Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Một số vấn đề về báo cáo kết quả xác minh trong giải quyết Tố cáo

Diễn đàn thanh tra  
Một số vấn đề về báo cáo kết quả xác minh trong giải quyết Tố cáo

Báo cáo kết quả xác minh trong giải quyết tố cáo là văn bản mang tính nghiệp vụ của tổ trưởng xác minh báo cáo với người ra quyết định thành lập tổ xác minh, trên cơ sở đó Thủ trưởng cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ xác minh nội dung tố cáo báo cáo với người giải quyết tố cáo về nội dung tố cáo được giao xác minh. Báo cáo kết quả xác minh là sản phẩm trí tuệ tổng hợp của cả các thành viên trong tổ, do tổ trưởng tổng hợp nhằm phản ánh, đánh giá đầy đủ, chính xác, trung thực kết quả thực hiện nhiệm vụ xác minh nội dung tố cáo của các thành viên trong tổ xác minh. Khác với kết luận giải quyết tố cáo, báo cáo kết quả xác minh không chứa đựng những nội dung buộc người bị tố cáo phải chấp nhận mà mục đích chính của nó nhằm cung cấp các thông tin phục vụ thiết thực cho việc ban hành kết luận giải quyết tố cáo của người giải quyết tố cáo. Đây chính là vấn đề cần phân biệt để xác định giá trị pháp lý của văn bản báo cáo kết quả xác minh với văn bản kết luận giải quyết tố cáo.

Chủ thể ban hành ban hành báo cáo:

Đối với báo cáo cá nhân, thành viên tổ xác minh có trách nhiệm lập báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao với tổ trưởng xác minh. Thông thường, khi giao nhiệm vụ, tổ trưởng đã xác định thời hạn phải hoàn thành; sau khi kết thúc những nhiệm vụ cụ thể được giao, thành viên tổ xác minh lập báo cáo về kết quả thực hiện các nghiệp vụ để xác minh cụ thể, gửi tổ trưởng tổ xác minh để xem xét, quyết định.

Báo cáo kết quả xác minh là sản phẩm được tổ trưởng xác minh xây dựng từ chất liệu là báo cáo của các thành viên đoàn xác minh, các biên bản làm việc được ký giữa thành viên đoàn xác minh với người bị tố cáo, người tố cáo, người có liên quan và các hồ sơ, tài liệu khác được thu thập trong quá trình xác minh. Để xây dựng báo cáo kết quả xác minh, trước hết phải có kết quả ở từng nội dung xác minh cụ thể do các thành viên tổ xác minh tiến hành và tổng hợp thành sản phẩm của từng thành viên. Không thể có báo cáo kết quả xác minh của tổ xác minh tốt nếu từng thành viên không có sản phẩm đáp ứng được nội dung, yêu cầu của tổ trưởng.

Tổ trưởng tổ xác minh phải báo cáo bằng văn bản về kết quả xác minh nội dung tố cáo với người ra quyết định thành lập tổ xác minh. Văn bản báo cáo phải được các thành viên trong tổ xác minh thảo luận, đóng góp ý kiến. Như vậy trong trường hợp người giải quyết tố cáo trực tiếp tiến hành xác minh, thì người giải quyết tố cáo chính là người ra quyết định thành lập tổ xác minh. Trường hợp này tổ trưởng tổ xác minh báo cáo trực tiếp với người giải quyết tố cáo về việc xác minh nội dung tố cáo. Trường hợp người giải quyết tố cáo không trực tiếp tiến hành xác minh mà giao cho cơ quan thanh tra hoặc cơ quan chuyên môn khác thì Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao nhiệm vụ xác minh nội dung tố cáo phải báo cáo với người giải quyết tố cáo về nội dung tố cáo được giao xác minh.

Yêu cầu của báo cáo kết quả xác minh trong giải quyết tố cáo

Ngoài những nội dung theo quy định tại điều 16 Nghị định 31/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp tổ chức thi hành Luật Tố cáo thì yêu cầu báo cáo xác minh phải:

Trung thực, chính xác: Với tính chất mô tả nhằm mục đích cung cấp thông tin cho người có thẩm quyền ra quyết định, báo cáo cần phải đúng với số liệu, thông tin, tài liệu, chứng cứ trên thực tế. Căn cứ vào nhiệm vụ được giao, báo cáo kết quả xác minh phải phản ánh đầy đủ các nội dung về kết quả của một hoặc một số nội dung nghiệp vụ đã tiến hành trong quá trình xác minh tố cáo. Các thông tin, tài liệu, bằng chứng đã thu thập và kết quả có được kết quả xác minh phản ánh được đầy đủ, toàn diện về những sự việc, sự kiện, quá trình từ khi phát sinh, diễn biến và kết thúc. Kết quả từ việc phân tích, xem xét, đối chiếu sự việc với các quy định của pháp luật và điều kiện thực tế để nhận định, đánh giá, từ đó đề xuất nội dung cần kiến nghị. Chỉ khi đạt được yêu cầu đầy đủ về nội dung nêu trên, báo cáo kết quả xác minh mới hoàn thành vai trò cung cấp thông tin và phản ảnh kết quả xác minh nội dung tố cáo đã tiến hành.

Về tính tính khách quan: Theo điều 16 Nghị định 31/2019/NĐ-CP quy định: Tổ trưởng tổ xác minh phải báo cáo bằng văn bản về kết quả xác minh nội dung tố cáo với người ra quyết định thành lập tổ xác minh. Văn bản báo cáo phải được các thành viên trong tổ xác minh thảo luận, đóng góp ý kiến. Như vậy báo cáo kết quả xác minh là sản phẩm của tập thể các thành viên trong đoàn hoặc tổ xác minh. Trong Báo cáo kết xác minh, một phần rất quan trọng là phải phản ánh đầy đủ những ý kiến khác nhau của thành viên trong tổ xác minh về kết quả thực hiện nội dung xác minh được giao và chính kiến của tổ trưởng tổ xác minh đối với nội dung còn trái chiều. Báo cáo kết quả xác minh là một trong các căn cứ để người giải quyết tố cáo ra kết luận giải quyết tố cáo. Do đó, đòi hỏi báo cáo có nội dung trung thực, đánh giá chính xác khách quan sự việc, nội dung đã được xác minh.

Tính kịp thờiBáo cáo kịp thời là việc lập, gửi báo cáo đến người có thẩm quyền đúng thời hạn quy định hoặc báo cáo kịp thời những phát sinh đột xuất trong quá trình xác minh. Việc lập, gửi báo cáo kịp thời thể hiện ý thức, kỷ luật, ý thức tôn trọng tổ chức, tôn trọng cấp trên, có trách nhiệm với công việc. Báo cáo chậm trễ làm ảnh hưởng đến thời hạn giải quyết tố cáo, hoặc làm cho người có thẩm quyền khi cần thiết không nắm được thông tin từ cấp dưới, dẫn đến hậu quả không thể giải quyết kịp thời, nhanh nhạy với tình hình để có những quyết định và chỉ đạo chính xác.

Về hình thức báo cáo: Báo cáo của Tổ xác minh về kết quả xác minh nội dung tố cáo được thực hiện theo Mu số 10 Nghị định 31/2019/NĐ-CP. Trong báo cáo Font chữ thường được sử dụng để viết báo cáo là loại Times New Roman. Bản báo cáo được trình bày sạch sẽ, không có lỗi chính tả hay lỗi kỹ thuật máy tính (khoảng trống hay lỗi font chữ...). Sử dụng cách hành văn đơn giản, dễ hiểu, phù hợp với văn phong hành chính thông dụng. Cần tránh trường hợp báo cáo viết đọan quá dài mà không có dấu chấm câu hay phảy, hoặc trong báo cáo không dùng đại từ ngôi thứ nhất: tôi, ta, chúng ta.

Nội dung báo cáo xác minh tố cáo:

Theo quy định tại điều 16 Nghị định 31/2019/NĐ-CP, Báo cáo của Tổ xác minh về kết quả xác minh nội dung tố cáo phải có các nội dung chính sau đây:

Tóm tắt nội dung tố cáo;

Kết quả xác minh từng nội dung tố cáo;

Nội dung giải trình của người bị tố cáo (nếu có);

Đề xuất đánh giá về nội dung tố cáo là đúng, đúng một phần hoặc tố cáo sai sự thật; xác định trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến nội dung tố cáo;

Kiến nghị xử lý đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm; các biện pháp cần thiết để bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Báo cáo của Tổ xác minh về kết quả xác minh nội dung tố cáo được thực hiện theo Mu số 10 Nghị định 31/2019/NĐ-CP.

Trong quá trình xác minh, nếu phát hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm thì Tổ trưởng tổ xác minh báo cáo ngay với người ra quyết định thành lập tổ xác minh. Người ra quyết định thành lập tổ xác minh phải kịp thời báo cáo người giải quyết tố cáo xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.

Trên đây là một số nội dung nghiên cứu, trao đổi một số vấn đề về báo cáo kết quả xác minh trong giải quyết tố cáo.

           Phạm Thị Hường - Giảng viên Trường Cán bộ Thanh tra​


Nguồn: http://truongcanbothanhtra.gov.vn/