Diễn đàn tiến hành hơn 50 phiên thảo luận chuyên sâu về liêm chính và phòng, chống tham nhũng (PCTN) trước bối cảnh khủng hoảng Covid-19 trong các ngành, lĩnh vực cụ thể và trong các vấn đề về chính sách, hợp tác công - tư. Tham dự Diễn đàn là các đại biểu cấp chính phủ, đại diện các cơ quan phòng, chống tham nhũng và thực thi pháp luật, các học giả, đại diện khu vực doanh nghiệp, tổ chức xã hội của nhiều quốc gia trên thế giới, cũng như các chuyên gia đến từ các tổ chức quốc tế.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, phát biểu tại Phiên Khai mạc do Tổng thư ký OECD chủ trì, Tổng Thanh tra Chính phủ Việt Nam Lê Minh Khái khẳng định, “Lãnh đạo vượt qua khủng hoảng: Liêm chính và Phòng, chống tham nhũng góp phần phục hồi mạnh mẽ” là chủ đề mang tính thời sự, thu hút sự quan tâm ở các quốc gia trong bối cảnh đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp và làm phát sinh nhiều thách thức phi truyền thống ở phạm vi toàn cầu. Việc lựa chọn chủ đề này cho Diễn đàn năm nay một lần nữa khẳng định OECD, với sứ mệnh xây dựng “Chính sách tốt hơn vì cuộc sống tốt đẹp hơn”, đã tạo ra một diễn đàn thảo luận chính sách tin cậy, góp phần tích cực vào việc cải thiện chính sách phát triển kinh tế và quản trị ở phạm vi toàn cầu, cũng như cấp độ quốc gia.

Đại dịch Covid-19, kể từ thời điểm bùng phát tới nay, đã có những tác động tiêu cực đến sức khỏe, đời sống của người dân, làm ngưng trệ hoạt động kinh tế, làm đứt gãy, gián đoạn hoạt động thương mại quốc tế ở phạm vi toàn cầu. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế trên khi đặt ra yêu cầu thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe Nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới.​

Ở khía cạnh phục hồi và phát triển kinh tế, Việt Nam đã ban hành và thực thi nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ kịp thời cho người dân, doanh nghiệp do bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Ở khía cạnh tăng cường liêm chính và phòng, chống tham nhũng, Việt Nam đã triển khai đồng bộ các biện pháp thực thi pháp luật nhằm đảm bảo hỗ trợ đúng đối tượng, kịp thời, không xảy ra trục lợi chính sách; tiếp tục sắp xếp tổ chức, bộ máy theo hướng tinh gọn; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; minh bạch hóa và đơn giản hóa thủ tục hành chính với việc cắt giảm, đơn giản hóa trên 63% điều kiện kinh doanh, 68% danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành; cung cấp dịch vụ công trực tuyến; xây dựng Chính phủ điện tử; xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm pháp luật.

Tổng Thanh tra Chính phủ Việt Nam cho biết, trong thời gian tới, Việt Nam tiếp tục chú trọng vào xây dựng hệ thống hành chính Nhà nước kiến tạo, phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ Nhân dân; tăng cường phòng, chống tham nhũng với các nhóm giải pháp trọng tâm như đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính nhằm giảm chi phí và tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức trong giao dịch với cơ quan Nhà nước; hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trước những tác động nặng nề của đại dịch Covid-19; thanh tra, kiểm tra công tác quản lý Nhà nước, đặc biệt là các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng; tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.

Huy Trần - Báo Thanhtravietnam