Cụ thể, theo Điều 21 Nghị định số 59/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN), hằng năm, các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương cấp tỉnh xây dựng báo cáo đánh giá đánh giá công tác PCTN gửi cho Thanh tra Chính phủ tổng hợp, sử dụng để xây dựng báo cáo về công tác PCTN.

Mục đích của việc xây dựng báo cáo PACA là để khuyến khích những nỗ lực của UBND cấp tỉnh trong công tác PCTN, xây dựng văn hóa chống tham nhũng; tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa Thanh tra Chính phủ với UBND cấp tỉnh về công tác PCTN trên cơ sở phối hợp đánh giá, chia sẻ và nhân rộng những thực tiễn tốt; từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về công tác PCTN…

Việc đánh giá công tác PCTN cấp tỉnh bao gồm 4 nội dung là: Đánh giá công tác quản lý nhà nước về PCTN, đánh giá kết quả thực hiện các biện pháp phòng ngừa, đánh giá việc phát hiện các hành vi tham nhũng, đánh giá việc xử lý các hành vị tham nhũng.

Bộ chỉ số PACA này đã lượng hóa 4 nội dung thành 4 nhóm chỉ số gồm 21 chỉ số với 52 chỉ số thành phần được Thanh tra Chính phủ xây dựng sau nhiều lần góp ý, đúc rút kinh nghiệm từ thực tiễn triển khai công tác đánh giá trong các năm 2016, 2017, 2018.

Theo Báo cáo PACA, kết quả công tác quản lý nhà nước về PCTN ngày càng hoàn thiện, công tác PCTN dần trở thành nề nếp, là một trong những nhiệm vụ chính trị hàng đầu của công tác quản lý kinh tế - xã hội của các địa phương hiện nay. Về thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, các địa phương vẫn tiếp tục phát huy tính hiệu quả. Công tác xử lý các hành vi tham nhũng có những kết quả tích cực không chỉ ở kết quả chung mà còn bởi tất cả các địa phương đều đạt được những kết quả nhất định. Công tác phát hiện hành vi tham nhũng tuy không đạt được kết quả như kỳ vọng nhưng vẫn có một số điểm tích cực. Nhiều địa phương đạt kết quả cao trong phát hiện hành vi tham nhũng như những năm trước, PACA 2019 cũng đánh giá cao những nỗ lực của một số địa phương trong việc đẩy mạnh phát hiện tham nhũng tại địa phương như Ninh Thuận, Tuyên Quang.

Cũng theo Báo cáo, công tác PCTN tuy đã nâng lên nhưng vẫn còn chậm, điểm trung bình của địa phương trên cả nước vẫn ở mức trung bình thấp. Khoảng cách giữa nhóm các địa phương thực hiện tương đối tốt với nhóm thấp tuy có rút ngắn nhưng vẫn còn tương đối xa. Sự nỗ lực của các địa phương chưa đồng đều, đặc biệt là ở các tỉnh miền Bắc khi có sự chênh lệch điểm rất lớn. Một số địa phương đã cố gắng nâng cao kết quả công tác PCTN nhưng số khác lại sụt giảm đi khá nhiều.

“Khi Chủ tịch UBND các địa phương quan tâm nhiều hơn tới công tác PCTN ở địa phương mình thì điểm đánh giá PACA cũng nhờ đó mà tăng lên và ngược lại”, Thanh tra Chính phủ nhận định.

Thanh tra Chính phủ đề nghị những địa phương đã được chỉ ra các mặt hạn chế trong báo cáo cần nghiêm tục kiểm điểm, rút kinh nghiệm và có phương án khắc phục. Chấn chỉnh kịp thời để nâng cao hiệu quả của hệ thống cơ quan thanh tra trong việc phát hiện hành vi tham nhũng qua việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và thanh tra.

Thanh tra Chính phủ khuyến nghị các địa phương, bên cạnh việc thúc đẩy hơn nữa công tác PCTN thì cần có những chuẩn bị cần thiết để việc đánh giá PACA 2020 được tốt hơn. Thông qua kết quả đánh giá PACA, các địa phương cần tổng kết, rút kinh nghiệm để có thể tổ chức đánh giá PACA cho năm sau được tốt hơn. Lồng ghép đánh giá PACA vào kế hoạch thực hiện công tác PCTN hàng năm để phân công đầu mối chủ trì, phối hợp thực hiện. Cần có sự phối hợp tốt hơn giữa các cơ quan liên quan trong việc gửi tài liệu chứng minh tới cơ quan đầu mối tổ chức đánh giá PACA ở địa phương bởi đây là bằng chứng quan trọng để Thanh tra Chính phủ xác định mức độ hoàn thành nhiệm vụ trong đánh giá. Địa phương cần bố trí cán bộ có kinh nghiệm tham gia lớp tập huấn hàng năm của Thanh tra Chính phủ, phối hợp chặt chẽ với cán bộ phụ trách địa bàn của Cục PCTN…

Thanh tra Chính phủ dự kiến sẽ tổng kết, đánh giá việc tổ chức PACA sau 4 năm thực hiện, rà soát điều chỉnh nội dung của Bộ chỉ số PACA, do đó đề nghị các địa phương cũng rà soát, tổng kết việc đánh giá.

Thanh tra Chính phủ khẳng định, kết quả rà soát của địa phương sẽ là tiền đề quan trọng để Thanh tra Chính phủ hoàn thiện Bộ chỉ số và kiến nghị điều chỉnh các quy định của pháp luật về báo cáo công tác PCTN./.

Nguồn: Ngô Tân - Thanh tra Việt Nam