Hàng tháng bố trí lịch tiếp công dân của lãnh đạo Bộ; xử lý, giải quyết rứt, điểm triệt để nhiều vụ việc phức tạp

Thông tin về kết quả tiếp công dân và giải quyết KNTC trong 9 tháng đầu năm 2023, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, tổng số đơn KNTC nhận được trong 9 kỳ là 760 đơn, số đơn đủ điều kiện xử lý 723 đơn, bao gồm: 32 đơn khiếu nại và 93 đơn tố cáo, 598 đơn kiến nghị phản ánh.

Trong số này có nhiều đơn thư khiếu nại không thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Thông tin và Truyền thông và các đơn vị thuộc Bộ. Nội dung các đơn khiếu nại không phải là khiếu nại hành chính và không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật khiếu nại, chủ yếu là các khiếu nại của người sử dụng dịch vụ đối với bên cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực thông tin và truyền thông.

Bộ cũng cho biết, nội dung các đơn tố cáo nhận được phần lớn không liên quan đến cơ quan, cá nhân do Bộ Thông tin và Truyền thông trực tiếp quản lý, không thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Thông tin và Truyền thông. Đơn tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Thông tin và Truyền thông thường là đơn nặc danh, mạo danh; thông tin và nội dung nêu trong đơn không có cơ sở để xác định người vi phạm, hành vi vi phạm pháp luật do vậy đơn được lưu và theo dõi phục vụ công tác quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Đánh giá về nguyên nhân của tình hình KNTC trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, Bộ chỉ ra do một số cá nhân không nắm được quy định của pháp luật nên gửi đơn không đúng thẩm quyền; nhiều đối tượng khiếu kiện có nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật còn hạn chế, một số đối tượng lợi dụng tự do dân chủ và quyền KNTC hoặc cố chấp gây nên tình trạng khiếu kiện nhằm tìm kiếm lợi ích riêng; và việc giải quyết những tranh chấp giữa người sử dụng dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ không dứt điểm, chưa thoả đáng.

Về công tác tiếp công dân, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, công tác này được thực hiện đúng theo quy định của Luật Tiếp công dân và quy trình tiếp công dân của Chính phủ. Tại Bộ Thông tin và Truyền thông không có vụ việc khiếu kiện đông người, kéo dài, phức tạp.

Hàng tháng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đều có lịch trực tiếp công dân vào ngày thứ sáu tuần thứ 3 hàng tháng. Ảnh: Internet

Cụ thể, hàng tháng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đều có lịch trực tiếp công dân 01 ngày/tháng vào ngày thứ sáu tuần thứ 3 hàng tháng. Lịch tiếp công dân của Bộ trưởng được niêm yết công khai tại phòng tiếp công dân và công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ.

9 tháng đầu năm 2023, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tiếp 18 lượt công dân. Trong đó, số lượt tiếp thường xuyên do Thanh tra Bộ chủ trì: 16 lượt, số lượt tiếp thường xuyên của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ: 02 lượt.

Nhìn chung, công tác tiếp công dân và giải quyết KNTC tại Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan thuộc Bộ đều được thực hiện tốt theo đúng các quy định của pháp luật, tất các các vụ việc KNTC đều được xử lý dứt điểm, đến nay tại Bộ Thông tin và Truyền thông không có vụ khiếu kiện kéo dài cũng như khiếu kiện đông người.

Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo luôn được Lãnh đạo Bộ và Lãnh đạo các đơn vị quan tâm, chú trọng: một trong chín mục tiêu chính của Bộ Thông tin và Truyền thông khi xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015 là tập trung làm tốt công tác giải quyết KNTC; nhiệm vụ trọng tâm của công tác thanh tra hàng năm là tập trung làm tốt công tác giải quyết KNTC; thường xuyên kiểm tra, rà soát các vụ KNTC tồn đọng, đề xuất biện pháp để giải quyết dứt điểm vụ việc.

Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao hiệu quả công tác tiếp dân, giải quyết KNTC 

Các đơn vị đã thực hiện đúng trình tự, thủ tục, thời hạn và có trách nhiệm cao trong tiếp công dân và giải quyết KNTC. Những trường hợp không thuộc thẩm quyền giải quyết đều được hướng dẫn cụ thể hoặc chuyển đơn đến đúng cơ quan có thẩm quyền để được giải quyết theo quy định của pháp luật tránh phát sinh khiếu kiện đông người.

Tuy vậy vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc trong công tác này như nhận thức về pháp luật của một số người dân còn hạn chế nên nhiều đơn thư gửi đến Bộ Thông tin và Truyền thông nhưng không thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ. Ngoài ra, do lĩnh vực báo chí, viễn thông, công nghệ thông tin là lĩnh vực rộng, có tác động sâu rộng tới kinh tế, xã hội, cuộc sống của người dân do đó phát sinh nhiều vụ việc phức tạp, nội dung có liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực, địa phương.

Và mặc dù trong thời gian qua, lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Thông tin và Truyền thông có những thay đổi và mở rộng; các lĩnh vực quản lý của Bộ cũng đang là những vấn đề “nóng” và “nhạy cảm” hiện nay. Vì vậy, trong thời gian tới dự báo các vụ việc KNTC vẫn sẽ còn phát sinh và có thể có những vụ việc có nội dung phức tạp.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, để tiếp tục phát huy hiệu quả trong công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC phục vụ cho công tác quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực của Bộ, đơn vị sẽ tiếp tục phát huy, làm tốt công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC, xử lý dứt điểm các vụ việc phát sinh.

Tăng cường giám sát trách nhiệm thực hiện pháp luật về KNTC đối với các đơn vị trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông. Thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về KNTC đối với các đơn vị trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông và các doanh nghiệp Thông tin, Truyền thông.

Cùng với đó, tiếp tục chỉ đạo, định hướng thông tin cho các cơ quan báo chí thông tin kịp thời, chính xác, khách quan về công tác tiếp công dân và giải quyết KNTC. Cũng như tăng cường chỉ đạo công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về KNTC thông qua chuyên trang, chuyên mục trên báo, đài và phương tiện thông tin đại chúng.

Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ chỉ đạo các cơ quan báo chí chủ động, sáng tạo đổi mới nội dung, hình thức thể hiện trên báo chí, mở nhiều tọa đàm, chuyên trang, chuyên mục phong phú góp phần đa dạng hóa cách thức tiếp cận thông tin đối với công chúng và nâng cao hiệu quả tuyên truyền chính sách, pháp luật trong giải quyết KNTC của công dân.

Bên cạnh việc thường xuyên tập huấn, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị, cá nhân có liên quan đến giải quyết KNTC về thủ tục, thời hạn, chất lượng, hiệu quả giải quyết. Và rà soát 02 quy trình “Giải quyết tố cáo” và “Giải quyết khiếu nại hành chính” được xây dựng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001: 2015 nhằm nâng cao hiệu quả công tác giải quyết KNTC.

Về kiến nghị, đề xuất, Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng để có được đội ngũ cán bộ chuyên viên có đủ trình độ, năng lực, kinh nghiệm để tham mưu trong giải quyết KNTC, đề nghị Thanh tra Chính phủ thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng chuyên môn, kỹ năng, kinh nghiệm về công tác tiếp dân, giải quyết KNTC của công dân.

Đồng thời, kiến nghị Chính phủ và cơ quan chức năng xây dựng, ban hành Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiếp công dân, giải quyết KNTC làm cơ sở xử lý những trường hợp vi phạm pháp luật trong lĩnh vực giải quyết KNTC, tiếp công dân như: trách nhiệm của người KNTC không đúng sự thật; KNTC đã được hướng dẫn và giải quyết đúng quy định pháp luật nhưng vẫn tiếp tục gửi đơn tới nhiều cơ quan, đơn vị; lợi dụng quyền dân chủ, quyền KNTC để kích động, lôi kéo, xúi giục tổ chức khiếu nại đông người, vượt cấp./.

Nguồn: Hồng Đăng - Thanhtravietnam​