Trong thực tế, hoạt động tiếp công dân được diễn ra dưới nhiều hình thức như việc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, hội đồng nhân dân; hoạt động tiếp công dân trong giải quyết các công việc hành chính… Trong phạm vi bài viết và gắn với chức năng, nhiệm vụ của ngành là tham mưu công tác quản lý Nhà nước về hoạt động tiếp công dân, tác giả chỉ đề cập đến công tác tiếp công dân của các cơ quan, tổ chức theo quy định của Luật Tiếp công dân và thông qua thực tiễn hoạt động, xin được nêu ra một số giải pháp nhằm nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong công tác tiếp công dân.

Có thể khẳng định, trong thời gian qua, các quy định pháp luật có liên quan đến công tác tiếp công dân đã từng bước được hoàn thiện. Theo quy định của Luật Tiếp công dân, tiếp dân là việc cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân đón tiếp để lắng nghe, tiếp nhận khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân; giải thích, hướng dẫn cho công dân về việc thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo đúng quy định pháp luật.

Về trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác tiếp công dân, Luật Tiếp công dân đã quy định chung và cụ thể đối với từng chức danh. Trong đó, có thể khái quát người đứng đầu các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm toàn diện đối với công tác tiếp công dân tại cơ quan, tổ chức mình như việc bố trí cơ sở vật chất, ban hành nội quy tiếp công dân, bố trí cán bộ làm công tác tiếp công dân… và phải trực tiếp tham gia hoạt động tiếp công dân theo định kỳ hoặc đột xuất khi có yêu cầu.​

Cụ thể, đối với cơ quan, tổ chức ở cấp tỉnh, Luật đã quy định rõ chế độ tiếp công dân của người đứng đầu như: Chủ tịch ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh phải trực tiếp tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân cấp tỉnh ít nhất 01 ngày trong 01 tháng; Chủ tịch UBND cấp huyện phải trực tiếp tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân cấp huyện ít nhất 02 ngày trong 01 tháng; chủ tịch UBND cấp xã trực tiếp tiếp công dân tại trụ sở UBND cấp xã ít nhất 01 ngày trong 01 tuần. Đối với thủ trưởng các cơ quan hành chính Nhà nước, Luật cũng quy định phải trực tiếp tiếp công dân tại địa điểm tiếp công dân của cơ quan mình ít nhất 01 ngày trong 01 tháng.

Bên cạnh đó, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức còn phải thực hiện việc tiếp công dân đột xuất trong các trường hợp như khi có phát sinh vụ việc gay gắt, phức tạp, có nhiều người tham gia, liên quan đến trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc ý kiến của các cơ quan, tổ chức, đơn vị còn khác nhau; vụ việc nếu không chỉ đạo, xem xét kịp thời có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng hoặc có thể dẫn đến hủy hoại tài sản của Nhà nước, của tập thể, xâm hại đến tính mạng, tài sản của Nhân dân, ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Đối với địa phương Lâm Đồng, triển khai thực hiện Đề án đổi mới công tác tiếp dân đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 858/QĐ-TTg ngày 14/6/2010, Thanh tra tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai đề án tiếp công dân theo Quyết định số 1733/QĐ-UBND ngày 05/8/2010. Bên cạnh đó, triển khai thực hiện Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo (năm 2011) có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2012, Thanh tra tỉnh đã tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành Chỉ thị số 05/2012/CT-UBND ngày 05/10/2012 về việc chấn chỉnh công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; Chỉ thị số 03/2013/CT-UBND ngày 05/9/2013 về việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra và quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo có hiệu lực pháp luật trên địa bàn tỉnh. Sau khi Luật Tiếp công dân 2013 được ban hành, Thanh tra tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện(*).

Trong những năm qua, công tác tổ chức tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã được sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của tỉnh ủy, hội đồng nhân dân, UBND tỉnh nên đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tính riêng trong 05 năm qua (từ năm 2016 - 2020), toàn tỉnh đã tiếp hàng chục ngàn lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Qua tiếp công dân, đã kịp thời hướng dẫn, giải thích và tiếp nhận các vụ việc để giải quyết theo thẩm quyền; vai trò của người đứng đầu được phát huy, đã góp phần hạn chế được tình trạng khiếu kiện đông người, tình trạng công dân gửi đơn vượt cấp đến các cơ quan Trung ương; các vụ việc phát sinh cơ bản được giải quyết đúng quy định, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, của công dân, góp phần đáng kể vào việc ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự  an toàn xã hội, phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, do khối lượng công việc của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị tương đối nhiều nên việc tiếp công dân của người đứng đầu ở một số cơ quan, đơn vị trong thời gian qua còn chưa nhiều, một số ngày tiếp công dân định kỳ còn ủy quyền cho cấp phó tiếp, chưa bảo đảm quy định của Luật Tiếp công dân.

Để nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân và nâng cao hơn nữa trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác tiếp công dân, chúng tôi đề xuất một số giải pháp, cụ thể như sau:

Thứ nhất, cần tổ chức thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về công tác tiếp công dân, từ đó nhằm nâng cao nhận thức của người đứng đầu về mục đích, ý nghĩa của việc tiếp công dân; các quy định của pháp luật về trách nhiệm, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu đối với các tồn tại, hạn chế, sai phạm trong công tác tiếp công dân. Thực tế tại tỉnh Lâm Đồng trong các năm qua, thông qua sự phối hợp của Sở Nội vụ và Trường Chính trị tỉnh đã mở nhiều lớp tuyên truyền (có sự tham gia báo cáo của thanh tra tỉnh) cho các đối tượng từ giám đốc sở, chủ tịch UBND cấp huyện đến trưởng, phó các phòng ban chuyên môn thuộc cấp sở, chủ tịch, phó chủ tịch UBND cấp xã về các quy định trong công tác tiếp công dân; mở các lớp bồi dưỡng kiến thức cho thanh tra nhân dân ở các công đoàn cơ sở cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp, thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn về công tác tiếp công dân, thông qua đó phát huy vai trò giám sát của Nhân dân đối với hoạt động tiếp công dân tại cơ quan, đơn vị, đồng thời là kênh thông tin để xem xét, đánh giá trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác tiếp công dân.

Thứ hai, các cơ quan thanh tra phải thường xuyên nghiên cứu các quy định của pháp luật, tham mưu cho người đứng đầu tổ chức thực hiện tốt các quy định của pháp luật trong công tác tiếp công dân. Thanh tra tỉnh Lâm Đồng thời gian qua đã tham mưu kịp thời cho UBND tỉnh để ban hành các văn bản chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác tiếp công dân trên địa bàn, trong đó xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức trong công tác bố trí cơ sở vật chất, nhân lực phục vụ công tác tiếp công dân; yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phải xây dựng và ban hành lịch tiếp công dân định kỳ cố định (chủ tịch UBND tỉnh tiếp công dân vào ngày 15 hàng tháng; chủ tịch UBND huyện trực tiếp tiếp công dân ngày 15, 25 hàng tháng; chủ tịch UBND cấp xã tiếp công dân định kỳ vào thứ 5 hàng tuần), thực hiện công khai lịch tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu tại nơi tiếp công dân để công dân được biết, đây cũng là cơ sở để kiểm tra việc duy trì chế độ tiếp công dân của người đứng đầu.

Thứ ba, các cơ quan thanh tra phải thường xuyên theo dõi về tình hình tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo địa bàn, lĩnh vực của đơn vị mình nhằm tham mưu cho thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước cùng cấp các biện pháp nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân. Tại cơ quan Thanh tra tỉnh Lâm Đồng, đơn vị đã phân công, bố trí cán bộ để thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình tổ chức thực hiện công tác tiếp công dân của các địa phương, các sở, ngành thuộc tỉnh để kịp thời báo cáo, tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo chấn chỉnh kịp thời các tồn tại, sai phạm. Đối với các địa phương nổi lên các vụ việc phức tạp, đông người đều được Thanh tra tỉnh quan tâm phối hợp và hướng dẫn, tìm biện pháp giải quyết, tránh phát sinh thành “điểm nóng” tại địa phương.

Thứ tư, trong tổ chức thực hiện công tác thanh tra trách nhiệm đối với người đứng đầu các cơ quan, tổ chức (đối với thanh tra tỉnh là thanh tra trách nhiệm chủ tịch UBND cấp huyện, giám đốc các sở ngành) trong công tác tiếp công dân, cần lưu ý nghiên cứu, lựa chọn những địa bàn, lĩnh vực thường phát sinh nhiều vụ việc trong công tác tiếp công dân, quá trình tiến hành thanh tra cần chú ý nghiên cứu các quy định của pháp luật về trách nhiệm của người đứng đầu, kiểm tra đối chiếu thực tế để kết luận rõ trách nhiệm của người đứng đầu đối với các tồn tại, hạn chế trong công tác tiếp công dân và kiến nghị các biện pháp xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Thứ năm, đối với phương diện xây dựng chính sách pháp luật, tác giả kiến nghị cần quy định rõ hơn nữa các quy định về khen thưởng và xử lý vi phạm đối với người đứng đầu các cơ quan, tổ chức trong công tác tiếp công dân. Vì thực tế hiện nay, đối với các đơn vị làm tốt chúng ta chưa có hình thức biểu dương, khen thưởng một cách xứng đáng, kịp thời nên chưa có tác dụng nêu gương; đối với các đơn vị có tồn tại, hạn chế (thậm chí vi phạm) đa số mới chỉ dừng lại ở mức độ đề nghị rút kinh nghiệm và kiến nghị các giải pháp chấn chỉnh, khắc phục trong thời gian tới mà chưa có quy định về hình thức kỷ luật cụ thể đối với cá nhân, do vậy chưa có cơ sở để xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức đối với các vi phạm trong công tác tiếp công dân. Từ đó, tại một số địa phương, đơn vị vẫn còn hiện tượng người đứng đầu chưa thật sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác tiếp công dân theo đúng quy định của pháp luật.

Tóm lại, công tác tiếp công dân có ý nghĩa vô cùng quan trọng, là hoạt động thể hiện rõ nhất sự tôn trọng của các cơ quan Nhà nước về quyền làm chủ của Nhân dân. Trong công tác này, việc phát huy trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có ý nghĩa hết sức quan trọng. Thực hiện tốt các giải pháp nêu trên sẽ góp phần giúp người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ của mình, giúp công tác tiếp công dân ngày càng đi vào nề nếp, góp phần bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, hạn chế phát sinh “điểm nóng” trên địa bàn tỉnh, thể hiện bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước “của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân”./.

Nguyễn Ngọc Ánh

Chánh Thanh tra tỉnh Lâm Đồng

 

Chú thích:

(*)Quyết định số 1700/QĐ-UBND ngày 14/8/2014 về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Luật Tiếp công dân và các văn bản hướng dẫn thi hành; Văn bản số 5184/UBND-TD ngày 06/10/2014 về việc chấn chỉnh, tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân; Văn bản số 6559/UBND-TD ngày 03/12/2014 về việc triển khai thực hiện Luật Tiếp công dân; Quyết định số 1297/QĐ-UBND ngày 16/6/2015 về phối hợp tiếp dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại trụ sở Tiếp công dân tỉnh Lâm Đồng; Văn bản số 6288/UBND-TD ngày 20/10/2015 về việc phối hợp tiếp công dân phục vụ kỳ họp của Quốc hội; Văn bản số 7172/UBND-TD ngày 25/10/2017 về việc nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân; Văn bản số 5321/UBND-TD ngày 22/8/2018 về việc chấn chỉnh công tác tiếp công dân; Quyết định số 2060/QĐ-UBND ngày 23/9/2019 về việc thành lập Tổ công tác phối hợp tổ chức tiếp công dân phục vụ Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XI và Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Văn bản số 6577/UBND-NC ngày 05/8/2020 về việc tăng cường công tác thanh tra, phòng, chống tham nhũng và giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh; Văn bản số 7641/UBND-TD ngày 16/9/2020 về việc nắm tình hình, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thời gian trước, trong và sau thời gian Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XI tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Quyết định số 2264/QĐ-UBND ngày 09/10/2020 về việc thành lập Tổ công tác trực tiếp tiếp công dân phục vụ Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025…