Qua đó cho thấy quá trình phát triển ngành Thanh tra luôn gắn với việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Thanh tra và công tác đào tạo, bồi dưỡng (ĐTBD) công chức ngành Thanh tra là một trong những yếu tố đặc biệt quan trọng để thực hiện giải pháp, nhiệm vụ đặt ra trong Chiến lược.

Đánh giá chung về chất lượng công tác ĐTBD công chức của ngành Thanh tra
Thời gian qua, công tác ĐTBD công chức của ngành Thanh tra đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận như: 
(1) Tạo sự chuyển biến trong nhận thức về vị trí, vai trò của công tác ĐTBD và việc nâng cao chất lượng công tác ĐTBD cho công chức ngành Thanh tra; 
(2) Xác định nhu cầu, mục tiêu đào tạo bồi dưỡng rõ ràng, các văn bản pháp luật được ban hành, cơ chế chính sách trong lĩnh vực ĐTBD bước đầu đã tạo được hành lang pháp lý thuận lợi triển khai công tác ĐTBD công chức ngành Thanh tra; 
(3) Công tác xây dựng, tổ chức và lập kế hoạch ĐTBD công chức ngành Thanh tra hàng năm được Tổng Thanh tra Chính phủ phê duyệt ban hành kịp thời đã tạo điều kiện thuận lợi, chủ động cho Trường Cán bộ Thanh tra triển khai các khóa bồi dưỡng cụ thể, chi tiết trong từng tháng, quý và cả năm; 
(4) Chương trình, tài liệu ĐTBD được đổi mới theo hướng tích cực, tập trung bồi dưỡng kỹ năng làm việc và kinh nghiệm thực tiễn về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, từ đó góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức ngành Thanh tra;
(5) Thanh tra Chính phủ, Trường Cán bộ Thanh tra đã củng cố đội ngũ giảng viên được đảm bảo về số lượng và chất lượng nên trình độ đào tạo của giảng viên tham gia giảng dạy là tương đối hợp lý và phù hợp với mặt bằng chung; 
(6) Cơ sở vật chất trang thiết bị và nguồn lực tài chính phục vụ hoạt động ĐTBD công chức ngành Thanh tra được quan tâm đầu tư đồng bộ, hiện đại, đảm bảo điều kiện tốt nhất cho hoạt động ĐTBD; 
(7) Hoạt động đánh giá chất lượng ĐTBD đã tham mưu tổ chức tốt công tác phối hợp và phát huy ý thức trách nhiệm của mỗi cơ quan, đơn vị trong nhiệm vụ đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trong phạm vi toàn ngành; 
(8) Công tác quản lý kiểm tra hoạt động ĐTBD công chức, viên chức được quan tâm thực hiện theo các quy định pháp luật hiện hành.
Mặc dù vậy, chất lượng công tác ĐTBD công chức ngành Thanh tra chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu của Chiến lược, cụ thể vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước trong giai đoạn hiện nay; Tư duy về ĐTBD công chức ngành Thanh tra chưa phản ánh đầy đủ bản chất của ĐTBD, nhất là chưa gắn với yêu cầu phát triển năng lực; Quy trình ĐTBD công chức ngành Thanh tra chưa được thực hiện một cách khoa học; Việc đánh giá kết quả ĐTBD công chức ngành Thanh tra chưa bảo đảm tính toàn diện. 
Trên cơ sở quán triệt quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước về cải cách hành chính, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế trong việc phát triển ngành Thanh tra, lãnh đạo ngành Thanh tra yêu cầu việc nâng cao chất lượng công tác ĐTBD công chức ngành Thanh tra phải hướng tới nâng cao phẩm chất, đạo đức, năng lực, hiệu quả thực thi công vụ nói chung và trong công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và PCTN nói riêng. Đồng thời, công tác này cũng đòi hỏi hệ thống các giải pháp phù hợp với hoạt động ĐTBD nói chung và đặc thù ĐTBD công chức ngành Thanh tra; kết hợp với kiện toàn tổ chức, bộ máy của các cơ quan Thanh tra giai đoạn tầm nhìn cần được thực hiện trên cơ sở tổng kết thực tiễn một cách khoa học.
Khóa bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra do Trường Cán bộ Thanh tra tổ chức 
Một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức ngành Thanh tra
1. Giải pháp trước mắt về nâng cao chất lượng công tác ĐTBD công chức ngành Thanh tra.
1.1 Hoàn thiện hệ thống thể chế thống nhất, đồng bộ cho công tác ĐTBD công chức ngành Thanh tra

Thanh tra Chính phủ cần tiến hành rà soát, nghiên cứu sửa đổi bổ sung hoặc bãi bỏ những quy định không còn phù hợp nhằm từng bước xây dựng hệ thống thể chế về công tác ĐTBD công chức ngành Thanh tra đồng bộ, thống nhất và hiệu quả. Cụ thể là: Sớm ban hành văn bản quy định tiêu chuẩn đối với công chức thanh tra gắn với vị trí việc làm trong ngành Thanh tra; Ban hành Quy chế ĐTBD công chức ngành Thanh tra phù hợp với tiêu chuẩn công chức ngành Thanh tra; Tiếp tục hoàn thiện quy định về chức năng, nhiệm vụ Trường Cán bộ Thanh tra nhắm đáp ứng năng lực ĐTBD công chức ngành Thanh tra; Ban hành Đề án “xây dựng chương trình bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ ngành Thanh tra trong giai đoạn 2020 - 2025”.
1.2 Cải cách công tác ĐTBD công chức ngành Thanh tra khoa học nhằm nâng cao năng lực thực thi công vụ
Cụ thể: xây dựng kế hoạch ĐTBD công chức ngành Thanh tra hàng năm đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho Ngành; Đổi mới và nâng cao chất lượng chương trình, tài liệu ĐTBD công chức ngành Thanh tra theo hướng đa dạng hóa các chương trình, tài liệu bồi dưỡng và nâng cao chất lượng quy trình, phương pháp xây dựng chương trình, tài liệu ĐTBD công chức ngành Thanh tra.
1.3 Xây dựng đội ngũ giảng viên tham gia giảng dạy đáp ứng yêu cầu ĐTBD nghiệp vụ thanh tra. Cụ thể:
Một là, cần xây dựng khung năng lực giảng viên đáp ứng yêu cầu ĐTBD công chức ngành Thanh tra;
Hai là, rà soát, đánh giá thực trạng đội ngũ giảng viên hiện có đồng thời tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giảng viên đúng vị trí theo tiêu chuẩn, nhiệm vụ, khung năng lực giảng viên;
Ba là, tăng cường ĐTBD nâng cao phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn, chất lượng giảng dạy;
Bốn là, tăng cường xây dựng đội ngũ giảng viên thỉnh giảng, giảng viên kiêm chức;
Năm là, có chính sách ưu đãi phù hợp hơn cho đội ngũ giảng viên. 
1.4 Lựa chọn phương pháp ĐTBD công chức ngành Thanh tra phù hợp với hình thức, chương trình bồi dưỡng
Để đổi mới phương pháp ĐTBD đối với công chức ngành Thanh tra, cần tập trung vào các giải pháp sau: 
(1) Sử dụng những phương pháp ĐTBD tích cực, tiên tiến đối với từng đối tượng theo hướng: không giảng dạy theo kiểu “hàn lâm” mà gắn chặt với thực tiễn, vận dụng lý thuyết để giải quyết những vấn đề thực tế đang đặt ra; phương pháp xử lý các tình huống điển hình, tạo điều kiện để người học chủ động liên hệ, tư duy năng động, sáng tạo vận dụng vào thực tiễn; tăng cường thời lượng tham quan, trao đổi kinh nghiệm thực tế... 
(2) Đổi mới phương pháp ĐTBD chuyên môn, nghiệp vụ thanh tra theo phương pháp dạy học tích cực, lấy người học làm trung tâm. Nghiên cứu vận dụng những phương pháp ĐTBD công chức mới, hiện đại của thế giới như ĐTBD tại chỗ và luân chuyển CBCC ở các vị trí chức danh.
1.5 Xây dựng và thực hiện quy trình ĐTBD công chức ngành Thanh tra một cách khoa học
Việc xây dựng ĐTBD công chức ngành Thanh tra một cách khoa học có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần trực tiếp bảo đảm chất lượng và hiệu quả ĐTBD. Quy trình đúng, hợp lý thì chất lượng, hiệu quả ĐTBD được nâng cao và ngược lại, quy trình không hợp lý thì chất lượng và hiệu quả của công tác này không được bảo đảm. Một quy trình bồi dưỡng khoa học ĐTBD cho công chức Thanh tra phải bảo đảm 4 thành tố cơ bản sau đây: (1) Xác định nhu cầu ĐTBD; (2) Xây dựng kế hoạch ĐTBD; (3) Thực hiện kế hoạch ĐTBD; và (4) Đánh giá ĐTBD.
1.6 Xây dựng được hệ thống tiêu chí đánh giá chất lượng công tác ĐTBD công chức ngành Thanh tra phù hợp với đánh giá năng lực công chức trước, trong và sau ĐTBD
Các nội dung, tiêu chí, chỉ báo đánh giá chất lượng ĐTBD công chức ngành Thanh tra bao gồm: (1) Chương trình; (2) Học viên; (3) Giảng viên; (4) Cơ sở vật chất; (5) Khóa bồi dưỡng; (6) Hiệu quả sau bồi dưỡng. Mức độ đạt được của chỉ số đánh giá chung về từng nội dung đánh giá, kết quả đánh giá được phân loại vào các mức tương ứng như sau: (1) Kém; (2) Yếu; (3) Trung bình; (4) Tốt; (5) Khá; (6) Tốt. Căn cứ vào các mức đánh giá trên, Thanh tra Chính phủ, Trường Cán bộ thanh tra và cơ quan sử dụng cán công chức đánh giá chất lượng bồi dưỡng nghiên cứu có những đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng bồi dưỡng công chức thanh tra; khắc phục những tồn tại, yếu kém về chất lượng chương trình, chất lượng giảng viên, cơ sở vật chất, khóa bồi dưỡng và nâng cao hiệu quả học tập của học viên.
Ngoài ra, cần áp dụng công cụ, đối tượng lấy ý kiến, quy trình thực hiện và sử dụng kết quả đánh giá được quy định cụ thể tại Thông tư số 10/2017/TT-BNV ngày 29/12/2017 quy định về đánh giá chất lượng bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.
Bên cạnh đó, công tác đánh giá và kiểm tra chất lượng ĐTBD công chức ngành Thanh tra cũng cần áp dụng triệt để theo Bộ chỉ số của Bộ Nội vụ ban hành. Việc đánh giá chất lượng ĐTBD công chức ngành Thanh tra phải đảm bảo các nguyên tắc: có tính giá trị, công bằng và đáng tin cậy. 
1.7 Gắn kết chặt chẽ ĐTBD với quy hoạch, sử dụng cán bộ, công chức ngành Thanh tra 
Một là, thực hiện nghiêm túc các quy định bắt buộc về ĐTBD nói chung và ĐTBD công chức thanh tra nói riêng.
Hai là, sử dụng kết quả ĐTBD vào việc tuyển dụng, sử dụng, đánh giá, quy hoạch, bổ nhiệm công chức.
2. Giải pháp lâu dài về nâng cao chất lượng công tác ĐTBD công chức ngành Thanh tra
Thứ nhất, cần xác định mục tiêu, hình thức, phương pháp ĐTBD công chức ngành Thanh tra, vấn đề phân cấp và đổi mới chương trình ĐTBD. 
Thứ hai, xác định chế độ ĐTBD công chức ngành Thanh tra, ĐTBD phải căn cứ vào tiêu chuẩn ngạch công chức thanh tra; tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý; vị trí việc làm; gắn với công tác sử dụng, quản lý công chức, phù hợp với kế hoạch ĐTBD dài hạn và nhu cầu xây dựng, phát triển nguồn lực cần thiết để tổ chức các cơ quan thanh tra theo hướng tập trung. Tuy nhiên, trong chế độ ĐTBD công chức thanh tra cũng cần có sự phân loại đối tượng nhằm thực hiện các cấp độ ĐTBD phù hợp với từng đối tượng.
Thứ ba, đổi mới về nội dung ĐTBD công chức ngành Thanh tra phù hợp với chức năng giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước.
Thứ tư, quản lý công tác ĐTBD công chức ngành Thanh tra phù hợp với bộ máy cơ quan thanh tra tập trung, thống nhất theo cấp hành chính gồm 2 cấp, cấp Trung ương và cấp tỉnh.
Việc tổ chức cơ quan thanh tra theo hướng tập trung đòi hỏi vai trò của cơ quan thanh tra cấp trên đối với cơ quan thanh tra cấp dưới có sự thay đổi cơ bản, dẫn tới những thay đổi về phương pháp, cách thức quản lý nên cần có kế hoạch ĐTBD phù hợp. Cụ thể:
- Thống nhất một đầu mối quản lý quản lý công tác ĐTBD công chức ngành Thanh tra; khắc phục tình trạng manh mún, thiếu đồng bộ và chồng chéo như hiện nay. 
- ĐTBD nâng cao năng lực làm việc của đội ngũ công chức ngành Thanh tra, trước hết là trách nhiệm của cơ quan, đơn vị sử dụng công chức. Do vậy, việc quyết định ai đi học? Học cái gì? Học ở đâu... phải do Thủ trưởng các Cục, Vụ, đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tỉnh, thành phố sử dụng công chức quyết định. Vì vậy, Thủ trưởng các Cục, Vụ, đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ, Chánh Thanh tra tỉnh, thành phố có trách nhiệm thông báo công khai nội dung, chỉ tiêu của khóa học và nhu cầu ĐTBD công chức, viên chức của đơn vị; tổng hợp danh sách, tổ chức xét chọn, cử công chức, viên chức đi học; sau khi cử công chức, viên chức đi học, gửi báo cáo về Thanh tra Chính phủ (Vụ Tổ chức cán bộ) để theo dõi, quản lý.
- Trao quyền được lựa chọn chương trình, nội dung ĐTBD theo nhu cầu công việc, yêu cầu vị trí việc làm cho công chức.
- Nâng cao năng lực quản lý ĐTBD công chức ngành Thanh tra của các Cục, Vụ, đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tỉnh, thành phố; năng lực xây dựng kế hoạch và tổ chức bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng và phương pháp quản lý cho công chức tham mưu quản lý công tác ĐTBD của Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tỉnh, thành phố.
Thứ năm, tổ chức ĐTBD và giảng viên gắn với đổi mới phương thức hoạt động của các cơ quan thanh tra.
Có thể nói, chất lượng của đội ngũ công chức ngành Thanh tra là nhân tố quan trọng, quyết định việc hoàn thành nhiệm vụ ngành Thanh tra và góp phần xây dựng phát triển ngành Thanh tra đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trên cơ sở nghiên cứu khoa học về nâng cao chất lượng ĐTBD công chức ngành Thanh tra, nhóm tác giả đã đưa ra một số giải pháp trước mắt, giải pháp lâu dài cũng như một số kiến nghị mang tính xây dựng nhằm nâng cao chất lượng ĐTBD công chức ngành Thanh tra theo yêu cầu của Chiến lược như sau:
* Đối với Chính phủ 
Sớm trình Quốc hội Luật Thanh tra (sửa đổi): Việc hoàn thiện pháp luật về thanh tra phải bám sát thực tiễn đất nước, nhu cầu của nhân dân và yêu cầu của quản lý, điều hành; quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân; xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động; bám sát các định hướng, mục tiêu và lộ trình trong Chiến lược phát triển ngành Thanh tra đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030(*); phù hợp với quá trình đổi mới hệ thống chính trị, cải cách hành chính. Trong đó, khắc phục những bất cập về công tác cán bộ của ngành Thanh tra, trong đó có công tác ĐTBD công chức ngành Thanh tra như sau:
- Biên chế công chức của ngành Thanh tra được giao trên cơ sở vị trí việc làm gắn với chức năng, nhiệm vụ và phạm vi hoạt động của ngành Thanh tra từ trung ương đến địa phương. Nghiên cứu quy định tối thiểu về cơ cấu tổ chức và biên chế của ngành Thanh tra từ trung ương đến địa phương có cơ sở cơ cấu, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành theo vị trí việc làm, khung năng lực, bảo đảm đúng người, đúng việc, giảm số lượng, nâng cao chất lượng, hợp lý về cơ cấu và có cơ chế cạnh tranh vị trí việc làm để nâng cao chất lượng đội ngũ công chức Thanh tra và tiến tới bỏ chế độ “biên chế suốt đời", phát huy hiệu quả, hiệu lực của ngành Thanh tra.
- Cần rà soát, sửa đổi các quy định về tiêu chuẩn thanh tra viên, tiêu chuẩn công chức của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành; tiêu chuẩn chánh thanh tra, phó chánh thanh tra, tiêu chuẩn trưởng đoàn thanh tra cho phù hợp với yêu cầu hiện nay.
- Xem xét sửa đổi, điều chỉnh các quy định về tiêu chuẩn ngạch, bậc, điều kiện thi nâng ngạch, chuyển ngạch thanh tra phù hợp với các quy định về điều kiện, tiêu chuẩn bổ nhiệm, nâng ngạch, chuyển ngạch của cán bộ, công chức do Bộ Nội vụ quy định; xem xét điều chỉnh quy định về chế độ hưởng phụ cấp thâm niên nghề cho phù hợp với thực tiễn.
- Quy định, hướng dẫn chi tiết về căn cứ, trường hợp trưng tập cộng tác viên tại các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành (TTCN); tiêu chuẩn, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm và chế độ đãi ngộ đối với cộng tác viên thanh tra trong các cơ quan Thanh tra Nhà nước.
- Quy định về tuyển dụng, bổ nhiệm, quản lý đội ngũ công chức Thanh tra theo hướng tập trung thống nhất bảo đảm tính chuyên nghiệp, kỷ cương, trách nhiệm.
* Thanh tra Chính phủ
Vụ Tổ chức Cán bộ phối hợp với cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu cho Tổng Thanh tra Chính phủ xây dựng và ban hành chính sách ĐTBD trong ngành Thanh tra, cụ thể:
- Xây dựng Thông tư ĐTBD ngành Thanh tra hướng dẫn điều kiện, tiêu chí để Trường Cán bộ Thanh tra tổ chức bồi dưỡng;
- Xây dựng và tổng hợp danh mục hệ thống vị trí việc làm trong ngành Thanh tra làm căn cứ pháp lý để nâng cao chất lượng công tác ĐTBD công chức ngành Thanh tra gắn với vị trí việc làm theo Luật Cán bộ, công chức năm 2008. Đây là cơ sở cốt lõi để đặt được mục tiêu công tác ĐTBD công chức ngành Thanh tra đến năm 2025 là: xây dựng được đội ngũ cán bộ các cấp đáp ứng tiêu chuẩn ngạch, vị trí việc làm và khung năng lực…
- Xây dựng Đề án xây dựng Học viện Thanh tra;
- Xây dựng Đề án nguồn nhân lực cao cho ngành Thanh tra đến năm 2020, tầm nhìn 2025 theo định hướng của Chiến lược phát triển ngành Thanh tra;
- Xây dựng chiến lược, đề án phát triển ĐTBD nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Thanh tra;
- Xây dựng Đề án về nhu cầu ĐTBD nội dung giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước tạo cơ sở khoa học cho việc xây dựng các quy định về vấn đề này trong Luật Thanh tra sửa đổi;
- Xây dựng Kế hoạch ĐTBD nâng cao năng lực, trình độ và phương pháp sư phạm cho giảng viên tham gia ĐTBD cho công chức ngành Thanh tra;
- Xây dựng quy tắc văn hóa ứng xử trong ngành Thanh tra;
- Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị cho Trường Cán bộ Thanh tra, Trung tâm Nha Trang; tăng cường ĐTBD trình độ công nghệ thông tin trong đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin, từng bước hiện đại hóa trong hoạt động của các cơ quan thanh tra.
- Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng kết quả ĐTBD công chức ngành Thanh tra.
 Nâng cao chất lượng công tác ĐTBD công chức ngành Thanh tra là đòi hỏi của đội ngũ công chức ngành Thanh tra, là yêu cầu của vị trí việc làm, là vấn đề quan trọng đặc biệt, do vậy cần có sự tham gia của nhiều yếu tố trong đó sự nỗ lực của Trường Cán bộ Thanh tra với tư cách là cơ sở ĐTBD của ngành và sự quan tâm, chỉ đạo, đầu tư của Thanh tra Chính phủ là yếu tố có vai trò quyết định.
* Trường Cán bộ Thanh tra
Thứ nhất, xây dựng khung chương trình, tài liệu bồi dưỡng phù hợp với tình hình hiện nay, như các chương trình, tài liệu bồi dưỡng: hướng dẫn tập sự đối với công chức trong thời gian tập sự; bồi dưỡng ngạch thanh tra thanh tra viên, thanh tra viên chính, thanh tra viên cao cấp; bồi dưỡng công chức thanh tra trước khi bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý; đào tạo, bồi dưỡng theo vị trí việc làm đối với công chức ngành Thanh tra. Trong đó, chương trình, tài liệu này cần chú trọng xây dựng nhằm đảm bảo dưỡng nghiệp vụ thường xuyên từ cơ bản đến nâng cao. 
Thứ hai, phối hợp với vụ Tổ chức Cán bộ tham mưu cho Tổng Thanh tra Chính phủ xây dựng kế hoạch, chương trình bồi dưỡng theo hình thức luân chuyển, biệt phái công chức ngành trong hệ thống các cơ quan thanh tra nhà nước để đào tạo, rèn luyện qua các môi trường công tác, các lĩnh vực công tác.
Thứ ba, kết hợp hài hòa các hình thức bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức, tăng cường tổ chức các khóa ĐTBD công chức ngành Thanh tra theo vị trí việc làm góp phần hoàn thiện chế độ công chức, công vụ trong ngành Thanh tra, đảm bảo: đến năm 2020, 100% công chức ngành Thanh tra đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn quy định trước khi bổ nhiệm ngạch, bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý; đảm bảo hàng năm ít nhất 80% công chức ngành Thanh tra được cập nhật kiến thức pháp luật, được bồi dưỡng về đạo đức công vụ; 70% được bồi dưỡng cập nhật kiến thức, kỹ năng, phương pháp thực thi công vụ.
Hàng năm có tổng kết đánh giá và rút kinh nghiệm nhằm hoàn thiện công tác ĐTBD theo vị trí việc làm trong ngành Thanh tra.
Thứ tư, xây dựng khung chương trình, tài liệu bồi dưỡng nội dung giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước tạo cơ sở khoa học cho việc xây dựng các quy định về vấn đề này trong Luật Thanh tra sửa đổi. Chương trình bồi dưỡng này nhằm “thử nghiệm” cho việc tiến tới chuyển mạnh hướng hoạt động của các cơ quan thanh tra sang thực hiện giám sát, đánh giá hành chính. Qua đó giúp cho công chức thanh tra có sự thích ứng chủ động cũng như cũng thấy được tính thực tiễn của vấn đề để có thể xây dựng các quy định cụ thể trong dự thảo Luật Thanh tra sửa đổi vào năm tới

Thứ năm, phối hợp với vụ Tổ chức Cán bộ tham mưu cho Tổng Thanh tra Chính phủ xây dựng kế hoạch ĐTBD cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ mới. Đồng thời, tham mưu cho các cấp có thẩm quyền trong xây dựng chương trình rà soát, đánh giá, ĐTBD và sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ mới.

Thứ sáu, xây dựng khung năng lực và sắp xếp giảng viên theo vị trí việc làm.
Thứ tám, phối hợp với Vụ Tổ chức Cán bộ tham mưu cho Tổng Thanh tra Chính phủ xây dựng tiêu chí đánh giá chất lượng ĐTBD cho công chức ngành Thanh tra. Đặc biệt là đánh giá sau ĐTBD gắn với sử dụng công chức.
Để thực hiện tốt các nhiệm vụ trên, Trường Cán bộ Thanh tra cần nâng cao nhận thức về trách nhiệm và chủ động trong đề xuất và xây dựng kế hoạch cho việc ĐTBD nói chung và kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ thanh tra bắt buộc hàng năm nói riêng để đưa các văn bản QPPL ĐTBD về công chức, công vụ sớm đi vào cuộc sống, vừa góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ công chức ngành Thanh tra.
* Đối với Bộ, ngành, địa phương và đội ngũ công chức ngành Thanh tra
 Bộ, ngành, địa phương cần quan tâm và chỉ đạo tích cực đối với công tác ĐTBD công chức ngành thanh tra nhất là ĐTBD kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ thanh tra bắt buộc hàng năm. Cử công chức tham gia ĐTBD đúng đối tượng.
Đội ngũ công chức ngành Thanh tra cần nâng cao nhận thức về trách nhiệm trong việc tham gia các khóa ĐTBD nói chung và ĐTBD kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ thanh tra bắt buộc hàng năm nói riêng./.

TS. Trịnh Văn Toàn
Phó Hiệu trưởng Trường Cán bộ Thanh tra​