Chương trình hành động của Thanh tra Chính phủ xác định rõ nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, phân công trách nhiệm và tổ chức thực hiện hiệu quả những nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII và các đột phá chiến lược, đảm bảo thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Đồng chí Đoàn Hồng Phong, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ đã dành thời gian trả lời phỏng vấn của Tạp chí Thanh tra về một số vấn đề liên quan đến việc triển khai thực hiện Chương trình hành động của Thanh tra Chính phủ.

P.V: Xin đồng chí cho biết những nhiệm vụ trọng tâm trong Chương trình hành động của Thanh tra Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng?

Đồng chí Đoàn Hồng Phong: Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng là sự tổng kết sâu sắc lý luận và thực tiễn, kết tinh trí tuệ, ý chí, nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, có giá trị định hướng và lãnh đạo, chỉ đạo toàn bộ các hoạt động của Đảng, Nhà nước và xã hội. Để Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng được thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, toàn diện, hiệu quả, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết, đồng thời tuyên truyền sâu rộng trong toàn Đảng bộ nhằm tạo sự thống nhất về ý chí và hành động trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết.

Chương trình hành động của Thanh tra Chính phủ đề ra 6 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, công tác tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm 2021 và những năm tiếp theo. Nội dung nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền bao gồm: Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII; Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về các văn kiện Đại hội XIII của Đảng; Báo cáo chính trị, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030; Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng khóa XII.

Trong công tác xây dựng thể chế, tập trung hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng và tổ chức thực hiện tốt hệ thống pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý, hiệu quả, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực bằng pháp luật.

Đối với công tác thanh tra, tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, thanh tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc theo các nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao. Chú trọng thanh tra việc chấp hành pháp luật chuyên ngành, nhất là các lĩnh vực dư luận xã hội quan tâm. Nâng cao chất lượng báo cáo kết quả, kết luận thanh tra; kịp thời phát hiện và kiến nghị xử lý nghiêm minh tập thể, cá nhân vi phạm pháp luật, chú trọng phát hiện sơ hở, bất cập để kiến nghị cấp có thẩm quyền hoàn thiện chính sách, pháp luật trên lĩnh vực được thanh tra. Đẩy mạnh công tác giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra.

Về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phối hợp với các cấp, các ngành nhằm giải quyết kịp thời, đúng pháp luật, phù hợp thực tế đối với các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền ngay từ khi mới phát sinh tại cơ sở, phấn đấu đạt tỷ lệ trên 85%; thực hiện tốt các quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo đã có hiệu lực pháp luật, phấn đấu đạt tỷ lệ trên 90%.

Bên cạnh đó, trong công tác phòng, chống tham nhũng, đặc biệt lưu ý việc triển khai thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 bảo đảm kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu lực, hiệu quả; khẩn trương triển khai thực hiện những quy định mới về kiểm soát tài sản, thu nhập, kiểm soát xung đột lợi ích, phòng, chống tham nhũng khu vực ngoài nhà nước, thanh tra phát hiện, xử lý tham nhũng… tập trung xử lý nghiêm, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc.

Trong công tác xây dựng ngành, tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng cơ quan Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra toàn diện, trong sạch, vững mạnh. Xây dựng tổ chức bộ máy các cơ quan thanh tra tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

tong thanh tra.jpg
Uỷ viên Trung ương Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong. (Ảnh: Minh Nguyệt)

P.V: Thời gian qua, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp, Đảng ủy Thanh tra Chính phủ đã lãnh đạo, chỉ đạo các mặt công tác như thế nào để vừa gắn với Chương trình hành động cụ thể của Thanh tra Chính phủ, vừa đảm bảo thực hiện đạt kết quả, thưa đồng chí?

Đồng chí Đoàn Hồng Phong: Bên cạnh việc sớm ban hành Chương trình hành động năm 2021, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Đảng ủy đã bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng bộ Khối, Nghị quyết Đại hội XXIII của Đảng ủy Thanh tra Chính phủ để cụ thể hóa các nhiệm vụ trọng tâm phù hợp với điều kiện thực tiễn, chỉ đạo các cấp ủy trực thuộc đổi mới về phương thức lãnh đạo, lề lối làm việc, nâng cao chất lượng tham mưu, giúp việc của cán bộ, đảng viên.

Các nhiệm vụ chính trị của Thanh tra Chính phủ, của ngành Thanh tra được Đảng ủy Thanh tra Chính phủ và các cấp ủy Đảng lãnh đạo thực hiện đúng định hướng của Thủ tướng Chính phủ và thống nhất của thủ trưởng cơ quan nhà nước cùng cấp. Kết quả công tác toàn ngành 10 tháng qua có một số nét cơ bản như sau:

- Đã tiến hành 5.273 cuộc thanh tra hành chính và 139.893 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua các kết luận thanh tra chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực; phát hiện vi phạm về kinh tế 45.665 tỷ đồng và 6.878 ha đất; trong đó đã kiến nghị thu hồi 11.494 tỷ đồng và 3.378 ha đất; đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý 34.171 tỷ đồng và 3.499 ha đất; ban hành 99.913 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 2.464 tỷ đồng; kiến nghị xử lý hành chính đối với 2.246 tập thể, 4.194 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý 216 vụ việc, 152 đối tượng. Các kết luận, kiến nghị xử lý về thanh tra khách quan, chính xác, kịp thời được dư luận xã hội đồng tình.

- Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được Thanh tra Chính phủ tiến hành đồng bộ, quyết liệt, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phục vụ các kỳ họp Trung ương Đảng, Quốc hội và những ngày lễ lớn của đất nước. Trụ sở Tiếp công dân Trung ương tiếp 1.626 lượt công dân với 4.190 người được tiếp đến trình bày về 1.399 vụ việc; đã xử lý 7.925 đơn trong đó có 2.406 đơn đủ điều kiện xử lý (chiếm tỷ lệ 31,5%).

- Công tác phòng, chống tham nhũng, đã triển khai nhiều nhiệm vụ theo Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, nhất là các nhiệm vụ theo Nghị định số 130/2020/NĐ-CP của Chính phủ; xây dựng nhiều kế hoạch, chương trình hành động để triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương về công tác phòng, chống tham nhũng. Phối hợp tổ chức Hội thảo trực tuyến tập huấn ASEAN-PAC về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc các ngành, các cấp thực hiện giải pháp phòng ngừa tham nhũng. Đã tiến hành kiểm tra tại 7.533 cơ quan, tổ chức, đơn vị về thực hiện công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động; ban hành 10.264 văn bản; sửa đổi, bổ sung 2.602 văn bản về chế độ, định mức, tiêu chuẩn; tiến hành 3.173 cuộc kiểm tra việc thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn, phát hiện 181 vụ việc vi phạm, kiến nghị thu hồi và bồi thường gần 85,6 tỷ đồng; chuyển đổi vị trí công tác 4.554 cán bộ, công chức, viên chức để phòng ngừa tham nhũng; qua tự kiểm tra nội bộ và hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo phát hiện 30 vụ, 55 đối tượng có hành vi tham nhũng và liên quan đến tham nhũng.

Đặc biệt, thực hiện sự chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra, phát hiện nhiều vi phạm, sai phạm, kiên quyết kiến nghị xử lý nhiều vụ việc liên quan đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Trong đó, có những vụ việc rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng mang tính đột phá trong đấu tranh, phòng, chống tham nhũng được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, thu hồi nhiều tiền, tài sản có giá trị lớn về ngân sách nhà nước; trong 10 tháng đầu năm 2021, Thanh tra Chính phủ đã chuyển cơ quan điều tra 19 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Điển hình là 07 vụ việc liên quan đến việc sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế, mua sắm trang thiết bị y tế, đấu thầu thuốc chữa bệnh.

- Công tác xây dựng thể chế, đã khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ, Kế hoạch xây dựng thể chế năm 2021 của Thanh tra Chính phủ, nhất là hoàn thiện dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) và dự thảo một số nghị định của Chính phủ. Cụ thể như dự thảo các nghị định: Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 59/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng; Nghị định sửa đổi, thay thế Nghị định số 50/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ; Nghị định của Chính phủ về cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập; Nghị quyết của Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về phòng, chống tham nhũng đến năm 2030 và kế hoạch thực hiện Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng năm 2003.

- Bên cạnh đó, thực hiện quy trình về công tác cán bộ theo Nghị quyết của Ban Cán sự Đảng, trong 9 tháng đầu năm 2021, lãnh đạo Thanh tra Chính phủ đã tiến hành bổ nhiệm đối với 10 trường hợp (01 Phó Tổng thanh tra, 05 cấp vụ, 04 cấp phòng), bổ nhiệm lại 16 trường hợp (11 cấp vụ, 05 cấp phòng), điều động, bổ nhiệm 09 trường hợp (06 cấp vụ, 03 cấp phòng)… Việc kiện toàn công tác tổ chức cán bộ nhằm xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ đảng viên và cán bộ thanh tra các cấp, nhất là cấp chiến lược, người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

P.V: Theo đồng chí, để thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm mà Chương trình hành động đã đề ra và tạo bước đột phá trong thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, thời gian tới, Thanh tra Chính phủ cần tập trung vào những giải pháp nào?

Đồng chí Đoàn Hồng Phong: Để hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm mà Chương trình hành động đã đề ra, nâng cao hiệu quả các mặt công tác, tạo bước đột phá trong thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, thời gian tới, Thanh tra Chính phủ cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:

Một làtiếp tục tổ chức các đợt sinh hoạt chính trị, học tập, nghiên cứu, quán triệt các văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII cho cán bộ, đảng viên trên cơ sở đảm bảo kết hợp thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị khác, đặc biệt là công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, bảo đảm tính thiết thực, hiệu quả, an toàn. Các đơn vị bám sát chương trình hành động của Thanh tra Chính phủ, của đơn vị mình để triển khai thực hiện nhiệm vụ, cụ thể hóa chương trình, kế hoạch hành động bằng các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, nguồn lực, đồng thời có sự phân công trách nhiệm và quy định thời gian thực hiện cụ thể, tránh chung chung, thường xuyên báo cáo Tổng Thanh tra Chính phủ kết quả thực hiện theo định kỳ hàng quý, 6 tháng, một năm và đột xuất khi có yêu cầu. Kết quả thực hiện chương trình hành động sẽ là cơ sở quan trọng để kiểm điểm, đánh giá tập thể lãnh đạo đơn vị hàng năm và cả nhiệm kỳ.

Hai là, Thanh tra Chính phủ chủ động xây dựng Định hướng chương trình thanh tra hàng năm và hướng dẫn các cơ quan thanh tra xây dựng kế hoạch thanh tra, bảo đảm kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm, hạn chế chồng chéo, trùng lắp. Bên cạnh đó, đề xuất nội dung thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với bối cảnh, tình hình đất nước và yêu cầu quản lý của các cấp, các ngành. Các Cục, Vụ lựa chọn một số lĩnh vực để tiến hành thanh tra chuyên đề diện rộng. Trên cơ sở đó, đánh giá việc thực hiện cơ chế, chính sách còn vướng mắc, bất cập để kiến nghị Chính phủ, Quốc hội sửa đổi, bổ sung kịp thời, nhằm tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Chú trọng thanh tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật, nhất là các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Đổi mới, sáng tạo phương pháp tổ chức các cuộc thanh tra phù hợp với yêu cầu phòng, chống dịch bệnh Covid-19, nhất là việc ứng dụng công nghệ thông tin.

Ba là, phối hợp với các cơ quan tổ chức tốt công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư theo kế hoạch và chỉ đạo của lãnh đạo Thanh tra Chính phủ. Đồng thời, tập trung thực hiện việc kiểm tra, xác minh, báo cáo, tham mưu giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo được giao; tăng cường thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, góp phần ổn định tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, phục vụ có hiệu quả các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước. Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan, tạo sự thống nhất trong xem xét, giải quyết, nhất là đối với những vụ việc phức tạp, tồn đọng, kéo dài.

Bốn là, thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra ngay trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị. Nhất là phải quán triệt, thực hiện có hiệu quả ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Phòng, chống tham nhũng phải gắn liền với chống suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa”, “Phải kịp thời phát hiện, giải quyết từ sớm, ngăn chặn từ đầu các hành vi sai phạm, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn”.

Năm là, đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng cơ quan Thanh tra Chính phủ toàn diện, trong sạch, vững mạnh; đổi mới phương thức lãnh đạo; xây dựng tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, “lợi ích nhóm”, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, xây dựng đội ngũ đảng viên và cán bộ thanh tra các cấp, nhất là cấp chiến lược, người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Mỗi cán bộ, đảng viên cần không ngừng học tập, rèn luyện, nâng cao trách nhiệm công vụ và phẩm chất đạo đức, đổi mới phương pháp làm việc, hành động bản lĩnh quyết liệt, toàn diện, đồng bộ, hiệu quả; nêu cao tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; nỗ lực khắc phục mọi khó khăn, thử thách hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao./.

P.V: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

(Tiêu đề do Tòa soạn đặt)