Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác tiếp dân

Diễn đàn thanh tra  
Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác tiếp dân
(ThanhtraVietNam) - Tiếp công dân là trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị đã được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật. Thực tế cho thấy, vẫn có trường hợp người đứng đầu ủy quyền cho cấp phó tiếp công dân, do đó cần sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật có liên quan để gắn trách nhiệm của người đứng đầu với công tác này.

Luật Tiếp công dân năm 2013 quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc tổ chức và thực hiện trực tiếp tiếp công dân để xem xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC), kiến nghị, phản ánh (KNPA)của công dân. Tại Điều 18 Luật Tiếp công dân quy định người đứng đầu cơ quan, đơn vị có trách nhiệm tiếp công dân định kỳ hoặc đột xuất. Cụ thể, tiếp công dân định kỳ, người đứng đầu cơ quan, đơn vị trực tiếp thực hiện việc tiếp công dân ít nhất 01 ngày trong 01 tháng tại địa điểm tiếp công dân của cơ quan mình.

Khoản 3 Điều 18 Luật Tiếp công dân quy định tiếp công dân đột xuất trong các trường hợp sau: Vụ việc gay gắt, phức tạp, có nhiều người tham gia, liên quan đến trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc ý kiến của các cơ quan, tổ chức, đơn vị còn khác nhau. Vụ việc nếu không chỉ đạo, xem xét kịp thời có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng hoặc có thể dẫn đến hủy hoại tài sản của Nhà nước, của tập thể, xâm hại đến tính mạng, tài sản của Nhân dân, ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Đồng thời, người đứng đầu cơ quan, đơn vị có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có trách nhiệm thuộc quyền quản lý của mình thực hiện các quy định của pháp luật trong việc tiếp công dân.

Ngoài ra, theo khoản 5 Điều 12 Luật Tiếp công dân, Chủ tịch UBND cấp tỉnh phải tiếp công dân định kỳ ít nhất 01 ngày trong 01 tháng và khoản 5 Điều 13 quy định Chủ tịch UBND cấp huyện phải tiếp công dân định kỳ ít nhất 02 ngày trong 01 tháng.

Trong quá trình triển khai thực hiện các quy định của Luật Tiếp công dân đã phát sinh những khó khăn, vướng mắc, bất cập liên quan đến việc tiếp công dân của người đứng đầu, cụ thể như:

Điều 18 Luật Tiếp công dân quy định người đứng đầu cơ quan, đơn vị có trách nhiệm tiếp công dân định kỳ hoặc đột xuất. Tuy nhiên, Luật Tiếp công dân lại không quy định cụ thể về việc người tiếp công dân phải trực tiếp tiếp công dân bao nhiêu lần trong 01 năm nên có cơ quan, đơn vị, địa phương, người đứng đầu thường xuyên ủy quyền cho cấp phó thực hiện việc tiếp công dân (Chủ tịch UBND các cấp ủy quyền cho Phó Chủ tịch; Giám đốc Sở ủy quyền cho Phó Giám đốc Sở).

Trong khi đó, việc cấp phó chủ trì tiếp công dân có nhiều khó khăn như cấp phó không có thẩm quyền giải quyết các vụ việc KNTC, KNPA của cá nhân, tổ chức; nhiều vụ việc sau khi tiếp công dân, cấp phó chỉ ghi nhận và báo cáo người đứng đầu xem xét, quyết định, dẫn đến các buổi tiếp công dân do cấp phó chủ trì thực hiện hiệu quả chưa cao.

Bên cạnh đó, vẫn có tình trạng người đứng đầu né tránh, không trực tiếp tiếp công dân đột xuất mà ủy quyền cho cấp phó, do đó đã làm cho công dân bức xúc, ảnh hưởng đến tình hình an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội tại địa phương.

Lý do đưa ra trong các trường hợp ủy quyền cho cấp phó tiếp công dân là do người đứng đầu nhiều việc, phải chủ trì giải quyết các nhiệm vụ quan trọng khác của cơ quan, đơn vị, địa phương nên không có thời gian tiếp công dân. Đây là lý do không phù hợp, bởi vì, tiếp công dân phải được xem là nhiệm vụ quan trọng trong các nhiệm vụ quan trọng, phải được xếp ngang hàng với các nhiệm vụ chính trị quan trọng của địa phương.

Tiếp công dân là trách nhiệm của người đứng đầu đối với Nhân dân nên trừ các lý do thật chính đáng thì mới ủy quyền cho cấp phó tiếp dân. Công dân mong muốn được gặp người đứng đầu để trình bày nội dung KNTC, KNPA của mình và nguyện vọng được người đứng đầu giải quyết hoặc chỉ đạo giải quyết vụ việc của họ.

Nhiều trường hợp khi người đứng đầu tiếp dân thì một số vụ việc KNTC, KNPA của công dân đều được chỉ đạo giải quyết ngay hoặc được giải quyết dứt điểm. Do đó, công dân rất cần người đứng đầu trực tiếp tiếp công dân.

Để gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác tiếp công dân, cần thiết phải xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc hướng dẫn thực hiện Luật Tiếp công dân với những nội dung cụ thể như sau:

Thứ nhất, cần quy định cụ thể trách nhiệm của người đứng đầu tiếp dân định kỳ ít nhất 01 ngày trong 01 tháng và không được ủy quyền cho cấp phó. Trường hợp có lý do thật chính đáng thì người đứng đầu có thể ủy quyền cho cấp phó thực hiện nhưng không được ủy quyền quá 1/3 số lần tiếp công dân của người đứng đầu trong 01 năm.

Thứ hai, đối với trường hợp tiếp công dân đột xuất theo quy định khoản 3 Điều 18 Luật Tiếp công dân thì người đứng đầu không được ủy quyền cho cấp phó tiếp công dân.

Thứ ba, việc tiếp công dân không chỉ là lắng nghe, tiếp nhận KNTC, KNPA của cá nhân, tổ chức; giải thích, hướng dẫn cho cá nhân, tổ chức về việc thực hiện KNTC, KNPA theo đúng quy định của pháp luật mà còn giải quyết hoặc chỉ đạo giải quyết các KNTC, KNPA của công dân, tổ chức. Do đó, cần xem xét, sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 2 Luật Tiếp công dân như sau: “1. Tiếp công dân là việc cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân quy định tại Điều 4 của Luật này đón tiếp để lắng nghe, tiếp nhận và giải quyết hoặc chỉ đạo giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của cá nhân, tổ chức theo quy định của pháp luật; giải thích, hướng dẫn cho cá nhân, tổ chức về việc thực hiện khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo đúng quy định của pháp luật”.

Pháp luật về tiếp công dân quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc trực tiếp tiếp công dân. Do đó, người đứng đầu phải nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc tiếp công dân để giải quyết KNTC, KNPA của cá nhân, tổ chức được kịp thời, chính xác, khách quan. Qua đó, góp phần đảm bảo an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội tại địa phương./.

Luật gia Đỗ Văn Nhân