Các cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập

Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi (gọi tắt Luật sửa đổi) đã quy định việc quản lý bản kê khai TSTN một cách tập trung. Theo đó, cơ quan, đơn vị quản lý tập trung bản kê khai là cơ quan, đơn vị kiểm soát TSTN của người có nghĩa vụ kê khai thuộc thẩm quyền. Điều này giúp cho việc theo dõi, giám sát và kiểm soát TSTN của người có nghĩa vụ kê khai hiệu quả hơn, qua đó kịp thời xác minh để phát hiện, xử lý tham nhũng. Đồng thời, Luật sửa đổi cũng quy định về trình tự, thủ tục tiếp nhận bản kê khai, cung cấp thông tin bản kê khai và xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về bản kê khai

Điều 30 của Luật sửa đổi quy định cơ quan kiểm soát TSTN và đối tượng kiểm soát TSTN của các cơ quan này như sau:

“(1) Thanh tra Chính phủ kiểm soát TSTN của người giữ chức vụ từ giám đốc sở và tương đương trở lên công tác tại bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương, đơn vị sự nghiệp công lập, cơ quan, tổ chức do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, doanh nghiệp Nhà nước; người có nghĩa vụ kê khai thuộc thẩm quyền quản lý của mình.”

Như vậy, có thể hiểu Thanh tra Chính phủ là cơ quan kiểm soát TSTN đối với người có chức vụ, quyền hạn từ giám đốc sở và tương đương trở lên công tác trong toàn bộ bộ máy hành chính Nhà nước và các cán bộ, công chức, viên chức có nghĩa vụ kê khai làm việc tại cơ quan Thanh tra Chính phủ, trừ những người thuộc sự kiểm soát của các cơ quan, tổ chức khác sẽ được xác định trong quy chế phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền kiểm soát TSTN.

“(2) Thanh tra tỉnh kiểm soát TSTN của người có nghĩa vụ kê khai công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp Nhà nước thuộc chính quyền địa phương”, trừ những đối tượng thuộc sự kiểm soát của Thanh tra Chính phủ và những người thuộc sự kiểm soát của các cơ quan, tổ chức khác sẽ được xác định trong quy chế phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền kiểm soát TSTN

Với quy định này, ngành Thanh tra sẽ có trách nhiệm lớn trong việc kiểm soát TSTN của những người có chức vụ, quyền hạn bởi đối tượng kê khai trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị nói trên là rất rộng. Thanh tra Chính phủ sẽ kiểm soát TSTN của cán bộ trung, cao cấp trở lên trong toàn quốc chỉ trừ một số đối tượng tại một số cơ quan ở Trung ương, cơ quan tư pháp, kiểm toán và cơ quan Đảng, đoàn thể. Thanh tra cấp tỉnh sẽ kiểm soát TSTN của hầu hết cán bộ, công chức trong cơ quan Nhà nước tại địa phương, trừ một số cơ quan tư pháp, cơ quan Đảng, Đoàn thể. Trách nhiệm này sẽ đặt ra cho ngành Thanh tra những yêu cầu mới, đòi hỏi phải có sự điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức cũng như chuyên môn nghiệp vụ trong thời gian tới.

Luật Thanh tra năm 2010 đã được đưa vào chương trình xây dựng luật và pháp lệnh của Quốc hội để sửa đổi, bổ sung. Chắc chắn quy định về vai trò, trách nhiệm của các cơ quan thanh tra Nhà nước trong kiểm soát TSTN sẽ là một trong những nội dung được quan tâm sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng và Nghị định 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 về kiểm soát TSTN của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, có hiệu lực từ ngày 20/12/2020 (sau đây gọi tắt là Nghị định 130/2020/NĐ-CP) để tạo điều kiện cho cơ quan thanh tra Nhà nước thực hiện trọng trách của mình.

Đối với các cơ quan, tổ chức khác, Luật sửa đổi quy định như sau:

“(3) Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ kiểm soát TSTN của người có nghĩa vụ kê khai công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp Nhà nước thuộc thẩm quyền quản lý Nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này” (tức là các đối tượng thuộc diện kiểm soát của Thanh tra Chính phủ).

“(4) Cơ quan giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác đại biểu kiểm soát TSTN của đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và người có nghĩa vụ kê khai khác thuộc thẩm quyền quản lý cán bộ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

(5) Văn phòng Quốc hội kiểm soát TSTN của người có nghĩa vụ kê khai công tác tại cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này.

(6) Văn phòng Chủ tịch nước kiểm soát TSTN của người có nghĩa vụ kê khai công tác tại Văn phòng Chủ tịch nước.

(7) Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước kiểm soát TSTN của người có nghĩa vụ kê khai công tác tại Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Kiểm toán Nhà nước.

(8) Cơ quan có thẩm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam, cơ quan trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội kiểm soát TSTN của người có nghĩa vụ kê khai công tác trong hệ thống cơ quan, tổ chức đó.”

Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập

Điều 31 của Luật quy định nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan kiểm soát TSTN. Cụ thể, cơ quan kiểm soát TSTN có nhiệm vụ: Quản lý, cập nhật bản kê khai TSTN (sau đây gọi là bản kê khai) và các thông tin về kiểm soát TSTN; giữ bí mật thông tin thu thập được trong quá trình kiểm soát TSTN; áp dụng hoặc đề nghị cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ người cung cấp thông tin có liên quan đến việc kiểm soát TSTN. Việc bảo vệ người cung cấp thông tin được thực hiện như bảo vệ người tố cáo quy định được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố cáo. Người phản ánh, báo cáo về hành vi tham nhũng được áp dụng các biện pháp bảo vệ như bảo vệ người tố cáo. Cung cấp bản kê khai, thông tin, dữ liệu về kiểm soát TSTN khi có yêu cầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền. Trong quá trình kiểm soát TSTN nếu phát hiện hành vi vi phạm pháp luật, cơ quan kiểm soát TSTN phải chuyển vụ việc cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Cơ quan kiểm soát TSTN có quyền yêu cầu người có nghĩa vụ kê khai cung cấp, bổ sung thông tin có liên quan, giải trình khi có biến động tăng về TSTN từ 300.000.000 đồng trở lên so với TSTN đã kê khai lần liền trước đó hoặc để phục vụ việc xác minh TSTN; yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin về TSTN của người có nghĩa vụ kê khai để phục vụ việc xác minh TSTN; xác minh TSTN và kiến nghị xử lý vi phạm quy định của pháp luật về kiểm soát TSTN. Đây có thể coi là điểm mới quan trọng tạo điều kiện để cơ quan kiểm soát TSTN có thể chủ động việc xác minh và chịu trách nhiệm về quyết định đó của mình. Đồng thời, yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền hoặc cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân đang quản lý TSTN áp dụng các biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật nhằm ngăn chặn việc tẩu tán, hủy hoại, chuyển dịch TSTN hoặc hành vi khác cản trở hoạt động xác minh TSTN.

Quyền hạn này được trao cho cơ quan kiểm soát TSTN thể hiện vai trò to lớn của hoạt động này trong việc thực hiện các biện pháp cần thiết không những bảo đảm hiệu quả của việc kiểm soát TSTN mà còn bảo đảm cho việc thu hồi tài sản tham nhũng khi người sở hữu tài sản được xác định là tội phạm tham nhũng. Thực tế cho thấy, nếu không có các biện pháp hữu hiệu thì ngay cả khi một người nào đó bị kết án về tội tham nhũng cũng khó có thể thu hồi được tài sản có nguồn gốc từ hành vi tham nhũng do đã bị tẩu tán dưới nhiều hình thức khác nhau trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử.

Mặt khác, theo Điều 31 của Luật, cơ quan kiểm soát TSTN có quyền đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền định giá, thẩm định giá, giám định TSTN phục vụ việc xác minh. Đây là một nội dung quan trọng trong xác minh TSTN bởi vì giá trị tài sản là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong việc đánh giá tính trung thực của việc kê khai tài sản. Trong khi đó, TSTN bao gồm rất nhiều loại và để xác định giá trị của nó đòi hỏi phải có kiến thức chuyên môn sâu đối với từng loại. Vì vậy, cơ quan kiểm soát TSTN có quyền yêu cầu cơ quan chuyên môn có thẩm quyền định giá, thẩm định giá, giám định TSTN phục vụ việc xác minh.

Theo quy định tại Nghị định 130/2020 NĐ-CP, việc yêu cầu, đề nghị phải được thực hiện bằng văn bản do tổ trưởng tổ xác minh TSTN, người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu cơ quan kiểm soát TSTN ký. Về thời hạn cung cấp thông tin, người được yêu cầu phải thực hiện yêu cầu cung cấp thông tin trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu. Trong trường hợp thông tin được yêu cầu cung cấp là thông tin phức tạp, không có sẵn thì thời hạn cung cấp thông tin là 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu. Trong mọi trường hợp, người được yêu cầu có thể đưa ra những lý do trong việc chậm trễ cung cấp thông tin được yêu cầu nhưng việc đánh giá và chấp nhận lý do đó hay không thuộc về quyền của người yêu cầu. Quy định này nhằm bảo đảm cho các cơ quan kiểm soát TSTN thực hiện trách nhiệm của mình trong quá trình tiến hành xác minh, tránh những khó khăn có thể gặp phải vì sự bất hợp tác, thậm chí là chống đối của người được yêu cầu cung cấp thông tin. Những quy định nói trên cũng được áp dụng đối với việc yêu cầu và thực hiện yêu cầu cung cấp thông tin đối với doanh nghiệp, tổ chức thuộc khu vực ngoài Nhà nước và cá nhân.

Như vậy, cơ quan kiểm soát TSTN có đầy đủ các quyền hạn để phục vụ cho việc kiểm soát tình hình thực tế, sự biến động của TSTN của người có nghĩa vụ kê khai và qua đó đánh giá về tính trung thực của việc kê khai cung như các dấu hiệu nghi ngờ về sự thiếu trung thực, che giấu tài sản hoặc các nghi ngờ liên quan đến hành vi tham nhũng. Đặc biệt là cơ quan kiểm soát TSTN có quyền chủ động tự mình quyết định xác minh TSTN và kiến nghị xử lý vi phạm quy định của pháp luật về kiểm soát TSTN. Đây là một quyền hạn rất quan trọng để khắc phục những hạn chế, khó khăn của quy định hiện hành trong việc tiến hành xác minh TSTN của người có chức vụ, quyền hạn.

Để bảo đảm các quyền hạn của cơ quan kiểm soát TSTN được thực hiện, Điều 32 của Luật sửa đổi cũng đã nhấn mạnh trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan trong kiểm soát TSTN. Việc Luật quy định các trách nhiệm của cơ quan tổ chức có liên quan nhằm giúp cho cơ quan kiểm soát TSTN có thể thu thập thông tin, tài liệu một cách nhanh chóng, đầy đủ, chính xác nhất phục vụ cho việc kiểm soát TSTN của người có chức vụ, quyền hạn góp phần phòng, chống tham nhũng cũng như thu hồi tài sản tham nhũng có hiệu quả.

Ngoài ra, Điều 40 của Luật sửa đổi quy định cơ quan kiểm soát TSTN theo dõi biến động về TSTN của người có nghĩa vụ kê khai thông qua phân tích, đánh giá thông tin từ bản kê khai hoặc từ các nguồn thông tin khác. Trường hợp phát hiện TSTN có biến động từ 300.000.000 đồng trở lên so với TSTN đã kê khai lần liền trước đó mà người có nghĩa vụ kê khai không kê khai thì cơ quan kiểm soát TSTN có quyền yêu cầu người đó cung cấp, bổ sung thông tin có liên quan; trường hợp TSTN có biến động tăng thì phải giải trình về nguồn gốc của TSTN tăng thêm.

Quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan kiểm soát TSTN trong việc xác minh TSTN

Theo Điều 41 Luật sửa đổi, cơ quan kiểm soát TSTN có thể tự quyết định, chủ động trong việc tiến hành xác minh TSTN của đối tượng thuộc thẩm quyền của mình. Ngoài những trường hợp cần tiến hành xác minh do có những dấu hiệu rõ ràng về việc không trung thực hay từ thông tin, phản ánh, tố cáo của người dân hoặc cơ quan báo chí, cơ quan kiểm soát TSTN còn tiến hành công việc này một cách chủ động thông qua kế hoạch hàng năm với những đối tượng được lựa chọn một cách ngẫu nhiên. Cách làm này vừa bảo đảm sự công bằng giữa những người có nghĩa vụ kê khai, vừa là sự nhắc nhở với họ về việc luôn sẵn sàng đối diện với việc có thể là đối tượng xác minh bất cứ lúc nào và vì thế cần phải trung thực trong quá trình thực hiện nghĩa vụ kê khai của mình nếu không muốn bị xử lý do vi phạm.

Xác minh ngẫu nhiên là một quy định mới ở Việt Nam nhưng là hình thức mà nhiều nước trên thế giới đã áp dụng và đem lại hiệu quả. Để bảo đảm việc xác minh tài sản đúng mục đích và phát huy tác dụng, Luật sửa đổi quy định Chính phủ quy định chi tiết tiêu chí lựa chọn người có nghĩa vụ kê khai được xác minh và việc xây dựng, phê duyệt kế hoạch xác minh TSTN hằng năm của cơ quan kiểm soát TSTN. Theo Nghị định 130/2020/NĐ-CP, việc xác minh ngẫu nhiên chỉ thực hiện đối với người có nghĩa vụ kê khai hằng năm; tính chất ngẫu nhiên chỉ là đối với một người cụ thể còn việc xác minh dù là ngẫu nhiên thì vẫn bảo đảm sự công bằng và có trọng tâm, trọng điểm căn cứ vào tình hình tham nhũng, yêu cầu của công tác phòng, chống tham nhũng trong các lĩnh vực và từng thời kỳ khác nhau. Vì vậy, việc xác minh ngẫu nhiên phải thực hiện thông qua các kế hoạch hằng năm.

Trách nhiệm của cơ quan kiểm soát TSTN trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát TSTN

Cơ sở dữ liệu quốc gia được xây dựng và quản lý tập trung cũng cho phép các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có thể khai thác, sử dụng một cách thuận tiện và có hiệu quả các thông tin cần thiết phục vụ cho việc kiểm soát TSTN. Đây là công việc khá phức tạp cần có sự đầu tư thích đáng về nguồn lực và công nghệ. Là cơ quan quản lý Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng được giao thực hiện, Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm xây dựng, quản lý, khai thác và bảo vệ cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát TSTN trong phạm vi cả nước. Mặt khác, mỗi cơ quan kiểm soát TSTN xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu trong phạm vi quản lý của mình và có sự kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về TSTN. Cơ sở dữ liệu quốc gia có thể khai thác, sử dụng các thông tin cần thiết trong cơ sở dữ liệu của các cơ quan kiểm soát TSTN khác. Cơ quan kiểm soát TSTN có trách nhiệm cung cấp bản kê khai, thông tin, dữ liệu về kiểm soát TSTN bằng văn bản cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân yêu cầu trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu.

Có thể khẳng định, trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, sự kết nối và chia sẻ thông tin chính là yêu cầu tự nhiên của mọi chu trình quản lý. Việc hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát TSTN cho phép Nhà nước có thể cập nhật đầy đủ và chính xác tất cả những thông tin cần thiết liên quan đến TSTN của người có nghĩa vụ phải kê khai; có thể tiến hành đánh giá, kiểm tra ở mức độ nhất định tính trung thực của việc kê khai tài sản; sự biến động của TSTN cũng như những dấu hiệu đáng ngờ trong sự biến động của TSTN của người có nghĩa vụ phải kê khai./.

TS. Đinh Văn Minh

Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ