Đề án được triển khai ở tất cả các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và chính quyền, đoàn thể địa phương các cấp từ năm 2019 đến hết năm 2021 cho các đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, học sinh, sinh viên và người dân trên các địa bàn dân cư. Mục tiêu chung của Đề án 861 nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, ý thức chấp hành, học tập, tìm hiểu pháp luật về phòng, chống tham nhũng và đạo đức liêm chính; xây dựng lối sống liêm chính và tuân thủ pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân; đưa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng phát triển ổn định, bền vững, đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả; góp phần tích cực cải thiện tình hình tham nhũng và công tác phòng, chống tham nhũng.

Thực hiện nội dung của Đề án 861 và trên cơ sở hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ về việc triển khai thực hiện Đề án, các bộ, ngành đã xây dựng, ban hành các Kế hoạch thực hiện Đề án 861 trong năm 2020; hướng dẫn các cơ quan, đơn vị trực thuộc thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật phòng, chống tham nhũng phù hợp với thực tiễn. Đối với địa phương, Thanh tra các tỉnh, thành phố đã ban hành kế hoạch hoặc tham mưu cho ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố ban hành kế hoạch thực hiện Đề án với các hoạt động cụ thể trong năm 2020 làm cơ sở cho cấp huyện xây dựng và thực hiện tại địa phương. Mặt khác, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật một số tỉnh, thành phố đã ban hành kế hoạch trong đó có lồng ghép việc thực hiện Đề án 861 tại địa phương. Trong năm 2020, kết quả thực hiện Đề án 861 tại các bộ, ngành, địa phương được thể hiện như sau:

Thứ nhất, lựa chọn mô hình điểm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng

Đến nay, tất cả các bộ ngành, địa phương đã thực hiện xong việc lựa chọn đơn vị mô hình điểm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Mỗi bộ, ngành chọn chỉ đạo điểm 01 đơn vị trực thuộc; mỗi ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chọn chỉ đạo điểm 01 địa phương trực thuộc. Trên cơ sở kế hoạch của ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố, các đơn vị cấp huyện đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án ở cấp mình, lựa chọn chỉ đạo điểm 01 đơn vị cấp xã. Nội dung thực hiện mô hình điểm gồm: tổ chức, kiện toàn, bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật về phòng, chống tham nhũng; xây dựng tủ sách pháp luật, điểm tuyên truyền tập trung về pháp luật phòng, chống tham nhũng trong đơn vị và các địa bàn dân cư; tổ chức các buổi tuyên truyền, phổ biến, nói chuyện chuyên đề về thực hiện pháp luật phòng, chống tham nhũng trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người dân trên địa bàn; tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tham nhũng trên hệ thống truyền thanh cơ sở…

Ban tổ chức cuộc thi “Báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật giỏi về pháp luật phòng, chống tham nhũng” TP Hà Nội đã họp triển khai cuộc thi tháng 7/2020. Ảnh minh họa: Internet 

Thứ hai, tổ chức hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật về phòng, chống tham nhũng

Hầu hết các bộ, ngành, cơ quan, đoàn thể và địa phương đã tổ chức các hội nghị, lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật về phòng, chống tham nhũng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan, tổ chức. Nhiều bộ, ngành, địa phương đã chủ trì, phối hợp với Thanh tra Chính phủ tổ chức tuyên truyền Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018; Nghị định số 59/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng; Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 của Chính phủ quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan thông qua nhiều hình thức như: lồng ghép nội dung tìm hiểu pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong các cuộc sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt chuyên môn, văn bản chỉ đạo đến các đơn vị trực thuộc, phát tài liệu giới thiệu những điểm mới của Luật Phòng, chống tham nhũng đến cán bộ, công chức… Ngoài ra, các sở, ngành, địa phương đã tăng cường đối thoại trực tiếp qua các buổi tọa đàm, nói chuyện chuyên đề có chủ đề về phòng, chống tham nhũng.

Năm 2020 là năm thứ hai thực hiện Đề án 861, tuy nhiên do tình hình dịch bệnh Covid-19, thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về giãn cách xã hội và không tập trung đông người nên công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật phòng, chống tham nhũng chưa được tổ chức nhiều và rộng rãi; chưa thực hiện được kế hoạch tổ chức hội thi báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật giỏi về pháp luật phòng, chống tham nhũng.

Theo Báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, trong năm 2020, các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức 137.884 cuộc tuyên truyền, phổ biến pháp luật phòng, chống tham nhũng với hơn 10 triệu lượt người tham dự.

Thứ ba, về hoạt động biên soạn, phát hành tài liệu tuyên truyền

Theo nhiệm vụ của Đề án 861, Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm tổ chức biên soạn, phát hành các tài liệu tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Thực hiện nhiệm vụ được giao, năm 2020, Thanh tra Chính phủ đã tập trung triển khai hoạt động biên soạn tài liệu và đăng tải trên trang thông tin điện tử của Thanh tra Chính phủ. Bộ tài liệu phục vụ việc thực hiện Đề án gồm 5 loại tài liệu: (1) Sách hỏi đáp pháp luật về phòng, chống tham nhũng; (2) Sách tìm hiểu những nội dung cơ bản của pháp luật phòng, chống tham nhũng; (3) Kinh nghiệm quốc tế trong phòng, chống tham nhũng; (4) Giáo dục đạo dức liêm chính cho thanh thiếu niên; (5) Tờ gấp để dịch ra 5 thứ tiếng dân tộc thiểu số.

Ngoài ra, trong năm 2020, một số bộ, ngành, địa phương cũng đã chủ động tổ chức hoạt động biên soạn và phát hành tài liệu tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng như: Bộ Tư pháp biên soạn 166 câu hỏi đáp pháp luật và 12 tiểu phẩm pháp luật về phòng, chống tham nhũng để đăng trên Trang thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật thuộc Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp; Bộ Quốc phòng biên soạn và phát hành cuốn sổ tay hỏi đáp pháp luật, tờ gấp pháp luật về phòng, chống tham nhũng; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam biên soạn tài liệu tuyên truyền về công tác phòng, chống tham nhũng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Trung ương Hội Nông dân Việt Nam biên soạn cuốn sổ tay hỏi đáp pháp luật phòng, chống tham nhũng và tờ gấp pháp luật về phòng, chống tham nhũng; Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam đã tổ chức biên soạn tài liệu tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng bằng tiếng Cơ tu, tiếng Ca dong dưới hình thức hỏi đáp pháp luật và thực hiện phát sóng trên Đài phát thanh - truyền hình tỉnh.

Thứ tư, về ứng dụng công nghệ và phát huy phương tiện truyền thông

Đến nay, các bộ, ngành, cơ quan, đoàn thể và địa phương đều tổ chức đăng tải tài liệu giới thiệu, tuyên truyền các nội dung cơ bản của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, Nghị định số 59/2019/NĐ-CP cùng nhiều bài viết phân tích những điểm mới của Luật, tình hình hoạt động xét xử và công tác xử lý vi phạm liên quan đến các vụ việc tham nhũng trên cổng thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức, địa phương mình.

Ở Trung ương, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài truyền hình Việt Nam đã xây dựng chương trình, kế hoạch, thời lượng phát sóng để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật phòng, chống tham nhũng. Trong năm 2020, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam đã tổ chức có hiệu quả cao việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng trên sóng phát thanh, truyền hình. Đài Tiếng nói Việt Nam đã thực hiện nhiều chương trình chuyên đề, tọa đàm, phân tích, tư vấn liên quan đến phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung và pháp luật về phòng, chống tham nhũng nói riêng. Đài Truyền hình Việt Nam đã thực hiện tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tham nhũng qua các bản tin thời sự, các chuyên đề, chuyên mục hoặc lồng ghép trong các chương trình truyền hình. Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo, định hướng các cơ quan báo chí thông tin, tuyên truyền kịp thời, chính xác, khách quan về công tác phòng, chống tham nhũng; phỏng vấn, tọa đàm về pháp luật phòng, chống tham nhũng.

Ở địa phương, việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật qua đài phát thanh, truyền hình, báo chí đã được các tỉnh, thành phố quan tâm. Các sở thông tin và truyền thông, đài phát thanh và truyền hình, cơ quan báo chí của tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền với nội dung và hình thức phong phú. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền pháp luật thông qua hệ thống truyền thanh xã, phường, thị trấn đã được các địa phương chú trọng. Ngoài ra, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật còn được một số địa phương thực hiện thông qua việc đăng tải thông tin trên bản tin công tác tư pháp, thông qua hoạt động tiếp xúc đối thoại, hòa giải, tiếp công dân định kỳ, trợ giúp pháp lý và các sinh hoạt của các tổ chức tự quản của Nhân dân.

Bên cạnh đó, nhằm đa dạng hóa các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật, các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền rất thiết thực, cụ thể như:

- Nhiều bộ, ngành, địa phương đã chủ động tổ chức các cuộc tìm hiểu pháp luật về phòng, chống tham nhũng như: Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động – Thương binh và xã hội, Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Tập đoàn Giáo dục Egroup tổ chức chung kết cuộc thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến “pháp luật học đường”; Thành phố Hà Nội đã tổ chức triển khai việc tìm hiểu ngoại khóa “Tìm hiểu trực tuyến pháp luật phòng chống tham nhũng gắn với quy tắc ứng xử trong trường học và quy tắc ứng xử nơi công cộng” cho học sinh THPT trên địa bàn thành phố, có 187.905 lượt truy cập với 53.466 học sinh tham gia tìm hiểu; tỉnh Tuyên Quang đã tổ chức Hội thi “Tiểu phầm tuyên truyền pháp luật” trong đó có pháp luật phòng, chống tham nhũng. Một số địa phương đã phát động cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về phòng, chống tham nhũng” như thành phố Cần Thơ, tỉnh Đắk Lắk, Đồng Nai…;

- Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch phát động cuộc thi “Sáng tác tranh cổ động tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng và đạo đức liêm chính” thu hút hàng trăm nghìn thí sinh tham dự. Một số địa phương đã tổ chức sáng tác nhiều mẫu tranh, ảnh cổ động, biếm họa có chủ đề về phòng, chống tham nhũng và xây dựng đạo đức liêm chính như tỉnh Cà Mau, tỉnh Điện Biên...

- Một số địa phương đã tổ chức các hoạt động triển lãm, trưng bày tài liệu có nội dung, chủ đề phòng, chống tham nhũng và xây dựng đạo đức liêm chính như Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch, thành phố Cần Thơ,  thành phố Hải phòng, tỉnh Khánh Hòa

Ngoài ra, để triển khai thực hiện Đề án, một số cơ quan đã thực hiện hoạt động như xây dựng tủ sách pháp luật, hái hoa dân chủ, tuyên truyền lưu động, phát tờ rơi…có nội dung tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng thu hút nhiều người tham dự. Nhiều mô hình, cách làm hay về công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được các sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục triển khai hiệu quả, như tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật bằng hình thức trực tuyến, sân khấu khóa, câu lạc bộ “Phụ nữ với pháp luật”, “Nông dân với pháp luật”, “Cựu chiến binh với pháp luật”, “Pháp luật với mọi người” nhằm sinh hoạt các đoàn thể và tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong đó có pháp luật phòng, chống tham nhũng.

Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2019 và Chính phủ đã ban hành Nghị định số 59/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng và Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị nhằm đảm bảo các quy định của luật đi vào thực tiễn. Công tác phòng, chống tham nhũng nói chung, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng nói riêng luôn nhận được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền. Mặc dù do tình hình dịch bệnh Covid-19 nhưng kết quả triển khai thực hiện Đề án 861 trong năm 2020 cho thấy hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng đã bám sát yêu cầu, mục tiêu, nội dung của Đề án, tạo được sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và nâng cao ý thức chấp hành, học tập, tìm hiểu pháp luật về phòng, chống tham nhũng và đạo đức liêm chính; đưa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng ngày càng thiết thực, có hiệu quả. Thanh tra Chính phủ, nhiều bộ, ngành, địa phương đã chủ động khắc phục khó khăn, triển khai có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án; thanh tra bộ, thanh tra tỉnh đã tham mưu, giúp bộ ngành, ủy ban nhân dân tỉnh triển khai, hướng dẫn thực hiện Đề án theo ngành, lĩnh vực và địa bàn quản lý; có nhiều cách làm sáng tạo, lồng ghép việc thực hiện Đề án với nhiệm vụ, chương trình, hoạt động khác của bộ, ngành, địa phương nhằm hạn chế sự chồng chéo, trùng lặp trong thực hiện nhiệm vụ. Công tác tuyên truyền đã kết hợp thường xuyên với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Để thực hiện các nhiệm vụ Đề án trong năm 2021, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng trên các phương tiện thông tin đại chúng; đổi mới mạnh mẽ hình thức, biện pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng theo hướng đa dạng, sáng tạo, linh hoạt, hiệu quả, phù hợp với trình độ dân trí và tình hình, đặc điểm cụ thể của từng địa phương; coi trọng việc bồi dưỡng kiến thức pháp luật về phòng, chống tham nhũng cho cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng. Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương cũng phải quan tâm thực hiện theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, đánh giá việc thực hiện Đề án để đảm bảo việc triển khai Đề án 861 được đồng bộ, hiệu quả và đúng theo nội dung Đề án 861 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt./.

  Hồ Thị Thu An

Trưởng phòng Tuyên truyền, kiểm tra và thẩm định VBPL

                                           Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ​