Ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, để giúp Chính phủ nắm chắc tình hình, kịp thời chấn chỉnh công tác và xử lý những vi phạm của cán bộ, nhân viên nhà nước, giữ vững kỷ cương, thực hiện an dân, ngày 23/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 64/SL thành lập Ban Thanh tra đặc biệt, đánh dấu sự ra đời của ngành Thanh tra Việt Nam. Ban thanh tra đặc biệt được thành lập với các nhiệm vụ: “Giám sát tất cả các công việc và các nhân viên của UBND và các cơ quan của Chính phủ", “Nhận các đơn khiếu nại của nhân dân", “Điều tra, hỏi chứng, xem xét các tài liệu giấy tờ của các UBND hoặc các cơ quan của Chính phủ cần thiết cho công việc giám sát", “Đình chức, bắt giam bất cứ nhân viên nào trong UBND hay của Chính phủ đã phạm lỗi trước khi mang ra Hội đồng Chính phủ hay Tòa án đặc biệt xét xử". Với chức năng, nhiệm vụ được giao, ngay sau khi được thành lập, Ban Thanh tra đặc biệt đã tiến hành giám sát công việc của một số Ủy ban nhân dân địa phương, xem xét nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo của nhân dân; tháng 1/1946 đã tiến hành thanh tra tại tỉnh Hà Nam và minh oan, trả tự do cho hơn 20 người bị giam giữ. Kết quả hoạt động bước đầu của “Ban Thanh tra đặc biệt" đã góp phần quan trọng vào việc củng cố chính quyền cách mạng non trẻ, giữ nghiêm kỷ cương phép nước và củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và chính quyền cách mạng; thể hiện vai trò và sự cần thiết của công tác thanh tra đối với chính quyền ngay từ buổi đầu mới thành lập; thanh tra trở thành một chức năng thiết yếu của quản lý và là một thiết chế giám sát hoạt động của các tổ chức, cá nhân thuộc các cấp chính quyền, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, giữ vững kỷ cương, kỷ luật, xử lý các vi phạm pháp luật góp phần quan trọng vào việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước.
Trải qua các thời kỳ cách mạng, với nhiều tên gọi khác nhau như: Ban Thanh tra đặc biệt (1945 - 1948), Ban Thanh tra Chính phủ (1949 - 1954), Ban Thanh tra Trung ương của Chính phủ (1955 - 1960), Ủy ban Thanh tra của Chính phủ (1961 - 1983), Ủy ban Thanh tra Nhà nước (1984 - 1989), Thanh tra Nhà nước (1990 - 2004), Thanh tra Chính phủ (từ năm 2004 đến nay) nhưng cán bộ, công chức, viên chức ngành Thanh tra luôn giữ vững phẩm chất, bản lĩnh chính trị thể hiện được vai trò nòng cốt trong đấu tranh, phòng ngừa, xử lý vi phạm, chấn chỉnh quản lý, đề xuất hoàn thiện chính sách, pháp luật, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1946 - 1954), các tổ chức Thanh tra đã tập trung thanh tra việc thực hiện chính sách giảm tô, giảm tức, huy động công dân tích cực phục vụ tiền tuyến, công tác quản lý tài chính ở một số cơ quan hậu cần quân đội, công tác thống nhất quản lý ngân sách, thu hồi các quỹ ở tỉnh thuộc liên khu Việt Bắc, liên khu IV... Hoạt động thanh tra đã giúp trung ương Đảng và Chính phủ xem xét việc chấp hành chủ trương, chính sách ở bên dưới, ngăn ngừa những lệch lạc có thể xảy ra, đấu tranh chống các tệ nạn quan liêu, tham ô, lãnh phí, củng cố tốt mối quan hệ trên dưới, mối liên hệ quân dân, góp phần đáng kể vào việc động viên nhân dân ra sức sản xuất, bảo đảm đời sống, huy động sức người, sức của cho cuộc kháng chiến chống chủ nghĩa thực dân, xâm lược.
Trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1954 - 1975), công tác thanh tra bám sát những nhiệm vụ cấp thiết, phục vụ kịp thời sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ trong việc khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh chống Mỹ cứu nước ở miền Nam. Tại Hội nghị tổng kết công tác thanh tra toàn miền Bắc tháng 4 năm 1957, Hồ Chủ Tịch đã phân tích tầm quan trọng của công tác thanh tra, yêu cầu các cấp chính quyền cũng như các cấp bộ Đảng phải giúp đơn cho cán bộ thanh tra làm tròn nhiệm vụ. Người chỉ rõ: Thái độ, phẩm chất của người thanh tra là phải có đạo đức cách mạng, cẩn thận, khách quan, chống quan liêu, "Thanh tra là tai mắt của trên, là người bạn của dưới".
Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, cả nước xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, các tổ chức thanh tra ở các bộ, ngành, địa phương nhanh chóng được thành lập. Ngành thanh tra tập trung thực hiện nhiệm vụ chống tiêu cực, chống quan liêu, cửa quyền nhằm chấn chỉnh công tác quản lý, đồng thời phát hiện và xử lý các hành vi tiêu cực trong quản lý kinh tế và xã hội. Nhiều cuộc thanh tra chuyên đề về quản lý kinh tế - xã hội được triển khai, góp phần đáng kể vào việc khắc phục, ngăn chặn hiện tượng tiêu cực nảy sinh trong các cơ quan Đảng, Nhà nước và ngoài xã hội. Quá trình đó, ngành Thanh tra đã phát hiện những nhân tố mới, những điển hình mới trong xây dựng đất nước, phát triển kinh tế - xã hội để kiến nghị với Đảng và Nhà nước nhân rộng và hoàn thiện chủ trương, chính sách, pháp luật.
Trong công cuộc đổi mới, thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước (từ năm 1991), cùng với việc ban hành một số văn bản quan trọng như: Pháp lệnh Thanh tra, Pháp lệnh Khiếu nại, tố cáo, Pháp lệnh Chống tham nhũng; tổ chức và hoạt động của ngành Thanh tra ngày càng đi vào nề nếp. Ngành Thanh tra đã bám sát các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đã tập trung thanh tra làm rõ nhiều vấn đề bấp cập nảy sinh trong nền kinh tế thị trường. Nhiều vấn đề nổi lên trong quản lý điều hành của các cấp chính quyền và bức xúc của nhân dân được quan tâm giải quyết. Cùng với việc tăng cường công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng phục vụ công cuộc đổi mới, ngành Thanh tra tiếp tục nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện thể chế, đổi mới tổ chức và hoạt động thanh tra để phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ mới. Luật Khiếu nại, tố cáo (năm 1998, sửa đổi bổ sung năm 2004, năm 2005); Luật Thanh tra (năm 2004, năm 2010); Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo (năm 2011); Luật Phòng, chống tham nhũng (năm 2005, sửa đổi bổ sung một số điều năm 2007, năm 2012); Luật Tiếp công dân (năm 2013) được xây dựng và được Quốc hội thông qua; nhiều Nghị định hướng dẫn thi hành Luật, quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ, Thanh tra bộ được ban hành. Đây chính là cơ sở pháp lý vững chắc cho việc tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy, biên chế của các cơ quan thanh tra nhà nước, đã tạo điều kiện thuận lợi, sức mạnh mới, nâng cao chất lượng hoạt động thanh tra, giải quyết KNTC và phòng chống tham nhũng, góp phần tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, là công cụ đắc lực phục vụ sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của Nhà nước.
Cùng với các tổ chức Thanh tra cả nước, Thanh tra tỉnh Hà Nam ngay sau khi được thành lập cũng đã tập trung thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Trong các giai đoạn lịch sử xây dựng và trưởng thành Thanh tra Hà Nam mang những tên gọi khác nhau: 1965 - 1976 với tên gọi Thanh tra Nam Hà, 1976 - 1992 Thanh tra Hà Nam Ninh, 1992 - 1996 Thanh tra Nam Hà; trong mọi điều kiện và hoàn cảnh, cán bộ, công chức Thanh tra Hà Nam đã kề vai sát cánh cùng những người anh em Thanh tra Nam Định, Ninh Bình phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ của ngành, phục vụ kịp thời các nhiệm vụ chiến lược trong từng thời kỳ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Khi tái lập tỉnh (tháng 1/1997), mặc dù gặp không ít khó khăn về cơ sở vật chất cũng như đội ngũ cán bộ, song với tinh thần quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, ngành Thanh tra của tỉnh đã nhanh chóng củng cố kiện toàn tổ chức bộ máy, hướng mọi hoạt động vào việc phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 15, 16, 17, 18, 19. Tích cực chủ động tham mưu, đề xuất với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện nghiêm túc chương trình công tác thanh tra đã đề ra. Kết quả trong 5 năm (2010 - 2015) của toàn ngành:
Trong công tác thanh tra, toàn ngành đã thực hiện trên 700 cuộc thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực hành chính và chuyên ngành trên các lĩnh vực kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng; các cuộc thanh tra đã triển khai trên diện rộng như: Thanh tra các chương trình dự án đầu tư phát triển nông nghiệp nông thôn; thanh tra việc quản lý và sử dụng đất đai; thanh tra việc quản lý đầu tư xây dựng cơ bản; thanh tra việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT; thanh tra việc quản lý và khai thác tài nguyên khoáng sản… Các cuộc thanh tra đều đã hoàn thành tốt nội dung, kế hoạch đề ra. Qua thanh tra đã phát hiện và kiến nghị các cấp có thẩm quyền thu hồi trên 50 tỷ đồng và trên 109ha đất, số đã thu đạt trên 90%. Hoạt động thanh tra kinh tế xã hội trong những năm qua, luôn hướng vào những lĩnh vực quản lý Nhà nước trọng yếu hoặc những vấn đề mà xã hội quan tâm, bức xúc, những nơi xuất hiện nhiều KNTC. Kết quả thanh tra đã trực tiếp ngăn ngừa sai phạm trên một số lĩnh vực quản lý Nhà nước, kiến nghị xử lý nghiêm minh các hành vi sai phạm, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, chống các hành vi lãng phí, tiêu cực, tham nhũng, củng cố lòng tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của cấp ủy và chính quyền địa phương.
Công tác giải quyết KNTC, gặp nhiều khó khăn phức tạp, nội dung khiếu tố đa dạng, liên quan đến tất cả các lĩnh vực quản lý kinh tế, xã hội ở các địa phương trong tỉnh. Trước tình hình đó, ngành Thanh tra luôn quán triệt sâu sắc chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ về công tác giải quyết KNTC của công dân. Được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, cơ quan Thanh tra các cấp, các ngành trong tỉnh tích cực chủ động tham mưu thực hiện tốt Quy chế tiếp dân và giải quyết KNTC theo thẩm quyền.
Toàn ngành đã tham mưu cho lãnh đạo các cấp, các ngành tổ chức tiếp công dân và đã tiếp được trên 17 nghìn lượt người, tiếp nhận trên 800 đơn thư KNTC, hàng năm số đơn thư đã giải quyết đạt trên 90%. Một số vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, Thanh tra tỉnh đã phối hợp với các ngành chức năng và UBND các huyện, thành phố tham mưu tích cực với UBND tỉnh giải quyết dứt điểm, không để phát sinh thành điểm nóng. Tăng cường đối thoại trong quá trình tiếp dân và giải quyết KNTC; Thanh tra tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh và trực tiếp đối thoại trong quá trình giải quyết hàng trăm vụ việc, xác định đối thoại là con đường ngắn nhất đi đến lòng dân.
Thực hiện Kế hoạch 319/KH-TTCP ngày 20/02/2009, Kế hoạch số 1130/KH-TTCP ngày 10/5/2012, Kế hoạch số 2100/KH-TTCP ngày 19/9/2013 của Thanh tra Chính Phủ; Thanh tra tỉnh đã tham mưu tích cực cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành trong tỉnh tiến hành rà soát các vụ việc khiếu nại, tố cáo còn tồn đọng, tập trung xây dựng kế hoạch giải quyết dứt điểm. Thanh tra tỉnh cũng đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản về công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư KNTC như: Quy chế tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý, giải quyết và quản lý hồ sơ KNTC; Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án đổi mới công tác tiếp công dân; Kế hoạch kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc KNTC phức tạp, tồn đọng; Kế hoạch thực hiện Đề án "Tiếp tục tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về KNTC ở xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2013 - 2016"; Chỉ thị số 06/CT-UBND ngày 27/5/2015 tăng cường công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra còn tham mưu cho Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 25-CT/TU ngày 29/7/2014 và Kế hoạch 1478/KH-UBND ngày 29/8/2014 của UBND tỉnh triển khai thực hiện Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác tiếp dân và giải quyết KNTC.
Việc công khai cơ chế chính sách, kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo; xử lý nghiêm vi phạm trên chuyên mục "Vấn đề hôm nay", trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là trên cổng thông tin của Thanh tra tỉnh đã góp phần tích cực vào công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo. Thanh tra tỉnh tham mưu UBND tỉnh duy trì có hiệu quả hoạt động của 6 Đoàn công tác của UBND tỉnh đi kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn việc giải quyết đơn thư ở các huyện, thành phố.
Kết quả giải quyết đơn thư KNTC đã góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, công dân, củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước; làm trong sạch đội ngũ cán bộ, công chức, tăng cường hiệu lực quản lý của Nhà nước, ổn định tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh, phục vụ nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Trong công tác phòng, chống tham nhũng, ngành Thanh tra đã cùng các cấp, các ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục về phòng, chống tham nhũng gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" và đẩy mạnh việc thực hiện "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" dưới nhiều hình thức. Cùng với công tác phòng ngừa, ngành Thanh tra gắn hoạt động thanh tra với phát hiện và xử lý tham nhũng.
Trong công tác xây dựng ngành, đội ngũ cán bộ ngành Thanh tra của tỉnh đã có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng nhưng so với yêu cầu nhiệm vụ được giao thì số lượng còn quá mỏng, nhất là cơ quan Thanh tra tỉnh. Việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị góp phần vào việc ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên của ngành.
Ghi nhận thành tích và những đóng góp của ngành Thanh tra tỉnh nhà trong những năm qua, nhiều tập thể, cá nhân trong ngành đã vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương lao động hạng nhì; Huân chương lao động hạng ba; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Cờ thi đua xuất sắc và bằng khen của Thanh tra Chính phủ; Bằng khen của các bộ ngành; Cờ thi đua xuất sắc và Bằng khen của UBND tỉnh cho các tập thể và cá nhân trong ngành Thanh tra của tỉnh. Có 90 đồng chí cán bộ thanh tra viên trong ngành có thành tích và thời gian công tác lâu năm đã được Thanh tra Chính phủ tặng kỷ niệm chương vì sự nghiệp Thanh tra. Nhiều tập thể được Thanh tra Chính phủ, UBND tỉnh tặng danh hiệu tập thể lao động xuất sắc; nhiều đồng chí được tặng danh hiệu chiến sỹ thi đua cấp cơ sở, chiến sỹ thi đua cấp tỉnh, bộ ngành.
Nhìn lại quá trình xây dựng và phát triển của ngành Thanh tra tỉnh trong 70 năm qua, có thể khẳng định trong mọi giai đoạn cách mạng, ngành đã luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng, bảo vệ và đổi mới đất nước, hoàn thành thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. Phát huy truyền thống vẻ vang của ngành, góp phần thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra, ngành Thanh tra tỉnh xác định một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần thực hiện trong thời gian tới:
Một là, trong công tác thanh tra cần bám sát kế hoạch, kịp thời thanh tra đột xuất, tập trung vào những lĩnh vực dễ sảy ra tham nhũng, tiêu cực nhằm phát hiện, chấn chỉnh những sơ hở, bất cập trong quản lý, xử lý các hành vi vi phạm, tiêu cực cũng như kiến nghị sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách cho phù hợp. Nâng cao chất lượng công tác thanh tra, bảo đảm kết luận thanh tra chính xác, khách quan, đúng pháp luật, đồng thời tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kết luận thanh tra; tăng cường quan hệ phối hợp với các cấp, các ngành trong công tác.
Hai là, trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo cần tăng cường công tác quản lý Nhà nước; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và thực hiện đồng bộ các quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo; tập trung giải quyết các vụ việc khiếu kiện đông người, phức tạp, kéo dài.
Ba là, trong công tác phòng, chống tham nhũng có giải pháp đồng bộ, tiến hành quyết liệt hơn để tạo chuyển biến rõ rệt. Chủ động, tích cực tham mưu hướng dẫn, đôn đốc, triển khai các biện pháp phòng ngừa. Đồng thời đẩy mạnh phát hiện tham nhũng và có biện pháp kiên quyết thu hồi tài sản tham nhũng.
Bốn là, về công tác xây dựng nội bộ, chấn chỉnh lề lối làm việc, tăng cường đoàn kết, thống nhất; kiên quyết làm trong sạch, làm lành mạnh đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Nâng cao phẩm chất đạo đức, trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, thanh tra viên, bảo đảm thật sự trong sạch, có bản lĩnh, có dũng khí, vì lợi ích của chế độ, của nhân dân xứng đáng với lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thanh tra là tai mắt của trên, là người bạn của dưới".