Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Bàn về các trường hợp cần quy định tạm đình chỉ việc giải quyết khiếu nại hành chính

Diễn đàn thanh tra  
Bàn về các trường hợp cần quy định tạm đình chỉ việc giải quyết khiếu nại hành chính

1. Đặt vấn đề

Theo Từ điển Tiếng Việt “Tạm đình chỉ” có nghĩa là “dừng trong một thời gian ngắn và sẽ còn tiếp tục”. Như vậy, khác với việc đình chỉ, tạm đình chỉ là việc ngừng lại trong một thời gian và có thể tiếp tục khi có sự thay đổi. Theo nghĩa đó, tạm đình chỉ giải quyết khiếu nại là quyết định tạm ngừng hoạt động giải quyết vụ việc khiếu nại. Hậu quả pháp lý của tạm đình chỉ là tạm thời chấm dứt hoạt động giải quyết khiếu nại cho đến khi có quyết định hủy bỏ việc tạm đình chỉ.

Ý nghĩa của tạm đình chỉ giải quyết khiếu nại:

Thứ nhất, việc tạm đình chỉ giải quyết khiếu nại giúp cơ quan có thẩm quyền xử lý một số vướng mắc phát sinh trong quá trình giải quyết khiếu nại. Có những vụ việc khiếu nại đang trong quá trình giải quyết thì phát sinh những sự kiện pháp lý khiến cho quá trình giải quyết bị tạm ngừng. Do vậy, việc quy định các trường hợp tạm đình chỉ giải quyết khiếu nại sẽ giúp cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết có cơ sở pháp lý quyết định tạm ngừng giải quyết vụ việc khiếu nại. Điều này sẽ đảm bảo nguyên tắc tuân theo pháp luật trong giải quyết khiếu nại.

Thứ hai, việc quy định tạm đình chỉ giải quyết khiếu nại sẽ tránh được các trường hợp vi phạm về thời hạn giải quyết do các sự kiện bất khả kháng buộc phải ngưng giải quyết vụ việc khiếu nại.

Việc giải quyết khiếu nại lần 1, giải quyết khiếu nại lần 2 đều được quy định rõ thời hạn giải quyết trong Luật Khiếu nại (tại Điều 28. Thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu và tại Điều 37. Thời hạn giải quyết khiếu nại lần hai). Cơ quan giải quyết có trách nhiệm phải giải quyết trong thời hạn luật định. Tuy nhiên, thực tiễn giải quyết phát sinh những trường hợp buộc phải ngừng quá trình giải quyết như: do dịch bệnh không tiến hành xác minh được, cần kết quả giám định mới có cơ sở giải quyết… Cơ quan có thẩm quyền buộc phải ngừng quá trình giải quyết, nhưng thời hạn giải quyết vẫn được tính sẽ dẫn tới quá hạn giải quyết. Do vậy, việc quy định tạm đình chỉ giải quyết sẽ giúp cho cơ quan có thẩm quyền xử lý được các tình huống bất khả kháng mà không bị quá hạn giải quyết. Đồng thời, quy định sẽ giúp bó buộc trách nhiệm pháp lý của cơ quan có thẩm quyền trong giải quyết vụ việc, tránh sự tùy tiện trong giải quyết do thiếu quy định.

2. Các trường hợp cần quy định tạm đình chỉ việc giải quyết khiếu nại

Hiện nay, Luật khiếu nại cũng như các văn bản hướng dẫn không có quy định về tạm đình chỉ giải quyết khiếu nại. Tuy nhiên, trên thực tế giải quyết khiếu nại, các cơ quan gặp phải những trường hợp cần tạm đình chỉ giải quyết vụ việc. Cụ thể như:

Thứ nhất, có nội dung cần trưng cầu giám định nhưng thời gian giám định kéo dài. Trong một số vụ việc giải quyết khiếu nại, có những nội dung cần trưng cầu giám định mới có cơ sở giải quyết vụ việc khiếu nại. Nhưng thời gian giám định thường kéo dài, có thể mất cả tháng. Trong trường hợp này các cơ quan giải quyết buộc phải tạm ngừng quá trình giải quyết khiếu nại để chờ kết quả giám định mới có cơ sở giải quyết.

Thứ hai, trường hợp vụ việc phải đối thoại, nhưng người khiếu nại xin hoãn có lý do chính đáng. Đối thoại trong giải quyết khiếu nại là yêu cầu quan trọng nhằm giải quyết đúng đắn vụ việc khiếu nại và Luật Khiếu nại cũng quy định rõ các trường hợp phải tiến hành đối thoại. Vì vậy, trường hợp phải tiến hành đối thoại nhưng người khiếu nại xin hoãn có lý do chính đáng như do công việc, ốm đau,… Trong trường hợp này, cơ quan có thẩm quyền giải quyết buộc phải tạm ngừng giải quyết chờ tiến hành đối thoại để có cơ sở giải quyết.

Thứ ba, trường hợp dịch bệnh, thiên tai dẫn tới không thực hiện được quá trình xác minh giải quyết khiếu nại. Trong thời gian vừa qua, dịch bệnh covid kéo dài, thực hiện giãn cách xã hội, nhiều cơ quan không thể tiến hành hoạt động xác minh để có cơ sở giải quyết khiếu nại. Do vậy, trường hợp này cũng phải tạm ngừng quá trình giải quyết khiếu nại.

Thứ tư, trường hợp người khiếu nại chết, chờ người thừa kế hợp pháp làm thủ tục xác nhận.  Theo khoản 4, Điều 5, Nghị định 124/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật khiếu nại:

“Người khiếu nại đang thực hiện việc khiếu nại bị chết mà quyền, nghĩa vụ của người đó được thừa kế theo quy định của pháp luật thì người thừa kế có quyền khiếu nại; người thừa kế khi khiếu nại phải xuất trình với cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại giấy tờ để chứng minh quyền thừa kế của mình. Người thừa kế có thể tự mình khiếu nại hoặc ủy quyền cho luật sư, trợ giúp viên pháp lý hoặc người khác có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thực hiện việc khiếu nại. Trường hợp có nhiều người thừa kế thì những người đó có quyền ủy quyền cho một trong những người thừa kế hoặc luật sư, trợ giúp viên pháp lý hoặc người khác có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thực hiện việc khiếu nại.”

Như vậy, người khiếu nại chết thì người thừa kế có quyền khiếu nại. Tuy nhiên thời gian để làm các thủ tục xác lập quyền thừa kế có thể kéo dài. Do vậy, trong thời gian người khiếu nại đã chết và người thừa kế hợp pháp chưa làm thủ tục xác lập quyền thừa kế, cơ quan giải quyết buộc phải tạm ngừng quá trình giải quyết khiếu nại.

Hiện nay có nhiều trường hợp phải tạm ngừng quá trình giải quyết khiếu nại nhưng chưa có quy định của pháp luật. Trong khi chưa có quy định về tạm đình chỉ thì trong quá trình giải quyết gặp phải các trường hợp nêu trên các cơ quan buộc phải tạm dừng quá trình giải quyết và vi phạm thời hạn giải quyết khiếu nại theo quy định của pháp luật. Việc thiếu vắng quy định của pháp luật về tạm đình chỉ giải quyết khiếu nại cũng có thể dẫn tới sự tùy tiện trong giải quyết. Do vậy, Luật Khiếu nại cần bổ sung quy định về tạm đình chỉ giải quyết khiếu nại để có cơ sở áp dụng và ràng buộc trách nhiệm pháp lý của cơ quan có thẩm quyền trong quá trình giải quyết vụ việc.

TS. Phạm Tuấn Anh

 Trường Cán bộ Thanh tra​​