Cụ thể, toàn ngành Thanh tra đã triển khai 6.809 cuộc thanh tra hành chính và 177.245 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực; phát hiện vi phạm về kinh tế 179.034 tỷ đồng, 9.258 ha đất; trong đó kiến nghị thu hồi 22.698 tỷ đồng và 811 ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 156.336 tỷ đồng, 8.447 ha đất; ban hành 132.319 quyết định xử phạt vi phạm hành chính của tổ chức, cá nhân với số tiền 3.694 tỷ đồng; kiến nghị xem xét, xử lý hành chính 2.341 tập thể và 6.244 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xử lý 437 vụ, 259 đối tượng.

Về thanh tra hành chính: tổng hợp từ 5.458 cuộc thanh tra đã ban hành kết luận, phát hiện sai phạm về kinh tế số tiền 9.575 tỷ đồng và 9.258 ha đất; trong đó đã kiến nghị thu hồi về ngân sách Nhà nước 4.547 tỷ đồng và 811 ha đất; đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý 5.028 tỷ đồng và 8.447 ha đất; kiến nghị xử lý hành chính 2.341 tập thể và 6.244 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xử lý 98 vụ, 106 đối tượng.

Riêng Thanh tra Chính phủ tiến hành 47 cuộc thanh tra, tập trung vào công tác quản lý Nhà nước của các bộ, ngành Trung ương; việc thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước (DNNN); việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất kinh doanh của DNNN, doanh nghiệp cổ phần hóa sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở; việc chấp hành chính sách, pháp luật trong quản lý vốn và đầu tư; việc thực hiện chính sách pháp luật trong hoạt động mua, bán, xử lý nợ và tài sản; việc quản lý, sử dụng quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách; việc chấp hành chính sách, pháp luật về công tác cán bộ, sử dụng tài chính, tài sản công, thực hiện một số chương trình, đề án, dự án đầu tư.

Kết quả, 14 cuộc thanh tra đã ban hành kết luận, phát hiện sai phạm về kinh tế 4.967 tỷ đồng, 2.960 ha đất; trong đó đã kiến nghị thu hồi về ngân sách Nhà nước 1.773 tỷ đồng, 573 ha đất; đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý 3.194 tỷ đồng, 2.387 ha đất; kiến nghị xử lý hành chính nhiều tổ chức, cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý 17 vụ, 07 đối tượng; kiến nghị Chính phủ, các bộ ngành, địa phương sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện nhiều quy định, cơ chế, chính sách liên quan đến nội dung thanh tra.

Đặc biệt, đã tập trung ban hành kết luận một số cuộc thanh tra dư luận xã hội đặc biệt quan tâm như: Việc sử dụng quỹ Bảo hiểm y tế, mua sắm trang thiết bị y tế và vật tư tiêu hao, đấu thầu thuốc chữa bệnh; công tác quản lý Nhà nước (QLNN) và thực hiện pháp luật trong quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai, môi trường đối với khu công nghiệp, khu đô thị; việc chuyển đổi nhà, đất công có vị trí đắc địa sang mục đích khác tại Tp. Hồ Chí Minh...

Bên cạnh đó, lực lượng thanh tra chuyên ngành tiến hành 177.245 cuộc thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật của 623.082 tổ chức, cá nhân, phát hiện 157.022 tổ chức, cá nhân có vi phạm với số tiền là 62.726 tỷ đồng; kiến nghị thu hồi 18.151 tỷ đồng; ban hành 132.319 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 3.694 tỷ đồng; xử phạt bằng hình thức khác 5.338 trường hợp (1.375 tổ chức, 3.963 cá nhân); chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xử lý 339 vụ việc, 153 đối tượng. 

Về công tác giám sát, thẩm định và xử lý về thanh tra, toàn Ngành đã tiến hành đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện 6.690 kết luận và quyết định xử lý về thanh tra. Qua đôn đốc, các cơ quan chức năng đã thu hồi 115.841 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 42,4%), 627 ha đất; xử lý hành chính 3.267 tổ chức, 8.724 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 77 vụ, 108 đối tượng; đã khởi tố 17 vụ, 70 đối tượng; ban hành mới, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ 809 văn bản về cơ chế, chính sách, pháp luật theo kiến nghị tại các kết luận thanh tra (đạt tỷ lệ 84,4%)... 

Như vậy, năm 2021, toàn ngành Thanh tra đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, đáp ứng được yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương dù ảnh hưởng trước những diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh Covid -19. Công tác thanh tra được chú trọng triển khai, bám sát chương trình kế hoạch và thanh tra đột xuất, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm. Đặc biệt, qua hàng trăm nghìn cuộc thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành đã được kết luận, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội của các ngành, các cấp và việc chấp hành pháp luật của tổ chức, cá nhân trên các lĩnh vực.

Năm 2021 là năm chịu ảnh hưởng rất lớn của dịch bệnh, tuy nhiên ngành Thanh tra cũng như các bộ, ngành và nhiều địa phương khác đã tổ chức thực hiện nhiệm vụ linh hoạt, đảm bảo được kế hoạch thanh tra mà Thủ tướng Chính phủ giao. Điển hình như Thanh tra Bộ Tài chính, các đơn vị trong hệ thống tài chính đã chủ động tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thanh tra, kiểm tra, đổi mới cách thức làm việc. Đồng thời, tích cực trao đổi, nắm bắt thông tin từ các cơ quan liên quan; nghiên cứu kỹ tài liệu tại các ứng dụng của cơ quan Thuế, Hải quan, Kho bạc Nhà nước, hồ sơ niêm yết trên thị trường chứng khoán… áp dụng nguyên tắc thanh tra, kiểm tra theo cơ chế quản lý rủi ro; hạn chế tối đa việc thanh, kiểm tra trực tiếp tại đơn vị; yêu cầu các đơn vị tự kiểm tra, báo cáo, gửi hồ sơ, tài liệu về trụ sở ở cơ quan; khi cần làm việc thì thực hiện qua hệ thống thông tin trực tuyến nhưng vẫn đảm bảo đúng quy định. 

Hà Tuấn - Thái Minh