Theo Báo cáo 1026/BC-TTCP về kết quả thực hiện một số Nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết kỳ họp thứ 4 của Thanh tra Chính phủ cho biết, các cơ quan hành chính nhà nước tiếp 1.094.324 lượt người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, với tổng số người được tiếp là 1.180.937 người về 879.522 vụ việc, có 9.637 đoàn đông người.
Bên cạnh đó, các cơ quan hành chính các cấp tiếp nhận 1.231.192 đơn các loại (bao gồm: đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh); đã xử lý 1.175.884 đơn, có 1.011.653 đơn đủ điều kiện xử lý với tổng số 83.272 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của cơ quan hành chính nhà nước.
Về kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã giải quyết 69.386/83.272 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 83,3%. Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị thu hồi cho nhà nước 236,7 tỷ đồng, 168,7 ha đất; trả lại cho tổ chức, cá nhân 472,5 tỷ đồng, 39,8 ha đất; kiến nghị xử lý 1.700 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xử lý 107 vụ, 121 đối tượng (có 44 cán bộ, công chức).
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát, giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài, vụ việc khiếu kiện đông người tại các cơ quan trung ương, Thanh tra Chính phủ đã ban hành các kế hoạch triển khai, phối hợp với Bộ Công an, các bộ, ngành chức năng và các địa phương kiểm tra, rà soát, qua đó đã lập danh sách 1.003 vụ việc.
Theo báo cáo, các địa phương đã tiến hành rà soát, giải quyết và báo cáo kết quả về Thanh tra Chính phủ 856/1.003 vụ việc (85,3%). Thanh tra Chính phủ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện trong thời gian tới.
Thanh tra Chính phủ đã hoàn thành việc nhập dữ liệu 1.003 vụ việc này vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo để các bộ, ngành, địa phương cập nhật, khai thác, sử dụng, đồng thời, ban hành Kế hoạch tiến hành đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện tại một số địa phương, sau khi hoàn thành Kế hoạch (dự kiến Quý III/2024), trên cơ sở kết quả đôn đốc, kiểm tra, Thanh tra Chính phủ sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất sơ kết việc thực hiện.
|
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Dương Quốc Huy chủ trì buổi tiếp công dân định kỳ. Ảnh: L.A |
Bảo đảm tính đồng bộ, khắc phục mâu thuẫn, chồng chéo và thực hiện hiệu quả tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo
Báo cáo 1026/BC-TTCP cũng nêu rõ, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện Nghị quyết số 623/NQ-UBTVQH15 và các kiến nghị của Đoàn Giám sát tại Báo cáo 341/BC-UBTVQH, trong đó đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị chức năng của Thanh tra Chính phủ triển khai các nhiệm vụ Nghị quyết số 623/NQ-UBTVQH15 và Thủ tướng Chính phủ giao Thanh tra Chính phủ chủ trì thực hiện. Nhìn chung, các nhiệm vụ đã, đang được triển khai và đạt những kết quả, trong đó:
Tham mưu Chính phủ chỉ đạo bộ, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt Chỉ thị số 35/CT-TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Khẩn trương có kế hoạch thực hiện Nghị quyết 623/NQ-UBTVQH15 và các kiến nghị trong Báo cáo của Đoàn giám sát đảm bảo hiệu lực, hiệu quả.
Thanh tra Chính phủ tham mưu đưa nội dung này vào định hướng chương trình thanh tra hằng năm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để chỉ dạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện. Trên cơ sở đó Thanh tra Chính phủ ban hành văn bản hướng dẫn, tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiến hành rà soát và đã có Báo cáo số 1946/BC-TTCP ngày 29/8/2023 gửi Thủ tướng Chính phủ về kết quả rà soát.
Đồng thời, tổ chức rà soát vướng mắc, khó khăn trong việc tổ chức, thực hiện Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo để hướng dẫn các bộ ngành và địa phương thực hiện bảo đảm tính đồng bộ, khắc phục mâu thuẫn, chồng chéo, thực hiện có hiệu quả; trong đó, tập trung đánh giá các quy định về việc tổ chức tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu, mô hình tiếp công dân của Ban tiếp công dân cấp huyện, việc tiếp công dân trực tuyến.
Cùng với đó, ban hành kế hoạch chuyển đổi số, trong đó có nhiệm vụ “nâng cấp, hoàn thiện Cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo, đảm bảo kết nối dữ liệu trên phạm vi toàn quốc” để thực hiện theo quy trình, đăng ký bổ sung vốn trung hạn để tổ chức thực hiện. Đồng thời, Thanh tra Chính phủ đánh giá, rà soát Hệ thống CSDL do Thanh tra Chính phủ đang quản lý và gửi văn bản khảo sát tới 09 cơ quan của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan tư pháp và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam gồm: Văn phòng Trung ương Đảng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ; Ban Dân nguyện - Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Ngoài ra, để đảm bảo kịp thời thông tin về kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành chính trên phạm vi toàn quốc phục vụ hoạt dộng lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan tư pháp và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Thanh tra Chính phủ đã có Văn bản số 563/TTCP- TTTT ngày 01/4/2024 gửi 09 cơ quan nêu trên đề nghị lập danh sách cán bộ, công chức có chức năng, nhiệm vụ được giao để triển khai ngay việc phân quyền truy cập, khai thác dữ liệu tại cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo do Thanh tra Chính phủ đang quản lý./.