Nhân dịp kỷ niệm 75 năm thành lập ngành Thanh tra, Báo Thanh tra xin được lược trích đăng bài viết của ông về lịch sử hình thành, phát triển và những đóng góp của ngành Thanh tra Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ban Thanh tra Đặc biệt
Ngày 23/11/1945, nhân danh Chủ tịch Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 64/SL thành lập Ban Thanh tra Đặc biệt. Ban Thanh tra Đặc biệt có ủy nhiệm là đi giám sát tất cả các công việc và các nhân viên của UBND và các cơ quan của Chính phủ; nhận các đơn khiếu nại của nhân dân; điều tra, hỏi chứng; đình chức, bắt giam bất cứ nhân viên nào trong UBND hay Chính phủ đã phạm lỗi; tịch biên hoặc niêm phong những tang vật; có thể truy tố tất cả các việc đã xảy ra trước ngày ban hành Sắc lệnh này. Ban Thanh tra có quyền đề nghị lên Chính phủ những điều cần sửa đổi, bổ sung.
Bên cạnh Ban Thanh tra Đặc biệt, Đảng và Chính phủ thành lập các đặc ủy đoàn và các đặc phái viên hoạt động có tính cách như thanh tra của Chính phủ. Nhiệm vụ và phạm vi hoạt động của các đặc ủy đoàn và các đặc phái viên rất rộng lớn, bao gồm toàn bộ công việc kháng chiến, kiến quốc của tất cả các cơ quan quân, dân, chính, đảng và các tổ chức quần chúng. Các đặc ủy đoàn và các đặc phái viên có nhiệm vụ kiểm tra, chỉnh đốn công việc của UBND và các cơ quan hành chính địa phương; giải quyết với UBND các vấn đề thường nhật; liên lạc giữa Chính phủ Trung ương và các UBND địa phương; thu nạp các đơn từ khiếu nại hoặc nguyện vọng của quần chúng nhân dân; xem xét các mặt hoạt động của các cơ quan Nhà nước, kiểm tra các cơ quan này trong việc lãnh đạo kháng chiến và sản xuất; đi thăm bộ đội và các mặt trận, kiểm tra tình hình quân sự...
Ban Thanh tra Chính phủ
Trong hoàn cảnh chiến tranh ngày càng ác liệt, giao thông, liên lạc giữa các khu, các tỉnh trở nên khó khăn. Nhận thấy Ban Thanh tra Đặc biệt đã làm tròn vai trò lịch sử, Chính phủ đã quyết định thành lập Ban Thanh tra mới để thống nhất hoạt động thanh tra trong cả nước và tổ chức lại các ban thanh tra ở các bộ.
Ngày 18/12/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 138b/SL thành lập Ban TTCP. Ban TTCP có nhiệm vụ, quyền hạn: xem xét sự thi hành chính sách, chủ trương của Chính phủ; thanh tra các ủy viên Uỷ ban kháng chiến hành chính và viên chức về phương diện liêm khiết; thanh tra sự khiếu nại của nhân dân; chất vấn các ủy viên Uỷ ban kháng chiến hành chính và viên chức, đòi hỏi tài liệu và sổ sách cần thiết cho công việc thanh tra; trong trường hợp đặc biệt và khẩn cấp, tạm huyền chức những ủy viên và viên chức phạm lỗi.
Ngay khi mới thành lập, Ban TTCP đã đẩy mạnh hoạt động thanh tra và chỉ đạo công tác thanh tra ở các bộ, các địa phương, làm cho công tác thanh tra đi vào nến nếp, thường xuyên và có tác dụng to lớn trong đời sống mọi mặt của đất nước.
Ngày 28/3/1956, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ra Sắc lệnh số 261/SL thành lập Ban Thanh tra Trung ương của Chính phủ.
Ban Thanh tra Trung ương của Chính phủ có nhiệm vụ thanh tra công tác của các bộ, các cơ quan hành chính và chuyên môn các cấp, các doanh nghiệp Nhà nước; thanh tra việc thực hiện kế hoạch Nhà nước, việc sử dụng, bảo quản tài sản Nhà nước, chống phá hoại, tham ô và lãng phí; tiếp nhận và xem xét đơn thư khiếu nại, tố cáo của nhân dân, của cán bộ, nhân viên.
Tiếp đó, Ban Thanh tra ở các liên khu, khu, thành phố và tỉnh được thành lập theo Nghị định số 1194/TTg ngày 26/12/1956 của Chính phủ.
Ủy ban Thanh tra của Chính phủ
Ngày 27/6/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 18/SL công bố Luật Tổ chức Hội đồng Chính phủ, trong đó có Uỷ ban Thanh tra của Chính phủ thay cho Ban Thanh tra Trung ương của Chính phủ. Uỷ ban Thanh tra của Chính phủ là cơ quan của Hội đồng Chính phủ có trách nhiệm giữ gìn kỷ luật Nhà nước, bảo đảm chấp hành nghiêm túc các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước bằng cách thường xuyên thanh tra việc chấp hành các chủ trương, chính sách ấy trong các cơ quan thuộc Hội đồng Chính phủ, các ủy ban hành chính địa phương, các cơ quan chuyên môn, sự nghiệp, các xí nghiệp quốc doanh, công tư hợp doanh, các hợp tác xã.
Theo đề nghị của Hội đồng Chính phủ, ngày 11/10/1965, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn việc “giải thể Ủy ban Thanh tra của Chính phủ, công tác thanh tra sẽ giao cho thủ trưởng các cơ quan, các ngành, các cấp phụ trách để gắn liền công tác thanh tra với việc chỉ đạo thực hiện chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước”.
Trong năm 1965, Uỷ ban Thanh tra của Chính phủ, các ban thanh tra khu, thành, tỉnh tiến hành giải thể. Tại các ngành ở Trung ương, các cơ quan thanh tra vẫn tiếp tục hoạt động. Các ban thanh tra ngành do nhiều nguyên nhân đã không hoạt động đúng chức năng thanh tra mà chỉ dừng lại ở việc xét khiếu tố và trong công tác này cũng còn nhiều hạn chế.
Ngày 15/1/1969, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 08/CP thành lập đoàn thanh tra quản lý vật tư của Đảng và Nhà nước do đồng chí Đỗ Mười, Chủ nhiệm Uỷ ban Vật giá Nhà nước làm trưởng đoàn. Qua 9 tháng tiến hành thanh tra, đoàn đã xem xét, xử lý nhiều vụ việc và đề xuất nhiều kiến nghị quan trọng đối với công tác quản lý, trong đó có nội dung tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra.
Ngày 11/8/1969, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra Nghị quyết số 780/NQ-TVQH thành lập Uỷ ban Thanh tra của Chính phủ và cử đồng chí Nguyễn Thanh Bình giữ chức Chủ nhiệm Uỷ ban Thanh tra của Chính phủ đến năm 1974.
Ngày 31/8/1970, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định số 164/CP về việc tăng cường công tác thanh tra và chấn chỉnh hệ thống cơ quan thanh tra của Nhà nước. Nghị định nêu rõ: Thanh tra là một khâu quan trọng trong toàn bộ công tác quản lý của bộ máy Nhà nước và nêu nhiệm vụ của cơ quan thanh tra gồm: Trọng tâm là thanh tra kinh tế, nhất là thanh tra việc thực hiện kế hoạch Nhà nước; kiểm tra việc chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, chỉ thị, nghị quyết của cấp trên; xét, giải quyết kịp thời, đúng đắn các vụ khiếu nại, tố giác của nhân dân; đề ra những biện pháp cụ thể để giải quyết kịp thời, tại chỗ những vấn đề cụ thể của cơ sở, đồng thời đề xuất với cơ quan có trách nhiệm để nghiên cứu và giải quyết những vấn đề có tính chất cơ bản, lâu dài về tổ chức, công tác, chính sách, chế độ. Phương châm tiến hành công tác thanh tra và chấn chỉnh hệ thống cơ quan thanh tra chuyên trách từ Trung ương tới các địa phương và các bộ ngành.
Ủy ban Thanh tra Nhà nước
Ngày 15/2/1984, Hội đồng Bộ trưởng ra Nghị quyết số 26/HĐBT về việc tăng cường tổ chức thanh tra và nâng cao hiệu lực thanh tra, trong đó xác định rõ hệ thống tổ chức thanh tra Nhà nước và thanh tra nhân dân; quy định cụ thể những nguyên tắc, tạo cơ sở về nhận thức và về tổ chức thực hiện nhiệm vụ của ngành Thanh tra trong tình hình mới. Uỷ ban Thanh tra của Chính phủ chính thức được gọi là Ủy ban Thanh tra Nhà nước.
Ngày 20/2/1984, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 38-CT/TW về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh tra, nêu rõ: “Mục đích của thanh tra là đánh giá chính xác những mặt làm đúng, những mặt làm sai trong việc chấp hành các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật, kế hoạch của Nhà nước... công tác thanh tra có tác dụng quan trọng, trực tiếp đối với việc thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, giữ gìn pháp luật của Nhà nước, tăng cường trách nhiệm quản lý kinh tế, quản lý xã hội của bộ máy Nhà nước, phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động”.
Ngày 1/4/1990, Pháp lệnh Thanh tra được công bố. Pháp lệnh Thanh tra đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng, xác định rõ vị trí của tổ chức và công tác thanh tra trong sự nghiệp đổi mới đất nước. Ủy ban Thanh tra Nhà nước có tên gọi mới là Thanh tra Nhà nước.
Thanh tra Chính phủ
Ngày 15/6/2004, Quốc hội thông qua Luật Thanh tra, Thanh tra Nhà nước được đổi tên thành TTCP. Tháng 11/2010, Quốc hội thông qua Luật Thanh tra (sửa đổi). Luật Thanh tra đã xác lập hành lang pháp lý cho hoạt động thanh tra, đã được triển khai, đi vào thực tiễn và phát huy hiệu quả.
Hoạt động thanh tra đã tập trung vào công tác quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội của các ngành, các cấp và việc thực hiện pháp luật của tổ chức, cá nhân; thanh tra trách nhiệm trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng…
Qua thanh tra, đã kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật; giải quyết nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, giải oan và minh oan cho nhiều người, góp phần quan trọng vào việc chấn chỉnh, tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong quản lý Nhà nước và hoàn thiện thể chế.
Nhìn lại cả quá trình xây dựng và phát triển, ngành Thanh tra đã có những chuyển biến quan trọng cả về tổ chức và hoạt động; đã xây dựng và từng bước hoàn thiện thể chế về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng; đã tạo điều kiện, tiền đề để công tác thanh tra chuyển dần theo hướng chuyên nghiệp, chính quy, hiện đại. Đi liền với xây dựng thể chế, công tác tổ chức, cán bộ cũng được quan tâm đầu tư đúng mức, đã tạo những chuyển biến lớn về số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ thanh tra toàn ngành. Đã hình thành một hệ thống thanh tra tương đối toàn diện, đồng bộ, chuyên sâu trên các lĩnh vực của quản lý Nhà nước.
Kết quả là những đóng góp của ngành Thanh tra đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận và đánh giá cao. Vị thế của ngành Thanh tra ngày càng được nâng cao, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
TS. Trần Đức Lượng
Nguyên Phó Tổng Thanh tra Chính phủ