Đặc biệt, gần nhất là Nghị định số 124/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Khiếu nại (có hiệu lực thi hành từ ngày 10/12/2020) với những quy định khắc phục được một số bất cập trong thực tiễn áp dụng. Qua đó, giúp cho mọi công dân phát huy tối đa quyền dân chủ, quyền và lợi ích chính đáng được đảm bảo; thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước ta trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Xác định công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm hàng đầu của các cấp ủy Đảng, chính quyền, từ đó, các cấp, các ngành trong toàn tỉnh Kiên Giang đã quan tâm bố trí công chức làm công tác tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo có năng lực, chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu, nhất là trong tình hình mới hiện nay. Công tác triển khai, quán triệt thực hiện pháp luật tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được thực hiện nghiêm túc, đồng bộ với nhiều giải pháp trọng tâm, phù hợp với đặc điểm, tình hình của đơn vị, địa phương.

Người đứng đầu từng cơ quan, đơn vị luôn nêu cao trách nhiệm, thực hiện tốt tiếp công dân định kỳ, đột xuất, quá trình tiếp công dân luôn cầu thị, lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân để kịp thời điều chỉnh các chủ trương, chính sách hoặc chỉ đạo cơ quan chuyên môn kiểm tra, rà soát; từ đó, tạo dựng niềm tin của người dân đối với chính quyền địa phương, giảm bớt được tình trạng khiếu nại đông người, vượt cấp lên cơ quan Trung ương. Quan tâm phân công công chức phụ trách tiếp công dân, xử lý đơn có kinh nghiệm thực tiễn, am hiểu chính sách pháp luật; bố trí cơ sở vật chất, thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách bồi dưỡng cho đội ngũ công chức làm công tác tiếp công dân, xử lý đơn đảm bảo đúng theo luật định. Chỉ đạo thẩm tra, xác minh, giải quyết kịp thời các đơn thư khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền phát sinh ngay từ cơ sở. Bên cạnh đó còn gắn với thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, giúp người dân ổn định cuộc sống thông qua việc hỗ trợ về đất ở, đất sản xuất; phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng với các cơ quan Trung ương, địa phương nhằm huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong giải quyết từng vụ việc cụ thể, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự xã hội trên địa bàn.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Nguyên nhân chính có thể thấy được từ hai khía cạnh sau:

Về mặt khách quan, vẫn còn một số người đứng đầu địa phương, sở ngành chưa thật sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát đối với công tác tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Việc bố trí công chức phụ trách tiếp công dân, xử lý đơn chưa đủ tầm (phân công những công chức chuẩn bị về hưu thiếu nhiệt huyết làm việc hoặc những công chức có trình độ chuyên môn không phù hợp) dẫn đến việc tiếp công dân, xử lý đơn còn lúng túng, hướng dẫn, chuyển đơn lòng vòng, gây phiền hà cho công dân. Từ đó, chất lượng, hiệu quả của công tác tiếp công dân, xử lý đơn chưa cao, làm ảnh hưởng đến quyền dân chủ của công dân. Công tác giải quyết đơn chưa được chú trọng, còn qua loa, không giải quyết đến nơi đến chốn, thậm chí đùn đẩy trách nhiệm lên cơ quan cấp trên, dẫn đến sự bức xúc khiếu nại vượt cấp của một số trường hợp.

Về mặt chủ quan, các quy định của pháp luật tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo vẫn còn một số bất cập, vướng mắc, chưa đồng bộ, cụ thể như:

Thứ nhất, việc cử người đại diện khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh: Theo quy định hiện hành việc cử người đại diện nhìn chung mang lại nhiều hiệu quả thông qua việc người được cử đại diện với số lượng ít sẽ dễ dàng tiếp thu đầy đủ các chủ trương, chính sách, quan điểm giải quyết của cơ quan có thẩm quyền, từ đó giúp xoa dịu nhanh được tình hình đông người gây mất an ninh trật tự. Tuy nhiên, hiệu quả thực tế mang lại còn nhiều điều phải tranh cãi, cá biệt một số người được cử đại diện mang ý chí chủ quan của mình khi giải thích lại cho những người trong nhóm đông người, làm sai lệch các chủ trương, chính sách, quan điểm giải quyết của cơ quan có thẩm quyền hoặc có hành vi xúi giục kích động do quyền và lợi ích của chính bản thân người được cử đại diện không được giải quyết hoặc dùng uy tín của bản thân mình vận động nhóm người này gây áp lực đến các cơ quan Nhà nước. Từ đó, làm gia tăng thêm tình trạng khiếu nại tập trung đông người, phức tạp tại các trụ sở làm việc của cơ quan Đảng, Nhà nước vào các dịp lễ, sự kiện trọng đại của đất nước.

Thứ hai, về xử lý đơn có nhiều nội dung và xếp lưu đơn: Tại Điều 22 Thông tư số 07/2014/TT-TTCP ngày 31/10/2014 của Thanh tra Chính phủ quy định quy trình xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh quy định đơn có nhiều nội dung khác nhau (khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh) hướng dẫn tách riêng từng nội dung để gửi đến đúng cơ quan thẩm quyền. Tuy nhiên, Điều 24 Luật Tố cáo năm 2018 chỉ quy định chung chung “đơn không thuộc thẩm quyền thì phải chuyển đến cơ quan có thẩm quyền”, không quy định cụ thể “đơn tố cáo nhiều đối tượng” thì chuyển đơn hay hướng dẫn tách từng nội dung như quy định tại Điều 22 Thông tư số 07/2014/TT-TTCP. Do đó, việc xử lý đối với “đơn tố cáo nhiều đối tượng” đang gặp nhiều lúng túng trên thực tế.

Theo quy định tại Điều 28 của Thông tư 07/2014/TT-TTCP chỉ quy định một số trường hợp “xếp lưu đơn” đối với đơn “khiếu nại” còn các loại đơn khác chỉ quy định theo phân loại “đơn không đủ điều kiện xử lý”; tương tự như Luật Tố cáo năm 2018 cũng quy định rơi vào một số trường hợp tại khoản 3 Điều 24 thì “không xử lý”. Do đó, kiến nghị quy định liên quan đến các loại đơn “không đủ điều kiện xử lý” thì cơ quan tiếp nhận thực hiện “xếp lưu đơn”.

Thứ ba, về xử lý đơn tố cáo: Theo quy định tại Điều 29 Luật Tố cáo năm 2018, việc áp dụng vấn đề này gặp rất nhiều lúng túng. Cụ thể, tại điểm d khoản 1 Điều 29 Luật Tố cáo quy định: “Nội dung tố cáo có cơ sở để xác định người vi phạm, hành vi vi phạm pháp luật”, việc quy định này dẫn đến có thể hiểu theo hai hướng sau: (1) Chỉ cần xác định được “hành vi vi phạm pháp luật” bị tố cáo thuộc chức trách, nhiệm vụ được giao của “người vi phạm” trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ; (2) Phải chứng minh được “người vi phạm” đã có “hành vi vi phạm pháp luật” cùng với các điều kiện còn lại được quy định tại Điều 29 của Luật Tố cáo thì mới ra thông báo thụ lý tố cáo.

Cũng tại Điều 29 Luật Tố cáo có quy định “trường hợp tố cáo xuất phát từ vụ việc khiếu nại đã được giải quyết đúng thẩm quyền nhưng người khiếu nại không đồng ý mà chuyển sang tố cáo người đã giải quyết khiếu nại thì chỉ thụ lý khi người tố cáo cung cấp được thông tin, tài liệu, chứng cứ...”. Tuy nhiên, thực tế có vụ việc công dân khiếu nại đúng và người giải quyết khiếu nại đã thu hồi, hủy bỏ quyết định hành chính (QĐHC), hành vi hành chính (HVHC) bị khiếu nại (đã khắc phục xong) nhưng người khiếu nại chuyển sang tố cáo ngay chính QĐHC, HVHC đã khiếu nại này; hoặc đối với những trường hợp vi phạm pháp luật và bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định nhưng những người này từ chối thực hiện quyền khiếu nại đối với QĐHC, HVHC của người có thẩm quyền mà quay sang tố cáo và tạo áp lực đến các cơ quan Đảng, Nhà nước. Thực tế các trường hợp này rất phổ biến và gửi đơn tố cáo liên tục từ địa phương đến các cơ quan Trung ương, ít nhiều ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của “người bị tố cáo”. Vấn đề đặt ra là theo quy định, có đủ điều kiện thụ lý hay không thụ lý tố cáo và cơ sở pháp lý làm căn cứ thì luật chưa dự liệu được tình huống này.

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác tiếp công dân, xử lý đơn có rất nhiều giải pháp khác nhau như: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng; nâng cao trách nhiệm, nhận thức của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị và đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu các cấp; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về tiếp công dân, xử lý đơn, khiếu nại, tố cáo; đẩy mạnh công tác rà soát, sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo… Một trong những giải pháp trọng tâm, then chốt nhất là “nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong công tác tiếp công dân”. Cụ thể, người đứng đầu phải:

Một là, sắp xếp lịch làm việc khoa học và dành thời gian tiếp công dân định kỳ, đột xuất theo đúng luật định để lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người dân, trên cơ sở đó giải thích chính sách pháp luật, vận động người dân chấp hành tốt các quy định của pháp luật.

Hai là, quan tâm bố trí công chức làm công tác tiếp công dân, xử lý đơn có năng lực, có kinh nghiệm thực tiễn để nâng cao hơn nữa chất lượng tiếp công dân, xử lý đơn.

Ba là, khi phát sinh đơn thuộc thẩm quyền phải kịp thời chỉ đạo cơ quan chuyên môn thẩm tra xác minh; nghe cơ quan chuyên môn báo cáo tổng hợp vụ việc trước khi tổ chức đối thoại với công dân để có thể dự liệu được các tình huống, định hướng giải quyết vụ việc hoặc kịp thời chỉ đạo xác minh bổ sung khi xét thấy cần thiết.

Bốn là, tổ chức gặp gỡ đối thoại với công dân trước khi ban hành quyết định. Đây là việc làm hết sức quan trọng, là điều kiện tốt nhất để người lãnh đạo thẩm định lại nội dung báo cáo, kiến nghị của cơ quan tham mưu được giao nhiệm vụ thẩm tra xác minh trước sự phản biện của người khiếu nại, từ đó có kết luận giải quyết đúng đắn, khách quan và tính khả thi cao. Về thành phần đối thoại, vận động phải có sự tham gia của người đứng đầu các cơ quan tham mưu như: Thanh tra, Tài nguyên và Môi trường, các đoàn thể (Hội nông dân, Phụ nữ, Thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Hội Luật gia, Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh…) cùng phối hợp. Người chủ trì phải kiên trì phân tích, giải thích thấu tình, đạt lý để Nhân dân hiểu và tự giác thực hiện, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ, hỗ trợ của người dân, nhất là những người cao niên tuổi Đảng, có sức ảnh hưởng ở địa phương.

Làm được điều này, người khiếu nại sẽ thấy được trách nhiệm của người đứng đầu trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của mình, góp phần tạo niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, chính quyền. Còn người đứng đầu sẽ nâng lên trách nhiệm của mình, quan tâm chỉ đạo sâu sát hơn trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo./.


Ghi chú:

Bài viết là tham luận của Thanh tra tỉnh Kiên Giang tại Hội thảo “Kinh nghiệm tiếp công dân và xử lý đơn thư” do Tạp chí Thanh tra tổ chức.​