Báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội khóa XV về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến kỳ họp thứ 4 của Thanh tra Chính phủ cho thấy, thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương đã xây dựng kế hoach thanh tra hằng năm đảm bảo đúng Định hướng chương trình thanh tra, có trọng tâm, trọng điểm, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và phát triển kinh tế, xã hội của các cấp, các ngành.
Đối với việc xử lý chồng chéo, Luật Thanh tra năm 2022, có hiệu lực từ ngày 01/7/2023 đã quy định cụ thể viêc xử lý chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra giữa các cơ quan thanh tra, giữa cơ quan thanh tra với Kiểm toán nhà nước.
Trong quá trình tham mưu Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Định hướng chương trình thanh tra và hướng dẫn các bộ ngành, địa phương xây dựng kế hoạch thanh tra hàng năm, Thanh tra Chính phủ đã phối hợp chặt chẽ với Kiểm toán nhà nước để xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra, hoạt động kiểm toán theo đúng quy định của pháp luật và Quy chế phối hợp giữa 2 cơ quan.
Ngày 8/4/2024, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Thông tư số 04/2024/TT-TTCP quy định việc xây dựng, phê duyệt định hướng chương trình thanh tra và kế hoạch thanh tra góp phần tạo cơ sở pháp lý quan trọng giúp khắc phục triệt để tình trạng chồng chéo, trùng lắp.
Đáng chú ý, tại Báo cáo này, Thanh tra Chính phủ khẳng định, tình trạng chậm ban hành kết luận thanh tra đã từng bước được khắc phục góp phần tạo nên kết quả tích cực của ngành Thanh tra thời gian qua.
|
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong. Ảnh: Thái Minh |
Tại phiên chất vấn, Kỳ họp thứ 4, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong đã báo cáo với Quốc hội khóa XV về vấn đề chậm ban hành kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra.
Khi đó, người đứng đầu ngành Thanh tra chỉ rõ những nguyên nhân khách quan xuất phát từ một số quy định của pháp luật về thanh tra còn bất cập, chưa phù hợp thực tế; tính chất phức tạp của hoạt động thanh tra, việc chấp hành của đối tượng thanh tra… và nguyên nhân chủ quan của ngành Thanh tra trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện từng cuộc thanh tra cụ thể.
Việc Quốc hội ban hành Luật Thanh tra năm 2022 và Chính phủ ban hành các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật đã cơ bản khắc phục được những bất cập của pháp luật.
Để khắc phục tình trạng chậm ban hành kết luận thanh tra có nguồn gốc từ nguyên nhân chủ quan, thời gian qua, Ban cán sự đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ đã ban hành và chỉ đạo thực hiện nhiều văn bản như: Nghị quyết số 45-NQ/BCSĐ ngày 22/7/2022, số 76-NQ/BCSĐ ngày 06/6/2023, số 122/NQ-BCSĐ ngày 01/3/2024 của Ban cán sự đảng Thanh tra Chính phủ về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng, tiến độ, hiệu quả công tác thanh tra và xử lý các sai phạm trong hoạt động thanh tra; Quyết định số 465/QĐ-TTCP ngày 29/11/2022 của Tổng Thanh tra Chính phủ ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động Đoàn thanh tra…
Qua đó tiếp tục thực hiện một số nội dung sau:
Một là, lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ của công chức Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra trong hoạt động thanh tra, nâng cao hiệu quả hoạt động, nhất là thúc đẩy tiến độ, nâng cao chất lượng các cuộc thanh tra nhằm phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật các vi phạm;
Hai là, tăng cường trao đổi thông tin, khi phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm hoặc các vụ việc có tính chất phức tạp, trao đổi kịp thời để thống nhất quan điểm xử lý, tránh để xảy ra tình trạng bỏ lọt tội phạm và chuyển thông tin không sát thực tế;
Ba là, bảo đảm 100% vụ việc có dấu hiệu tội phạm chuyển cơ quan điều tra;
Bốn là, chuyển danh sách tổ chức Đảng, đảng viên có dấu hiệu vi phạm đến cơ quan kiểm tra Đảng để xem xét, xử lý theo quy định của Đảng.
Nguồn: Ngô Tân