Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của Trường Cán bộ Thanh tra đáp ứng yêu cầu tự chủ tài chính

Hoạt động nghiệp vụ  
Đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của Trường Cán bộ Thanh tra đáp ứng yêu cầu tự chủ tài chính

1. Đặt vấn đề

Trên tinh thần Nghị quyết của Đảng, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập. Sau gần 10 năm thi hành Nghị định 43/2006/NĐ-CP, trên cơ sở tổng kết kinh nghiệm thực tiễn, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 thay thế Nghị định số 43/2006/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tăng cường trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, khuyến khích các đơn vị sự nghiệp có điều kiện vươn lên tự chủ ở mức cao.

Hiện nay, Nghị định số 16/2015/NĐ-CP là văn bản pháp lý cơ bản điều chỉnh cơ chế tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có các trường đào tạo, bồi dưỡng. Các văn bản này thể hiện rõ quan điểm chuyển đổi cơ chế từ quản lý bao cấp về tài chính theo kế hoạch sang thực hiện mô hình tự chủ, tự chịu trách nhiệm và Nhà nước giám sát. Đây là chủ trương đúng đắn và xu thế tất yếu hiện nay với sự phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Trường Cán bộ Thanh tra là một đơn vị sự nghiệp thuộc Thanh tra Chính phủ có chức năng thực hiện hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức ngành Thanh tra và các đối tượng có nhu cầu học tập về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng. Nhà trường được giao thực hiện tự chủ tài chính từ năm 2020. Việc thực hiện cơ chế tự chủ đang đặt ra các yêu cầu mới đối với hoạt động đào tạo, bồi dưỡng của Nhà trường.

2. Một số vấn đề đặt ra đối với hoạt động đào tạo, bồi dưỡng của Trường Cán bộ Thanh tra khi tự chủ tài chính

Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 16/2/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập đã thể hiện rõ mục tiêu đổi mới toàn diện các đơn vị sự nghiệp công lập là đẩy mạnh việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị đồng bộ cả về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính.

Quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm là hai mặt của một vấn đề. Tăng cường quyền tự chủ mà không đặt yêu cầu về tự chịu trách nhiệm sẽ có nguy cơ dẫn đến sự tùy tiện, giảm sút chất lượng, chạy theo lợi ích trước mắt. Ngược lại, tăng cường sự tự chịu trách nhiệm mà hạn chế quyền tự chủ sẽ trói buộc các đơn vị, không tạo ra động lực phát triển, hạn chế sự linh hoạt, năng động, sáng tạo, khả năng đáp ứng yêu cầu đa dạng của xã hội. Việc tự chủ, tự chịu trách nhiệm đặt ra đối với hoạt động đào tạo, bồi dưỡng của Trường Cán bộ Thanh tra một số yêu cầumới như sau:

- Một là tự chủ và chịu trách nhiệm về kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng: Trên cơ sở đảm bảo chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, Nhà trường có sự chủ động về kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hàng năm. Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng dựa trên khả năng của Nhà trường và nhu cầu của xã hội.

- Hai là tự chủ và chịu trách nhiệm trong công tác chiêu sinh: Khi tự chủ thì đối tượng chiêu sinh là tùy khả năng của Nhà trường trong việc đáp ứng nhu cầu xã hội. Ngoài các học viên truyền thống là cán bộ thuộc các cơ quan thanh tra nhà nước, Nhà trường có thể chiêu sinh các đối tượng khác có nhu cầu học tập về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng.

- Ba là tự chủ và chịu trách nhiệm về chương trình đào tạo, bồi dưỡng: Ngoài những chương trình đào tạo, bồi dưỡng mang tính chất bắt buộc do pháp luật quy định phải trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, Nhà trường được tự chủ xây dựng các chương trình đào tạo, bồi dưỡng khác đáp ứng nhu cầu của xã hội. Nhà trường có cơ sở xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng vừa đảm bảo chất lượng, vừa thể hiện được thế mạnh chuyên môn của trường, đáp ứng nhu cầu của người học.

- Bốn là tự chủ và chịu trách nhiệm trong tổ chức đào tạo, bồi dưỡng: Nhà trường có quyền đa dạng hóa các hình thức đào tạo, bồi dưỡng, linh hoạt trong tổ chức lớp học nhưng đảm bảo kỷ luật, kỷ cương.

- Năm là tự chủ và chịu trách nhiệm về công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học: Nhà trường có quyền tự chủ trong việc xác định cách thức quản lý giảng dạy, quản lý đào tạo, nghiên cứu khoa học cho phù hợp với điều kiện, đặc thù lớp học. Thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, thu hút người học, đáp ứng yêu cầu của ngành và của xã hội. Hoạt động nghiên cứu khoa học phải kết hợp chặt chẽ với giảng dạy. Kết quả của hoạt động nghiên cứu khoa học phải phục vụ trực tiếp việc nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của Nhà trường.

3. Một số giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của Trường Cán bộ Thanh tra đáp ứng yêu cầu tự chủ tài chính

Cơ chế tự chủ tài chính đặt ra nhiều thách thức cho sự tồn tại, tự chịu trách nhiệm của Nhà trường, nhưng đồng thời cũng mở ra cơ hội phát triển cho Nhà trường nếu nắm bắt được cơ hội. Một là, Nhà trường có cơ hội mở rộng nguồn thu. Cơ chế tự chủ tài chính cùng với tự chủ về chuyên môn tạo điều kiện cho trường mở rộng quy mô đào tạo, bồi dưỡng trên cơ sở gia tăng số lượng chương trình đào tạo, bồi dưỡng, mở rộng đối tượng đào tạo, bồi dưỡng, triển khai đào tạo, bồi dưỡng theo đặt hàng, tăng thu học phí… Hai làNhà trường chủ động hơn trong quản lý chi tiêu. Trên cơ sở tự chủ tài chính,Nhà trường có cơ chế tài chính thông thoáng hơn để phục vụ hoạt động sự nghiệp, có điều kiện chủ động điều chỉnh cơ cấu chi theo mục tiêu nâng cao chất lượng giảng dạy, chất lượng giảng viên; tăng tỷ lệ chi trực tiếp cho hoạt động đào tạo, gia tăng thu nhập cho cán bộ, giảng viên, người lao động.

Khi thực hiện tự chủ tài chính để phát triển nguồn thu, giúp cho đơn vị tồn tại và phát triển thì “chất lượng dịch vụ” và tính cạnh tranh là yếu tố quan trọng. Để thu hút được nhiều học viên đòi hỏi Nhà trường phải không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng. Trong bối cảnh hiện nay, để đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, Nhà trường cần triển khai đồng bộ các giải pháp sau:

a. Việc đào tạo, bồi dưỡng phải bám vào thị trường, nhu cầu của người học

Đối với các lớp nghiệp vụ thanh tra viên truyền thống cần có khảo sát nhu cầu người học. Trên cơ sở đó có sự điều chỉnh nội dung chương trình, tài liệu thường xuyên để bám sát thực tiễn công tác thanh tra, tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng.

Đối với các chương trình bồi dưỡng ngắn hạn, cần có khảo sát nhu cầu từng năm, từ đó nắm bắt nhu cầu thị trường để xây dựng chương trình cho phù hợp. Thông qua công tác giảng dạy, các giảng viên cũng tăng cường nắm bắt nhu cầu của học viên, giới thiệu, tạo ra nhu cầu cho học viên theo học các lớp tiếp theo.

b. Công tác chiêu sinh phải nhanh nhạy, đến được người có nhu cầu học

Theo cơ chế trước, Nhà trường gửi giấy chiêu sinh về Thanh tra Bộ, Thanh tra Tỉnh. Thanh tra Bộ, Thanh tra Tỉnh sẽ gửi thông báo chiêu sinh cho các đơn vị cấp dưới. Tuy nhiên có những trường hợp Thanh tra Bộ, Thanh tra Tỉnh không gửi thông báo cho đơn vị cấp dưới và nhiều người có nhu cầu đi học nhưng không biết Nhà trường có mở lớp. Đặc biệt đối với chiêu sinh những lớp ngắn hạn điều này càng khó khăn. Do vậy, công tác chiêu sinh cần có sự đổi mới, ngoài kênh truyền thống cần có các kênh chiêu sinh khác để thông tin mở lớp có thể đến tận người có nhu cầu học.

Công tác chiêu sinh cũng cần thực hiện nhanh chóng trên cơ sở nắm bắt nhu cầu người học. Đặc biệt trong những giai đoạn nhất định, Bộ, ngành, địa phương có thể có nhu cầu bồi dưỡng ngắn hạn về một mảng kiến thức, nghiệp vụ nhất định liên quan đến thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng. Nếu biết nắm bắt và chiêu sinh kịp thời có thể thu hút được lượng lớn người học, đáp ứng được nhu cầu của xã hội.

c. Nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập

Chất lượng giảng dạy là yêu cầu quan trọng của công tác đào tạo, bồi dưỡng. Để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng thì việc nâng cao chất lượng giảng dạy là một yêu cầu cốt lõi. Để nâng cao chất lượng giảng dạy cần đảm bảo nhiều yếu tố: Thứ nhất, xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng tốt, được cập nhật thường xuyên, đáp ứng nhu cầu người học.Thứ hai, xây dựng hệ thống giáo trình, tài liệu đầy đủ, có chất lượng. Thứ ba là nâng cao chất lượng giảng viên. Để nâng cao chất lượng giảng viên đòi hỏi Nhà trường cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ:

- Nâng cao nhận thức của giảng viên về tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu tự chủ tài chính của Trường. Từ đó mỗi giảng viên thấy rõ được vai trò, nhiệm vụ của mình để tu dưỡng, học tập, rèn luyện nâng cao năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức.

- Nâng cao kiến thức, kỹ năng, phương pháp giảng dạy của giảng viên: Tổ chức các hình thức và khuyến khích giảng viên nâng cao kiến thức, kỹ năng và phương pháp giảng dạy. Từ việc giảng dạy thụ động, học theo người đi trước, được người khác hướng dẫn thì phải hướng tới chủ động tự nghiên cứu bài giảng mới, năng động, sáng tạo đề xuất chương trình bồi dưỡng mới, tham gia tiếp thị lớp học…

- Tăng cường sinh hoạt chuyên môn, hội thảo, đưa giảng viên tham gia thực tế Đoàn Thanh tra, thực tế tiếp dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

  - Xây dựng các chuyên gia giỏi trong các mảng chuyên môn. Để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cũng như tạo sức hút cho các chương trình bồi dưỡng thì cần hình thành các chuyên gia giỏi về các mảng chuyên môn nghiệp vụ của Trường. Từ đó góp phần hình thành nên thương hiệu của Nhà trường trong đào tạo, bồi dưỡng.

  d. Nâng cao chất lượng công tác tổ chức, quản lý lớp học

  Đối mới công tác tổ chức, quản lý lớp học, đặc biệt là các lớp bồi dưỡng ngắn hạn. Cách thức tổ chức, quản lý lớp học vừa đảm bảo hiệu quả, thuận tiện cho học viên, thuận lợi cho đơn vị phối hợp tổ chức lớp, đồng thời đảm bảo nội quy lớp học. Chuyển biến từ phòng cách “hành chính” sang phong cách phục vụ khách hàng, từ cách giao tiếp với học viên, cách phục vụ lớp học cần chu đáo, mang đến cho người học sự thuận lợi. Cần theo dõi, nắm bắt thông tin kịp thời, xử lý tốt các vấn đề phát sinh, lấy phiếu khảo sát, tổ chức rút kinh nghiệm sau khi kết thúc các khóa học.

  Trên đây là một số giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của Trường Cán bộ Thanh tra. Việc đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng không chỉ giúp Nhà trường tiếp tục phát triển trong thời gian tới đáp ứng yêu cầu tự chủ tài chính mà còn đáp ứng tốt hơn nhu cầu của xã hội về đào tạo, bồi dưỡng trong lĩnh vực thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng.

                                                                                    ThS. Phạm Tuấn Anh

Giảng viên chính - Trường Cán bộ Thanh tra​