Rà soát, đánh giá, sửa đổi đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của các quy định pháp luật có liên quan
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, Chính phủ cần có giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; bảo đảm kỷ luật, kỷ cương, khắc phục triệt để tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết, nội dung quy định chung chung, thiếu cụ thể, rõ ràng, khó thực hiện, đánh giá tác động chính sách sơ sài, hình thức, không rõ định lượng. Đồng thời, đề cao trách nhiệm người đứng đầu cơ quan được giao chủ trì soạn thảo văn bản; phát huy cơ chế phản biện, cơ chế phối hợp và huy động hiệu quả các nguồn lực; kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác xây dựng pháp luật.
Chính phủ chỉ đạo bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố tổ chức rà soát, đánh giá lại toàn bộ các quy định về tiếp công dân, giải quyết, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của cơ quan, của ngành và địa phương mình, nhất là quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo; quy định về khiếu nại và giải quyết khiếu nại để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với các văn bản luật cơ quan cấp trên và phù hợp với thực tiễn của cơ quan, ngành và địa phương mình.
Trong đó, chỉ đạo Thanh tra Chính phủ nghiên cứu, hướng dẫn, quy định cụ thể hơn việc tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp; sớm nghiên cứu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật quy định về giải quyết đơn kiến nghị, phản ánh; quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo; hướng dẫn bổ sung quy định về trường hợp người có thẩm quyền tự mình rà soát, sửa đổi quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật nếu phát hiện có sai sót; quy định hướng dẫn thực hiện việc tiếp công dân trực tuyến...
Bên cạnh đó, đối với khâu tổ chức thực hiện, từ kết quả giám sát của Đoàn Giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo bộ, ngành và UBND tỉnh, thành phố nâng cao trách nhiệm trong công tác tiếp công dân, nhất là đối với trách nhiệm tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu cơ quan, đơn vị đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật; quan tâm hơn nữa và có chế độ đãi ngộ thỏa đáng đối với đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan có trách nhiệm trong việc tổ chức, thực hiện các quy định của pháp luật về tiếp công dân, nhất là sự phối hợp giữa cơ quan hành chính với cơ quan tư pháp, triển khai rộng rãi mô hình luật sư tư vấn miễn phí tại Ban tiếp công dân của các địa phương.
|
Đoàn Giám sát làm việc với UBND TP.Hà Nội về việc thực hiện tiếp công dân và giải quyết KNTC. Ảnh: quochoi.vn |
Đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của công dân phải đi cùng với đảm bảo an ninh, trật tự
Đồng thời, cần tăng cường hoạt động thanh tra công vụ về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo; nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền trong việc thực hiện công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và coi đây là kênh thông tin quan trọng để kiểm tra, đánh giá tính khả thi của chính sách, pháp luật, hiệu quả quản lý nhà nước và cũng là phương thức hữu hiệu nhằm tiếp tục củng cố mối quan hệ giữa Nhân dân với Đảng, Nhà nước.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an và công an các địa phương tăng cường tham gia vào việc giải quyết khiếu kiện, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự. Tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, phối hợp với các đơn vị có liên quan phát hiện, ngăn chặn kịp thời những trường hợp lợi dụng quyền tự do dân chủ để lôi kéo, kích động người khiếu kiện gây mất trật tự công cộng. Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc việc thi hành kết luận giải quyết tố cáo và xử lý nghiêm minh đối với cán bộ có vi phạm được phát hiện qua công tác giải quyết tố cáo.
Rà soát, giải quyết dứt điểm 1.003 vụ việc đã được các cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương và địa phương lập danh sác
Các bộ, ngành địa phương thực hiện sơ kết, tổng kết đánh giá việc thực hiện rà soát lại việc giải quyết đối với các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài để cập nhật, bổ sung đưa vào danh sách những vụ việc thuộc tiêu chí cần rà soát và có lộ trình giải quyết dứt điểm từng vụ việc, nhất là 24 vụ việc Đoàn giám sát đã có kiến nghị qua hoạt động giám sát tại 08 Bộ, ngành và 06 địa phương; rà soát, giải quyết dứt điểm 1.003 vụ việc đã được các cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương và địa phương lập danh sách. Qua hoạt động rà soát, cần chú trọng hơn nữa việc đề xuất cấp có thẩm quyền có giải pháp phù hợp để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nhất là vướng mắc do chính sách, pháp luật.
Kết quả giám sát cũng chỉ ra rằng, cần đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là đội ngũ cán bộ, công chức thường xuyên làm việc, tiếp xúc với người dân; đổi mới hình thức, nội dung và lựa chọn vấn đề tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; bố trí nguồn kinh phí có định hướng tập trung vào nâng cao năng lực, hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Cùng với việc câng cấp, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo đã được xây dựng, đảm bảo đáp ứng yêu cầu kết nối dữ liệu về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên phạm vi toàn quốc và trong toàn hệ thống các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan tư pháp và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.
Cần tiếp tục tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, các trang thiết bị phục vụ công tác tiếp công dân; nâng cấp địa điểm tiếp công dân khang trang, hiện đại, có phòng tiếp công dân riêng và các điều kiện làm việc cần thiết khác phục vụ cho việc tiếp công dân của người đại diện cơ quan, tổ chức tham gia tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở tiếp công dân. Nghiên cứu, bổ sung và hoàn thiện quy định về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức trực tiếp làm nhiệm vụ tiếp công dân, tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo./.