Ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, ngày 3/9/1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu 6 vấn đề cấp bách nhất cần giải quyết. Một trong sáu vấn đề đó là phải tổ chức Tổng tuyển cử để bầu ra Quốc hội chính thức và cử ra Chính phủ của dân, đồng thời thành lập Ủy ban dự thảo Hiến pháp.
Ngay sau đó, ngày 8/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Sắc lệnh số 14-SL về cuộc Tổng tuyển cử. Sắc lệnh ghi rõ: “Chiếu theo Nghị quyết của Quốc dân Đại hội ngày 16,17/8/1945 tại khu giải phóng, ấn định rằng nước Việt Nam sẽ theo chính thể dân chủ cộng hòa và Chính phủ nhân dân toàn quốc sẽ do một Quốc dân đại hội bầu theo lối phổ thông đầu phiếu cử lên”. Để xúc tiến công việc chuẩn bị cho cuộc Tổng tuyển cử, Chính phủ lâm thời lại ban hành Sắc lệnh số 51-SL, ngày 17/10/1945 quy định thể lệ cuộc Tổng tuyển cử.
Về ý nghĩa cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Người nói: “Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức để gánh vác công việc của nước nhà”; “Tổng tuyển cử tức là tự do, bình đẳng; tức là dân chủ, đoàn kết”; “Do Tổng tuyển cử mà toàn dân bầu ra Quốc hội. Quốc hội sẽ cử ra Chính phủ. Chính phủ đó thật là Chính phủ của toàn dân”. Những đối tượng được ra ứng cử đại biểu Quốc hội, theo Người là “những người muốn lo việc nước”; và “hễ là công dân đều có quyền đi bầu cử. Không chia gái trai, giàu nghèo, tôn giáo, nòi giống, giai cấp, đảng phái”.
Cuộc Tổng tuyển cử Quốc hội khóa đầu tiên ở nước ta diễn ra trong điều kiện thù trong, giặc ngoài, tình hình kinh tế-xã hội hết sức khó khăn. Do vậy, cuộc Tổng tuyển cử lần này không chỉ là một cuộc vận động chính trị thông thường, mà thực chất là cuộc đấu tranh chính trị vô cùng gay go, phức tạp và không kém phần quyết liệt. Đặc biệt, trong quá trình đấu tranh thương lượng và nhân nhượng, chúng ta đã thừa nhận 70 ghế đại diện của Việt Nam Quốc dân Đảng (Việt Quốc), Việt Nam Cách mạng Đồng minh Hội (Việt Cách) trong Quốc hội mà không thông qua bầu cử cũng như việc có đại diện của họ tham gia Chính phủ lâm thời. Đây là sách lược hết sức mềm dẻo, khôn khéo của Mặt trận Việt Minh và Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm cô lập bọn phản động, đồng thời hạn chế sự chống phá điên cuồng của chúng.
Trong diễn văn khai mạc kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Người nhấn mạnh: “Các đại biểu trong Quốc hội này không phải đại diện cho một đảng phái nào mà là đại biểu cho toàn thể quốc dân Việt Nam. Đó là một sự đoàn kết tỏ ra rằng lực lượng của của toàn dân Việt Nam đã kết lại thành một khối...”. Bởi theo Người: “Quốc hội là tiêu biểu ý chí thống nhất của dân tộc ta, một ý chí sắt đá không gì lay chuyển nổi”, “Quốc hội đoàn kết nhất trí, toàn dân đoàn kết nhất trí thì khó khăn nào chúng ta cũng khắc phục được và thắng lợi nhất định về tay ta”.
Để cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên diễn ra thắng lợi, ngày 5/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu, trong đó có đoạn “...Ngày mai là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà Nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình...”. Để mọi cử tri thực thi nhiệm vụ thiêng liêng của mình, trên Báo Cứu quốc số đặc biệt ra ngày 6/1/1946 có đăng bút tích của Người: “Khuyên đồng bào nam nữ 18 tuổi trở lên hôm nay tất cả đều đi bỏ phiếu để bầu những đại biểu xứng đáng vào Quốc hội khóa đầu tiên của nước ta”.
Với sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên đã diễn ra đúng như kế hoạch và thu được thắng lợi, chỉ một bộ phận ở phía Nam tiến hành vào ngày 23/12/1945 (do không kịp nhận lệnh hoãn), còn hầu hết đều tiến hành ngày 6/1/1946. Tất cả 71 tỉnh, thành phố có 89% tổng số cử tri đi bỏ phiếu. Cả nước bầu được 333 đại biểu. Tại Thủ đô Hà Nội có 91,95% cử tri của 74 khu nội thành và 118 làng ngoại thành đã đi bỏ phiếu. Kết quả 6 trong 74 ứng cử viên đã trúng cử đại biểu Quốc hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh trúng cử với số phiếu cao nhất (98,4%).
Tổng tuyển cử đánh dấu bước trưởng thành của Nhà nước cách mạng Việt nam, mở ra thời kỳ mới của đất nước ra có một Quốc hội một Chính phủ thống nhất, ban hành Hiến pháp, tạo dựng một bộ máy chính quyền hoàn toàn đầy đủ danh nghĩa về mặt pháp lý để đại diện cho Nhân dân Việt Nam về đối nội và đối ngoại, đồng thời cũng thể hiện sự tôn trọng và tin tưởng quyền làm chủ của Nhân dân, thực hiện chủ quyền Nhân dân.
Có thể nói, Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946 là một sự kiện lịch sử trọng đại. Nó mở đầu cho một quá trình xây dựng chế độ dân chủ mới. Đó cũng chính là sự khởi đầu và phát triển của Quốc hội, một thiết chế dân chủ, thiết chế trụ cột trong Nhà nước pháp quyền của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Thành công của cuộc Tổng tuyển cử đã và đang để lại những bài học kinh nghiệm quý báu có thể vận dụng trong công tác bầu cử hiện nay, nhằm xây dựng Quốc hội xứng đáng là cơ quan đại biểu cao nhất, cơ quan quyền lực Nhà nước cáo nhất của nước ta.
Bước vào những ngày đầu Xuân 2021-Xuân Tân Sửu, đất nước long trọng kỷ niệm 75 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội Việt Nam (6/1/1946-6/1/2021) và chuẩn bị cho ngày bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV va đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 ( ngày 23/5/2021). Hy vọng Quốc hội ta với một năm mới, mùa Xuân mới, một nhiệm kỳ mới hoàn thiện, đoàn kết dưới mái nhà chung, góp trí tuệ dựng xây đất nước giàu đẹp, văn minh./.
Chú thích:
*Trích trong ngoặc kép, Bác Hồ với Quốc hội Việt Nam, NxB Trẻ 2016.
Nguyễn Văn Thanh