Củng cố niềm tin của Nhân dân đối với các đại biểu dân cử

Kết quả giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy, trong giai đoạn 2016 - 2021, nhiều Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH), Hội đồng nhân dân (HĐND) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện như xây dựng quy chế tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của Đoàn ĐBQH, HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, ĐBQH và đại biểu HĐND; ban hành kế hoạch tiếp công dân, xử lý đơn thư hàng năm;...

Cùng với đó, ĐBQH và đại biểu HĐND chủ động tham gia đầy đủ vào các buổi tiếp công dân, chất lượng xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân được nâng lên; nhiều vụ việc khiếu nại của công dân còn tồn đọng, kéo dài nhiều năm đã được xem xét, giải quyết; tình trạng khiếu nại đông người, vượt cấp, gây mất an ninh, trật tự ngày càng giảm và được các cơ quan phối hợp giải quyết kịp thời, hiệu quả không để xảy ra tình huống phức tạp trên cả nước.

Đối với công tác tiếp công dân, Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc đánh giá, việc tiếp công dân của Đoàn ĐBQH, HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, của các ĐBQH và đại biểu HĐND luôn được quan tâm, thực hiện theo đúng quy định của Luật Tiếp công dân và các văn bản hướng dẫn thi hành; lịch tiếp công dân của Đoàn ĐBQH, HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng như của người đứng đầu Đoàn ĐBQH, HĐND và các đại biểu được xây dựng chi tiết trong chương trình công tác hàng năm để tổ chức thực hiện và được thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, cũng như được niêm yết công khai tại trụ sở, địa điểm tiếp công dân nơi đại biểu ứng cử.

Công tác tiếp công dân của Trưởng Đoàn ĐBQH, Chủ tịch HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và của các ĐBQH, đại biểu HĐND luôn bảo đảm công khai, dân chủ, khách quan, bình đẳng, đúng quy định pháp luật đã củng cố niềm tin của Nhân dân đối với các đại biểu dân cử và đặc biệt là công tác tiếp công dân của Trưởng Đoàn ĐBQH, Chủ tịch HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cho thấy hiệu quả rõ ràng hơn, được dư luận, cử tri và Nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.

Tại trụ sở, địa điểm tiếp công dân của Đoàn ĐBQH, HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã bảo đảm được điều kiện cơ sở vật chất và các điều kiện khác phục vụ cho hoạt động tiếp công dân; có niêm yết nội quy, quy trình tiếp công dân và lịch tiếp công dân định kỳ của Lãnh đạo Đoàn ĐBQH và Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; công chức phục vụ cho các ĐBQH, đại biểu HĐND tiếp công dân về cơ bản được bố trí có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực, kiến thức pháp luật, kỹ năng tiếp công dân.

Còn với công tác tiếp nhận, xử lý đơn thư, kết quả giám sát chỉ ra rằng, việc tiếp nhận, phân loại đơn thư thành đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh; đơn hành chính, đơn tư pháp; đơn đủ điều kiện xử lý, đơn không đủ điều kiện xử lý cơ bản đã được các Đoàn ĐBQH, HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện đầy đủ theo đúng quy định pháp luật. Cùng với đó, việc xem xét, xử lý cũng đã được thực hiện theo đúng quy trình, thủ tục do pháp luật quy định và kịp thời chuyển các đơn khiếu nại, tố cáo có căn cứ pháp luật đến người có thẩm quyền giải quyết.

Hoạt động giám sát của Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội. Ảnh: VGP

Lồng ghép hoạt động giám sát công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo với các hoạt động giám sát khác

Bên cạnh đó, Đoàn ĐBQH và HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã luôn quan tâm đến công tác giám sát và chỉ đạo đưa nội dung giám sát, khảo sát, giải trình, chất vấn về công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan có thẩm quyền vào chương trình, kế hoạch hoạt động hàng năm của Đoàn ĐBQH, HĐND để tổ chức triển khai thực hiện.

Việc thực hiện giám sát bảo đảm đúng quy trình và các quy định pháp luật, do đó hiệu quả giám sát ngày càng được nâng cao, đồng thời giúp cho các cơ quan, đơn vị chịu sự giám sát thực hiện có hiệu quả hơn chức năng, nhiệm vụ được giao, đáp ứng được yêu cầu của công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo trong tình hình mới.

Ngoài việc tổ chức giám sát theo chuyên đề, Đoàn ĐBQH, HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương còn xem xét báo cáo của các cơ quan tại các kỳ họp giữa năm và cuối năm. Qua giám sát chuyên đề, xem xét báo cáo, xác định những nội dung tồn tại, các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, kéo dài, chậm giải quyết, vướng mắc ở nhiều cấp, nhiều ngành, các Đoàn ĐBQH, HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã lựa chọn, quyết định nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp hoặc tổ chức phiên giải trình giữa hai kỳ họp.

Không những vậy, hoạt động giám sát về công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân còn được lồng ghép với các hoạt động giám sát khác khi nhận được nhiều kiến nghị của công dân. Hoạt động này cũng được các ĐBQH, đại biểu HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện thông qua hoạt động tiếp công dân hàng tháng tại địa phương nơi ứng cử. Đối với các vụ việc phức tạp, kéo dài cũng đã được Đoàn ĐBQH, HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trực tiếp trao đổi, làm việc với người có thẩm quyền giải quyết, đồng thời theo dõi, giám sát, đôn đốc việc giải quyết theo quy định pháp luật.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá, bên cạnh các kết quả tích cực thì vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới, theo đó người đại biểu phải có kiến thức về nhiều lĩnh vực, am hiểu pháp luật và phải dành quỹ thời gian tương xứng để nghiên cứu, cập nhật thông tin, xử lý vụ việc nên đối với đại biểu kiêm nhiệm, nhất là đại biểu không công tác trong các cơ quan nhà nước đã gặp nhiều khó khăn; ngoài ra, việc triển khai thực hiện nhiệm vụ này chủ yếu do Lãnh đạo Đoàn ĐBQH và Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố thực hiện, các đại biểu kiêm nhiệm tuy có tham gia nhưng chưa được nhiều.

Không những vậy, đội ngũ công chức thuộc Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND còn thiếu về số lượng; trình độ chuyên môn, năng lực và kinh nghiệm của một số công chức chưa đáp ứng kịp thời so với yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn này, trong khi khối lượng đơn thư lớn, phức tạp và kéo dài qua nhiều thời kỳ; thêm vào đó, việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn cho đội ngũ công chức chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến chất lượng, hiệu quả tham mưu trong công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa cao.

Cũng như việc theo dõi, đôn đốc, giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của Đoàn ĐBQH và HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương còn hạn chế, chưa tập trung nhiều vào nội dung vụ việc, chưa đeo bám đến cùng việc giải quyết của người có thẩm quyền, mà chủ yếu giám sát qua báo cáo của cơ quan chịu sự giám sát; việc theo dõi, đôn đốc các cơ quan thực hiện kiến nghị sau giám sát chưa thực hiện được thường xuyên; việc tổ chức các đoàn giám sát chuyên đề về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và giám sát các vụ việc cụ thể chưa nhiều./.

Nguồn: Lan Anh