Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ

Thông tin về sáng kiến, đề tài khoa học  
Kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ

Ngày 29/11/2021, sở Khoa học và Công nghệ Hà Nam đã ban hành Quyết định số 880/QĐ-SKHCN công nhận sáng kiến “Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ" của tác giả Nguyễn Huy Đông - Phó Chánh Thanh tra tỉnh và đồng tác giả Vũ Thị Bích Ngọc - Thanh tra viên phòng Nghiệp vụ III, Thanh tra tỉnh là sáng kiến khoa học cấp tỉnh.

Sáng kiến đã chỉ rõ: Xung đột lợi ích phát sinh là do mâu thuẫn mang tính đối kháng giữa hai yếu tố: lợi ích riêng và trách nhiệm được ủy thác. Chính vì vậy, kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ chính là quá trình tác động nhằm ngăn chặn hiện thực hóa từ nguy cơ trở thành tham nhũng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công vụ.

Sáng kiến cũng đưa ra một số biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ trên địa bàn tỉnh Hà Nam như sau:

 1. Để các quy định về kiểm soát xung đột lợi ích được thực hiện có hiệu quả, trước hết các cấp, các ngành cần nhận thức đầy đủ và được quán triệt về tầm quan trọng của việc kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ đối với công tác phòng, chống tham nhũng; coi đó là nhiệm vụ quan trọng của cơ quan hành chính nhà nước, là yếu tố góp phần giữ vững tình hình chính trị, trật tự an ninh xã hội trên địa bàn tỉnh.

2. Cần tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng chống tham nhũng, trong đó đặc biệt chú trọng quy định về các tình huống xung đột lợi ích cụ thể trong hoạt động công vụ.

3. Hướng dẫn cách thức phòng ngừa, phát hiện và xử lý xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ.

4. Tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nhận biết và kiểm soát xung đột lợi ích dành cho từng nhóm đối tượng cụ thể theo từng mức độ phù hợp.

5. Thiết lập cơ quan đầu mối về kiểm soát xung đột lợi ích. Cơ quan này sẽ có trách nhiệm tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về xung đột lợi ích và kiểm soát xung đột lợi ích, hướng dẫn thực hiện pháp luật đồng thời thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn, giải đáp vướng mắc cho cán bộ, công chức, viên chức cách xử lý những tình huống cụ thể họ gặp phải trong quá trình thực thi công vụ, xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị xử lý và thực hiện quản lý trực tiếp các tình huống xung đột lợi ích xảy ra trong hoạt động công vụ; tổng kết thực tiễn thực hiện pháp luật, tham mưu hoạch định chính sách, pháp luật về kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ.

6. Thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng theo quy định của Luật PCTN năm 2018 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật.

7. Chỉ đạo thực hiện chế độ quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường kiểm tra, kiểm soát, cải cách thủ tục hành chính; thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.

8. Nâng cao chất lượng các cuộc thanh tra, kiểm tra, tăng cường thanh tra trách nhiệm đối với Thủ trưởng các cấp, các ngành trong công tác PCTN lãng phí; công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo có liên quan đến tham nhũng, lãng phí.

9. Tăng cường quan hệ phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị có chức năng trong PCTN để kịp thời phát hiện, xử lý và kiểm soát, ngăn chặn xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ

10. Định kỳ sơ kết, tổng kết, đánh giá từng nội dung, lĩnh vực và việc triển khai thực hiện định hướng chương trình thanh tra, kế hoạch thanh tra để kịp thời rút kinh nghiệm, xác định rõ phương hướng, nhiệm vụ tiếp theo. Đổi mới công tác thi đua - khen thưởng theo hướng tăng khen thưởng đột xuất đối với các đoàn thanh tra, thành viên đoàn thanh tra đã có thành tích xuất sắc trong hoạt động thanh tra để động viên, khích lệ kịp thời.​​​