Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái bên hành lang Quốc hội. Ảnh: H.G
Kết quả giải quyết KN, TC là căn cứ xem xét bổ nhiệm cán bộ
Dự báo, thời gian tới, nhất là trong thời điểm diễn ra những sự kiện chính trị quan trọng của đất nước như các kỳ họp của Trung ương, Quốc hội, đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, tình hình KN, TC sẽ còn diễn biến phức tạp, xảy ra ở những địa phương có sai phạm, sơ hở, yếu kém trong quản lý Nhà nước như: quản lý, sử dụng đất đai, nhà ở, môi trường, đầu tư xây dựng, giao thông vận tải…
Vì vậy, định hướng kế hoạch thanh tra năm 2020 trong toàn ngành, Thanh tra Chính phủ yêu cầu, tăng cường thanh tra việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao của cơ quan, tổ chức, đơn vị, tập trung các ngành, lĩnh vực, địa phương có dấu hiệu vi phạm, dư luận xã hội phản ánh tiêu cực, tham nhũng, phát sinh nhiều đơn thư KN, TC.
Riêng Thanh tra Chính phủ sẽ tập trung thanh tra trách nhiệm việc thực hiện chính sách pháp luật và nhiệm vụ, quyền hạn của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND cấp tỉnh; chú trọng vào công tác quản lý Nhà nước về sử dụng vốn đầu tư công, đất đai, tài nguyên khoáng sản, thực hiện pháp luật về giải quyết KN, TC, phòng, chống tham nhũng…
Trao đổi với PV Báo Thanh tra, đại biểu (ĐB) Quốc hội (QH) Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) cho hay, ông hoàn toàn ủng hộ định hướng thanh tra như vậy. “Cấp trên phải xem xét về mặt công vụ, thanh tra trách nhiệm là quan trọng nhất. Vì nguyên tắc, cán bộ, công chức chỉ được làm những việc pháp luật cho phép và phải làm những việc pháp luật quy định”, ông Nhưỡng nhấn mạnh.
Theo ĐB Nhưỡng, qua thanh tra trách nhiệm nếu thấy cán bộ không giải quyết KN, TC của người dân thì kiên quyết xử lý. “Anh không giải quyết KN, TC của người dân, tức là đã vi phạm Luật KN, Luật TC. Đó là một trong những căn cứ để xử lý cán bộ, không xem xét đề bạt, bổ nhiệm, thậm chí đình chỉ chức vụ ngay lập tức tại thời điểm đó. Làm nghiêm như vậy thì ai cũng sẽ sợ”, ĐBQH đoàn Bến Tre đề nghị.
Ông Lưu Bình Nhưỡng nói thêm, pháp luật về KN, TC cơ bản đầy đủ, quy định rõ thẩm quyền, thời gian, trình tự, thủ tục. Vậy tại sao không giải quyết? “Người dân gửi đơn thư mà cán bộ có thẩm quyền không làm gì là thói im lặng vô cảm, cực kỳ nguy hiểm”, ĐB nêu quan điểm.
Cũng nhấn mạnh trách nhiệm của cán bộ, công chức, đặc biệt là người đứng đầu, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi nói, chúng ta phải hết sức cương quyết, xử lý nghiêm minh, có chế tài rất cụ thể để thủ trưởng các đơn vị, chủ tịch UBND các địa phương thực hiện tốt công tác tiếp dân, giải quyết KN, TC.
“Kết quả tiếp dân, giải quyết KN, TC phải là tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng, hiệu quả công tác, là căn cứ để xem xét bổ nhiệm cán bộ”, ông Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh.
Khôi phục, bảo đảm quyền lợi cho 1.889 tập thể, cá nhân
Nhìn lại kết quả tiếp dân, giải quyết KN, TC thời gian qua, các vị ĐBQH cho rằng, “tiếp tục có chuyển biến tích cực”.
Ngay từ đầu năm 2019, Chính phủ, Thủ tướng, Thanh tra Chính phủ đã dành nhiều thời gian, vào cuộc cùng cả hệ thống chính trị đề ra nhiều giải pháp, tập trung chỉ đạo công tác tiếp công dân, giải quyết KN, TC, nhất là thúc đẩy giải quyết các vụ đông người, phức tạp, kéo dài.
Đến nay, KN, TC đã giảm so với năm 2018 trên hầu hết các chỉ tiêu cơ bản. “Kết quả công tác giải quyết KN, TC đã góp phần quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, tạo sự ổn định chính trị - xã hội và thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội”, Tổng Thanh tra Lê Minh Khái cho hay.
Báo cáo Chính phủ gửi Quốc hội cho thấy, các cơ quan hành chính Nhà nước đã giải quyết 28.428 vụ thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 86,2%. Qua đó, đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước, trả lại cho tập thể, cá nhân hơn 205 tỷ đồng, hơn 24ha đất; khôi phục, đảm bảo quyền lợi cho 1.889 tập thể, cá nhân; kiến nghị xử lý vi phạm 597 người, chuyển cơ quan điều tra 20 vụ, 26 đối tượng.
Thanh tra Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cũng tiến hành 1.640 cuộc thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về KN, TC tại 2.751 cơ quan, tổ chức, đơn vị (tăng 24% số cuộc so với năm 2018); phát hiện 623 đơn vị có vi phạm, kiến nghị kiểm điểm rút kinh nghiệm 425 tổ chức, 628 cá nhân, xử lý kỷ luật 19 tổ chức, cá nhân.
“Kết luận thanh tra đã nêu đích danh một số lãnh đạo sở, ngành không tiếp dân như Giám đốc Sở Nội vụ, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Trà Vinh. Hay Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Văn hóa, Thể thao du lịch, Sở Nội vụ, Cục Thuế tỉnh Đồng Tháp… nên tình hình tiếp công dân đã có nhiều chuyển biến.
Theo kết quả giám sát của Uỷ ban Thường vụ QH, tỷ lệ tiếp công dân của người đứng đầu cơ quan hành chính cấp xã, huyện và tỉnh đều có sự chuyển biến rõ rệt so với kỳ báo cáo trước”, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng lưu ý, vẫn còn tình trạng chuyển đơn thư của người dân lòng vòng, cơ quan này “đẩy” trách nhiệm giải quyết cho cơ quan khác như “đèn cù”. Thậm chí “ngâm”, chậm giải quyết cả các vụ KN, TC do chính ĐBQH, Đoàn ĐBQH các cơ quan của QH chuyển đến. Theo ông, các giải pháp của Chính phủ đưa ra cần thực hiện quyết liệt để công tác này đạt hiệu quả tốt hơn nữa.
Tổ công tác của Thủ tướng đã chỉ đạo giải quyết 18 vụ phức tạp, kéo dài Thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước, Thủ tướng đã ban hành quyết định thành lập Tổ công tác do Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình làm Tổ trưởng để kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền một số địa phương trong công tác tiếp công dân, giải quyết KN, TC và trực tiếp chỉ đạo giải quyết một số vụ việc KN, TC phức tạp, kéo dài.
Tính đến hết tháng 8, Tổ Công tác đã trực tiếp kiểm tra 8 tỉnh, TP (Hà Nội, Đồng Tháp, Đà Nẵng, Đắk Lắk, Tiền Giang, Hải Dương, Hưng Yên, An Giang) chỉ đạo giải quyết 18 vụ việc. Thanh tra Chính phủ cũng ban hành kế hoạch để hướng dẫn các địa phương thực hiện kế hoạch kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc KN, TC đông người, phức tạp, kéo dài; phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát, lập danh sách vụ việc Tổ công tác của Thủ tướng chỉ đạo giải quyết, các vụ việc địa phương giải quyết. Theo đó, có 37 vụ việc do Tổ công tác của Thủ tướng đôn đốc, chỉ đạo giải quyết; 221 vụ việc đã có kết luận của các cơ quan Trung ương đề nghị các địa phương tập trung giải quyết dứt điểm và báo cáo kết quả về Tổ công tác của Thủ tướng. Trong định hướng kế hoạch thanh tra năm 2020, Thanh tra Chính phủ tiếp tục yêu cầu triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả việc kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ KN, TC đông người, phức tạp, kéo dài, bảo đảm quyền lợi hợp pháp, chính đáng của công dân, nhằm góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội hướng đến phục vụ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 và bầu cử Đại biểu Quốc hội khoá XV, Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. |
Theo chỉ đạo của Thủ tướng, quá trình giải quyết các vụ KN phức tạp, tồn đọng, kéo dài, các cơ quan có thẩm quyền phải xem xét đầy đủ, thấu đáo nội dung KN, nguyên nhân phát sinh, nguyên nhân công dân chưa đồng tình với biện pháp giải quyết của chính quyền, xem xét bản chất vụ việc, tổ chức đối thoại công khai, huy động hệ thống chính trị cùng tham gia giải quyết, trao đổi, tạo đồng thuận với hướng giải quyết vụ việc. Nếu giải quyết sai phải kiên quyết sửa chữa, khắc phục, tìm biện pháp giải quyết dứt điểm, ổn định tình hình ở địa phương. Nếu đã giải quyết đúng pháp luật, có lý, có tình cần kiên trì giải thích, thuyết phục để công dân hiểu, chấp hành và công khai kết quả giải quyết, thông báo chấm dứt thụ lý giải quyết. Nếu người KN có hoàn cảnh thực sự khó khăn, cần vận dụng chính sách xã hội để có biện pháp hỗ trợ nhằm ổn định cuộc sống, chấm dứt KN. |
Theo Báo Thanh tra