Quản lý hoạt động báo chí, xuất bản còn những tồn tại, hạn chế

Mới đây, tại Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra (CL&KHTT), TS. Lê Tiến Hào, Nguyên Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng tư vấn, tuyển chọn đề tài đã chủ trì buổi phê duyệt thuyết minh đề tài cấp bộ: “Vai trò của cơ quan thanh tra trong quản lý hoạt động báo chí, xuất bản” (QLHĐBCXB) do ThS. Đỗ Công Định, Phó Tổng biên tập Báo Thanh tra, TTCP đăng ký làm chủ nhiệm.

ThS. Đỗ Công Định cho biết, trong thời gian qua, quản lý hoạt động báo chí, xuất bản vẫn còn những tồn tại, hạn chế mà nguyên nhân cơ bản nằm ở công tác chỉ đạo, quản lý báo chí, xuất bản chưa theo kịp sự phát triển; năng lực nắm bắt, phát hiện vấn đề, chủ động kiểm soát tình hình còn hạn chế; sự phối hợp của các cơ quan chỉ đạo, quản lý, cơ quan chủ quản báo chí, xuất bản và các cơ quan liên quan thiếu chặt chẽ, một số trường hợp còn lơi lỏng.

Vì vậy, theo ThS. Đỗ Công Định cần nghiên cứu để đưa ra các giải pháp, kiến nghị nâng cao vai trò của cơ quan thanh tra trong quản lý hoạt động báo chí, xuất bản. Thuyết minh đề tài được nghiên cứu với 3 nội dung gồm cơ sở lý luận về vai trò của cơ quan thanh tra trong hoạt động quản lý báo chí, xuất bản; thực trạng, vai trò của cơ quan thanh tra trong hoạt động báo chí, xuất bản; và quan điểm, giải pháp nhằm phát huy vai trò của cơ quan thanh tra trong hoạt động quản lý báo chí, xuất bản.

Tại buổi phê duyệt, ông Đào Trung Kiên, Tổng Biên tập Tạp chí Thanh tra, Thanh tra Chính phủ cho rằng, thuyết minh cần có sự cơ cấu hợp lý giữa nội dung thanh tra và hoạt động báo chí, xuất bản. Về phương pháp nghiên cứu cần bổ sung phương pháp phân tích, thu thập số liệu của hoạt động thanh tra đối với hoạt động báo chí, xuất bản.

Cho ý kiến vào nội dung thuyết minh, TS. Nguyễn Tuấn Khanh, Phó Viện trưởng Viện CL&KHTT, cho rằng nội dung thuyết minh cần thể hiện rõ ràng, logic hơn. Về mục tiêu chung, cần làm rõ về cơ sở lý luận, đánh giá đúng đắn vai trò của cơ quan thanh tra trong QLHĐBCXB. Về mục tiêu cụ thể, cần phân tích vào ba nội dung chính gồm: phương thức thể hiện vai trò của cơ quan thanh tra trong QLHĐBCXB; các yếu tố ảnh hưởng đến vai trò của cơ quan thanh tra trong QLHĐBCXB; đánh giá những ưu điểm cũng như tồn tại, hạn chế của cơ quan thanh tra trong QLHĐBCXB.

Bên cạnh đó, thuyết minh cần viết gọn lại phần tính cấp thiết của đề tài; phạm vi nghiên cứu cần làm rõ về không gian, đồng thời cần làm rõ đối tượng nghiên cứu, hướng trọng tâm vào vai trò của cơ quan Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông và Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông trong QLHDBCXB hiện nay.


Làm rõ vai trò của cơ quan thanh tra trong quản lý hoạt động báo chí xuất bản

Cũng theo TS. Nguyễn Tuấn Khanh, về các nội dung nghiên cứu, cần thống nhất cách sử dụng cụm từ như quản lý báo chí, xuất bản hay hoạt động quản lý báo chí, xuất bản. Cần thể hiện rõ vai trò của cơ quan thanh tra trong QLHĐBCXB với những nội dung như góp phần hoàn thiện chính sách pháp luật; phòng ngừa, phát hiện, xử lý vi phạm trong hoạt động báo chí, xuất bản; các yếu tố ảnh hưởng đến vai trò của cơ quan thanh tra trong QLHĐXB. Phần thực trạng, cần hướng vào việc kết quả thanh tra sẽ đóng góp vào việc hoàn thiện thể chế, pháp luật, phòng ngừa, phát hiện và xử lý vi phạm trong hoạt động báo chí, xuất bản. Về kiến nghị, giải pháp: Cần đưa ra các giải pháp trực tiếp hướng vào việc phát huy vai trò của cơ quan thanh tra trong QLHĐBCXB.

Còn theo ThS. Lê Văn Đức, Phó Trưởng phòng Thông tin, Tư liệu và Thư viện, Viện CL&KHTT, tên thuyết minh và nội dung nghiên cứu còn có sự vênh nhau. Theo đó, tính cấp thiết của đề tài cần thể hiện rõ vai trò của cơ quan thanh tra với những nội dung như: hoàn thiện chính sách pháp luật; phát hiện sai phạm trong hoạt động báo chí, xuất bản; phát huy những nhân tố tích cực của báo chí trong phát hiện tham nhũng, tiêu cực. Ngoài ra, về phạm vi nghiên cứu, cần làm rõ về mặt không gian và thời gian.

ThS. Phạm Thị Thu Hiền, Phó Viện trưởng Viện CL&KHTT, Ủy viên Hội đồng khẳng định, thuyết minh được chuẩn bị cẩn thận với lực lượng nghiên cứu có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực báo chí. Tuy nhiên, để tăng tính thực tiễn cho công trình nghiên cứu, cần bổ sung lực lượng nghiên cứu từ thanh tra Bộ TTTT.

Kết luận tại buổi phê duyệt, TS. Lê Tiến Hào cho rằng, để hoàn thiện thuyết minh cần bổ sung, chỉnh sửa một số nội dung. Trước tiên, cần luận giải rõ vai trò của cơ quan thanh tra bao gồm cả thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành, trong đó nhấn mạnh thanh tra là nội dung, công cụ của hoạt động báo chí, xuất bản. Do vậy, cần chỉnh sửa mục tiêu nghiên cứu sát với tên đề tài đưa ra.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Hội đồng cũng nêu rõ, về đối tượng, phạm vi nghiên cứu, tập trung chủ yếu vào hoạt động của Thanh tra Bộ Thông tin và truyền thông và Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông. Tập trung vào các nội dung gồm phân tích làm rõ nội dung các phương diện thể hiện của cơ quan thanh tra trong HĐQLBCXB; các yếu tố ảnh hưởng đến vai trò của cơ quan thanh tra trong HĐQLBCXB; thực trạng pháp luật về vai trò của cơ quan thanh tra trong HĐQLBCXB; và quan điểm, giải pháp nâng cao vai trò của cơ quan thanh tra trong HĐQLBCXB.

Với những kết quả đạt được, Hội đồng nhất trí thông qua phê duyệt thuyết minh. Ban chủ nhiệm đề tài hoàn thiện thuyết minh theo các ý kiến của Hội đồng tại cuộc họp./.

Lan Anh