Báo Thanh tra đã phản ánh toàn diện, đầy đủ hoạt động của Cục III tại khu vực phía Nam. Ảnh: NG
Đi đến cùng sự thật
Là người thủ trưởng cũ, cũng là một bạn đọc thân thiết nên nguyên Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Chiến Bình đã theo dõi rất kỹ tuyến tin bài liên quan đến công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng được Báo Thanh tra đăng tải. Tại thời điểm còn phụ trách công tác thanh tra khu vực phía Nam, mỗi khi có đơn vị nào, cá nhân nào phản ánh về việc bị Báo Thanh tra phê bình về thiếu sót, sai phạm thì ông đều khẳng định là anh em báo chí làm đúng. Sau đó, ông đều thông báo lại cho lãnh đạo Báo Thanh tra biết về sự việc này và đề nghị cần đi đến cùng sự thật để bảo đảm sự công bằng, trong đó cần chú ý đến quyền lợi của nhóm yếu thế là công dân khiếu nại.
Mỗi lần gặp phóng viên, nguyên Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Chiến Bình đều hỏi về kết quả giải quyết của cơ quan chức năng liên quan đến các vấn đề được phản ánh trên Báo Thanh tra, như vụ nhiều cán bộ quân đội hưu trí tại phường 2, quận Tân Bình khiếu nại về chính sách bồi thường DA đường nối Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài, cùng vụ việc khiếu nại của công dân Vũ Huy Hoàng tại quận 2 mà Thanh tra Chính phủ đã có 4 kết luận, còn Thủ tướng Chính phủ đã có 15 văn bản chỉ đạo, đó còn là các sai phạm tại đảo Phú Quốc, cũng như vấn đề còn tồn tại trong việc thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án xây dựng khu công nghiệp, giao thông, thủy lợi, đô thị, thương mại, du lịch, dịch vụ… Đây là những vấn đề báo chí cần đi sâu hơn để phản ánh đầy đủ, đúng bản chất sự việc vì tâm lý của cán bộ các địa phương thường ngán ngại sửa sai nên để sự việc kéo dài.
Lần này gặp chúng tôi, bên cạnh những buồn vui của cuộc sống, nguyên Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Chiến Bình đã chia vui với sự kiện ông đã trở thành Phó Chủ tịch Hội đồng biên tập của Tạp chí Truyền thống và Phát triển. Trong quá trình hoạt động, Hội đồng Biên tập mong muốn nhận được các tin, bài của các cơ quan truyền thông, đặc biệt là từ Báo Thanh tra về mảng tin bài tổng kết đánh giá về vai trò của ngành Thanh tra trong lịch sử phát triển của đất nước.
Khi chúng tôi đang thực hiện bài viết này, thì đường dây nóng của Báo Thanh tra vẫn tiếp tục nhận được thêm nhiều lời chúc mừng ngày nhà báo, cùng lời gửi gắm mong rằng đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên tiếp tục giữ phong thái “tâm sáng, lòng trong, ngòi bút sắc” để chuyển tải đầy đủ, toàn diện hoạt động thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, đặc biệt là kết quả phòng, chống tham nhũng đến mỗi người dân. Một trong nhiều lời động viên là thông tin của các hộ dân quận 2 cho biết, qua phản ánh toàn diện của Báo Thanh tra về sự phản hồi kết quả thanh tra bước đầu, thì trong Nghị quyết của Chính phủ ngày 11/6/2019 về kết quả phiên họp tháng 5/2019, cũng đã đề nghị Thanh tra Chính phủ khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết luận thanh tra liên quan đến Dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm, làm rõ trách nhiệm, vi phạm của tổ chức, cá nhân liên quan, kiến nghị biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật. Đây cũng có thể hiểu là sự thật nếu đi đến cùng với sự đồng thuận của truyền thông và cơ quan chức năng sẽ là ánh bình minh chiếu sáng mọi góc tối để lợi ích nhóm và tham nhũng về đất đai không còn là nỗi sợ hãi, là nguồn cơn của năm tháng ròng rã khiếu nại mà có nơi, có lúc người dân yếu thế vẫn phải gánh chịu.
Đúng tôn chỉ, mục đích
Vấn đề này là một điều thường được Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn đề cập đến mỗi khi phóng viên muốn tìm hiểu sâu hơn về quan điểm xử lý các vấn đề được dư luận quan tâm. Đó cũng là bài học nghiệp vụ khó quên với các phóng viên Cơ quan đại diện Báo Thanh tra tại TP Hồ Chí Minh, với sự kiện công trình khách sạn hình con tàu do Tập đoàn Trần Thái xây dựng có dấu hiệu lấn chiếm hành lang bảo vệ bờ biển tại đảo Phú Quốc.
Câu chuyện bắt đầu từ khát vọng muốn phát triển nhanh huyện Phú Quốc theo chủ trương sẽ là đơn vị hành chính kinh tế đặc thù của lãnh đạo địa phương, trong đó có Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Nguyễn Thanh Nghị nên đã có một văn bản chỉ đạo là không thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển cho 20 khu vực biển tại đảo Phú Quốc. Nhưng quyết sách này lại xung đột với Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo nên tạo ra dư luận không đồng tình với cách làm của lãnh đạo tỉnh Kiên Giang.
Hoạt động thanh tra, tiếp công dân của lãnh đạo Thanh tra Chính phủ được phản ánh đậm nét với nhiều tin, bài chất lượng cao. Ảnh: NG
Ngày 16/5/2017, Báo Thanh tra có bài phản ánh về những bất ổn nếu thực thi theo chỉ đạo của UBND tỉnh Kiên Giang, với dẫn chứng là khách sạn hình con tàu của Tập đoàn Trần Thái đã nằm trọn trong hành lang bảo vệ bờ biển, lấn chiếm không gian tâm linh của khu vực trung tâm huyện đảo Phú Quốc.
Ngay khi báo phát hành, hàng loạt cuộc điện thoại đã được gọi đến cho Ban Biên tập với nhiều mục đích khác nhau, người viết bài cũng được ông Trần Minh Chí, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Trần Thái gặp trực tiếp để giải thích là làm đúng theo văn bản của cơ quan quản lý.
Ngay sau đó, từ đầu cầu Hà Nội, đích thân Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn cũng đã chủ trì họp trực tuyến với Cơ quan đại diện phía Nam để làm rõ bản chất sự việc nhằm thống nhất phương án xử lý thông tin phù hợp. Khi đó, phóng viên đã nhận được sự ủng hộ tinh thần của Ban Biên tập để giải thích từng nội dung của bài viết và đã làm rõ được bản chất khách quan, để sau đó mới biết được là sự thiếu thống nhất về số liệu mức triều trung bình giữa cơ quan quản lý Nhà nước đã tạo ra lỗ hổng pháp lý khó khắc phục tại đảo Phú Quốc.
Mãi đến tháng 4/2019, khi Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra việc chấp hành pháp luật về đất đai, quy hoạch xây dựng, bảo vệ môi trường tại tỉnh Kiên Giang thì sự việc này mới được giải tỏa khi Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn nói riêng với người viết là Báo Thanh tra đã phản ánh đúng sự việc tại đảo Phú Quốc, nhưng cần rút kinh nghiệm là phải thông tin thêm về phản hồi của các tổ chức, cá nhân khi viết bài phê bình tại khu vực phía Nam.
Từ đó, mỗi lần tham gia các sự kiện của Thanh tra Chính phủ, cùng một số hoạt động bên lề các sự kiện thanh tra, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn đều nhắc nhở phóng viên Báo Thanh tra cần tác nghiệp đúng tôn chỉ, mục đích.
Là người thường xuyên được phóng viên Báo Thanh tra tham khảo về pháp lý các vụ việc, nguyên Cục trưởng Cục III Võ Văn Đồng lại nói sâu hơn về câu chuyện làm gì thì phải tuân thủ là cơ quan thông tin của Thanh tra Chính phủ. Thực tiễn là hoạt động của Báo Thanh tra còn nhiều khó khăn về kinh phí, nhân sự nhưng các tuyến tin bài cần tập trung nhiều hơn về các tấm gương của cán bộ thanh tra trong hoạt động nghiệp vụ, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng. Cách thể hiện không nên nặng nề về số liệu mà phải có ngôn từ trong sáng, ảnh chụp phải đẹp hơn, trình bày báo cần chuyên nghiệp hơn, chất lượng giấy in cũng cần phải đầu tư bài bản hơn. Điều đặc biệt cần chú ý là Ban Biên tập Báo Thanh tra phải chỉ đạo, lãnh đạo các phóng viên luôn bám sát tôn chỉ, mục đích của báo, đây là việc cần làm trong điều kiện cơ quan chức năng đang triển khai chính sách của Đảng, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, kế hoạch của Bộ Thông tin và Truyền thông về quy hoạch hệ thống báo chí.
Nói về Báo Thanh tra, mà cụ thể là các tin bài về hoạt động của ngành tại khu vực phía Nam nói riêng và cả nước nói chung, Cục trưởng Cục III Trần Văn Mây cho biết rất ấn tượng với phong cách tác nghiệp của phóng viên. Đó là nhanh nhạy, cẩn trọng trong từng câu chữ, công phu trong từng tấm ảnh về hoạt động của Thanh tra Chính phủ. Qua lăng kinh đa diện của Báo Thanh tra, có thể thấy nhịp điệu hoạt động của Cục III cũng khởi sắc hơn, người dân cũng đã hiểu hơn về vai trò của Thanh tra Chính phủ trong việc thực hiện các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao. Những điều tốt đẹp của cuộc sống hiện tại, của nhịp đập kinh tế - xã hội và công tác thanh tra, phòng chống tham nhũng với tinh thần không có vùng cấm sẽ càng đẹp hơn khi được phản ánh một cách trung thực, khách quan theo tiêu chí Báo Thanh tra luôn đồng hành cùng cái đúng, cái đẹp đang hiện hữu mỗi ngày.
Theo nguyên Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Chiến Bình, bài học sự thật phải được nhìn nhận đầy đủ được thể hiện rõ nhất là sau 13 đoàn thanh tra thì vụ việc khiếu nại tại Khu công nghiệp Long Giang mới được giải quyết đúng lý hợp tình, trong đó có phần đóng góp của báo chí.
|