1. Tăng cường giám sát hoạt động thanh tra và người tiến hành hoạt động thanh tra

Về bản chất, tiến hành thanh tra là hoạt động nhân danh Nhà nước, sử dụng quyền lực Nhà nước để xem xét, đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền. Vì vậy, hoạt động thanh tra cần phải được kiểm soát chặt chẽ với nhiều thiết chế và chủ thể khác nhau, của cả Nhà nước, tổ chức chính trị, xã hội và của cả người dân, doanh nghiệp. Trước hết và quan trọng nhất là sự giám sát của cơ quan hành chính Nhà nước cùng cấp với cơ quan thanh tra, của người đứng đầu cơ quan thanh tra trong việc xây dựng, phê duyệt kế hoạch thanh tra, kế hoạch tiến hành thanh tra đối với từng cuộc thanh tra cụ thể; cho ý kiến xử lý những vấn đề vượt quá thẩm quyền, khả năng của cơ quan thanh tra, của đoàn thanh tra; xử lý kịp thời những kiến nghị, kết luận, quyết định của cơ quan thanh tra, những kiến nghị, phản ánh liên quan đến hoạt động thanh tra. Thứ đến là sự giám sát, kiểm tra thường xuyên chặt chẽ của người đứng đầu cơ quan thanh tra, đứng đầu cơ quan, đơn vị chủ trì cuộc thanh tra; sự giám sát của người ra quyết định thanh tra đối với đoàn thanh tra, trưởng đoàn thanh tra, thành viên đoàn thanh tra; sự theo dõi, kiểm tra, đôn đốc của trưởng đoàn thanh tra đối với các thành viên đoàn thanh tra thông qua việc xây dựng, phê duyệt, tổ chức thực hiện kế hoạch tiến hành thanh tra, kế hoạch kiểm tra, xác minh vụ việc, thông qua chế độ thông tin, báo cáo trong quá trình tiến hành thanh tra tại cơ quan, tổ chức, đơn vị là đối tượng thanh tra và trong quá trình làm việc tại cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan đến nội dung thanh tra; đôn đốc, kiểm tra, thẩm định, rà soát kỹ lưỡng, thận trọng các báo cáo kết quả thanh tra, dự thảo kết luận thanh tra. Sự nhũng nhiễu, vòi vĩnh (nếu có) thường diễn ra trong quá trình thành viên đoàn thanh tra phát hiện sai phạm của đối tượng thanh tra, của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến nội dung thanh tra. Ngoài ra, sự giám sát của chính đối tượng thanh tra, của cơ quan, tổ chức, đơn vị cá nhân có liên quan đến nội dung thanh tra, của truyền thông, công luận cũng có tác dụng hữu hiệu đến phòng ngừa, hạn chế việc lạm dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi trong hoạt động thanh tra.​

2. Lựa chọn và bố trí lực lượng tiến hành hoạt động thanh tra

Ngoài những tiêu chuẩn về đạo đức, phong cách, năng lực, tính trách nhiệm, yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với nội dung thanh tra, việc lựa chọn, bố trí người tham gia các đoàn thanh tra rất cần được cân nhắc thận trọng và kỹ lưỡng cả về cơ cấu, chất lượng, số lượng, vừa bảo đảm sự đoàn kết, thống nhất trong việc tuân thủ các nguyên tắc, quy định, quy trình, quy chế, nội quy để hoàn thành nhiệm vụ, vừa bảo đảm cơ chế hỗ trợ, tương trợ, giám sát lẫn nhau trong quá trình tiến hành thanh tra. Hoạt động thanh tra được ví như hoạt động đánh bắt cá xa bờ của ngư dân. Nếu không kiểm soát tốt, những con cá to, có giá trị lớn đánh bắt được dễ bị bán từ ngoài phao số không, số cá mang về tuy nhiều nhưng tổng giá trị không lớn. Muốn vậy, trước hết phải giảm thiểu tối đa tình huống xung đột lợi ích, lợi ích nhóm trong hoạt động thanh tra (người tiến hành thanh tra có quan hệ thân thiết với đối tượng thanh tra; không bảo đảm tính độc lập, tự chịu trách nhiệm của đơn vị, của người giám sát, thẩm định báo cáo kết quả thanh tra, thẩm định dự thảo kết luận thanh tra; trưởng đoàn thanh tra chỉ muốn chọn “đệ tử” của mình làm thành viên, không muốn nhận những người thường có ý kiến phản biện lại ý kiến, quan điểm đánh giá vụ việc của mình...). Rất nên bố trí chánh thanh tra không phải là người địa phương và người có thẩm quyền bổ nhiệm chánh thanh tra không nên là thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước cùng cấp mới tránh được những tình huống xung đột lợi ích; tăng cường tính tự chịu trách nhiệm của cơ quan thanh tra, người đứng đầu cơ quan thanh tra, người ra quyết định thanh tra, trưởng đoàn thanh tra và thanh tra viên trong hoạt động thanh tra. Cơ quan thanh tra có thẩm quyền, người tiến hành thanh tra phải chịu trách nhiệm nếu như không kịp thời phát hiện hành vi vi phạm pháp luật xảy ra ở những nơi đã thanh tra hoặc chưa thanh tra nhưng thuộc phạm vi thanh tra của cơ quan thanh tra, của người tiến hành thanh tra đó.

3. Tăng cường công khai, minh bạch, dân chủ và trách nhiệm giải trình trong hoạt động thanh tra

Trong hoạt động công vụ, càng dân chủ thì càng ít sai lầm, càng công khai, minh bạch thì càng giảm thiểu các hành vi gây phiền hà, nhũng nhiễu, vòi vĩnh, dọa dẫm, tiêu cực, tham nhũng. Hoạt động thanh tra phải tuân thủ nguyên tắc chính xác, khách quan, trung thực, công khai, dân chủ, kịp thời; bảo đảm quyền được biết rõ: Về căn cứ tiến hành thanh tra, nội dung, thời gian, thời hạn, thời kỳ thanh tra, những người tiến hành thanh tra; về những tình huống, điều kiện, căn cứ sử dụng các quyền (niêm phong tài liệu, phong tỏa tài khoản, kiểm kê tài sản, đình chỉ việc làm, tạm đình chỉ công tác, quyết định thu hồi tiền, tài sản, chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra v.v.) trong quá trình tiến hành thanh tra; về căn cứ pháp lý trực tiếp mà người tiến hành thanh tra viện dẫn để đưa ra nhận xét, đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của đối tượng thanh tra, của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến nội dung thanh tra. Trong suốt quá trình thanh tra, người tiến hành thanh tra phải tạo mọi điều kiện thuận lợi để đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến nội dung thanh tra thực hiện quyền giải trình, xuất trình hồ sơ, tài liệu, đưa ra những luận cứ, chứng lý chứng minh cho việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn, việc làm, hành vi của mình.

Để bảo đảm sự công khai, minh bạch và hiệu quả giám sát của các thiết chế giám sát đối với hoạt động thanh tra, ở một số quốc gia, nơi làm việc của đoàn thanh tra còn lắp đặt camera; phòng làm việc dành cho đoàn thanh tra là phòng có vách kính trong suốt mà bên ngoài có thể nhìn, quan sát được. Các buổi làm việc trực tiếp, chất vấn trong quá trình thanh tra có ghi âm, ghi hình.

4. Tăng cường giáo dục liêm chính, tuân thủ quy tắc ứng xử, quy định những việc không được làm

Liêm chính là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến lòng tin và niềm tin của công chúng đối với hoạt động công vụ nói chung và hoạt động thanh tra nói riêng. Liêm chính là một khái niệm có hàm nghĩa rộng, bao gồm nhiều nội dung như năng lực, tính tin cậy và sự trung thực. Liêm chính là nói đến sự theo đuổi một cách nhất quán những nguyên tắc đạo đức và chuẩn mực. Mức độ liêm chính cao gắn liền với mức độ tham nhũng thấp. Năng lực bao gồm các yếu tố về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Tính tin cậy bao gồm các tính chất như sự chính xác, nhất quán, tuân thủ và sự đáng tin cậy. Tính trung thực bao gồm các phẩm chất đạo đức và ứng xử, như tính chân thực, trung thành, tận tụy, phụng sự, công khai, công bằng và chân thành. Những nội dung trên phải được thường xuyên quán triệt, sát hạch đối với người tiến hành thanh tra.

Những người tiến hành hoạt động thanh tra, hơn ai hết cần phải hiểu rằng, khi tiến hành thanh tra, họ đang thực thi công vụ, sử dụng quyền lực Nhà nước được pháp luật quy định để xem xét, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của người có trách nhiệm vì mục đích công. Bất kỳ ai được trao quyền lực công thì cũng kèm theo nghĩa vụ, trách nhiệm tương ứng, không ai được trao quyền mà lại không có nghĩa vụ. Nghĩa vụ đầu tiên của người đi đánh giá người khác là phải “tu thân”, tu dưỡng đạo đức, rèn giũa phẩm chất, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Những nội dung trên phải được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, giáo dục cho những người tiến hành hoạt động thanh tra với nhiều hình thức, cấp độ và phải được thực hiện thường xuyên, không chỉ tổ chức nghe giảng một chiều trên giảng đường, trong những lớp học tập trung, mà còn phải thông qua các buổi tập huấn, hội họp, hội thảo, sinh hoạt chuyên đề. Đồng thời, những nội dung trên cũng phải được xây dựng thành quy tắc ứng xử, quy định những điều cấm, không được làm, phát hành các cẩm nang ứng xử, cẩm nang nghiệp vụ, cẩm nang xử lý tình huống, nhất là những tình huống xung đột lợi ích và tổ chức thực hiện nhất quán, triệt để các quy tắc, quy định ấy trong toàn ngành Thanh tra.

5. Xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm pháp luật, lạm dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi trong hoạt động thanh tra

Về mặt lý thuyết, kiểm soát quyền lực là để chống lạm quyền, để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Lạm dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi trong hoạt động thanh tra thực chất là hành vi tham nhũng. Người được giao trách nhiệm phòng, chống tham nhũng mà lại tham nhũng là điều không ai có thể chấp nhận. Người được giao trách nhiệm chống tham nhũng phải hiểu hơn ai hết về tác hại nhiều mặt của tham nhũng, về sự rủi ro của hành vi tham nhũng, về hình phạt và cái giá phải trả cho hành vi (tội danh) này. Vậy nên, quy định hình phạt nghiêm khắc, tăng nặng đối với hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi trong hoạt động thanh tra không phải là vấn đề bàn cãi, tranh luận. Nếu có tranh luận thì nên xem xét tính nghiêm khắc, việc tăng nặng đó đã đủ sức răn đe và đáp ứng yêu cầu không dám lạm dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi trong hoạt động thanh tra hay chưa. Việc xử lý nghiêm minh ở đây  bao gồm cả lợi ích về kinh tế, tinh thần, trách nhiệm kỷ luật, trách nhiệm hành chính, trách nhiệm hình sự (nếu hành vi cấu thành tội phạm). Nghĩa là việc xử lý phải mang tính răn đe thực sự, đủ mạnh để người tiến hành thanh tra không dám lạm dụng chức vụ, quyền hạn nhằm vụ lợi trong hoạt động thanh tra./.

    Nguồn:  TS. Trần Đức Lượng

                                                                             Nguyên Phó Tổng TTCP