho các địa phương nhiều nội dung quản lý Nhà nước, do vậy cần bộ máy để kiểm tra, đôn đốc…

Chung mối quan tâm, đại biểu Nguyễn Việt Thắng (Kiên Giang) nói, tôi không đồng tình với một số ý kiến đề nghị không tổ chức thanh tra cấp huyện.

Theo ông Thắng, dù báo cáo tổng kết thi hành Luật Thanh tra có nêu số vụ việc thanh tra huyện thực hiện “rất ít”, biên chế “hạn chế” và còn “nhiều khó khăn”, nhưng vai trò thanh tra huyện rất quan trọng.

“Ngoài chức năng thanh tra, thanh tra huyện còn thực hiện các nhiệm vụ khác rất quan trọng, đặc biệt là tham mưu tích cực, hiệu quả công tác tiếp công dân; giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Do đó, chẳng những không giải thể mà cần phải duy trì và nâng cao năng lực cho lực lượng này để thực hiện nhiệm vụ tốt ở địa phương”, đại biểu đoàn Kiên Giang nêu quan điểm.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Quang, Phó Giám đốc Công an TP HCM nhấn mạnh, phòng ngừa, xử lý sai phạm luôn luôn đặt ra. Do đó, thanh tra phát hiện kịp thời sai phạm ngay tại cơ sở để xử lý là “rất quan trọng”. Vì vậy phải có cơ quan thanh tra cấp huyện để giúp UBND huyện phát hiện để chấn chỉnh, xử lý kịp thời.

“Nếu bỏ thanh tra cấp huyện sẽ dồn việc lên thanh tra cấp tỉnh, như vậy sẽ quá tải”, ông Quang nói. Bởi, theo ông, chúng ta đã chủ trương kiện toàn bộ máy hiệu lực, hiệu quả nên bộ máy thanh tra cấp tỉnh sẽ tinh gọn lại mà đầu việc nhiều thì không thể xuống huyện, nhất là vùng sâu, vùng xa dẫn đến không ngăn chặn kịp thời các sai phạm nếu có.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: Đ.X

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho hay, ban đầu đề án nghiên cứu muốn thiết kế mô hình cơ quan thanh tra theo hướng tập trung cho Trung ương, tỉnh, bỏ thanh tra cấp huyện. Vấn đề này cũng được nêu trong Chiến lược Phát triển ngành Thanh tra đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

“Đó mới là những định hướng, chưa phải văn bản pháp luật. Qua phân tích, đánh giá, nhiều ý kiến trong các cơ quan của Quốc hội, đặc biệt là Thường vụ Quốc hội thì không những giữ thanh tra 3 cấp: Trung ương, tỉnh và huyện, mà còn phải tập trung tăng cường năng lực cho cấp huyện vì đây là cấp gần dân nhất, nhiều việc nhất, vì cấp phường, xã không có thanh tra”, ông Vương Đình Huệ khẳng định.

Nên quy định “cứng” tổng cục, cục, sở nào lập cơ quan thanh tra

Nhiều đại biểu cũng tán thành với đề xuất thành lập thanh tra tổng cục, cục thuộc bộ, bên cạnh thanh tra bộ, thanh tra sở để thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo ngành, lĩnh vực.

“Đã quản lý Nhà nước thì phải có thanh tra. Tổng cục, cục có chức năng quản lý Nhà nước thì phải có thanh tra. Tôi ủng hộ, nhưng bộ máy làm sao cho gọn nhẹ”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nói.

Chủ tịch nước thấy dự thảo luật “viết rất khéo” khi quy định việc thành lập thanh tra sở do chủ tịch UBND tỉnh quyết định.

“Hiện nay thanh tra ở các sở “ngồi chơi xơi nước” nhiều, không phát huy được nhiều, chủ yếu phụ thuộc vào giám đốc sở”, ông nói và cho rằng, thanh tra sở phải tính toán lại theo hướng gọn nhẹ nhưng có hiệu lực để tăng cường cho thanh tra ở các cấp hành chính.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại tổ thảo luận Luật Thanh tra (sửa đổi). Ảnh: Đ.X

Đại biểu Thắng cũng thống nhất giao UBND tỉnh quyết định, thành lập thanh tra sở. Song để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ về hệ thống tổ chức thanh tra, cũng như hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, đại biểu đề nghị quy định “cứng” sở có phạm vi quản lý rộng, chuyên ngành phức tạp bắt buộc phải có cơ quan thanh tra.

Còn những sở không thành lập cơ quan thanh tra thì nhiệm vụ thanh tra và các nhiệm vụ khác đang đảm nhiệm sẽ do cơ quan nào thực hiện. “Nếu không quy định thì khi luật có hiệu lực thi hành sẽ có nhiều xáo trộn và rất bị động ở cấp tỉnh”, đại biểu Thẳng nói.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho hay 10 năm giữ cương vị Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, nhận thấy lực lượng thanh tra y tế cấp sở ở TP chỉ đủ để thanh tra nội bộ phòng chống tham nhũng. “Lâu lâu có một vài vụ việc đề xuất thôi”.

“Có những phòng mạch, cơ sở y tế, nhà thuốc hai mấy năm chưa bao giờ thấy thanh tra. Bởi với số lượng đó không bao giờ làm nổi. Chúng ta đôi khi phó mặc… Thanh tra dược, 10 năm tôi làm có 5 thanh tra mà 6.000 nhà thuốc, không biết làm kiểu gì. Thanh tra y cũng cỡ đó”, bà Phong Lan nói.

Tán thành với đề xuất của Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đồng ý với ý kiến của đại biểu là trong luật nên quy định tiêu chí, nguyên tắc và một số định hướng lớn, để trên cơ sở đó Chính phủ, bộ, ngành quyết định.

“Chúng ta kết hợp linh hoạt nhưng đảm bảo tính thống nhất của hệ thống tổ chức bộ máy Nhà nước”, ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh và ví dụ thanh tra tổng cục, cục thuộc bộ, thanh tra sở nào phải là đơn vị “cứng”.

Thẩm tra Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), Ủy ban Pháp luật tán thành thành lập thêm thanh tra tổng cục, cục bên cạnh thanh tra bộ và thanh tra sở trong tổ chức thanh tra ngành, lĩnh vực như đề xuất của Chính phủ quy định trong dự thảo.“Việc quy định thành lập cơ quan thanh tra tại một số tổng cục, cục thuộc bộ là phù hợp với thực tiễn, đồng thời tạo cơ sở pháp lý rõ ràng, minh bạch cho tổ chức và hoạt động của tổ chức thanh tra chuyên ngành tại các cơ quan này”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu trước Quốc hội.Việc thành lập cơ quan thanh tra tại tổng cục, cục thuộc bộ không “dàn đều”. Để có cơ sở kiểm soát chặt chẽ việc thành lập cơ quan thanh tra này chỉ trong trường hợp thực sự cần thiết, Ủy ban Pháp luật đề nghị nghiên cứu bổ sung, quy định rõ trong luật các tiêu chí, điều kiện thành lập cơ quan thanh tra tại tổng cục, cục thuộc bộ.

Đề xuất Luật Thanh tra không quy định ban thanh tra nhân dânTrong kết cấu Dự thảo Luật Thanh tra lần này có một vấn đề rất khác biệt với Luật Thanh tra hiện hành là không quy định thanh tra nhân dân.Tổng Thanh tra Đoàn Hồng Phong cho hay, hoạt động thanh tra Nhà nước mang tính quyền lực Nhà nước, về bản chất khác với hoạt động của ban thanh tra nhân dân.“Vì vậy, Chính phủ đã thống nhất chuyển nội dung thanh tra nhân dân sang Dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đang được xây dựng, trình Quốc hội thông qua cùng với Dự án Luật thanh tra (sửa đổi)”, ông Đoàn Hồng Phong nêu trước Quốc hội.Ủy ban Pháp luật thống nhất với đề nghị của Chính phủ. Phát biểu tại tổ, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu ủng hộ vấn đề này. “Tách chương thanh tra nhân dân trong Luật Thanh tra chuyển sang Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, tôi đấy đó là hướng đúng và cũng phù hợp”, ông Vương Đình Huệ nêu.