Toàn cảnh cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, ngày 25/11.

Ngày 25/11, tại trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (Ban Chỉ đạo) đã chủ trì cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo.

Nhân sự kiện có ý nghĩa quan trọng này, Báo Điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương về những kết quả nổi bật của công tác phòng, chống tham nhũng trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng ta.

Ông Nguyễn Đức Hà cho biết, từ hội nghị Trung ương 5 khóa XI đã kiện toàn Ban Chỉ đạo Trung ương Phòng, chống tham nhũng là một Ban trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng Bí thư trực tiếp làm Trưởng ban. Cùng với đó, Trung ương đã quyết định tái lập lại Ban Nội chính Trung ương, vừa là cơ quan tham mưu cho Trung ương về lĩnh vực nội chính, vừa là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo.

Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn của công tác xây dựng Đảng và trước sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, Đại hội XII đã bổ sung nội dung xây dựng Đảng về đạo đức; bổ sung hai nhiệm vụ, giải pháp về công tác xây dựng Đảng so với Đại hội XI, trong đó có nhiệm vụ rất quan trọng là: Đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời đã nói “Tham nhũng là giặc nội xâm” và Người cũng cảnh báo “Thắng giặc ngoại xâm đã khó, thắng giặc nội xâm lại càng khó hơn”. Quán triệt tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta đã từng gọi tham nhũng là “quốc nạn”, là “tệ nạn” liên quan đến sự sống còn của Đảng. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đức Hà, trong một thời gian dài chúng ta đã làm nhưng hiệu quả thấp, thì hai nhiệm kỳ gần đây, đặc biệt là nhiệm kỳ khoá XII, cuộc đấu tranh chống tham nhũng đã được đẩy lên giai đoạn mới cao hơn, mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, hiệu quả hơn và góp phần quan trọng củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Cuộc chiến này đã được cả xã hội đồng thuận, đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng chỉ đạo: “Cả lò nóng lên, tất cả các cơ quan vào cuộc, không ai có thể đứng ngoài được”.

Theo ông Nguyễn Đức Hà, nếu như ở Đại hội XI, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí chỉ được đề cập trong phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, thì Đại hội XII, vấn đề đấu tranh phòng, chống tham nhũng được đề cập cả trong phần xây dựng Nhà nước và xây dựng Đảng, đã nói lên quyết tâm chính trị của Đảng ta đối với tệ nạn nguy hiểm này, coi tham nhũng là một nguy cơ đe dọa sự tồn vong của đất nước và chế độ.

Nghị quyết Đại hội XII nêu rõ: “Nguy cơ tệ nạn tham nhũng, lãng phí, quan liêu và các tiêu cực xã hội, làm suy yếu Đảng”. Có thể thấy, từ Đại hội XII, công cuộc chống tham nhũng do Đảng ta phát động bước sang một giai đoạn mới, với những chủ trương, cách làm, hướng đi ngày càng quyết liệt, triệt để. Nhiều tuyên bố của Đảng, thông qua người đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: Chống tham nhũng phải huy động sức mạnh của toàn dân, của cả hệ thống chính trị, cả xã hội cùng vào cuộc.

Đảng đã lãnh đạo thể chế hóa chủ trương thành các đạo luật, tạo hành lang pháp lý quan trọng để phòng, chống tham nhũng. Từ Pháp lệnh chống tham nhũng, trở thành Luật Phòng, chống tham nhũng và sau lần sửa đổi, bổ sung năm 2012, hiện nay đạo luật này tiếp tục được sửa đổi để nâng cao hiệu quả "thanh bảo kiếm" pháp luật. Cùng với đó, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự; Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước (sửa đổi); Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng; dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi); dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi, bổ sung)... đã và đang được hoàn thiện đã hoàn chỉnh thêm hành lang pháp lý cho chống tham nhũng.

Ông Nguyễn Đức Hà cho biết, để góp phần phục vụ xây dựng đường lối, nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tham nhũng thời gian tới, nhất là trong nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng đã chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng tiến hành tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng từ khi thành lập Ban Chỉ đạo (ngày 1/2/2013) đến nay.

Kết quả cho thấy, cùng với những thành tựu “rất quan trọng” và “khá toàn diện” trên các lĩnh vực mà đất nước ta đã đạt được, kết quả công tác phòng, chống tham nhũng là một trong những điểm sáng, là dấu ấn nổi bật trong nhiệm kỳ Đại hội XII.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo, trực tiếp là đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã có “chuyển biến mạnh mẽ, được triển khai quyết liệt, bài bản, đi vào chiều sâu, có bước đột phá và đạt nhiều kết quả cụ thể, rõ rệt, tích cực”, tham nhũng “từng bước được kiềm chế”.

Đặc biệt là, đã phát hiện, điều tra làm rõ bản chất tư lợi, chiếm đoạt, xử lý nghiêm minh nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, án kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.

Cơ quan tiến hành tố tụng các cấp đã khởi tố, điều tra 7.270 vụ với 12.303 bị can, truy tố 5.976 vụ với 11.613 bị can, xét xử sơ thẩm 5.641 vụ với 10.970 bị cáo về các tội tham nhũng, quản lý kinh tế và các tội phạm khác về chức vụ.

Riêng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng đã chỉ đạo xử lý 125 vụ án, 91 vụ việc. Chỉ đạo xét xử sơ thẩm 66 vụ án với 604 bị cáo, xét xử phúc thẩm 50 vụ án với 475 bị cáo. Trong đó, đã xử lý dứt điểm một số vụ việc, vụ án lớn lâu nay được cho là “vùng cấm, nhạy cảm”, kéo dài từ nhiều năm trước.

Đã phát hiện và xử lý nghiêm nhiều cán bộ, đảng viên có hành vi sai phạm liên quan đến tham nhũng, trong đó có nhiều cán bộ cao cấp, cả đương chức và nghỉ hưu, cả tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang.

Các cơ quan có thẩm quyền đã xử lý kỷ luật hơn 110 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 26 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng (có 4 Ủy viên, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị), 27 sĩ quan cấp tướng; xử lý hình sự 18 cán bộ diện Trung ương quản lý.

Đã thu hồi được lượng tài sản tham nhũng có giá trị lớn. Từ năm 2013 đến nay, thu hồi 67.930 tỷ đồng trong số 118.367 tỷ đồng, một số vụ tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng đạt 100%.

Riêng các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo, đã thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa, ngăn chặn giao dịch tài sản giá trị hơn 50.000 tỷ đồng.

Phải xử lý kỷ luật đối với cán bộ cấp cao, đồng chí Tổng Bí thư rất đau xót nói rằng: “Thật là đau lòng nhưng chúng ta không thể không làm. Vì sự nghiêm minh kỷ luật của Đảng, vì sự tối thượng của pháp luật nhà nước, vì sự trong sạch của Đảng và vì ý nguyện của nhân dân, chúng ta đã làm, đang làm và sẽ tiếp tục làm trong thời gian tới”. Có thể nói, lời tuyên bố của người đứng đầu Đảng, Nhà nước là quan điểm nhất quán của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và cũng là ý chí, nguyện vọng, lòng mong đợi của nhân dân. Đồng chí Tổng Bí thư cũng nói rằng, chúng ta phải chống tham nhũng ngay trong các cơ quan chống tham nhũng. Ai chần chừ, do dự, không quyết liệt, không dám làm thì đứng sang một bên để người khác làm. Bởi vì nếu chúng ta không làm thì sẽ mất niềm tin của nhân dân đối với Đảng và liên quan trực tiếp đến sự tồn vong của Đảng và chế độ.

Phát biểu kết luận Phiên họp thứ 18 của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã trở thành phong trào quần chúng mạnh mẽ, xu thế không thể đảo ngược. 

Từ chủ trương, cách làm đúng đắn của Đảng, Nhà nước, công cuộc chống tham nhũng đã tạo ra được sức mạnh lòng dân với sự đồng thuận, ủng hộ ngày càng cao, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng. Ông Nguyễn Đức Hà nhắc lại câu nói của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong một lần tiếp xúc cử tri giờ đây đã trở thành thông điệp, thành hình ảnh chung được toàn dân nhắc đến “đưa củi vào lò để thiêu đốt tham nhũng”.

Thực tiễn chứng minh sự khởi xướng của Đảng đã tạo nên những phong trào hành động cách mạng hiệu quả. Tinh thần xây dựng Chính phủ liêm chính, vì nhân dân phục vụ, kiên quyết loại bỏ những kẽ hở cơ chế chính sách tạo đất cho tham nhũng, đưa ra khỏi bộ máy những cán bộ tham nhũng, ngày càng được nhiều bộ, ngành, địa phương thực hiện.

Theo ông Nguyễn Đức Hà, chống tham nhũng muốn thành công, trong thời gian tới, cần tiếp tục có sự vào cuộc mạnh mẽ, chính xác, hiệu quả  của cả hệ thống chính trị, đúng như sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng căn dặn: Chống tham nhũng “phải có chuẩn bị, kế hoạch, tổ chức, ắt phải có lãnh đạo và trung kiên; biến hàng trăm, hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi, không để cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu còn chỗ ẩn nấp”.

Theo Baochinhphu.vn