Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hội thảo đề tài khoa học cấp cơ sở: “Ứng dụng công nghệ 4.0 trong phòng, chống tham nhũng”

Chiến lược, định hướng, quy hoạch, kế hoạch phát triển  
Hội thảo đề tài khoa học cấp cơ sở: “Ứng dụng công nghệ 4.0 trong phòng, chống tham nhũng”

Ngày 13/7/2022, tại Trụ sở Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra, Ban chủ nhiệm đề tài khoa học cấp bộ: “Ứng dụng công nghệ 4.0 trong phòng, chống tham nhũng” tổ chức hội thảo hoàn thiện đề cương nghiên cứu. Tham dự Hội thảo có toàn thể công chức, viên chức Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra. TS. Cung Phi Hùng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra - chủ nhiệm đề tài chủ trì Hội thảo.

Theo TS. Cung Phi Hùng, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Công nghiệp 4.0) mang lại nhiều cơ hội đối với toàn nhân loại, Công nghiệp 4.0 đã xóa bỏ ranh giới giữa các lĩnh vực vật lý, kỹ thuật số và sinh học, đem đến sự hội tụ về công nghệ hiện đại, tác động sâu sắc đến hệ thống chính trị, kinh tế - xã hội trên toàn cầu. Với sự phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0, Đảng và Nhà nước ta đã đề ra đường lối, chủ trương, chính sách, phát luật cụ thể liên quan đến vấn đề này. Việc áp dụng thành quả của cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 vào công tác phòng, chống tham nhũng là điều cần thiết, phục vụ đời sống, chính trị của từng nước sẽ là tất yếu khi mà công nghệ thông tin ngày càng phát triển, đóng góp quan trọng vào việc công nghệ hóa, hiện đại hóa đất nước. Các nước trên thế giới nên tranh thủ thời điểm này để phát triển khoa học công nghệ nhằm phát hiện, giảm thiểu và hạn chế đến mức tối đa dẫn đến đẩy lùi vấn nạn tham nhũng; Chính phủ kiến tạo, thời kì công nghệ 4.0, mọi thông tin của người dân đều được cung cấp qua mạng Internet những thiết bị công nghệ, nên ngay từ lúc này Chính phủ nên có những phương án để phát triển công nghệ thông tin, trang bị cho người dân những công nghệ hiện đại phục vụ đấu tranh phòng chống, tham nhũng hiệu quả.

 

“Công nghiệp 4.0 là công cụ phòng, chống tham nhũng hiệu quả trong tình hình hiện nay; Công nghiệp 4.0 với kiểm soát tài sản thu nhập; Công nghiệp 4.0 với công khai minh bạch; Công nghiệp 4.0 với kiểm soát xung đột lợi ích; Công nghiệp 4.0 với trong giải quyết khiếu nại, tố cáo nhằm phòng, chống tham nhũng; Công nghiệp 4.0 với sự tham gia của toàn xã hội trong công tác phản ánh, kiến nghị, tố cáo hành vi tham nhũng trực tuyến nhằm phòng, chống tham nhũng”, TS. Cung Phi Hùng khẳng định.

 

Với mục tiêu nghiên cứu là hoàn thiện pháp luật về ứng dụng công nghệ 4.0 trong phòng, chống tham nhũng và đề xuất các giải pháp ứng dụng công nghệ 4.0 trong phòng, chống tham nhũng, Đề tài dự kiến triển khai 03 nội dung: (1) Những vấn đề lý luận và pháp luật về phòng, chống tham nhũng; (2) Thực trạng pháp luật và hoạt động ứng dụng công nghệ 4.0 trong phòng, chống tham nhũng tại Việt Nam; (3) Giải pháp hoàn thiện pháp luật và hoạt động phòng, chống tham nhũng công nghệ 4.0.

 


Tại cuộc hội thảo, ThS. Lê Văn Đức, Phó trưởng phòng Hành chính - Tổ chức, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra cho rằng, chương I nên bao gồm 05 nội dung: khái niệm liên quan đến tham nhũng; nội dung ứng dụng công nghệ 4.0 trong phòng, chống tham nhũng; phương thức ứng dụng công nghệ 4.0 trong phòng, chống tham nhũng; yêu cầu và các yếu tố ảnh hưởng; kinh nghiệm quốc tế về ứng dụng công nghệ 4.0 trong phòng, chống tham nhũng. Chương II nên khai thác theo các nội dung đã đề cập tại chương I để đảm bảo sự logic và khoa học.

 

ThS. Phạm Thị Thu Hiền, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra nhận thấy, chương I nên là những vấn đề lý luận về phòng, chống tham nhũng; bổ sung các điều kiện bảo đảm, phương thức ứng dụng công nghệ 4.0 trong phòng, chống tham nhũng; kinh nghiệm quốc tế về ứng dụng công nghệ 4.0 trong phòng, chống tham nhũng.

 

TS. Nguyễn Quốc Văn, Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra cho rằng, nội dung phần tính cấp thiết cần đề cập tới các cơ sở pháp lý, một số vấn đề nổi lên về tham nhũng trong bối cảnh thời đại 4.0. Mục tiêu nghiên cứu của đề tài là đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ 4.0 trong phòng, chống tham nhũng. Đối với chương I nên đổi tên là những vấn đề chung về ứng dụng công nghệ 4.0 trong phòng, chống tham nhũng; Chương II thực trạng ứng dụng công nghệ 4.0 trong phòng, chống tham nhũng cần bao gồm cả khung chính sách, pháp luật có liên quan, trong đó trọng tâm vào thực trạng thực thi.

 

TS. Nguyễn Thị Thu Nga, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra cho rằng, Ban chủ nhiệm đề tài cần tiết chế lại việc diễn giải khái niệm về công nghệ 4.0; phạm vi nghiên cứu chỉ nên dừng lại trong phạm vi 05 năm trở lại đây; tên Chương I nên đặt lại cho bao quát được các nội dung thể hiện tại mục nghiên cứu; bổ sung một số nội dung: yêu cầu đặt ra trong việc ứng dụng công nghệ 4.0 trong phòng, chống tham nhũng và các yếu tố đảm bảo cho việc ứng dụng công nghệ 4.0 trong phòng, chống tham nhũng. Đối với chương II, Ban chủ nhiệm nên đặt tên lại tên đề mục là thực trạng pháp luật trong việc ứng dụng công nghệ 4.0 trong phòng, chống tham nhũng.

 

ThS. Lê Đức Trung, Trưởng phòng Hành chính - Tổ chức, Viện chiến lược và Khoa học thanh tra nhấn mạnh, chương I của đề tài cần bổ sung vai trò của công nghệ 4.0 trong phòng, chống tham nhũng và nội dung, phương thức ứng dụng công nghệ 4.0 trong phòng, chống tham nhũng. 

 

Kết thúc hội thảo, Chủ nhiệm đề tài phát biểu cảm ơn và tiếp thu góp ý của các đại biểu tham dự. 
 

Nguồn: Đậu Hiền - Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra