Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Bàn về vấn đề gây tranh cãi nhất trong dự thảo Luật thanh tra (sửa đổi) CÓ NÊN “XÓA SỔ” THANH TRA CẤP HUYỆN?

Diễn đàn thanh tra  
Bàn về vấn đề gây tranh cãi nhất trong dự thảo Luật thanh tra (sửa đổi) CÓ NÊN “XÓA SỔ” THANH TRA CẤP HUYỆN?

Trong Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) mới đây, một trong những nội dung gây chú ý và có nhiều ý kiến khác nhau là ý tưởng không thành lập cơ quan thanh tra Nhà nước ở cấp huyện. Những câu hỏi đặt ra xung quanh quy định này là: căn cứ nào để xóa bỏ một cấp thanh tra đã tồn tại nhiều thập kỷ qua? Xóa bỏ thanh tra cấp huyện có tác động gì đến hoạt động quản lý của UBND cấp huyện? Việc bỏ thanh tra cấp huyện có trái với nguyên lý “thanh tra luôn gắn với quản lý, là một khâu của chu trình quản lý” trong lý luận kinh điển hay không? Xin nêu một số ý kiến mang tính cá nhân về vấn đề này:

Thay đổi về tổ chức luôn là sự thay đổi khó khăn nhất. Sự thay đổi về tổ chức dù nhỏ cũng luôn được coi là cuộc “cách mạng” vì nó liên quan nhân sự, con người. Hãy hình dung, khi ý tưởng này thành hiện thực, bức tranh ngành thanh tra ở các địa phương sẽ như thế này:

- UBND cấp huyện sẽ bớt đi một đầu mối cấp phòng, đó là Thanh tra huyện.

- Thanh tra Tỉnh sẽ được “hoành tráng hóa” khi tiếp nhận lực lượng Thanh tra các huyện và thành lập các phòng địa phương 1, địa phương 2… với biên chế và khối lượng công việc tăng lên đáng kể. Cùng với việc thực hiện chức năng thanh tra hành chính đối với các đơn vị thuộc những sở không thành lập tổ chức Thanh tra sở thì Thanh tra tỉnh sẽ trở thành một trong những cơ quan cấp sở lớn nhất của mỗi tỉnh, thành.

         Tuy nhiên, vấn đề không nằm ở hình thức tổ chức mà là ở những tác động từ sự thay đổi đó. Có thể chỉ ra một vài tác động tích cực như sau:

- Thứ nhất, nó khắc phục được tình trạng “dàn đều” trong tổ chức các cơ quan thanh tra cấp huyện hiện nay. Thực tế cho thấy, khối lượng công việc thuộc thẩm quyền của Thanh tra mỗi huyện là rất khác biệt. Chức năng chủ yếu của Thanh tra huyện là giúp Chủ tịch giải quyết đơn thư KNTC. Hiện nay, có những huyện số lượng vụ việc phát sinh không nhiều, nhưng ngược lại, ở các huyện, thị có mật độ dân cư cao, dự án triển khai nhiều lại phát sinh số lượng vụ việc lớn. Khi lực lượng Thanh tra huyện được quản lý tập trung về Thanh tra tỉnh thì việc điều tiết lực lượng để thực hiện nhiệm vụ sẽ thuận lợi hơn.

- Thứ hai, phương án này cũng nâng cao được tính độc lập tương đối của Thanh tra ở địa phương. Về lý thuyết, hàng trăm cán bộ Thanh tra cấp huyện hiện nay sẽ “thoát” ra khỏi sự phụ thuộc về mọi mặt đối với cơ quan hành chính cùng cấp.

- Thứ ba, lực lượng thanh tra ở địa phương sẽ có điều kiện được quản lý tập trung hơn, ổn định hơn, thuận lợi hơn cho việc nâng cao trình độ nghiệp vụ, chuẩn hóa các chức danh nghề nghiệp.

Dù vậy, phương án này cũng đặt ra những câu hỏi không dễ tìm lời giải đáp. Câu hỏi lớn nhất đặt ra là: Ai sẽ giúp Chủ tịch thực hiện nhiệm vụ thanh tra và giải quyết KNTC thuộc phạm vi thẩm quyền? Chính quyền cấp huyện có một phạm vi quản lý rộng, trên tất cả mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, có hệ thống chính quyền cấp dưới, có nhiều đơn vị trực thuộc. Mà về nguyên lý, có quản lý Nhà nước là phải có thanh tra, kiểm tra. Các phòng ban chuyên môn liệu có đủ lực lượng, khả năng chuyên môn và tính khách quan để thay thế cho thanh tra trong việc phát hiện sai phạm, giải quyết đơn thư và đề xuất xử lý?

Vì thế, thiết nghĩ cần có sự nghiên cứu, đánh giá tác động nhiều mặt trước khi đề xuất quy định về cải tổ thanh tra cấp huyện. Nên có một giải pháp tổng thể chứ không đơn thuần là việc cắt ghép cơ học. Có lẽ phương án khả thi nhất là sửa đổi Luật theo hướng sắp xếp lại lực lượng thanh tra ở cấp huyện theo những nguyên tắc sau:

- Khắc phục tình trạng dàn đều về biên chế: Nơi nào khối lượng vụ việc lớn, tính chất phức tạp thì bố trí lực lượng đông hơn và ngược lại;

- Tăng cường tính tập trung trong chỉ đạo, điều hành của ngành thanh tra nói chung và của thanh tra tỉnh với thanh tra huyện nói riêng, giảm bớt sự phụ thuộc của thanh tra vào các cơ quan hành chính.

- Tăng cường kiểm soát quyền lực hành chính trên cơ sở tăng cường công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình, kể cả quá trình chỉ đạo họat động của các cơ quan thanh tra.

Nguồn: Vũ Văn Chiến, TTVCC, Hiệu Trưởng Trường Cán bộ Thanh tra​