Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Quốc hội thảo luận về các báo cáo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2017 của Chính phủ

Tin tổng hợp  
Quốc hội thảo luận về các báo cáo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2017 của Chính phủ

 Chiều ngày 7/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về các báo cáo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2017 của Chính phủ, TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao. Nội dung này lần đầu tiên được truyền hình trực tiếp.

 

 

 

​Trình bày báo cáo của Chính phủ, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho hay, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2017 có giảm so với năm trước.

 

 

Thể hiện ở các tiêu chí như, số lượt công dân đến các cơ quan hành chính Nhà nước để khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh giảm 8,5%; tổng số đơn khiếu nại, tố cáo giảm 8,9%; tổng số vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính Nhà nước giảm 14,8%. 

 

Song, tình hình khiếu nại, tố cáo vẫn diễn biến phức tạp và gay gắt. So với năm 2016, số đoàn đông người tăng 10,2%.

 

Trước tình hình khiếu nại, tố cáo đông người diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, nhất là sau khi xảy ra vụ việc ở xã Đồng Tâm (Mỹ Đức, TP Hà Nội), Thanh tra Chính phủ đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương lập danh sách 463 vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, phân loại, xác định rõ thẩm quyền để tham mưu Thủ tướng chỉ đạo giải quyết dứt điểm.

 

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Trong đó, trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan hành chính tại một số nơi chưa cao; đội ngũ cán bộ công chức làm nhiệm vụ này còn hạn chế cả về năng lực và ý thức trách nhiệm. Một số địa phương có biểu hiện né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.

 

Ở địa phương, nhất là cấp cơ sở vẫn còn nhiều vụ việc giải quyết chậm, chất lượng hạn chế, sai sót trình tự, thủ tục, chỉ chú trọng giải quyết hết thẩm quyền mà chưa quan tâm đến giải quyết dứt điểm vụ việc.

 

Hơn nữa, một số địa phương giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng ban đầu triển khai tốt, nhưng sau thực hiện chậm, thiếu kiên trì, quyết tâm chưa cao; chưa có giải pháp hữu hiệu đối với người khiếu nại cố chấp, cố tình đeo bám, nghe theo các thế lực khác xúi giục, kích động, tập trung đông người, gây mất an ninh trật tự.

 

Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo hiệu quả lại chưa cao….

 

Theo đánh giá của Chính phủ, năm 2018, tình hình khiếu nại, tố cáo sẽ còn diễn biến phức tạp, xảy ra ở những địa phương có sai phạm, sơ hở, yếu kém trong quản lý nhà nước, nhất là trong các lĩnh vực như quản lý, sử dụng đất đai, môi trường, nông nghiệp, đầu tư xây dựng và không thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

 

Để nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, theo Tổng Thanh tra, thời gian tới, Chính phủ sẽ đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, của thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước các cấp.

 

Các bộ, ngành phải thường xuyên theo dõi, đánh giá việc thực hiện pháp luật, nhất là các quy định liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người dân và doanh nghiệp.

 

Thanh tra Chính phủ sẽ tiếp tục tham mưu hoàn thiện Dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi); chủ trì tổng kết, đánh giá việc thi hành Luật Tiếp công dân; kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoàn thiện pháp luật. Cùng với đó, chấn chỉnh những tồn tại, yếu kém trong công tác quản lý Nhà nước; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Tăng cường thanh tra trách nhiệm của thủ trưởng trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tập trung ở địa bàn, lĩnh vực phát sinh nhiều khiếu nại, tố cáo phức tạp.

 

Chính phủ cũng sẽ tăng cường kỷ luật, kỷ cương, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm pháp luật về khiếu nại, tố cáo, các trường hợp kích động, lôi kéo công dân khiếu kiện đông người hoặc lợi dụng khiếu kiện để gây rối./.