Đồng thời, để phân biệt việc giải quyết tố cáo trong Luật này với việc giải quyết đối với tố giác và tin báo về tội phạm, khoản 2 Điều 3 của Luật quy định: “Việc tiếp nhận, giải quyết tố giác và tin báo về tội phạm được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự”.
Quyền và nghĩa vụ của người tố cáo, người bị tố cáo, người giải quyết tố cáo
Để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, về cơ bản, Luật Tố cáo tiếp tục kế thừa, phát triển các quy định của Luật Tố cáo năm 2011 về quyền, nghĩa vụ của người tố cáo, người bị tố cáo, người giải quyết tố cáo.
Đối với người tố cáo, Luật quy định các quyền cho người tố cáo như: thực hiện tố cáo; được bảo đảm bí mật họ, tên, địa chỉ, bút tích và các thông tin cá nhân khác; được thông báo về việc thụ lý hoặc không thụ lý tố cáo, chuyển tố cáo đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết, gia hạn giải quyết tố cáo, đình chỉ, tạm đình chỉ việc giải quyết tố cáo, tiếp tục giải quyết tố cáo, kết luận nội dung tố cáo; tố cáo tiếp khi có căn cứ cho rằng việc giải quyết tố cáo của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không đúng pháp luật hoặc quá thời hạn quy định mà tố cáo chưa được giải quyết; đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ người tố cáo; được khen thưởng, bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, Luật đã bổ sung quyền rút tố cáo của người tố cáo. Bên cạnh các quyền, Luật Tố cáo quy định người tố cáo có các nghĩa vụ: cung cấp thông tin cá nhân quy định tại Điều 23 của Luật; trình bày trung thực về nội dung tố cáo; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo mà mình có được; chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung tố cáo của mình; hợp tác với người giải quyết tố cáo khi có yêu cầu; bồi thường thiệt hại do hành vi cố ý tố cáo sai sự thật của mình gây ra (Điều 9).
Các quyền và nghĩa vụ của người bị tố cáo và người giải quyết tố cáo được quy định cụ thể tại Điều 10 và Điều 11 của Luật.
Giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ
Luật tiếp tục kế thừa nguyên tắc xác định thẩm quyền trong Luật Tố cáo 2011, ngoài ra còn bổ sung thêm một số nguyên tắc để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn hiện nay: tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức xảy ra trong thời gian công tác trước đây nay đã chuyển sang cơ quan, tổ chức khác hoặc không còn là cán bộ, công chức, viên chức; tố cáo đối với cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, tổ chức đã hợp nhất, sáp nhập, chia, tách; tố cáo cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, tổ chức đã bị giải thể; tố cáo cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ (Điều 12).
Về thẩm quyền giải quyết tố cáo, trước hết, Luật Tố cáo 2018 quy định về thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ trong cơ quan hành chính nhà nước (Điều 13). Ngoài ra, Luật còn bổ sung quy định về thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ trong Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, trong Kiểm toán nhà nước và trong các cơ quan khác của Nhà nước như tại các cơ quan thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp...(Từ Điều 14 đến Điều 17). Luật cũng quy định về thẩm quyền giải quyết tố cáo trong các đơn vị sự nghiệp công lập (Điều 18) và thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ của người có chức danh, chức vụ trong doanh nghiệp nhà nước (Điều 19). Ngoài ra, Luật Tố cáo tiếp tục kế thừa quy định của Luật Tố cáo 2011 khi quy định về thẩm quyền giải quyết tố cáo đối với người được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ mà không phải là cán bộ, công chức, viên chức (Điều 21); Luật cũng giao Cơ quan trung ương của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội hướng dẫn về thẩm quyền giải quyết tố cáo đối với các hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ trong tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội (Điều 20).
Tiếp nhận, xử lý ban đầu thông tin tố cáo
Đây là bước quan trọng để các cơ quan có thẩm quyền quyết định thụ lý hay không thụ lý giải quyết tố cáo. Do đó, Luật quy định cụ thể việc tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn tố cáo, đảm bảo cho việc xử lý được thực hiện một cách chặt chẽ. Theo đó, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tố cáo có trách nhiệm tổ chức việc tiếp nhận tố cáo. Luật cũng quy định trách nhiệm vào sổ, phân loại, xử lý ban đầu thông tin tố cáo, kiểm tra, xác minh thông tin về người tố cáo và điều kiện thụ lý tố cáo; xử lý hành vi bị tố cáo có dấu hiệu của tội phạm (Từ Điều 23 đến Điều 27). Trong việc xử lý đối với thông tin tố cáo, Luật Tố cáo có quy định một số điểm mới:
Đối với đơn tố cáo được gửi đến nhiều nơi, Khoản 3 Điều 24 Luật Tố cáo quy định: trường hợp tố cáo không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình và được gửi đồng thời cho nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân, trong đó có cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết hoặc trường hợp đã hướng dẫn nhưng người tố cáo vẫn gửi tố cáo đến cơ quan, tổ chức, cá nhân không có thẩm quyền giải quyết thì cơ quan, tổ chức, cá nhân nhận được tố cáo không xử lý. Quy định này nhằm tránh tình trạng người tố cáo gửi đơn tố cáo tràn lan, vượt cấp, đồng thời đảm bảo tính hiệu quả cho các cơ quan, tổ chức trong việc xử lý đối với tố cáo không thuộc thẩm quyền.
Đối với tố cáo nặc danh, mạo danh, Điều 25 Luật Tố cáo quy định: khi nhận được thông tin có nội dung tố cáo nhưng không rõ họ tên, địa chỉ của người tố cáo hoặc qua kiểm tra, xác minh không xác định được người tố cáo hoặc người tố cáo sử dụng họ tên của người khác để tố cáo hoặc thông tin có nội dung tố cáo được phản ánh không theo hình thức quy định tại Điều 22 của Luật thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không xử lý.
Trường hợp thông tin có nội dung tố cáo có nội dung rõ ràng về người có hành vi vi phạm pháp luật, có tài liệu, chứng cứ cụ thể về hành vi vi phạm pháp luật và có cơ sở để thẩm tra, xác minh thì cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp nhận tiến hành việc thanh tra, kiểm tra theo thẩm quyền hoặc chuyển đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền để tiến hành việc thanh tra, kiểm tra phục vụ cho công tác quản lý.
4 bước trong quy trình giải quyết tố cáo
Nếu như Luật Tố cáo năm 2011 quy định trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo bắt đầu từ khâu tiếp nhận tố cáo thì Luật Tố cáo mới quy định trình tự, thủ tục này bắt đầu từ khâu thụ lý tố cáo. Đây cũng là thời điểm bắt đầu để tính thời hạn giải quyết tố cáo. Luật Tố cáo mới quy định 4 bước trong quy trình giải quyết tố cáo: Thụ lý tố cáo, xác minh nội dung tố cáo, kết luận nội dung tố cáo và xử lý kết luận nội dung tố cáo của người giải quyết tố cáo. Luật cũng đã bổ sung một số quy định mới nhằm quy định chi tiết, cụ thể hơn về trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo.
Trách nhiệm tổ chức thực hiện kết luận nội dung tố cáo
Tổ chức thi hành kết luận nội dung tố cáo có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức, tăng cường trật tự, kỷ cương pháp luật. Do vậy, Luật đã bổ sung Chương V về tổ chức thực hiện kết luận nội dung tố cáo, trong đó quy định về trách nhiệm của người giải quyết tố cáo; trách nhiệm của người bị tố cáo; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thực hiện kết luận nội dung tố cáo (từ Điều 44 đến Điều 46).
Bảo vệ người tố cáo
Việc bảo vệ người tố cáo nhằm bảo vệ, khuyến khích, động viên người dân dũng cảm đấu tranh chống lại các hành vi tham nhũng, tiêu cực, vi phạm pháp luật, giúp các cơ quan nhà nước phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật. Hơn nữa, bảo vệ người tố cáo là trách nhiệm của Nhà nước, là sự thể hiện cụ thể và sinh động bản chất của Nhà nước ta của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Luật Tố cáo mới đã dành một chương (Chương VI) quy định về bảo vệ người tố cáo. Theo đó, Luật quy định cụ thể các vấn đề cơ bản liên quan tới người được bảo vệ (Điều 47), phạm vi bảo vệ (Điều 47), quyền và nghĩa vụ của người được bảo vệ (Điều 48), cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ (Điều 49), trình tự, thủ tục bảo vệ (từ Điều 50 đến Điều 54) và các biện pháp bảo vệ (từ Điều 56 đến Điều 58).
Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong việc quản lý công tác giải quyết tố cáo
Trước hết, Luật Tố cáo quy định về trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về công tác giải quyết tố cáo (Điều 59). Theo đó, Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác giải quyết tố cáo trong phạm vi cả nước; trực tiếp quản lý công tác giải quyết tố cáo của các cơ quan thuộc hệ thống hành chính nhà nước. Thanh tra Chính phủ là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về công tác giải quyết tố cáo trong phạm vi thẩm quyền của Chính phủ. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý nhà nước về công tác giải quyết tố cáo trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Ngoài ra, Luật cũng quy định về trách nhiệm của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, các cơ quan khác của Nhà nước, cơ quan của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội trong việc quản lý công tác giải quyết tố cáo (Điều 60).
Quy định về khen thưởng và xử lý vi phạm
Luật quy định những vấn đề chung về khen thưởng và xử lý vi phạm. Theo đó, người tố cáo trung thực, tích cực cộng tác với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm pháp luật thì được khen thưởng theo quy định của pháp luật (Điều 62). Luật cũng quy định về xử lý hành vi vi phạm pháp luật về tố cáo của các chủ thể, bao gồm người giải quyết tố cáo, người có trách nhiệm chấp hành quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo, của người tố cáo và những người khác có liên quan (từ Điều 63 đến Điều 65)./.