Các tỉnh, thành, bộ, ngành, cơ quan, đơn vị đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để thực hiện tốt công tác dân vận trong tiếp công dân; quy định trách nhiệm của người đứng đầu, cán bộ, công chức tiếp công dân, trách nhiệm trả lời và giải trình với người dân; công khai lịch tiếp công dân, địa chỉ, số điện thoại, đường dây nóng, lập hòm thư để tiếp nhận ý kiến của Nhân dân. Quan tâm củng cố, kiện toàn bộ máy và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức tiếp công dân ở các cấp.

Năm 2020, cơ quan hành chính Nhà nước, chính quyền các cấp đã tiếp 259.577 lượt công dân với 186.454 vụ việc; trong đó có 2.672 đoàn đông người. Một số địa phương có số lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo giảm nhiều như: Lâm Đồng (giảm 59%), Phú Yên (42%), Bà Rịa – Vũng Tàu (43%), Yên Bái (36%), Kiên Giang (34%), Phú Thọ (22%)… Tuy nhiên, vẫn còn 27 tỉnh, thành phố có số lượt tiếp công dân tăng, trong đó một số tỉnh tăng nhiều như: Quảng Trị (1.922 lượt, tăng 232%), Thừa Thiên Huế (124%), Bắc Ninh (48%), Hà Nội (44,89%). Công tác tiếp nhận, giải quyết các vụ việc, về cơ bản thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền; việc đôn đốc, thi hành quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo có hiệu lực pháp luật được quan tâm hơn và có những chuyển biến tích cực; việc thực hiện thanh tra trách nhiệm về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của người đứng đầu được tăng cường. Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ tiếp tục thực hiện công tác kiểm tra, rà soát, trực tiếp làm việc tại 10 địa phương, chỉ đạo giải quyết 24 vụ việc phức tạp, kéo dài. Chính quyền các cấp đã quan tâm tập trung giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, nhất là ở các địa phương phát sinh đơn thư khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài có nội dung liên quan đến tranh chấp đất đai, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có nguồn gốc do các nông, lâm trường quản lý, việc thu hồi đất thực hiện các dự án nhưng chậm được triển khai và liên quan đến việc thu hồi đất có mục đích kinh tế - thương mại…​

Trong quá trình giải quyết, đặc biệt là các vụ việc phức tạp, đông nguời đã có sự tham gia tích cực hiệu quả và thực chất của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội. Nhiều vụ việc gây bức xúc cho Nhân dân, được dư luận quan tâm đã được xử lý, giải quyết kịp thời, nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật, được Nhân dân tin tưởng và tạo sự đồng thuận, ổn định chính trị - xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội.

Đối với công tác tiếp nhận và xử lý đơn thư, năm 2020, cơ quan hành chính Nhà nước, chính quyền các cấp đã tiếp nhận 258.413 đơn các loại; qua phân loại có 144.518 đơn đủ điều kiện xử lý, trong đó có 37.742 đơn khiếu nại, 20.012 đơn tố cáo (giảm 23,1% số lượt người, 32,6% số vụ việc, 41,1% lượt đoàn đông người so với cùng kỳ năm 2019); có 17.578 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính; đã giải quyết 13.998 vụ việc, đạt 80%. Thông qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước và trả lại cho công dân 25 tỷ đồng, 82 ha đất; trả lại quyền lợi cho 787 người, kiến nghị thi hành với 734 người, chuyển cơ quan điều tra 03 vụ, 3 đối tượng...

Công tác đối thoại giữa người đứng đầu các cơ quan hành chính Nhà nước, chính quyền các cấp được quan tâm, chú trọng; nhất là việc đối thoại, tiếp công dân của chủ tịch ủy ban nhân dân (UBND) các cấp đối với những vấn đề có đông người khiếu kiện, bức xúc, cụ thể: chủ tịch UBND cấp huyện đạt tỷ lệ 73%; chủ tịch UBND xã đạt 56%; đồng thời, chính quyền các cấp đã chủ động phối hợp và tạo điều kiện cho mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện giám sát, phản biện; phân công trách nhiệm cụ thể để giải quyết, trả lời phản ánh, kiến nghị chính đáng của Nhân dân, phát huy vai trò của tổ hòa giải cơ sở, người có uy tín dòng họ, cộng đồng và cốt cán tôn giáo.

Có thể nói, công tác dân vận trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được quan tâm nhất là ở các địa phương có nhiều dự án triển khai, phát sinh đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến thu hồi đất, giải phóng mặt bằng; hoặc triển khai các cơ chế, chính sách trong phòng chống dịch bệnh Covid-19. Trong đó, trọng tâm là tập trung cao nhất cho công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội phục vụ các sự kiện văn hóa, chính trị quan trọng và các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Nhìn chung, tình hình khiếu nại, tố cáo có chiều hướng giảm so với cùng kỳ năm 2019; việc giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tiếp tục được quan tâm thực hiện. Ngành Thanh tra đã thường xuyên đôn đốc các cấp, các ngành thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo nhất là trách nhiệm tiếp công dân theo quy định của thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước các cấp. Các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều cố gắng tổ chức thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là giải quyết các vụ việc phức tạp, kéo dài theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành trong hoạt động tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo ngày càng chặt chẽ và hiệu quả.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được trong năm qua, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo vẫn còn những tồn tại hạn chế nhất định. Tình hình khiếu nại, tố cáo vẫn diễn biến phức tạp, nhất là trong lĩnh vực đất đai. Việc tiếp công dân định kỳ của cơ quan các cấp, các ngành; việc kiểm tra, đôn đốc thực hiện tiếp công dân và xử lý đơn thư đã có chuyển biến nhưng chưa thường xuyên. Việc phân loại, xử lý đơn trong nhiều trường hợp còn chưa chính xác. Tỷ lệ giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giảm hơn so với cùng kỳ năm 2019. Việc tổ chức thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận xử lý tố cáo có hiệu lực pháp luật một số vụ việc chưa dứt điểm, còn để kéo dài.

Để thực hiện tốt công tác dân vận trong tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thời gian tới cần tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai, thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới; Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 16/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ “về tăng cường đổi mới công tác dân vận trong cơ quan hành chính Nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới”.

Hai là, tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các chủ trương, chính sách, pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là Chỉ thị số 35- CT/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; Quy định số 11-QĐ/TW ngày 18/02/2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân; Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 18/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân giải quyết khiếu nại, tố cáo; Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo(sửa đổi), Luật Tiếp công dân, Nghị định quy định chi tiết thi hành các luật này và hướng dẫn nghiệp vụ công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Ba là, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, chủ tịch UBND các cấp tăng cường chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; nghiêm túc thực hiện chế độ tiếp công dân định kỳ và đột xuất, công khai lịch tiếp công dân trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan. Tăng cường trao đổi, phối hợp giữa các cơ quan ở Trung ương và địa phương, tạo sự thống nhất trong quá trình xem xét, giải quyết, nhất là đối với những vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp.

Bốn là, giải quyết kịp thời, đúng pháp luật, phù hợp thực tế đối với các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền ngay từ khi mới phát sinh tại cơ sở, phấn đấu đạt tỷ lệ trên 85%; thực hiện tốt các quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo đã có hiệu lực pháp luật, phấn đấu đạt tỷ lệ trên 90%. Tích cực phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo, nhất là vụ việc liên quan đến nhân sự bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Năm là, tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Quyết định số 1849/QĐ-TTg ngày 27/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 363/KH-TTCP của Thanh tra Chính phủ về tiến hành kiểm tra, rà soát, giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân, qua đó giải quyết căn bản tình hình khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài nhằm góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội.

Sáu là, tăng cường và có giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả thanh tra kiểm tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo tập trung ở những địa bàn, lĩnh vực xảy ra khiếu nại, tố cáo đông người, vượt cấp, không để phát sinh “điểm nóng”.

Bảy là, chú trọng làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở gắn với công tác dân vận, tích cực vận động quần chúng Nhân dân chấp hành tốt chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hạn chế việc khiếu nại, tố cáo không đúng quy định; đồng thời nghiên cứu, phát huy làm mới, phù hợp trước những diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình dịch bệnh Covid-19 để nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tập trung ở khu vực xã, phường, thị trấn.

Tám là, triển khai đồng bộ, hiệu quả Quyết định của Thủ tướng về Cơ sở dữ liệu Quốc gia về khiếu nại, tố cáo ngay sau khi được ban hành nhằm phát huy tối đa hiệu quả việc quản lý khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông vào hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trên các lĩnh vực dễ phát sinh khiếu nại, tố cáo. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, sắp xếp, bố trí cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, trình độ làm nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; đồng thời, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách đối với cán bộ làm công tác này.

Chín là, xây dựng kế hoạch công tác dân vận gắn với công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2021 của Thanh tra Chính phủ.

Công tác dân vận không chỉ là nhiệm vụ của cơ quan chuyên môn làm công tác dân vận mà còn là trách nhiệm cả hệ thống chính trị, đặc biệt là trách nhiệm của đội ngũ cán bộ được tổ chức phân công làm công tác tiếp công dân. Làm tốt công tác dân vận cũng đồng nghĩa với làm tốt công tác tiếp công dân và giải quyết đơn thư của công dân, góp phần ổn định tình hình an ninh, chính trị, giữ vững sự ổn định phát triển đất nước, củng cố và tăng niềm tin của Nhân dân vào đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước./.

Huy Trần