Quan tâm từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo đến tổ chức thực hiện

Báo cáo của UBND tỉnh Hà Nam gửi Ban Tiếp công dân Trung ương - Thanh tra Chính phủ cho thấy, trong thời gian vừa qua, tình hình đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh gửi đến các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh tăng, tuy nhiên số vụ việc khiếu nại, tố cáo giảm so với cùng kỳ. Trong một số lĩnh vực, tình hình khiếu nại, tố cáo vẫn tiềm ẩn phức tạp. Một số vụ việc đã được các cấp, các ngành xem xét giải quyết theo quy định nhưng công dân vẫn gửi đơn vượt cấp; vẫn còn tình trạng đơn khuyết danh, mạo danh, đơn cùng một nội dung nhưng gửi nhiều lần yêu cầu xem xét giải quyết.

Công tác tiếp công dân và xử lý phản ánh, kiến nghị, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân tiếp tục được các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị quan tâm, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và đạt nhiều kết quả tích cực; chất lượng giải quyết cá vụ việc được nâng cao; một số vụ việc đông người đã được giải quyết dứt điểm; hạn chế đơn thư khiếu kiện vượt cấp, không để xảy ra “điểm nóng”. Nhiều đơn thư, vụ việc được giải quyết ngay từ khi mới phát sinh tại cơ sở; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân và góp phần giữ vững ổn định tình hình trên địa bàn. Công tác phối hợp trong giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo giữa các cấp, các ngành có nhiều chuyển biến; trách nhiệm trong tiếp công dân và giải quyết đơn thư của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền được nâng lên.

Giai đoạn từ 01/8/2022 đến 31/7/2023, thực hiện quy định của Luật Tiếp công dân, các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã tổ chức tiếp 6.415 kỳ (ngày) với 2.584 lượt/2.988 người, số đoàn đông người 46 đoàn/313 người, trong đó Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp 04 đoàn/17 người; Các sở, ngành không có đoàn đông người; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tiếp 32 đoàn/197 người; Ủy ban nhân dân các xã, phường tiếp 10 đoàn/99 người.

Về kết quả tiếp công dân của người đứng đầu, trong kỳ Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp là 07 ngày, Phó Chủ tịch được ủy quyền chủ trì tiếp 05 ngày. Giám đốc các sở, ngành của tỉnh tiếp 170 ngày, Phó Giám đốc được ủy quyền chủ trì tiếp 22 ngày (tại 16 sở, ngành thuộc tỉnh). Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tiếp dân trong 12 tháng là 144 ngày, thực tế số ngày tiếp là 143 ngày; số ngày Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tiếp là 91 ngày, số ngày ủy quyền cho Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tiếp là 52 ngày tại 06 huyện, thị xã, thành phố.

 Một phiên tiếp dân của Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam. Ảnh: hanamtv.vn

Đối với phường, xã, người đứng đầu cơ quan hành chính tiếp dân trong 12 tháng là 5.232 ngày; thực tế số ngày Lãnh đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn trực tiếp công dân là 5.505 ngày do có xã, phường, thị trấn ngoài việc bố trí tiếp định kỳ mỗi tuần một lần, còn bố trí tiếp dân vào ngày 10 và 20 hàng tháng. Số ngày Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn tiếp công dân là 4.146 ngày; số ngày Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn ủy quyền cho Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tiếp là 1.359 ngày tại 109 xã, phường, thị trấn. Tuy nhiên, có nhiều ngày tổ chức tiếp công dân định kỳ nhưng không có công dân đến. 

Đã giải quyết 80,1% vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền

Cũng theo UBND tỉnh Hà Nam, trong giai đoạn này toàn tỉnh đã tiếp nhận 2.476 đơn thư các loại: 320 đơn khiếu nại, tố cáo; 2.156 đơn kiến nghị, phản ánh; qua phân loại có 1.945 đơn đủ điều kiện xử lý với 190 khiếu nại; 86 tố cáo; 1.669 kiến nghị, phản ánh. Trong số đơn đủ điều kiện xử lý có 76 vụ việc khiếu nại, 40 vụ việc tố cáo, đã được giải quyết thuộc thẩm quyền, đã giải quyết 93/116 vụ việc đạt tỷ lệ 80,1%. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh còn 23 vụ việc gồm khiếu nại 18 vụ, tố cáo 05 vụ, các cấp, các ngành đang xem xét giải quyết.

Nhìn chung, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam đã dành sự quan tâm, tăng cường chỉ đạo, điều hành và triển khai nhiều giải pháp đối với công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân.  Công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo không ngừng được củng cố, tăng cường.

Công tác tiếp công dân đã đi vào nề nếp; cấp uỷ, chính quyền các cấp trong tỉnh duy trì lịch tiếp công dân định kỳ theo quy định, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Qua công tác tiếp công dân, Ủy ban nhân dân tỉnh kịp thời chỉ đạo các địa phương, đơn vị tập trung xem xét giải quyết các vụ việc; yêu cầu các địa phương, đơn vị tăng cường phối hợp trao đổi thông tin, nhất là trong việc phối hợp giải quyết các vụ khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp.

Nâng cao chất lượng giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo, tăng cường tiếp và đối thoại với công dân; nghiêm túc thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận xử lý tố cáo có hiệu lực pháp luật. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo ở các đơn vị được thực hiện đúng trình tự, thủ tục, đảm bảo khách quan, chính xác, bảo vệ quyền lợi chính đáng của công dân.

Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo các cơ quan hành chính nhà nước đã kịp thời phát hiện, kiến nghị xử lý một số sai phạm liên quan đến công tác quản lý đất đai, giải phóng mặt bằng... bảo vệ quyền lợi ích chính đáng của công dân, đồng thời rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy định trong lĩnh vực quản lý đất đai, tài chính, đầu tư xây dựng cơ bản, thực hiện chính sách xã hội trong phạm vi địa phương, góp phần ổn định tình hình và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Công tác hòa giải ở cơ sở cũng đã được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm thực hiện; thông qua tuyên truyền vận động và giải thích pháp luật một số công dân đã hiểu và tự giác chấp hành các quy định pháp luật, một số trường hợp rút đơn khiếu nại, tố cáo.

Trong thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, các Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước các cấp trong công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn cơ sở; thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan, tổ chức và Thủ trưởng các cơ quan quản lý nhà nước. Thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, đơn vị, nhất là các lĩnh vực dễ phát sinh khiếu nại, tố cáo. 

Cùng với đó, chú trọng nâng cao chất lượng giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền; nắm chắc tình hình khiếu nại, tố cáo; tập trung giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các vụ việc khiếu nại, tố cáo mới phát sinh ngay từ cơ sở, phấn đấu đạt tỷ lệ trên 85%; thực hiện tốt các quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo đã có hiệu lực pháp luật phấn đấu đạt tỷ lệ trên 90%.

Và tập trung giải quyết các vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh trật tự và các vụ việc theo Kế hoạch số 363/KH-TTCP ngày 20/3/2019 của Thanh tra Chính phủ; xử lý kịp thời, nghiêm minh những trường hợp vi phạm trong quá trình tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, đơn vị, nhất là các lĩnh vực dễ phát sinh khiếu nại, tố cáo./. 

Nguồn: Hồng Đăng(ThanhtraVietNam)​