Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hoạt động thiết thực, bổ ích

74 năm ngày thành lập ngành thanh tra  
Hoạt động thiết thực, bổ ích

 Sau 1 tháng phát động, Ban tổ chức đã nhận được gần 6.000 bài dự thi tham dự 2 cuộc thi trên cả 3 miền Bắc, Trung, Nam với gần 90 đơn vị tham dự.

 

Hoạt động thiết thực, bổ ích

Buổi họp báo phát động Cuộc thi “Tìm hiểu lịch sử truyền thống ngành Thanh tra” và “Báo chí viết về ngành Thanh tra

Nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn ngành Thanh tra, giữ vững và phát huy truyền thống vẻ vang của ngành trong 70 năm xây dựng và phát triển, nỗ lực thi đua lập thành tích xuất sắc chào mừng các sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, ngày truyền thống ngành Thanh tra Việt Nam (23/11/1945-23/11/2015) Thanh tra Chính phủ đã phát động 2 cuộc thi “Tìm hiểu lịch sử truyền thống ngành Thanh tra” và “Báo chí viết về ngành Thanh tra”.

Sau 1 tháng phát động, 2 cuộc thi đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo các nhà báo, cơ quan báo chí và các cán bộ, công chức ngành Thanh tra trên toàn quốc. Với gần 6.000 bài dự thi trên cả 3 miền Bắc, Trung, Nam gửi tham dự 2 cuộc thi, đây là kết quả bất ngờ mà Ban tổ chức nhận được.

Các bài báo được lựa chọn tham dự cuộc thi “Báo chí viết về ngành Thanh tra” đều là những tác phẩm xuất sắc được đăng báo trong thời gian qua. Còn bài dự thi cuộc thi “Tìm hiểu lịch sử truyền thống 70 năm ngành Thanh tra” được đầu tư công phu cả về nội dung và hình thức, chất lượng rất cao với nhiều tâm huyết của tác giả… Đáng chú ý, nhiều bài thi được viết bằng tay dày hàng trăm trang, minh họa bằng nhiều hình ảnh sống động của hoạt động thanh tra, tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo (KN,TC), phòng, chống tham nhũng (PCTN) kèm theo nhiều trích dẫn, tư liệu quý về lịch sử truyền thống 70 năm của ngành Thanh tra...

Sau những ngày chấm giải công tâm, khách quan, đối với cuộc thi “Tìm hiểu lịch sử truyền thống ngành Thanh tra”, Ban Tổ chức đã chọn được 160 tác phẩm lọt vào vòng Chung khảo và trao tặng 47 giải thưởng xuất sắc nhất, gồm: 29 giải Cá nhân, nhóm tác giả và 18 giải Tập thể. Đối với cuộc thi “Báo chí Toàn quốc viết về ngành Thanh tra”, Ban Tổ chức đã chọn được 31 tác phẩm lọt vào vòng Chung khảo và 21 tác phẩm được lựa chọn trao giải.

Có thể nói, 2 cuộc thi “Tìm hiểu lịch sử truyền thống ngành Thanh tra” và “Báo chí Toàn quốc viết về ngành Thanh tra” được Thanh tra Chính phủ tổ chức trong thời gian này mang ý nghĩa hết sức thiết thực không chỉ góp phần tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn ngành Thanh tra về truyền thống vẻ vang 70 năm xây dựng và trưởng thành mà còn là cơ hội, điều kiện để mỗi cán bộ thanh tra nâng cao nhận thức, trình độ hiểu biết pháp luật cũng như lịch sử ngành, đồng thời nêu bật được những thành tựu và đóng góp của ngành Thanh tra cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong 70 năm qua.

Với nội dung đa dạng, bao quát những vấn đề cơ bản, cuộc thi “Tìm hiểu lịch sử truyền thống ngành Thanh tra” và “Báo chí toàn quốc viết về ngành Thanh tra” đã giúp cho người dự thi có thể tìm hiểu sâu hơn lịch sử 70 năm của ngành, về pháp luật về thanh tra, KN,TC và PCTN cũng như thấy được những khó khăn và áp lực trong công việc của người cán bộ thanh tra. Và quan trọng hơn cuộc thi đã góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm đạo đức, ứng xử văn hoá và kỹ năng sử dụng, thực hành pháp luật để xứng đáng với lời huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh “cán bộ thanh tra như cái gương cho người ta soi mặt, gương mờ thì không soi được”.

Ban Giám khảo chấm giải cuộc thi tìm hiểu lịch sử ngành Thanh tra. Ảnh: P.H

Nhiều cán bộ thanh tra trẻ tuổi cũng rất năng nổ và nhiệt tâm với bài dự thi của mình như Nguyễn Thị Lan Anh, Thanh tra huyện Kbang (Gia Lai). Với 5 năm tuổi nghề, Lan Anh đã tích lũy cho mình không ít kiến thức về lịch sử truyền thống 70 năm của ngành Thanh tra Việt Nam và những kiến pháp luật về thanh tra để dành trọn tâm huyết vào bài dự thi của mình.

Hay như Nguyễn Minh Chiến, Cán bộ Phòng Thanh tra, giải quyết KN,TC 3 (Thanh tra tỉnh Hải Dương), là một cán bộ nam, lại mới vào nghề chưa đầy 2 năm, nhưng được sự hỗ trợ từ lãnh đạo đơn vị, Chiến đã giành thời gian gần 1 tháng để nghiên cứu, tìm tòi sách, báo, internet về lịch sử 70 năm truyền thống ngành Thanh tra, trong đó, Chiến đã tranh thủ thời gian các buổi tối để viết tay bài dự thi vì thời gian ban ngày còn phải làm việc chuyên môn.

Cũng giống Lan Anh, Minh Chiến chia sẻ, trong quá trình làm bài dự thi, Chiến và Lan Anh đã tranh thủ ý kiến của những cô chú, anh chị đi trước để vận dụng vào bài dự thi. Tuy nhiên, do thời gian không có nhiều vì vừa phải làm nhiệm vụ chuyên môn nên bài dự thi chưa được công phu và bài bản. Nếu có thêm thời gian nữa, Chiến và Lan Anh sẽ sưu tầm thêm nhiều hình ảnh tư liệu quý về lịch sử của ngành để bài dự thi thêm phần phong phú. “Qua cuộc thi này và bằng việc viết tay bài dự thi, tôi thêm 1 lần nữa được hiểu thêm về lịch sử truyền thống 70 năm của ngành Thanh tra, được trau dồi những kiến thức chuyên ngành, cũng như bổ sung những kiến thức còn thiếu để tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp thanh tra. Hy vọng Thanh tra Chính phủ nói chung và Báo Thanh tra nói riêng tiếp tục tổ chức các cuộc thi hàng năm để những cán bộ trẻ như em được học hỏi thêm nhiều kinh nghiệp”, Minh Chiến tâm sự.

Ban Giám khảo đánh giá cao thành công của cuộc thi "Báo chí toàn quốc viết về ngành Thanh tra". Ảnh: HP

Phó Chánh Thanh tra tỉnh Thái Nguyên Cao Minh Luận cho biết, ngay sau khi nhận được kế hoạch tổ chức cuộc thi của Thanh tra Chính phủ, Đảng ủy, ban lãnh đạo Thanh tra tỉnh đã triển khai tới toàn thể cán bộ thanh tra trong toàn tỉnh. Ngay tại cơ quan Thanh tra tỉnh, sau khi phát động đến toàn ngành, lãnh đạo Thanh tra tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc họp triển khai và tổ chức thành từng nhóm để nghiên cứu và sưu tầm tư liệu theo chuyên đề. Đích thân Phó Chánh Thanh tra Cao Minh Luận đã cùng các cán bộ, thanh tra ngày đêm tập trung nghiên cứu và tổng duyệt nội dung đáp án. “Chúng tôi nhận thấy, đây là cuộc thi thiết thực và rất cần đối với ngành Thanh tra. Bởi lẽ, hoạt động thanh tra đòi hỏi mỗi cán bộ thanh tra phải là “tấm gương cho người ta soi” như lời dạy của Hồ Chủ tịch. Để làm được điều đó, trước hết mỗi cán bộ cần phải hiểu lịch sử truyền thống 70 năm của ngành, và hơn ai hết là vững vàng về chuyên môn nghiệp vụ, ở đây cụ thể là am hiểu về pháp luật, trong đó trước hết là pháp luật về thanh tra”, ông Luận nhấn mạnh.

Chia sẻ về kết quả cuộc thi “Báo chí viết về ngành Thanh tra”, Hàm Vụ trưởng, Vụ Báo chí - Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Văn Hùng - thành viên Ban Giám khảo cho biết, những bài viết về ngành Thanh tra, nhất là những bài báo hay rất hiếm. Trong các cuộc thi viết về các bộ, ngành, thì viết về ngành Thanh tra cũng là khó nhất. Lần đầu tiên cuộc thi báo chí viết về ngành Thanh tra được tổ chức, Ban tổ chức đã chọn được 31 tác phẩm vào chung khảo, đây thực sự là những tác phẩm xứng đáng, đạt được yêu cầu về nội dung và hình thức, có tác động sâu rộng tới xã hội.

Tiến sỹ Trần Bá Dung, Trưởng Ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, với kinh nghiệm chấm nhiều cuộc thi, thực tế không ít cuộc thi lớn nhưng không tìm được tác phẩm đủ xuất sắc để trao giải cao nhất. Cuộc thi viết về ngành Thanh tra lần này đã chọn được tác phẩm giành giải A rất thuyết phục. Bài viết dài kỳ, công phu, thực tế và khách quan, có đủ độ gai góc và đúng tinh thần mà cuộc thi đề ra.

Tiến sỹ Trần Bá Dung, Trưởng Ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam, cho rằng, Cuộc thi đã chọn được tác phẩm giành giải A rất thuyết phục. Ảnh: HP

Phó Tổng Biên tập Phụ trách Báo Thanh tra, Trưởng Ban Giám khảo cuộc thi Nguyễn Văn Lương ghi nhận sự thành công của cuộc thi “Báo chí toàn quốc viết về ngành Thanh tra”. Các tác phẩm đạt giải đều có tính thời sự cao, phản ánh được những thành tựu và đóng góp lớn của ngành Thanh tra đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đề xuất được những giải pháp thiết thực để tháo gỡ những bất cập, những khó khăn vướng mắc trong hoạt động thanh tra, giải quyết KN,TC và PCTN. Bên cạnh đó, các bài viết được trao giải cũng mang lại hiệu quả không nhỏ, có tác động lớn và có sức sống lâu dài.

“2 cuộc thi thực sự đã trở thành một hoạt động thiết thực, bổ ích đối với mỗi cán bộ, công chức, thanh tra viên trong toàn ngành, các nhà báo trên mọi miền đã gửi tác phẩm dự thi. Nhiều tác giả coi cuộc thi là sân chơi trí tuệ, lý thú, hấp dẫn để trau dồi kiến thức, học hỏi kinh nghiệm xử lý các tình huống khó khăn, phức tạp trong hoạt động, công tác của bản thân”, Trưởng Ban Giám khảo nhấn mạnh.