Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Thanh tra tỉnh tham dự Hội nghị Ký kết quy chế phối hợp liên ngành

Tin trong ngành  
Thanh tra tỉnh tham dự Hội nghị Ký kết quy chế phối hợp liên ngành
Chiều ngày 20/9/2023, VKSND tỉnh Hà Nam chủ trì tổ chức Hội nghị ký kết 03 Quy chế phối hợp liên ngành (sửa đổi, bổ sung) nhằm hoàn thiện thể chế phù hợp với các quy định mới của pháp luật, quan điểm chỉ đạo của Đảng, đồng thời nâng cao trách nhiệm của các ngành trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ.
Chiều ngày 20/9/2023, VKSND tỉnh Hà Nam chủ trì tổ chức Hội nghị ký kết 03 Quy chế phối hợp liên ngành (sửa đổi, bổ sung) nhằm hoàn thiện thể chế phù hợp với các quy định mới của pháp luật, quan điểm chỉ đạo của Đảng, đồng thời nâng cao trách nhiệm của các ngành trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ.
Dự và chỉ đạo hội nghị có đồng chí Đinh Thị Lụa - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh cùng đại diện lãnh đạo Ban Nội chính Tỉnh ủy. Tham dự Hội nghị gồm có đại diện Lãnh đạo các ngành: Viện KSND tỉnh, Công an tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Thanh tra tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bảo hiểm xã hội tỉnh, Cục Thi hành án dân sự, Cục Thuế, Cục Quản lý thị trường, Chi cục Hải quan Hà Nam và Trại giam Nam Hà (Cục C10 - Bộ Công an), Sở Y tế tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Hà Nam, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nam cùng chuyên viên được phân công nhiệm vụ là đầu mối phối hợp theo dõi của các ngành.
 
Toàn cảnh Hội nghị
 

Đ/c Nguyễn Quốc Phương – Phó Viện trưởng VKSND tỉnh báo cáo đánh giá kết quả thực hiện các Quy chế phối hợp liên ngành
 
Với vai trò là cơ quan thường trực giúp Liên ngành theo dõi việc thực hiện các quy chế phối hợp liên ngành, đại diện Lãnh đạo VKSND tỉnh đồng chí Nguyễn Quốc Phương – Phó Viện trưởng đã báo cáo đánh giá kết quả gần 05 năm thực hiện 03 quy chế phối hợp liên ngành (Quy chế số 02/2018/QCPH-LN ngày 30/11/2018 phối hợp trong công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố trên địa bàn tỉnh Hà Nam; Quy chế số 02/QCPHLN-VKS-CA-TA-SYT ngày 31/10/2019 phối hợp liên ngành trong công tác giám định pháp y; Quy chế số 01/2019/QCPH-LN ngày 31/10/2019 phối hợp trong công tác tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và tuyên truyền pháp luật trên địa bàn tỉnh Hà Nam). Nhìn chung, các ngành chức năng liên quan đã có sự phối hợp chặt chẽ, nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, chủ động thông báo các tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố cho cơ quan Công an phân loại, xử lý; đồng thời thông báo cho Viện kiểm sát để kiểm sát việc xử lý theo quy định của pháp luật, công tác tuyên truyền pháp luật đã được chú trọng, ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân có chuyển biến rõ rệt; chất lượng công tác giám định ngày càng nâng cao, kết quả giám định đã được thể hiện rõ ràng, chính xác, phục vụ tốt việc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự của các cơ quan tiến hành tố tụng trên địa bàn tỉnh. Từng đơn vị liên quan đều đã phân công cán bộ chịu trách nhiệm tổng hợp số liệu, báo cáo theo Quy chế. Hàng tháng, trao đổi thông tin, đối chiếu số liệu tiếp nhận, xử lý cũng như tình hình giải quyết tố giác, tin báo tội phạm của các ngành và tổng hợp báo cáo cấp ủy địa phương, liên ngành cấp trên. Việc thực thực hiện 03 Quy chế phối hợp liên ngành trong những năm qua đã góp phần đẩy nhanh tiến độ và hiệu quả trong công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật đạt kết quả tích cực; kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc đối với công tác giám định pháp y trong hoạt động tố tụng hình sự, tạo cơ chế phối hợp giữa các Cơ quan tiến hành tố tụng với Cơ quan giám định tư pháp; gắn trách nhiệm cụ thể giữa các ngành chức năng của tỉnh trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh, phục vụ nhiệm vụ chính trị địa phương.

Tuy nhiên, thời gian qua nhiều Bộ luật, Luật, Kết luận chỉ đạo về cải cách tư pháp của các cơ quan Trung ương liên tục có sự thay đổi cho phù hợp với thực tiễn. Do đó, VKSND tỉnh đã chủ động  tham mưu Thường trực Tỉnh ủy tổ chức chỉ đạo các ngành nghiên cứu sửa đổi, bổ sung và tổ chức Hội nghị ký kết 03 Quy chế phối hợp trên, nhằm hoàn thiện thể chế phù hợp với các quy định mới của pháp luật, quan điểm chỉ đạo của Đảng, nâng cao trách nhiệm của các ngành trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ, đồng thời tạo ra cơ chế giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm và tuyên truyền pháp luật; công tác giám định pháp y, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới.
 
Đ/c Đinh Thị Lụa - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Phát biểu và chỉ đạo Hội nghị, Đồng chí Đinh Thị Lụa - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Ban chỉ đạo CCTP tỉnh đã đánh giá cao những cố gắng, nỗ lực của liên ngành chức năng trong công tác phối hợp tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, công tác giám định pháp y, công tác tuyên truyền pháp luật trong thời gian qua, giúp Tỉnh ủy quản lý tốt tình hình tội phạm xảy ra trên địa bàn, thiết thực góp phần giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội của tỉnh. Đồng chí cũng đánh giá cao với nhận thức về sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung các Quy chế phối hợp liên ngành, đồng thời đặc biệt nhấn mạnh về trách nhiệm phối hợp của các cơ quan chức năng trong quá trình công tác.
 
 
Các ngành ký kết Quy chế phối hợp 

Thay mặt liên ngành, đ/c Trần Thế Kính – Bí thư BCS Đảng, Viện trưởng VKSND tỉnh phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, sự phối hợp của các cơ quan tiến hành tố tụng cũng như các cơ quan có liên quan sẽ phối hợp chặt chẽ, kịp thời trao đổi thông tin, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc góp phần đảm bảo việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng quy định của pháp luật, không làm oan người vô tội và hạn chế thấp nhất việc bỏ lọt tội phạm. Đồng thời giúp cấp ủy, chính quyền địa phương nắm bắt kịp thời tình hình vi phạm, tội phạm xảy ra trên địa bàn từ đó đề ra những giải pháp tích cực, hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, công tác tuyên truyền pháp luật, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị tại địa phương, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh./.