Hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra của các chủ thể nhà nước đối với công tác PCTN còn lúng túng

Tại  buổi phê duyệt, ThS. Ngô Mạnh Hùng cho biết, thời gian qua, hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra công tác phòng, chống tham nhũng đã góp phần quan trọng vào việc bảo đảm thực hiện tốt các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam. Qua giám sát, kiểm tra, thanh tra công tác phòng, chống tham nhũng, các cơ quan có thẩm quyền đã kịp thời phát hiện những hạn chế, bất cập để có sự điều chỉnh phù hợp và chấn chỉnh, xử lý các hành vi vi phạm của các chủ thể trong việc thực hiện pháp luật về phòng, chống, tham nhũng. Tuy nhiên, hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra công tác phòng, chống tham nhũng hiện nay còn nhiều hạn chế, vướng mắc.

Có thể thấy, hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra của cơ quan, tổ chức, đơn vị trong bộ máy nhà nước chưa được tiến hành thường xuyên, kịp thời. Hiện tượng vi phạm chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng còn diễn ra nhiều. Hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra của các chủ thể nhà nước đối với công tác phòng, chống tham nhũng còn lúng túng, không thống nhất, không đồng bộ, thiếu hiệu quả, thiếu tính chuyên nghiệp.

Đồng thời, về giám sát, kiểm tra của các tổ chức Đảng vẫn còn những hạn chế nhất định như nhận thức của tổ chức Đảng và đảng viên về công tác giám sát, kiểm tra chưa cao; một số nơi việc thực hiện còn mang tính hình thức hoặc chồng chéo với chức năng của các cơ quan nhà nước. Bên cạnh đó, với nguồn nhân lực và tổ chức như hiện nay, Ủy ban kiểm tra Đảng các cấp khó đáp ứng được yêu cầu giám sát, kiểm tra đối với các tổ chức Đảng và đảng viên trong việc thực hiện các quy định phòng, chống tham nhũng; vai trò giám sát của xã hội đối với công tác phòng, chống tham nhũng, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 chỉ quy định chung chung và không có văn bản riêng hướng dẫn thi hành.

Nhìn từ góc độ quốc tế cũng như quy định hiện nay của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, cần tiếp tục hoàn thiện, cụ thể hóa các quy định của pháp luật hiện nay để đảm bảo sự tham gia của người dân trong phòng, chống tham nhũng, đồng thời đáp ứng yêu cầu của Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng; về giám sát, kiểm tra, thanh tra công tác phòng, chống tham nhũng khu vực ngoài nhà nước, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật phòng, chống tham nhũng đã quy định và bước đầu đã có những hướng dẫn cụ thể, nhưng những quy định này trên thực tế đang đặt ra nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.

Trên cơ sở mục tiêu nghiên cứu là hoàn thiện cơ sở khoa học để đề xuất hoàn thiện chính sách, pháp luật và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra công tác phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam, Đề tài dự kiến triển khai 03 nội dung gồm cơ sở lý luận về giám sát, kiểm tra, thanh tra công tác phòng, chống tham nhũng; thực trạng hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra công tác phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam; quan điểm, giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra công tác phòng, chống tham nhũng.


Đề tài có ý nghĩa lý luận và có ý nghĩa thực tiễn

Tại cuộc họp, TS. Nguyễn Văn Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ đánh giá cao nội dung thuyết minh, lực lượng nghiên cứu, đặc biệt là chủ nhiệm đề tài có nhiều kinh nghiệm nghiên cứu. Đề tài cần phân định rõ hoạt động giám sát do cơ quan nào thực hiện; xác định lại đối tượng, nội dung, phạm vi để tránh chồng chéo.

Còn theo ThS. Văn Tiến Mai, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, tổng hợp, Thanh tra Chính phủ, ông cơ bản nhất trí với nội dung thuyết minh đề tài và cho rằng đây là đề tài thực sự cần nghiên cứu trong giai đoạn hiện nay. Tên đề tài cần bổ sung thêm chữ “hiện nay” để phù hợp với nội dung nghiên cứu mà thuyết minh đã lựa chọn. Ban chủ nhiệm đề tài cần làm rõ nội dung của công tác phòng, chống tham nhũng; bổ sung một số nghị định có liên quan, đánh giá những hạn chế trong công tác giám sát, kiểm tra của Đảng và khu vực ngoài nhà nước; bổ sung thêm mục tiêu nâng cao biện pháp thực hiện có hiệu quả giám sát, kiểm tra, thanh tra công tác phòng, chống tham nhũng.

Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra Phạm Thị Thu Hiền cho rằng, nội dung thuyết minh đã thể hiện rõ tính cấp thiết, mục tiêu, đối tượng, phạm vi và nội dung nghiên cứu. Tuy nhiên, Ban chủ nhiệm đề tài cần bổ sung, làm rõ chủ thể của hoạt động giám sát, thanh tra, kiểm tra, bổ sung thêm nguyên tắc và hệ quả pháp lý của các hoạt động này.  Đồng thời, cần đánh giá sâu thực trạng hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra công tác phòng, chống tham nhũng và nên bổ sung thêm quan điểm, giải pháp hoàn thiện chính sách.

Kết luận tại cuộc họp, TS. Lê Tiến Hào cho rằng, đây là Đề tài có ý nghĩa lý luận và có ý nghĩa thực tiễn. Tuy nhiên, Đề tài cần luận giải, làm rõ hơn tính cấp thiết của việc nghiên cứu; bổ sung thêm Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; mục tiêu nghiên cứu bổ sung thêm hoàn thiện chính sách pháp luật, quy định của Đảng và Nhà nước; lực lượng nghiên cứu bổ sung thêm thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Quốc hội; phạm vi nghiên cứu tập trung chủ yếu ở cơ quan trung ương. Đồng thời, Chủ tịch Hội đồng đề nghị Ban chủ nhiệm đề tài chỉnh sửa, bổ sung thêm một số nội dung nghiên cứu theo ý kiến của thành viên Hội đồng phê duyệt.

Kết thúc buổi họp, trên cơ sở dự kiến các nội dung nghiên cứu và sự thống nhất với Chủ nhiệm đề tài, Hội đồng phê duyệt nhất trí phê duyệt thuyết minh đề tài để triển khai nghiên cứu./.

Lan Anh