Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh có ý kiến chỉ đạo như sau:
1. Thủ trưởng các sở, ban, ngành thuộc tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:
- Tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tập trung Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 18/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật; Chỉ thị số 01-CT/TU ngày 01/12/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh; Chỉ thị số 04/CT-UBND ngày 05/8/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc tăng cường công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh…
- Kiểm tra, rà soát các văn bản ban hành theo thẩm quyền trong lĩnh vực tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đảm bảo phù hợp với các quy định pháp luật của Trung ương, nhất là sau khi Chính phủ ban hành một số Nghị định thay thế các Nghị định cũ (Nghị định số 124/2020/NĐ-CP của Chính phủ thay thế Nghị định số 75/2012/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Khiếu nại; Nghị định số 31/2019/NĐ-CP của Chính phủ thay thế Nghị định số 76/2012/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Tố cáo...). Trong quá trình ban hành các văn bản cần gắn chế tài xử lý trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện không đầy đủ, không đúng quy định trong công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo theo các quy định của Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và các Nghị định hướng dẫn thi hành để xử lý nghiêm, tạo chuyển biến trong việc thực hiện.
- Nghiêm túc tổ chức thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận tố cáo đã có hiệu lực pháp luật và những vụ việc đã có ý kiến chỉ đạo giải quyết của cơ quan Trung ương, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc, xem xét, xử lý trách nhiệm cơ quan, tổ chức, cá nhân chậm trễ trong việc xử lý, giải quyết đơn thư của công dân, giải quyết chưa đảm bảo quy trình, thủ tục theo quy định, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Cơ quan, đơn vị, cá nhân có trách nhiệm tổ chức thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật nhưng không thực hiện thì xử lý theo quy định tại Điều 42 của Nghị định số 124/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật khiếu nại.
- Địa phương nào có công dân khiếu nại, tố cáo, kiến nghị vượt cấp lên Trụ sở tiếp công dân của tỉnh thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân địa phương đó có trách nhiệm phối hợp với Thanh tra tỉnh, Công an tỉnh, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh (Ban Tiếp công dân - Nội chính) hướng dẫn và đón công dân về địa phương để tập trung xem xét giải quyết. Đối với các địa phương không tập trung xử lý, giải quyết vụ việc vẫn để công dân tiếp tục khiếu kiện vượt cấp thì xem xét xử lý trách nhiệm của người đứng đầu theo quy định tại Điều 40, Điều 41 Nghị định số 124/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Khiếu nại; Điều 22, Điều 23 Nghị định số 31/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp tổ chức thi hành Luật Tố cáo.
- Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo; cập nhật đầy đủ, chính xác các vụ việc vào Hệ thống Cơ sở dữ liệu Quốc gia về khiếu nại, tố cáo và đảm bảo sử dụng an toàn Hệ thống theo hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ tại Văn bản số 1116/TTCP-TTTT ngày 18/5/2023. Trường hợp đơn vị có thay đổi về nhân sự kịp thời thông báo về Thanh tra tỉnh để cấp mới tài khoản và khoá tài khoản đối với những trường hợp điều chuyển công tác, đảm bảo thực hiện thông suốt, thống nhất, đồng bộ, hiệu quả trên địa bàn tỉnh.
2. Giao Thanh tra tỉnh chủ trì, phối hợp với đơn vị liên quan:
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc tiếp công dân, giải quyết đơn thư của các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những tồn tại, thiếu sót, vi phạm và xem xét xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương để xảy ra vi phạm. Đôn đốc các đơn vị khắc phục triệt để các tồn tại, hạn chế, thiếu sót qua công tác thanh tra.
- Hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện việc cập nhật dữ liệu lên Hệ thống dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo. Trường hợp cần thiết tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh phối hợp với Thanh tra Chính phủ tập tuấn nghiệp vụ đảm bảo việc thực hiện kịp thời thống nhất trên địa bàn toàn tỉnh.
- Theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện các nội dung trên, tổng hợp kết quả định kỳ báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.