Tuy nhiên, tội phạm tham nhũng trong khu vực tư đang có chiều hướng gia tăng và ngày càng tinh vi. Do đó, việc hoàn thiện khung pháp lý đối với tội phạm tham nhũng trong khu vực tư trong điều kiện hội nhập quốc tế ở Việt Nam hiện nay là cần thiết và phù hợp với UNCAC mà Việt Nam đã phê chuẩn có hiệu lực thi hành kể từ ngày 18/9/2009.

Cơ sở lý luận đối với tội phạm tham nhũng trong khu vực tư

 “Tham nhũng là hành vi trái pháp luật của người có chức vụ, quyền hạn hoặc được giao thực hiện công vụ, nhiệm vụ nhưng đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc công vụ, nhiệm vụ đó để vụ lợi cá nhân, làm thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân(1). Hình thức tham nhũng trong khu vực tư là hình thức trong đó các chủ thể tham nhũng là các cá nhân hoặc (và) các doanh nghiệp, tổ chức thuộc khu vực tư. Tham nhũng trong khu vực tư có thể được thống kê bao gồm:

Thứ nhất, tham nhũng trong kinh doanh như: Hối lộ, kế toán gian dối, trốn thuế, kinh doanh nội gián, rửa tiền, tham ô và giả mạo văn bản.

Thứ hai, tham nhũng giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp là dạng tham nhũng gây thiệt hại cho một, thậm chí cả hai bên. Điển hình nhất là tội biển thủ và các tội phạm đi kèm như giữ quỹ đen, rửa tiền, làm giả hồ sơ giấy tờ, thậm chí lừa đảo…

Thứ ba, tham nhũng cấu kết doanh nghiệp là dạng tham nhũng gây thiệt hại cho bên thứ ba (có thể là khu vực công hoặc khu vực tư). Loại tham nhũng này thường xuất hiện phổ biến trong các hoạt động đấu thầu, đấu giá, an ninh…

Thứ tư, tham nhũng trong nội bộ doanh nghiệp là hình thức tham nhũng gây thiệt hại cho bản thân doanh nghiệp do sự lạm công nội bộ hoặc gây thiệt hại cho chủ doanh nghiệp. Hình thức tham nhũng này xuất hiện phổ biến trong các qui trình nhân sự, tống tiền, lạm dụng tiền trợ cấp hoặc viện trợ…

Đặc biệt, hiện nay đã xuất hiện tội phạm tham nhũng mới với tính chất hết sức nghiêm trọng đó là tội phạm lừa đảo qua mạng hay các tội phạm trong lĩnh vực chứng khoán (sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán - giao dịch nội gián hay thao túng giá chứng khoán…) diễn ra rất tinh vi, khó phát hiện.

Theo Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2018 khu vực tư được điều chỉnh theo phương pháp loại trừ. Theo đó, những doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước là doanh nghiệp, tổ chức không phải là cơ quan, tổ chức, đơn vị Nhà nước được quy định tại Khoản 9 Điều 3 Luật PCTN 2018(2). Luật PCTN chỉ mới quy định “trách nhiệm, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu quy định tại Điều 72(3) nhưng chưa quy định hành vi tham nhũng trong lĩnh vực tư có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo pháp luật hình sự. Điều này chưa thật sự phù hợp với các nội dung của UNCAC mà Việt Nam là thành viên, cụ thể: Theo quy định của UNCAC (Điều 21) thì các quốc gia cần áp dụng các biện pháp lập pháp và các biện pháp cần thiết khác để hình sự hóa hối lộ trong khu vực tư. UNCAC cũng khuyến nghị các quốc gia thành viên xem xét hình sự hóa hành vi của người điều hành hay làm việc, ở bất kỳ cương vị nào, cho tổ chức thuộc khu vực tư biển thủ tài sản, quỹ tư hoặc chứng khoán hoặc bất kỳ thứ gì khác có giá trị mà người này được giao quản lý do vị trí của mình, nếu hành vi biển thủ đó được thực hiện một cách cố ý trong quá trình hoạt động kinh tế, tài chính hoặc thương mại (Điều 22).

Qua đối chiếu cho thấy BLHS đã mở rộng nội hàm khái niệm tội phạm chức vụ để có thể bao gồm cả các tội phạm về chức vụ trong khu vực tư tại Điều 352 “1. Các tội phạm về chức vụ là những hành vi xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức do người có chức vụ thực hiện trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ; 2. Người có chức vụ là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một nhiệm vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ”. Như vậy, theo quy định tại BLHS thì tham nhũng trong lĩnh vực tư có bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tùy thuộc vào tội danh người phạm tội mà có thể bị phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ, phạt tù và khung hình phạt cao nhất là tử hình. Để hướng dẫn quy định này, ngày 30/12/2020 Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao đã ban hành Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐTP về việc hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS trong xét xử tội phạm tham nhũng và tội phạm khác về chức vụ. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời, đòi hỏi trong thời gian tới phải hoàn chỉnh khung pháp lý đối với tội phạm này.

Qua nghiên cứu, tác giả vẫn chưa thấy có một công trình nghiên cứu khoa học pháp lý hay một khái niệm khoa học pháp lý được công bố về “tội phạm tham nhũng trong khu vực tư” tại Việt Nam hiện nay. Do vậy, để phục vụ công tác nghiên cứu, theo tác giả tội phạm tham nhũng trong khu vực tư có thể hiểu là “những hành vi vi phạm pháp luật nguy hiểm cho xã hội được quy định trong BLHS do người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng hoặc lạm dụng chức vụ quyền hạn của mình trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ một cách cố ý trực tiếp hoặc gián tiếp xâm phạm vào lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm vụ lợi”.

 

Ảnh minh họa - Internet 


Thực trạng về tội phạm tham nhũng trong khu vực tư trên thế giới và ở Việt Nam trong thời gian qua

 Theo đánh giá của Tổ chức Tiền tệ quốc tế thì mỗi năm tham nhũng gây thiệt hại từ 1.500 đến 2.000 tỷ USD trên toàn thế giới. Điều đó làm giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Trên thế giới đã có nhiều công ty lớn vướng vào tham nhũng như: Công ty Panasonic Avionics Corp (PAC) chuyên cung cấp các thiết bị truyền thông - giải trí hàng không thuộc tập đoàn Panasonic (Nhật Bản) với cáo buộc hối lộ vì mục đích kinh doanh. Các thương hiệu khác như: Oracle, General Electric, HP, AstraZeneca cũng từng phải dàn xếp hoặc bị điều tra vì vướng Đạo luật Chống tham nhũng ở nước ngoài (FCPA) của Chính phủ Hoa Kỳ. Vụ án điển hình nhất là vụ Siemens và tập đoàn J&F Investimentos của Brazil, cụ thể:

Vụ bê bối của Siemens đã được phát hiện từ tháng 11 năm 2006 và đã dẫn tới điều tra ở hơn 10 nước trên thế giới. Bởi theo cáo trạng, Siemens đã chi tiền “lại quả” để giành được hợp đồng về giao thông ở Venezuela, hối lộ để nhận được hợp đồng về mạng lưới điện thoại di động ở Bangladesh, các dự án điện ở Israel và hệ thống kiểm soát giao thông ở Nga. Ngoài ra, tiền lại quả cũng được chi cho các dự án về giao thông tại Trung Quốc, hệ thống mạng lưới điện thoại di động ở Việt Nam, Nigeria, các dự án lọc dầu ở Mexico…

Tiếp đến là tập đoàn J&F Investimentos của Brazil bị các cơ quan chức năng của Mỹ phạt số tiền hơn 256 triệu USD sau khi công ty này thừa nhận dính líu đến một vụ tham nhũng lớn. Tập đoàn J&F, chủ sở hữu của hãng chế biến thịt nổi tiếng JBS, thừa nhận đã chi hàng chục triệu USD hối lộ các quan chức chính phủ ở Brazil thông qua các ngân hàng và bất động sản tại Mỹ. Từ năm 2017, J&F liên tục đối mặt với những cáo buộc hối lộ sau vụ bế bối tham nhũng dẫn tới việc Tổng thống Brazil khi đó là ông Michel Temer bị mất chức. Các lãnh đạo J&F thừa nhận đã hối lộ hơn 1.900 quan chức để giành nhiều hợp đồng cho tập đoàn.

Còn tại Việt Nam, theo cuộc điều tra trong khuôn khổ sáng kiến “Xây dựng năng lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa phòng ngừa tham nhũng” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thực hiện, với sự tài trợ của Đại sứ quán Anh tại Hà Nội từ Quỹ Thịnh vượng của Vương quốc Anh cho thấy: Có đến 31% doanh nghiệp sẵn sàng đưa hối lộ, 47% doanh nghiệp đưa hối lộ nhưng sẽ thỏa thuận để có một dàn xếp có lợi hơn. Chỉ có 1/3 số doanh nghiệp nghĩ đến việc sử dụng cơ chế chính thức như tìm kiếm sự trợ giúp từ các cơ quan có thẩm quyền hay các hiệp hội doanh nghiệp, trong khi đa số các doanh nghiệp tìm cách tự giải quyết (54% doanh nghiệp không tham vấn bất cứ ai về cách phòng, chống tham nhũng). Đây cũng là một dấu hiệu cho thấy các doanh nghiệp chưa thực sự tin tưởng vào khả năng bảo vệ hoặc trợ giúp của hệ thống pháp luật, các cơ quan thi hành pháp luật và các hiệp hội kinh doanh trong lĩnh vực PCTN.

Tại Việt Nam, tham nhũng trong lĩnh vực kinh tế (chủ yếu là các tổ chức ngân hàng) trong thời gian qua có thể kể đến một số vụ án lớn như:

Vụ Hà Văn Thắm cùng 7 đồng phạm về tội “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”. Quá trình tố tụng đến nay cho thấy: Hà Văn Thắm cùng đồng phạm đã gây thiệt hại xấp xỉ 2.000 tỉ đồng. Trong đó, bộ đôi Hà Văn Thắm và Nguyễn Xuân Sơn được xác định là đã tham ô hơn 49 tỉ đồng, trong số 246 tỉ đồng do lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt.

Vụ Phạm Công Danh và đồng phạm gây thất thoát hơn 15.000 tỷ đồng của  Ngân hàng Xây dựng (VNCB). Ông Phạm Công Danh đã chỉ đạo cấp dưới dùng pháp nhân 29 công ty do mình thành lập hoặc mượn pháp nhân đứng tên hồ sơ vay vốn tại ba ngân hàng. Sau đó, Phạm Công Danh dùng tiền gửi của VNCB tại các ngân hàng này để cầm cố và trả nợ thay.

Vụ Hứa Thị Phấn và đồng phạm. Do muốn chiếm đoạt tiền của các cổ đông, bà Phấn chỉ đạo Hội đồng quản trị và cấp dưới làm các thủ tục để Trustbank đầu tư 1.037 tỷ đồng vào 4 dự án của Công ty Phú Mỹ; Công ty CP địa ốc Lam Giang; Công ty TNHH Phú Mỹ (do bà Phấn làm chủ). Số tiền này bà Phấn không dùng để đầu tư vào các dự án như hợp đồng mà rút tiền mặt sử dụng cá nhân. Cấn trừ vào các nghĩa vụ đã thanh toán, thiệt hại thực tế bà Phấn gây ra từ sai phạm này là hơn 900 tỷ đồng.

Vụ Huỳnh Minh Hiếu tại Đà Nẵng (cựu quản lý Siêu thị 24h) về tội Tham ô tài sản. Lợi dụng chức vụ, từ tháng 4 - 9/2018, Hiếu chiếm đoạt số tiền hơn 2,2 tỷ đồng của Công ty để tiêu sài cá nhân và làm tài sản riêng như chi 177 triệu đồng để chơi trò chơi điện tử, lập 2 sổ tiết kiệm 1,2 tỷ đồng, chi 139 triệu đồng để thuê khách sạn, mua vé máy bay, thuê căn hộ chung cư để chạy trốn…

Bên cạnh các vụ án liên quan đến tham nhũng trong khu vực tư trong nước, cũng đã phát sinh một số vụ án liên quan đến các công ty có vốn đầu nước ngoài tại Việt Nam, điển hình như: Vụ án tham ô tài sản xảy ra tại Công ty THHH Glonics Việt Nam; Công ty TNHH Hansol Electronics; Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam - Thái Nguyên...với các hành vi vi phạm pháp luật như: Mua hóa đơn GTGT, làm giả việc có mua, nhập hàng vào kho nguyên liệu của công ty và lập khống chứng từ thanh toán,…để từ đó chiếm đoạt tài sản.

Qua các vụ án nêu trên có thể thấy rõ tội phạm tham nhũng trong khu vực tư vẫn còn diễn ra hết sức phức tạp và ngày càng tinh vi. Và đã xuất hiện tội phạm mới, đó là lừa đảo qua mạng và tội phạm trong lĩnh vực chứng khoán, điển hình như: Vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua Facebook của gần 500 nạn nhân trên cả nước với tổng số tiền chiếm đoạt lên đến 117 tỷ đồng...tại Thừa Thiên Huế; vụ án hình sự liên quan đến Lê Văn Dũng - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Dược Viễn Đông cùng đồng bọn bị cơ quan chức năng khởi tố và đưa ra xét xử về tội thao túng giá chứng khoán,….xét trên nhiều khía cạnh, thì các loại tội phạm này cũng có thể được xem như tội phạm tham nhũng trong khu vực tư.

Một số giải pháp hoàn thiện khung pháp lý đối với tội phạm tham nhũng trong khu vực tư trong điều kiện hội nhập quốc tế ở Việt Nam hiện nay

Trên thế giới đã có nhiều nước xây dựng một hệ thống pháp luật, gồm nhiều văn bản pháp luật chuyên ngành hoặc một luật chuyên ngành để điều chỉnh hành vi tham nhũng trong khu vực tư khá hoàn chỉnh, điển hình như:

Ở Đức, BLHS của Cộng hòa liên bang Đức quy định về tội phạm tham nhũng trong khu vực tư gồm các tội phạm về cạnh tranh; nhận và đưa hối lộ trong giao dịch kinh doanh. Những trường hợp đặc biệt nghiêm trọng của nhận và đưa hối lộ trong giao dịch kinh doanh. Hình phạt cao nhất lên đến 5 năm tù giam và tịch thu tài sản do phạm tội mà có. Ngoài ra, các luật khác có liên quan như Luật Doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã quy định các vi phạm hành chính về đưa, nhận lợi ích có liên quan đến phiếu bầu tại các đại hội cổ đông của doanh nghiệp, của hợp tác xã.

Ở Liên bang Nga, Luật Chống tham nhũng quy định các hành vi tham nhũng, bao gồm: Lạm dụng chức vụ hoặc quyền hạn, đưa hối lộ cho công chức quốc gia hoặc công chức nước ngoài/công chức của tổ chức quốc tế công, hối lộ thương mại (gồm cả đưa và nhận), hỗ trợ (môi giới) hối lộ. Theo quy định của Luật Chống tham nhũng, chủ thể của các hành vi tham nhũng trong kinh doanh bao gồm: Thành viên của Hội đồng quản trị; thành viên của ban giám đốc; người đang thực hiện một công việc hoặc trách nhiệm thường xuyên hoặc tạm thời đối với những chức năng tổ chức, kỉ luật, hành chính hoặc kinh tế của tổ chức.

Ở Nhật Bản, có một hệ thống pháp luật chống tham nhũng trong khu vực tư khá toàn diện và chặt chẽ, gồm: Luật Công ty, Luật Về các công cụ và giao dịch công cụ tài chính, Luật Phá sản, Hướng dẫn phòng ngừa hối lộ công chức nước ngoài – Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp. Trong Luật Công ty, quy định một số tội phạm về tham nhũng trong kinh doanh như: Các tội phạm bội tín; tội sử dụng tài liệu giả mạo; tội đưa hoặc nhận hối lộ. Tương tự như vậy, Luật về các công cụ tài chính và giao dịch công cụ tài chính cũng quy định tội đưa và nhận hối lộ.

Singapore đã ban hành Đạo luật Ngăn chặn Tham nhũng (PCA), trong đó đặt nghĩa vụ chứng minh cho các bị cáo thấy rằng họ đã sở hữu tài sản một cách hợp pháp. Bất kỳ một sự giàu có nào không được giải trình hợp lý với các nguồn thu nhập được kê khai sẽ bị điều tra và có thể bị tịch thu. Điều đặc biệt của PCA đó là cung cấp thẩm quyền ngoài lãnh thổ đối với các hành vi tham nhũng của công dân Singapore ở nước ngoài. Theo đó, những hành vi tham nhũng của công dân Singapore dù diễn ra bên ngoài lãnh thổ quốc gia đều được xử lý giống như hành vi của công dân trong nước, dù hành vi tham nhũng ấy có gây ra hậu quả đối với Singapore hay không (Cục Điều tra tham nhũng 2016a).

Từ những kinh nghiệm nêu trên của một số nước trên thế giới, để hoàn thiện khung pháp lý đối với tội phạm tham nhũng trong khu vực tư trong điều kiện hội nhập quốc tế ở Việt Nam hiện nay, thiết nghĩ cần có một số giải pháp sau:

Thứ nhất, để bảo đảm phù hợp với UNCAC, trong bối cảnh tăng cường hợp tác quốc tế hiện nay, BLHS năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã bổ sung phạm vi tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước vào chương tham nhũng chức vụ. Tuy nhiên, quy định hiện tại còn mâu thuẫn giữa BLHS, Luật Doanh nghiệp, Luật PCTN dẫn đến khó áp dụng. Cụ thể: Khoản 2 Điều 2 của Luật PCTN quy định hành vi tham nhũng khu vực tư bao gồm: Tham ô tài sản, nhận hối lộ, đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của doanh nghiệp, tổ chức mình vì vụ lợi, cho thấy chủ thể bao gồm cả pháp nhân và cá nhân. Điều này mâu thuẫn với quy định trong BLHS (vì BLHS không có chủ thể pháp nhân tham nhũng cũng như tội danh tham nhũng không có tội đưa hối lộ, môi giới hối lộ). Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay tội phạm tham nhũng trong khu vực tư đang có chiều hướng gia tăng. Do đó, cần có sự điều chỉnh, thống nhất của các văn bản luật liên quan nhằm tăng chế tài hình sự về tội phạm tham nhũng trong khu vực tư góp phần nâng cao hiệu quả công tác PCTN trong thời gian tới. Đặc biệt, là tội phạm mới như: Lừa đảo qua mạng hay các tội phạm trong lĩnh vực chứng khoán.

Thứ hai, trong thời gian gần đây sự phát triển và đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân ngày càng nhiều vào quá trình phát triển kinh tế, xã hội của đất nước ta. Đặc biệt, đã có nhiều quy định pháp luật cho phép các đơn vị, pháp nhân, cá nhân tham gia ngày càng nhiều vào việc thực hiện các dịch vụ công như: Công chứng, giám sát, giám định, phiên dịch, cung ứng cho việc mua sắm tài sản công...việc xã hội hóa dịch vụ công mang đến “lợi ích kép” cho cả khu vực Nhà nước và khu vực tư nhân, Nhà nước giảm được gánh nặng, tập trung hơn vào công tác quản lý vĩ mô, từ đó tạo điều kiện để khu vực tư nhân có cơ hội đầu tư và cạnh tranh phát triển. Nhiều nhà cung ứng dịch vụ công sẽ tạo ra sự cạnh tranh nên dịch vụ cung cấp được rẻ hơn, tốt hơn; mặt khác, bộ máy Nhà nước cũng trở nên gọn nhẹ và tiết kiệm hơn.

Tuy nhiên, vì lợi ích cũng phát sinh nhiều tiêu cực, không ít trường hợp cá nhân, doanh nghiệp “trong khu vực tư” nhận tiền, tài sản để làm những việc sai trái theo yêu cầu của người đưa tiền, tài sản. Do đó, việc sớm sửa đổi, bổ sung trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân trong khu vực tư theo Điều 21 UNCAC vào BLHS là rất cần thiết. Việc hình sự hóa hành vi trên đây góp phần tạo cơ sở pháp lý cần thiết cho công tác PCTN ở Việt Nam trong thời gian tới, tạo ra sự tương đồng, phù hợp giữa pháp luật quốc gia và pháp luật quốc tế, qua đó hỗ trợ hoặc tiếp nhận hỗ trợ của các nước, các tổ chức quốc tế trong việc đấu tranh chống tham nhũng có hiệu quả ở Việt Nam.

Thứ ba, việc nghiên cứu sửa đổi chuyển tội đưa hối lộ và tội môi giới hối lộ từ phần “Các tội phạm khác về chức vụ” lên phần “Các tội phạm tham nhũng” tại Chương XXIII của BLHS năm 2015. để đảm bảo tính khả thi trong thi hành BLHS và thực hiện các biện pháp PCTN trong lĩnh vực tư và để phù hợp với Điều 21 điểm (b) của UNCAC. Bên cạnh đó, cần sớm luật hóa hành vi biển thủ tài sản trong lĩnh vực tư vào BLHS để phù hợp với Điều 22 “yêu cầu các quốc gia thành viên xem xét hình sự hóa hành vi của người điều hành hay làm việc, ở bất kỳ cương vị nào, cho tổ chức thuộc lĩnh vực tư biển thủ tài sản, quỹ tư hoặc chứng khoán hoặc bất kỳ thứ gì khác có giá trị mà người này được giao quản lý do vị trí của mình, nếu hành vi biển thủ đó được thực hiện một cách cố ý trong quá trình hoạt động kinh tế, tài chính hoặc thương mại” của UNCAC. Việc sửa đổi, bổ sung này là cần thiết nhằm góp phần hoàn thiện khung pháp lý đối với tội phạm tham nhũng trong khu vực tư trong điều kiện hội nhập quốc tế ở Việt Nam hiện nay. Bởi lẽ, sự thiếu vắng các biện pháp liên quan này sẽ làm hạn chế phần nào công cụ của pháp luật trong cuộc chiến chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay./.

Nguồn: Luật gia-Ths.Lê Quang Kiệm

​