Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Phòng, chống tham nhũng trong các cơ quan thực hiện chức năng phòng, chống tham nhũng

Diễn đàn thanh tra  
Phòng, chống tham nhũng trong các cơ quan thực hiện chức năng phòng, chống tham nhũng

Tại Việt Nam, phòng, chống tham nhũng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị được thể hiện xuyên suốt trong nhiều văn kiện của Đảng và chính sách của Nhà nước. Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi năm 2018 đã cụ thể hóa trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong phòng, chống tham nhũng; trong đó, cơ quan thanh tra, Kiểm toán nhà nước, cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân, Toà án nhân dân là những cơ quan được giao thực hiện chức năng phát hiện, xử lý tham nhũng1 .

Trong những năm qua, cơ quan thực hiện chức năng phòng, chống tham nhũng đã có nhiều cố gắng, công tâm, khách quan, làm rõ các sai phạm; kiến nghị, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có liên quan, thu hồi nhiều tài sản cho Nhà nước. Nhất là tập trung vào các lĩnh vực có nhiều dư luận tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; xử lý nghiêm và công khai các sai phạm liên quan đến nhiều dự án gây thất thoát, thua lỗ lớn, dư luận xã hội quan tâm[1]. Tuy nhiên, vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng, tiêu cực tại những cơ quan này, vốn được coi là cần phải trong sạch và liêm chính nhất. Thực tế cho thấy, các hành vi như: doạ dẫm, nhận hối lộ để bỏ qua vi phạm; bao che, cố tình đưa ra những kết luận sai lệch, nhận quà để làm giảm mức độ sai phạm;cố tình làm trái các quy định pháp luật, bỏ lọt tội phạm, làm sai lệch hồ sơ vụ án…đã được phát hiện và xử lý. Do đó, phòng, chống tham nhũng trong các cơ quan thực hiện chức năng phòng, chống tham nhũng đã, đang và sẽ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đảng và Nhà nước ta. Đây là nhiệm vụ lâu dài, đòi hỏi phải tập trung sự chỉ đạo, điều hành cũng như nỗ lực thực hiện của cả hệ thống chính trị; gắn liền với việc hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu quả phòng, chống không chỉ trong nội bộ chính các cơ quan này mà cần có cơ chế giám sát chéo, phối hợp giữa các cơ quan nhà nước, giám sát từ xã hội nhằm ngăn ngừa các nguy cơ tham nhũng có thể phát sinh trong quá trình phát hiện, điều tra, xử lý tham nhũng tại chính các cơ quan thực hiện chức năng phòng, chống tham nhũng.

 

1. Nguy cơ phát sinh tham nhũng trong các cơ quan thực hiện chức năng phòng, chống tham nhũng

 

Nguy cơ tham nhũng có thể hiểu là những tình huống, bối cảnh có thể phát sinh tham nhũng. Nguy cơ tham nhũng khác với điều kiện và nguyên nhân phát sinh tham nhũng. Điều kiện phát sinh tham nhũng là những yếu tố cơ bản để xác định hành vi/vụ việc tham nhũng. Điều kiện phát sinh tham nhũng là các điều kiện cụ thể về chủ thể (người có chức vụ, quyền hạn), điều kiện về hành vi (lợi dụng chức vụ, quyền hạn) và điều kiện về động cơ, mục đích (vì vụ lợi và sự mong muốn đạt được lợi ích vật chất và tinh thần). Điều kiện về chủ thể và hành vi là điều kiện cần để xác định có tham nhũng hay không có tham nhũng. Điều kiện về mục đích là điều kiện đủ để xác định một hành vi/vụ việc xảy ra là tham nhũng hay không. Nguyên nhân nói chung là những yếu tố gây ra kết quả. Vì vậy, nguyên nhân phát sinh tham nhũng ở Việt Nam có thể được nhìn nhận từ nhiều góc độ dẫn đến tình trạng tham nhũng đó. Ví dụ như do quản lý yếu kém, do ảnh hưởng của văn hóa, do pháp luật chưa đồng bộ, do đạo đức cán bộ, công chức, viên chức suy thoái… Khi nói đến nguyên nhân thường phải đặt trong mối quan hệ nguyên nhân - kết quả. Đó là quan hệ trên thực tiễn khi đã có kết quả xảy ra.

 

Giữa nguy cơ, điều kiện và nguyên nhân phát sinh tham nhũng có quan hệ mật thiết với nhau. Có đủ điều kiện nhưng chưa chắc đã xảy ra tham nhũng bởi không có những tình huống, hoàn cảnh cụ thể để tham nhũng nảy sinh. Còn nguy cơ là chỉ nói đến khả năng, chưa có kết quả tham nhũng xảy ra cụ thể. Nguy cơ tham nhũng chính là tình huống mà trong tình huống đó, các điều kiện có thể đồng thời xảy ra, tình huống mà có thể có sự “gặp gỡ”, hội đủ các điều kiện làm cho tham nhũng phát sinh trên thực tế.

 

Các cơ quan thực hiện chức năng phòng, chống tham nhũng là các cơ quan được pháp luật quy định có nhiệm vụ, quyền hạn trong phòng, chống. Người làm việc trong các cơ quan này là cán bộ, công chức và những người được giao nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể, có trách nhiệm phải thực thi nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Như vậy, trong hoạt động của các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng luôn tồn tại những tình huống tham nhũng có thể xảy ra. Việc xác định những tình huống đó phải xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan và thẩm quyền, trách nhiệm của các cán bộ, công chức và người có nhiệm vụ, quyền hạn trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị đó. Đặc biệt là những tình huống liên quan đến giải quyết các vụ việc cụ thể vì với nhiệm vụ, thẩm quyền của các cơ quan này thì những tình huống đó có thể xảy ra việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn vì mục đích vụ lợi. Điều có thể thấy rõ nhất là khi vụ việc tham nhũng xảy ra, các bị can, bị cáo, đối tượng tham nhũng hoặc các đối tượng khác có liên quan có thể dùng những lợi ích vật chất và tinh thần để can thiệp làm giảm tính khách quan trong việc giải quyết; từ đó, tham nhũng có thể hình thành trong chính quá trình phòng, chống tham nhũng.

 

Với cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan thực hiện chức năng phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay, các nguy cơ tham nhũng có thể xảy ra trong các hoạt động sau:

 

Một là, nguy cơ tham nhũng trong quá trình các cơ quan, tổ chức, đơn vị phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng trong phạm vi thẩm quyền được giao. Pháp luật hiện hành quy định nhiều cơ quan có thẩm quyền trong việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng thông qua ba nhóm biện phápCông tác kiểm tra và tự kiểm tra của cơ quan, tổ chức, đơn vị; hoạt động giám sát, thanh tra, kiểm toán; phản ánh, báo cáo, tố cáo về hành vi tham nhũng.

 

Ngay trong quá trình giám sát, thanh tra, kiểm toán, cũng có những nguy cơ phát sinh tham nhũng như trong trường hợp phát hiện vụ việc có dấu hiệu tham nhũng nhưng người có thẩm quyền trong cơ quan giám sát, kiểm toán, thanh tra vì mục đích vụ lợi đã bao che cho hành vi tham nhũng, không thể hiện những sai phạm trong kết luận thanh tra hoặc báo cáo kết quả kiểm toán; hoặc không nêu rõ trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra vụ việc tham nhũng theo quy định của pháp luật

 

Đối với các vụ việc tham nhũng mà hành vi và hậu quả nguy hiểm, cấu thành trách nhiệm hình sự, hiệu quả phát hiện và xử lý tham nhũng phụ thuộc rất lớn vào hoạt động của các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng, trong đó chủ yếu là cơ quan điều tra, viện kiểm sát và tòa án nhân dân. Trong quá trình giải quyết các vụ việc tham nhũng, các cơ quan tư pháp có trách nhiệm xem xét để đưa ra phán quyết về việc có hay không có vụ việc tham nhũng; xác định tính chất, mức độ hành vi vi phạm của người liên quan đến vụ việc tham nhũng; hậu quả pháp lý mà chủ thể thực hiện hành vi tham nhũng phải chịu (bao gồm cả hình phạt và trách nhiệm vật chất). Trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc tham nhũng, không loại trừ khả năng những người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án có các biểu hiện hành vi cố ý làm trái pháp luật vì mục đích vụ lợi như: làm sai lệch hồ sơ vụ án; bao che cho người có hành vi tham nhũng hoặc cho người có hành vi tham nhũng được giảm nhẹ mức độ hậu quả pháp lý mà họ đáng lẽ phải gánh chịu theo quy định của pháp luậtbỏ lọt tội phạm hoặc làm thất thoát tài sản tham nhũng đáng lẽ phải bị thu hồi...

 

Hai là, nguy cơ tham nhũng trong quá trình cơ quan, tổ chức, đơn vị xử lý hành vi tham nhũng trong phạm vi thẩm quyền quản lý của mình. Một vụ việc tham nhũng xảy ra, tùy theo mức độ nghiêm trọng của hành vi và hậu quả pháp lý mà các chủ thể thực hiện hành vi tham nhũng phải chịu trách nhiệm hành chính hoặc trách nhiệm hình sự. Việc xác định trách nhiệm hành chính hay trách nhiệm hình sự phụ thuộc vào quá trình tiếp nhận và xử lý các vụ việc tham nhũng. Đối với các vụ việc tham nhũng xảy ra với mức độ chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì trách nhiệm xử lý trong trường hợp này thuộc về thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền quản lý. Trong trường hợp qua xem xét, nếu thấy vụ việc tham nhũng xảy ra với mức độ nguy hiểm phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì việc phát hiện và xử lý thuộc trách nhiệm của các cơ quan tư pháp. Dĩ nhiên, pháp luật Việt Nam cũng quy định về cơ chế trao đổi thông tin về tham nhũng giữa các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quản lý và các cơ quan tư pháp. Trong mối quan hệ quản lý - điều hành của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, không loại trừ nguy cơ tham nhũng phát sinh trong quá trình tiếp nhận, xử lý các vụ việc tham nhũng. Nguy cơ này có thể là việc người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị vì mục đích vụ lợi mà có hành vi bao che cho người có hành vi tham nhũng.

 

Có thể thấy, nguy cơ tham nhũng trong các hoạt động trên xuất phát từ những yếu tố tác động sau:

 

Một là, hệ thống pháp luật quy định về chức năng, thẩm quyền của các cơ quan thực hiện chức năng phòng, chống tham nhũng chưa rõ ràng và chế tài xử lý chưa nghiêm khắc. Trong môi trường pháp  thiếu minh bạch, kẽ hở của pháp luật sẽ được khai thác triệt để nhằm phục vụ cho lợi ích của cá nhân, lợi ích nhóm. Ví dụ, pháp luật trao cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền nhiều “quyền” trong việc phát hiện, ra quyết định truy tố, xét xử các vụ, việc tham nhũng nhưng lại thiếu chế tài mạnh để xử lý khi để xảy ra sai phạm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao.

 

Hai là, yếu tố “quyền”. Quyền lực của cơ quan hoặc cá nhân được chế định trong luật và được cụ thể hóa trong quy chế làm việc của mỗi cơ quan. Mỗi cơ quan có chức năng, nhiệm vụ khác nhau; mỗi cán bộ, công chức có chức vụ khác nhau thì có quyền lực khác nhau và được quyết định trong phạm vi quyền lực của mình - thường gọi là thẩm quyền hay quyền hạn. Nếu cơ quan hoặc cá nhân luôn thực hiện đúng, đầy đủ quyền hạn của mình là bình thường, nhưng trên thực tế thường xuất hiện xu hướng lạm quyền, lộng quyền hoặc ngược lại, không thực hiện hết quyền hạn của mình mà né tránh, đùn đẩy... như tình trạng cán bộ, công chức có thẩm quyền tự cho mình “quyền” được làm việc này hay việc khác; thậm chí đặt ra những yêu cầu với đối tượng, nếu đối tượng không đáp ứng sẽ gây khó khăn, ít nhất là kéo dài thời gian giải quyết, đặt ra lý do về thủ tục, hành chính rườm rà, nặng hơn là không giải quyết hoặc giải quyết không đúng theo quy định.

 

 Ba là, yếu tố “trục lợi”. Việc trục lợi có thể bằng cả lợi ích vật chất và lợi ích tinh thần, tùy thuộc vào động cơ, mục đích của người hoặc các bên mong muốn trục lợi vì lợi ích gì trong từng vụ việc, từng loại quan hệ cụ thể. Từ đó, xuất hiện mối quan hệ không bình thường giữa cán bộ, công chức có “quyền” trong các cơ quan có “quyền” với các chủ thể khác liên quan đến một vụ, việc nào đó thông qua thỏa thuận ngầm, kín đáo, bất thành văn dưới nhiều hình thức rất tinh vi nhằm trục lợi cho chính mình hoặc cho một nhóm nào đó, gây thiệt hại cho người khác, tổ chức khác hoặc lợi ích xã hội.

 

2. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng trong các cơ quan thực hiện chức năng phòng, chống tham nhũng

 

Thứ nhất, đảm bảo phải có quyết tâm chính trị cao trong phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng tại chính các cơ quan được giao thực hiện chức năng phòng, chống tham nhũng. Quyết tâm chính trị là sự cam kết phòng, chống tham nhũng từ cấp cao nhất trong bộ máy của Đảng và Nhà nước cho đến người đứng đầu trong chính cơ quan thực hiện chức năng phòng, chống tham nhũng. Quyết tâm này được thể hiện bằng những chiến lược, đề án, hành động thực tiễn; được cụ thể hoá, công khai hoá để nhân dân nói chung và cán bộ, công chức trong cơ quan đó nói riêng giám sát, tức là không chỉ dừng lại ở những nghị quyết, những lời nói mang tính hô hào, khẩu hiệu. Bên cạnh cam kết chính trị ở cấp cao nhất, những nỗ lực chống tham nhũng lâu bền còn bao gồm sự cam kết đặc biệt từ những người đứng đầu các cơ quan, đơn vị được giao thực hiện chức năng phòng, chống tham nhũng. Người đứng đầu có vị trí trực tiếp quyết định trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Khi người đứng đầu kiên quyết chống tham nhũng, chắc chắn sẽ tập hợp xung quanh mình lực lượng mạnh mẽ chống tham nhũng. Muốn vậy, người đứng đầu phải thực sự trong sáng, liêm chính, là tấm gương sáng về đạo đức lối sống, không chấp nhận tham nhũng. Sự trong sáng, liêm chính đó bắt đầu từ bản thân, tới tập thể những người thân xung quanh, gần nhất như: tập thể lãnh đạo, các cộng sự, cấp dưới trực tiếp, cho đến những người trong gia đình. Cam kết này phải gắn liền với trách nhiệm chính trị của những người đứng đầu. 

 

Thứ hai, hoàn thiện các quy định về thẩm quyền và giám sát việc thực hiện thẩm quyền của các cơ quan thực hiện chức năng phòng, chống tham nhũng theo hướng:

 

a). Nghiên cứu hoàn thiện quy định bảo đảm các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng có thẩm quyền độc lập hơn trong việc phát hiện và xử lý tham nhũng.

 

Một trong những giải pháp được xem là quan trọng để gỡ nút thắt khó khăn trong phát hiện, xử lý tội phạm tham nhũng là nâng cao tính độc lập cho các cơ quan thực hiện chức năng phòng, chống tham nhũng. Mặc dù Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 đã bổ sung quy định kiểm tra hoạt động chống tham nhũng trong cơ quan thanh tra, kiểm toán nhà nước, cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân tại Điều 57; bổ sung quy định thẩm quyền của cơ quan thanh tra, kiểm toán nhà nước trong thanh tra, kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng tại Điều 61; xử lý vụ việc có dấu hiệu tham nhũng được phát hiện qua hoạt động thanh tra, kiểm toán tại Điều 62; xử lý vi phạm trong hoạt động thanh tra, kiểm toán tại Điều 64; tuy nhiên, cơ chế như thế nào, điều kiện cụ thể ra sao để các cơ quan này thể hiện được vai trò đích thực của mình lại cần được xác định một cách cụ thể trong quy định của pháp luật. Nâng cao tính độc lập vừa bảo đảm cho hoạt động của các cơ quan này hạn chế chịu sự can thiệp của các chủ thể khác vừa bảo đảm tính chịu trách nhiệm trong quá trình phát hiện và xử lý tham nhũng. Cụ thể là:

 

- Với các cơ quan thanh tra: Để nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý kịp thời các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, cần tăng cường tính độc lập cho các cơ quan này đối với việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của bộ máy hành chính. Chức năng của các cơ quan thanh tra cần được chuyển mạnh sang thực hiện chức năng giám sát hành chính theo tinh thần của Chiến lược phát triển ngành Thanh tra đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

 

- Với cơ quan kiểm toán: Tiếp tục nghiên cứu rà soát, đánh giá tình hình triển khai Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước, nhất là những nội dung liên quan tới chức năng, nhiệm vụ của Kiểm toán Nhà nước nhằm đảm bảo công khai, minh bạch, chuyên nghiệp, chính quy; chú trọng phòng, chống tham nhũng trong hoạt động kiểm toán, xử lý nghiêm vi phạm trong hoạt động kiểm toán. Trong đó, nghiên cứu hoàn thiện pháp luật bảo đảm tính độc lập trên thực tế của Kiểm toán Nhà nước và hoạt động Kiểm toán Nhà nước. Một số yếu tố ảnh hưởng đến tính độc lập của hoạt động kiểm toán nhà nước như địa vị pháp lý, nhân sự, ngân sách, cơ chế phân công, phân cấp nhiệm vụ, chính sách cán bộ, chuẩn mực, quy trình, phương pháp kiểm toán, đạo đức nghề nghiệp, trình độ năng lực của kiểm toán viên ... nên cần được tiếp tục nghiên cứu, xem xét, đánh giá, quy định một cách rõ ràng, minh định để giảm thiểu hoặc loại trừ các khả năng phát sinh tham nhũng, tiêu cực.

 

- Với các cơ quan tiến hành tố tụng: Tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về tổ chức, hoạt động của Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan điều tra nhằm bảo đảm tính đồng bộ, công khai, minh bạch trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ và nguyên tắc độc lập trong hoạt động. Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao, rà soát, sửa đổi, bổ sung bộ quy tắc nghề nghiệp; xác định vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức, gắn với tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá chức danh công chức của ngành; hoàn thiện quy định phân cấp quản lý tổ chức cán bộ... Để ngăn chặn nguy cơ tham nhũng trong các cơ quan tiến hành tố tụng, cần nghiên cứu cơ chế pháp lý cho việc kiểm tra, giám sát hoạt động thi hành pháp luật của các cơ quan có thẩm quyền; trong đó, cần xây dựng cơ chế phối hợp cụ thể, chi tiết giữa Tòa án với các cơ quan thi hành pháp luật khác để đảm bảo thông qua hoạt động xét xử, Tòa án có thể kịp thời phát hiện những vi phạm trong việc thi hành pháp luật của các cơ quan nhà nước và có biện pháp xử lý. Bên cạnh đó, cũng cần phân định rõ thẩm quyền quản lý hành chính với trách nhiệm, quyền hạn tư pháp trong hoạt động tố tụng tư pháp theo hướng tăng quyền và trách nhiệm cho Điều tra viên, Kiểm sát viên và Thẩm phán để họ chủ động trong thực thi nhiệm vụ, nâng cao tính độc lập và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hành vi và quyết định tố tụng của mình.

 

b). Nghiên cứu hoàn thiện các quy định về giám sát hoạt động phòng, chống tham nhũng, đặc biệt là giám sát việc thực hiện thẩm quyền phát hiện và xử lý tham nhũng của các cơ quan  chức năng phòng, chống tham nhũng.

 

Đồng thời với việc hoàn thiện các quy định pháp luật đảm bảo tính độc lập hơn về thẩm quyền cho các cơ quan thực hiện chức năng phòng, chống tham nhũng, để tránh lạm quyền, lộng quyền cần thiết phải tiếp tục hoàn thiện các chế định để giám sát việc thực hiện thẩm quyền của các cơ quan đó.

 

Việc giám sát có thể được thực hiện trong nội bộ cơ quan chống tham nhũng thông qua hai phương thức là giám sát thường xuyên và kiểm tra đột xuất: (i) Giám sát thường xuyên có thể được cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng thực hiện đối với cán bộ, công chức của mình. Mọi hoạt động liên quan đến việc thực hiện quyền hạn trong quá trình phát hiện, xử lý tham nhũng cần được quy trình hóa chặt chẽ, bảo đảm; (ii) Việc kiểm tra đột xuất sẽ do thủ trưởng cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng quyết định và thành lập các tổ công tác thực hiện khi thấy cần thiết. Việc kiểm tra nhằm vào một số nội dung mà người đứng đầu nhận thấy có những biểu hiện vi phạm, cần phải có biện pháp xử lý ngay nhằm ngăn chặn hành vi vi phạm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của công chức thuộc quyền.

 

Việc giám sát có thể được thực hiện từ bên ngoài, bao gồm: (i) Giám sát của bản thân đối tượng đang chịu sự thanh tra, kiểm tra, điều tra, kiểm toán... Để làm được điều này thì cần có cơ chế tiếp nhận các thông tin phản hồi của đối tượng đó cũng như những người có liên quan (cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, các tổ chức đoàn thể tại nơi đang chịu sự thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra); (ii) Giám sát của xã hội (Mặt trận tổ quốc, ban thanh tra nhân dân, báo chí, công dân) thông qua việc thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc về công khai, minh bạch trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan này, nhất là kết quả đầy đủ về các cuộc thanh tra, điều tra, kiểm toán, cáo trạng của Viện Kiểm sát, bản án của Tòa án và đặc biệt là việc thi hành các quyết định xử lý hành chính và hình sự đối với người có hành vi tham nhũng. Mọi hoạt động này cần phải được giám sát bởi xã hội thông qua việc phản biện, nêu ý kiến tranh luận một cách dân chủ nhằm ngăn chặn nguy cơ tham nhũng xảy ra.

 

Thứ ba, hoàn thiện quy định về chế tài xử lý đối với hành vi tham nhũng xảy ra trong các cơ quan thực hiện chức năng phòng, chống tham nhũngHoàn thiện quy định pháp luật về trách nhiệm hình sự theo hướng nghiêm khắc hơn đối với những tội phạm là người có thẩm quyền trong thực thi pháp luật, những người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội, đặc biệt là phạm tội tham nhũng. Người có chức vụ càng cao trong các cơ quan thực hiện chức năng phòng, chống tham nhũng mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn phạm tội thì càng phải xử lý nghiêm khắc. Theo đó, có thể nghiên cứu quy định theo hướng người phạm tội tham nhũng trong các cơ quan thực hiện chức năng phòng, chống tham nhũng là một tình tiết tăng nặng. Quy định này cũng được một số các quốc gia áp dụng trong chính sách hình sự về xử lý tham nhũng của mình.

 

Thứ , hoàn thiện các quy định về quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp đối với người làm công tác thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử. Tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp của lực lượng chuyên trách về phòng, chống tham nhũng phải gắn liền với việc hoàn thiện các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của các chức danh này theo hướng phân định rõ thẩm quyền quản lý hành chính với trách nhiệm, quyền hạn của các chức danh; tăng quyền và trách nhiệm cho thanh tra viên, điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán để họ chủ động và có đủ điều kiện trong thực hiện nhiệm vụ, đồng thời cũng là biện pháp bảo đảm tính độc lập và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hành vi và quyết định của mình trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng. Song song với chế định tăng quyền và trách nhiệm, cần đảm bảo cơ chế kiểm soát nội bộ chặt chẽ để quyền lực thực hiện trong thực thi công vụ tại các cơ quan này được kiểm soát, khắc phục tình trạng lạm quyền, chuyên quyền trong quá trình tổ chức và thực thi quyền lực nhà nước.

 

Thứ năm, tiếp tục duy trì kiểm tra, giám sát, thanh tra nội bộ đối với các đơn vị trong hệ thống; giải quyết tố cáo, phản ánh, kiến nghị nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm hành vi tham nhũng, tiêu cực trong các cơ quan thực hiện chức năng phòng, chống tham nhũngCác cơ quan thực hiện chức năng phòng, chống tham nhũng tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các văn bản về tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, ngăn chặn, chấn chỉnh, xử lý vi phạm và các hiện tượng tiêu cực trong thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức trong ngành. Xây dựng cơ chế giám sát việc thực thi công vụ của cán bộ, công chức trong ngành nhằm nắm bắt mọi hoạt động trong quá trình thực thi công vụ, thông qua đó xử lý kịp thời đối với các hành vi vi phạm. Nâng cao hiệu quả giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị; đặc biệt chú trọng tới công tác kiểm tra, giám sát trong trường hợp có đơn tố cáo, phản ánh về hành vi lạm quyền, gây sách nhiễu, vi phạm pháp luật.

 

Thứ sáu, nâng cao trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức của đội ngũ cán bộ, công chức, người có nhiệm vụ, quyền hạn trong các cơ quan thực hiện chức năng phòng, chống tham nhũngQuy định pháp luật về chức năng, nhiệm vụ của từng ngành sẽ tác động mạnh mẽ đến đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức trong ngành đó. Trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức của đội ngũ cán bộ, công chức, người có nhiệm vụ, quyền hạn trong các cơ quan thực hiện chức năng phòng, chống tham nhũng liên quan trực tiếp đến việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Để có năng lực chuyên môn đòi hỏi bản thân thanh tra viên, kiểm toán viên, điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán không chỉ có hiểu biết, có tri thức và học vấn, có chuyên môn và nghiệp vụ vững chắc mà còn phải có phương pháp và kinh nghiệm, có khả năng thực hành. Kiến thức chuyên môn nghiệp vụ chỉ có thể phát huy khi mỗi cán bộ, công chức có đạo đức nghề nghiệp, tinh thần trách nhiệm, tính kiên quyết trước các hiện tượng tiêu cực.

 

Thứ bảy, bảo đảm chế độ đãi ngộ, các điều kiện vật chất, phương tiện kỹ thuật phục vụ cho hoạt động của lực lượng thực hiện chức năng phòng, chống tham nhũng. Tiếp tục nghiên cứu, ban hành chính sách chế độ đãi ngộ phù hợp đối với cán bộ, công chức trong các đơn vị chuyên trách chống tham nhũng theo tinh thần của Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 07/12/2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng. Tăng cường các điều kiện vật chất, phương tiện kỹ thuật phục vụ cho hoạt động của lực lượng thực hiện chức năng phòng, chống tham nhũng để bảo đảm việc phát hiện và xử lý tham nhũng được kịp thời, đó cũng là những yếu tố cần thiết để nâng cao tinh thần, trách nhiệm của lực lượng chuyên trách về phòng, chống tham nhũng./.

 

TS. Tạ Thu Thủy
Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra


[1] Phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013 - 2020​