Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Chững chạc từ bước đi đầu tiên

74 năm ngày thành lập ngành thanh tra  
Chững chạc từ bước đi đầu tiên

 Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Trong những ngày đầu của chính quyền non trẻ, đã có hiện tượng lệch lạc, sai phạm ở một số cán bộ, đặc biệt là cán bộ công tác ở địa phương. Một số nhân sĩ, trí thức yêu nước đã viết thư gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh với mong muốn uốn nắn kịp thời những sai lệch đó. Và, Thanh tra Việt Nam đã ra đời để thực hiện nhiệm vụ đặc biệt này.

 
Chững chạc từ bước đi đầu tiên
Sắc lệnh thành lập Ban Thanh tra đặc biệt. Ảnh: TL

Tròn 1 tháng 3 ngày kể từ ngày “Thề Độc lập” vào ngày 4/10/1945 tại cuộc họp Hội đồng Chính phủ do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì, Chính phủ đã nêu yêu cầu và sự cần thiết phải thành lập một tổ chức thanh tra. Một số cuộc họp sau đó của Hội đồng Chính phủ đã thảo luận và đi đến thống nhất Đề án Thành lập Ban Thanh tra đặc biệt.

Ngày 23/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 64/SL thành lập Ban Thanh tra đặc biệt (tổ chức tiền thân của ngành Thanh tra ngày nay). Bản Sắc lệnh gồm 8 Điều đã đặt nền móng cho việc xây dựng hệ thống pháp luật về thanh tra với mục tiêu: Giám sát tất cả các công việc, các nhân viên của UBND và các cơ quan của Chính phủ.

Theo đó, Ban Thanh tra nhận đơn khiếu nại của nhân dân; điều tra, hỏi chứng, xem xét các tài liệu giấy tờ của các UBND hoặc các cơ quan của Chính phủ cần thiết cho công việc giám sát; đình chỉ, bắt giam bất cứ các nhân viên nào trong UBND hay của Chính phủ đã phạm lỗi trước khi mang ra Hội đồng Chính phủ hay Tòa án Đặc biệt xét xử; tịch biên hoặc niêm phong những tang vật và dùng mọi cách điều tra để lập hồ sơ mang phạm nhân ra Tòa án Đặc biệt...

Ngày 31/12/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 60 cử ông Bùi Bằng Đoàn và Cù Huy Cận vào Ban Thanh tra Đặc biệt. Chủ tịch Hồ Chí Minh còn trực tiếp viết giấy giới thiệu hai người này với các địa phương để tạo thêm uy tín trong công tác.

Để tăng cường sức mạnh cho hoạt động thanh tra, cuối năm 1945 và đầu năm 1946, các Ban Thanh tra được thành lập ở Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Canh nông... và ở các xứ Bắc Bộ và Nam Bộ. Ở Trung Bộ, Ban Thanh tra chỉ tiến hành thanh tra công việc hành chính, việc chấp hành đường lối, chủ trương của Chính phủ, của UBND các cấp.

Ngay từ những ngày đầu tiên hoạt động, các cán bộ thanh tra đã quan tâm đến vấn đề oan sai của công dân. Do vậy, họ kịp thời nghiên cứu đơn thư khiếu nại của những người bị bắt đang bị giam giữ tại tỉnh Hà Nam và nhận thấy nhiều trường hợp bị bắt và bị giam không có lý do chính đáng. Ban Thanh tra đã trao đổi với Tỉnh ủy Hà Nam trả tự do cho hơn 20 người trong số 60 người bị giam giữ.

Tháng 2/1946 lại trả tự do cho hơn 10 người bị bắt oan ở tỉnh Thanh Hóa khi không có chứng cứ phạm tội hoặc phạm lỗi nhưng chưa đến mức phải bắt giam...

Những kết quả làm rõ oan sai ở các địa phương đã làm tăng thêm lòng tin của quần chúng vào sự minh bạch, dân chủ của chính quyền cách mạng.

Trong các cơ quan hành chính, nhờ thanh tra mà bộ máy được lành mạnh hóa. Trong quân đội, công tác kiểm tra xử lý sai phạm càng được thực hiện chặt chẽ hơn. Năm 1947, ở Trung đoàn Thủ đô phát sinh một số sai phạm như mất đoàn kết nội bộ, vi phạm kỷ luật dân vận...

Sau khi kiểm tra, đoàn công tác đã đề nghị cách chức Chính trị viên Trung đoàn, Trung đoàn Trưởng và một số cấp dưới. Thậm chí có một số đồng chí bị đưa ra khỏi quân đội.

Năm 1949, trong quân đội nổi cộm với nghi án “H122” có liên quan đến hàng trăm cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và quần chúng. Đặc biệt có những nghi can là gián điệp của Pháp hoạt động trong hàng ngũ quân đội Việt Minh. Trước vấn đề phức tạp và nhạy cảm, đoàn thanh tra đã thận trọng thực hiện điều tra, xem xét ở nhiều góc độ và cuối cùng đã có kết luận xác đáng, minh oan cho hàng trăm người. Không phải đến thời kỳ này, những tội phạm kinh tế mới đủ sự tinh quái, khôn khéo tạo ra vỏ bọc để che đậy những hành vi phạm tội của mình, mà từ năm 1949, trong quân đội đã có những sâu mọt đội lốt sĩ quan cao cấp như Trần Dụ Châu giả mạo con dấu của Nha Quân nhu để cấp giấy tờ cho bọn buôn lậu bòn rút tiền bạc của cải của quân đội để sống phè phỡn. Trong khi cuộc kháng chiến thần thánh của nhân dân ta mới đi được nửa chặng đường, đang gặp phải bao khó khăn, thiếu thốn...

Kết quả thanh tra và xử lý nghiêm khắc những hành vi phạm tội của nhóm Trần Dụ Châu đã có tác động to lớn trong toàn đảng, toàn quân và toàn dân, góp phần quan trọng vào công tác giáo dục cán bộ, chiến sĩ, xây dựng niềm tin cho quân và dân tạo nên sức mạnh để cuộc kháng chiến 9 năm trường kỳ đạt kết quả “nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”.

Những bước đi chững chạc đầu tiên là nền tảng, khởi nguồn để Thanh tra Việt Nam vững vàng bước tiếp chặng đường 70 năm lịch sử góp phần to lớn vào công cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc và xây dựng chế độ tươi đẹp.