Hội đồng thẩm định của Thanh tra Chính phủ đã tiến hành họp thẩm định kết quả tự chấm điểm của các đơn vị và giao Tổ giúp việc tổng hợp để xác định Chỉ số CCHC năm 2020 của các đơn vị, đồng thời giao Văn phòng (đơn vị Thường trực của Hội đồng thẩm định) tổng hợp, xây dựng báo cáo chung của cơ quan.

Theo Báo cáo 296/BC-TTCP ngày 26/2, kết quả tổng hợp điểm, xác định Chỉ số CCHC năm 2020 của từng đơn vị như sau:

Nhóm thứ nhất, đạt kết quả thẩm định từ 40 điểm trở lên, gồm 12 đơn vị sau: Ban Tiếp công dân Trung ương dẫn đầu với 46 điểm, tiếp theo sau đó là Trường Cán bộ Thanh tra, Văn phòng, Vụ Kế hoạch Tổng hợp, Trung tâm Thông tin, Cục IV, Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Pháp chế, Tạp chí Thanh tra, Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra, Vụ Giám sát, Thẩm định và Xử lý sau thanh tra, Cục II

Nhóm thứ 2, đạt kết quả thẩm định từ 30 đến dưới 40 điểm, gồm 7 đơn vị sau: Vụ Tổ chức cán bộ, Cục I, Cục III, Vụ I, Vụ III, Vụ II, Báo Thanh tra.

Kết quả thẩm định Chỉ số cải cách hành chính năm 2020 của các cục, vụ, đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ. Ảnh: L.A 

Báo cáo 296/BC-TTCP nêu rõ, kết quả thẩm định chỉ số CCHC của các đơn vị năm 2020 cho thấy có sự chưa đồng đều về điểm số. Điểm trung bình của các đơn vị đạt 40,5 điểm (cao hơn năm 2019) có 10/19 đơn vị, chiếm tỷ lệ 52%, sự chênh lệch điểm giữa đơn vị đạt điểm cao nhất và thấp nhất năm 2020 là 11,75 điểm (năm 2019 là 15,25). Điểm số trung bình các đơn vị đạt được tăng cao hơn so với 2019, một số đơn vị đã có những tiến bộ rõ rệt về điểm số. Qua đó, cho thấy đa số các đơn vị đã có sự chuyển biến tích cực trong nhận thức về CCHC và triển khai toàn diện các nhiệm vụ CCHC.

Tuy vậy, vẫn còn một số đơn vị nộp báo cáo và tài liệu kiểm chứng chậm; chất lượng việc tự đánh giá của một số đơn vị còn hạn chế, kết quả điểm số còn chênh lệch nhiều so với kết quả do Hội đồng thẩm định chấm điểm. Bên cạnh đó, một số đơn vị chưa coi trọng công tác xây dựng kế hoạch và chế độ báo cáo công tác CCHC theo quy định. Do vậy, thiếu tài liệu kiểm chứng hoặc có tài liệu kiểm chứng nhưng không chứng minh được những nội dung theo từng tiêu chí đã thực hiện về công tác CCHC nên bị mất điểm hoặc điểm tự đánh giá không cao. 

 Thực hiện thủ tục hành chính tại Thanh tra Chính phủ ngày càng chuyên nghiệp và nhanh chóng, thuận tiện. Ảnh: Trần Huy

Nhưng có thể nhận thấy, việc triển khai chấm điểm xác định Chỉ số CCHC về cơ bản theo đúng Kế hoạch đã ban hành, đảm bảo chất lượng và tiến độ thời gian; tổ chức công tác tự đánh giá, chấm điểm được các đơn vị tiến hành khẩn trương, nghiêm túc. Việc chấm các tiêu chí dựa trên các căn cứ, tài liệu kiểm chứng đảm bảo độ tin cậy cao. Công tác thẩm định được tổ chức kịp thời khách quan.

Mặt khác, chỉ số CCHC phản ánh khách quan, trung thực kết quả triển khai CCHC thực tế của các đơn vị năm 2020 và là nguồn thông tin quan trọng giúp các đơn vị nhận biết được những mặt mạnh, mặt yếu của mình trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ CCHC năm 2020. Từ đó tác động tích cực đến công tác chỉ đạo, điều hành CCHC của người đứng đầu các đơn vị trong những năm tiếp theo.

Xác định Chỉ số CCHC được coi là nhiệm vụ thường xuyên hàng năm của các đơn vị. Để triển khai xác định Chỉ số CCHC năm 2021 và những năm tiếp theo được tốt hơn, Thanh tra Chính phủ yêu cầu các đơn vị rà soát các tiêu chí, có biện pháp khắc phục những tồn tại, yếu kém, đề ra các giải pháp cần thiết trong xây dựng, tổ chức thực hiện Kế hoạch CCHC năm 2021 và những năm tiếp theo để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác CCHC của đơn vị mình. Quan tâm bố trí công chức chuyên trách đầu mối phục vụ cho công tác CCHC nói chung và việc xác định Chỉ số CCHC hàng năm nói riêng.

Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan tham mưu, đề xuất trình lãnh đạo Thanh tra Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định quy định Bộ Chỉ số CCHC hàng năm áp dụng đối với các cục, vụ, đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ để bảo đảm việc xác định Chỉ số CCHC trong thời gian tới chính xác, khách quan và phù hợp với thực tiễn về công tác CCHC của cơ quan và yêu cầu của Chính phủ./.